Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 15/11/2024 16:18 (GMT +7)
Những tuyệt tác sắp biến mất của tạo hóa
Thứ 4, 05/05/2021 | 09:51:00 [GMT +7] A A
Theo báo cáo của IPBES vào năm 2019, khoảng 75% diện tích đất và 66% diện tích biển trên Trái Đất đã bị "thay đổi đáng kể" bởi con người. Việc chăn nuôi và trồng trọt đang sử dụng hơn 33% diện tích mặt đất và 75% nguồn nước ngọt.
Các hoạt động nông nghiệp là một trong những nguyên nhân chủ chốt gây ra khí thải nhà kính, do sự sử dụng phân bón, phá rừng để nuôi trồng. Động thực vật còn bị đe dọa bởi nạn thu hái, săn bắt quá đà; biến đổi khí hậu; ô nhiễm và sự lan rộng của các loài ngoại lai. Khoảng một triệu loài cây và động vật đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Nếu không có những biện pháp mạnh mẽ, những cảnh quan, hệ sinh thái đặc hữu trên Trái Đất sẽ sớm biến mất vĩnh viễn.
Đại lộ bao báp là tên gọi của một nhóm cây cổ thụ nằm ven con đường đất nối giữa Morondava và Belon'i Tsiribihina, thuộc vùng Menabe phía tây Madagascar. Khung cảnh tuyệt diệu của nơi này thu hút du khách từ khắp nơi trên thế giới, biến nơi đây trở thành một trong những điểm tham quan đông khách nhất vùng. Đối mặt với biến đổi khí hậu cùng những hoạt động canh tác của con người, số phận của những cây bao báp này ngày càng bị đe dọa. Hiện tại, nhiều nỗ lực bảo tồn nơi này đã được triển khai, với hy vọng có thể giữ lại đại lộ đẹp như cổ tích này. Ảnh: Economic Times. |
Hồ - đầm lầy Caddo rộng đến 25.400 héc-ta, nằm trên ranh giới giữa Texas và Louisiana, nổi tiếng với rừng tùng ngập nước. Những cây tùng cổ thụ phủ rêu lên đến hàng trăm năm tuổi nằm trên mặt nước, tạo khung cảnh như trong những tiểu thuyết của Tolkien. Bị đe dọa bởi hiện tượng nóng lên toàn cầu và sinh vật ngoại lai, tốc độ sinh trưởng của thủy tùng ở đây đã giảm nhanh chóng. Đây là vùng đầm lầy được bảo vệ ở cấp độ quốc tế. Hiện tại, du khách có thể khám phá nơi này bằng thuyền kayak. Ảnh: Itookapic. |
Rừng Amazon (Nam Mỹ): Rừng Amazon trải rộng trên nhiều quốc gia Nam Mỹ và là rừng mưa nhiệt đới lớn nhất thế giới, nổi tiếng về độ đa dạng sinh học. Nơi đây có hàng nghìn con sông, tạo nên môi trường sinh thái cho hệ động thực vật phong phú, cũng như cung cấp nguồn sống cho con người. Tuy nhiên, tốc độ tàn phá rừng ngày càng tăng cùng sự biến đổi khí hậu toàn cầu đã khiến diện tích rừng bị thu hẹp nhanh chóng. Với đà này, theo một nghiên cứu được đăng tải trên tờ Nature Communications, rừng Amazon có thể biến thành hoang mạc trong vòng 50 năm sau khi hệ sinh thái ở đây đạt đến ngưỡng sụp đổ. Ảnh: Scoop. |
Biển Chết (Israel và Jordan): Là khu vực trên đất liền thấp nhất so với mực nước biển, nước Biển Chết có độ mặn trung bình lên đến 35%, gấp 10 lần nước biển thông thường, khiến con người nổi trên mặt nước và chứa nhiều khoáng chất có khả năng trị liệu. Các chuyên gia cho rằng vùng nước này sẽ biến mất hoàn toàn trong 50 năm tới. Trong 4 thập kỷ qua, diện tích của Biển Chết đã thu hẹp 1/3, và mực nước rút xuống hơn 24 m, trung bình 30 cm/năm. Nguyên nhân chủ chốt là sông Jordan - nguồn nước chính của Biển Chết - bị Jordan, Syria và Israel sử dụng cho sinh hoạt và nông nghiệp ngày càng nhiều. Khu vực này chịu thêm áp lực từ các nhà máy mỹ phẩm khai thác nguyên liệu. Ảnh: Walk My World. |
Rạn san hô Great Barrier (Australia): Hệ sinh thái san hô khổng lồ của Australia có kích cỡ tương đương với Nhật Bản, với hơn 2.900 rạn san hô riêng biệt và 900 hòn đảo trải rộng trên khu vực có diện tích 344.400 km2. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng đến năm 2030, nơi này sẽ biến mất. Quỹ Bảo tồn Australia nhận định sự ấm lên của nước biển, kết hợp với nước có nồng độ axit cao hơn, có thể giết chết 97% san hô tại Great Barrier. Ảnh: CNTraveler. |
Quần đảo Galapagos (Ecuador) nằm cách đất liền 1.000km, đây là nơi sinh sống của nhiều loài động thực vật đặc hữu. Charles Darwin đã đến đây vào năm 1835. Việc quan sát các loài tại Galápagos đã truyền cảm hứng cho thuyết tiến hóa của ông sau này. Tuy nhiên, hệ sinh thái nơi đây đang bị đe dọa bởi việc đánh cá quá mức cũng như sự ấm lên của nước biển. Các rạn san hô đang chết dần, và động vật bản địa bị đe dọa bởi du lịch. Ảnh: Lonely Planet. |
Lòng chảo Congo trải rộng trên lãnh thổ của 6 quốc gia châu Phi, và là khu rừng nhiệt đới lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Amazon. Nơi này có khoảng 10.000 loài thực vật nhiệt đới, 30% trong số đó là đặc hữu, cùng nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm như voi rừng, khỉ đột, tinh tinh... Đây cũng là nơi sinh sống của con người trong hơn 50.000 năm qua, nơi cung cấp thức ăn, nước uống và chỗ trú ngụ cho hơn 80 triệu người. Mỗi năm, hai triệu héc-ta rừng ở lòng chảo Congo đã bị phá hủy, do việc khai thác gỗ bất hợp pháp, trồng trọt, khai thác mỏ, chiến tranh... Nếu các nỗ lực bảo tồn không được đẩy mạnh, các nhà khoa học ước tính đến năm 2040, khoảng 2/3 diện tích rừng sẽ biến mất. Ảnh: Profor. |
Lãnh băng Alaska (Alaska, Mỹ) bao phủ bờ biển phía tây và phía bắc Alaska là quần xã sinh học lạnh nhất thế giới. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, khu vực phía bắc Alaska đã có sự gia tăng đáng kể về nhiệt độ - nhanh hơn tốc độ trung bình của toàn cầu, dẫn đến việc các tầng băng hà vĩnh cửu ở đây tan ra. Những đám cháy ở mức độ thảm họa cũng xuất hiện, khiến môi trường tại đây trở nên mong manh hơn. Tốc độ xói mòn ngày càng tăng ở bờ biển cũng có ảnh hưởng trực tiếp đến gấu Bắc Cực và con mồi của chúng. |
Vùng băng Patagonia (Argentina): Là vùng băng ngoài Nam Cực lớn nhất nam bán cầu, vùng băng Patagonia gồm ba khu chính: Bắc, Nam và Cordillera Darwin. Tổng cộng, chúng chứa đến 5.500 gigaton băng, đủ để làm mực nước biển toàn cầu dâng lên 15 mm nếu tan hết. Khung cảnh tuyệt đẹp khiến đây từ lâu là điểm du lịch nổi tiếng thế giới, dành cho những người đam mê khám phá thiên nhiên. Tuy nhiên, các sông băng của Patagonia đang mỏng đi với tốc độ trung bình 1,8 m/năm do biến đổi khí hậu cũng như tác động từ con người. Chỉ ba trong số đó mở rộng hơn trong những năm gần đây, nhưng số còn lại - chiếm đến 90% - đang thu hẹp lại. Ảnh: Pexels. |
Theo Zing
Liên kết website
Ý kiến ()