Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 26/12/2024 22:06 (GMT +7)
Những “thành lũy xanh” nơi biên cương
Chủ nhật, 30/04/2023 | 07:32:14 [GMT +7] A A
Chống sạt lở bờ sông biên giới và giúp người dân có thêm thu nhập, đó là mục tiêu của Đề án “Trồng tre bảo vệ biên giới” đã và đang được Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh phối hợp với các địa phương biên giới triển khai. Sau gần 3 năm triển khai, những “thành luỹ xanh” nơi biên cương đã góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.
Trồng tre bảo vệ biên giới
Đến xã biên giới Bắc Sơn (TP Móng Cái), đi dọc đường vành đai biên giới, đến đâu chúng tôi cũng bắt gặp những nụ cười chan chứa niềm tin của đồng bào các dân tộc vùng cao nơi đây. Bà con đã và đang chung tay cùng lực lượng BĐBP vun trồng những lũy tre dọc bờ sông Ka Long để chống sạt lở bờ sông, góp phần hình thành những “thành lũy xanh” bảo vệ vững chắc biên cương vùng Đông Bắc của Tổ quốc. Phên dậu biên cương được xây bằng những lũy tre thân thuộc với tinh thần đoàn kết gắn bó tình quân dân.
Hôm chúng tôi đến cũng đúng ngày người dân xã đang cùng CBCS Đồn Biên phòng Bắc Sơn tổ chức ra quân trồng thêm và chăm sóc những khóm tre dọc bờ sông biên giới theo mô hình “Trồng tre bảo vệ biên giới” tại khu vực biên giới thôn Phình Hồ, xã Bắc Sơn. Men theo con đường mòn dọc bờ sông biên giới chúng tôi thật sự ấn tượng bởi màu xanh bát ngát của những lũy tre đang sức vươn cao. Dọc bờ sông, tre mọc dày như thành lũy, lá tre xào xạc hòa với tiếng nước vỗ bờ và tiếng chim ríu rít buổi sớm mai tạo khúc hòa ca sức sống mới nơi biên cương.
Trung tá Mai Văn Thể, Chính trị viên Đồn Biên phòng Bắc Sơn, phấn khởi cho biết: Đồn được giao nhiệm vụ quản lý địa bàn 7 xã, phường biên giới, ven biển của TP Móng Cái, có chiều dài đường biên 26,1km. Tuyến biên giới do đơn vị quản lý có địa hình hiểm trở, dân cư sống thưa thớt, còn nhiều diện tích đất trống, đồi núi trọc. Vào mùa mưa, lượng nước từ thượng nguồn đổ về rất lớn khiến bờ sông biên giới Ka Long có nhiều đoạn bị sạt lở nghiêm trọng. Thực hiện Đề án “Trồng tre bảo vệ biên giới” do Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh phát động, Đồn đã chủ động phối hợp với địa phương mua giống tre Bát Độ, vận động đồng bào đào thêm gốc tre gai, tre mai về trồng dọc theo bờ sông biên giới để ổn định được dòng chảy, chống sạt lở bờ sông. Khi tre phát triển ổn định, đơn vị bàn giao cho nhân dân quản lý, chăm sóc, thu hoạch măng để có thêm thu nhập. Với cách làm này, Đồn đã phối hợp trồng được hàng nghìn gốc tre dọc bờ sông biên giới.
Chúng tôi đến địa điểm tổ chức trồng tre trên bờ sông biên giới thuộc địa bàn thôn Phình Hồ. Ông Choỏng Sao Chằn (người dân thôn Phình Hồ) đang cùng bộ đội trồng và chăm sóc những lũy tre nơi bờ sông biên giới, chia sẻ: "Tôi đã nhiều lần chứng kiến tình trạng sạt lở bờ sông biên giới vào mùa mưa lũ, không chỉ ảnh hưởng đến đất đai canh tác của người dân, mà còn gây khó khăn cho các lực lượng chức năng trong việc xác định và quản lý đường biên giới. Hiểu rõ điều đó, nên khi được cán bộ xã và lực lượng biên phòng tuyên truyền, vận động, người dân chúng tôi rất tích cực tham gia. Hằng ngày vào những lúc nông nhàn, người dân lại vào rừng đào gốc tre về trồng dọc bờ sông, phân công nhau chăm sóc, quản lý. Dần dần, tre thành hàng, thành lũy và cho những búp măng rừng chất lượng để người dân hái đi bán, kiếm thêm thu nhập".
Ông Chỏng A Bình, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Phình Hồ, nói: Phát huy những kết quả đạt được, thôn tiếp tục vận động nhân dân đoàn kết, cùng nhau bảo vệ, chăm sóc và trồng thêm nhiều luỹ tre xanh dọc bờ sông biên giới. Người dân hằng ngày ra bờ sông biên giới chăm sóc, thu hái măng chủ động nắm bắt tình hình, quan sát đường biên, cột mốc biên giới, có điều gì bất thường sẽ báo ngay với BĐBP để xử lý kịp thời.
Tạo dựng những vành đai xanh
Đi dọc tuyến đường vành đai biên giới từ Móng Cái đến Bình Liêu, chúng tôi bắt gặp rất nhiều những rặng tre xanh được quân và dân nơi biên ải trồng sát bờ sông biên giới, tạo thành những “thành luỹ xanh” tự nhiên, giúp giữ đất, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới.
Thiếu tá Trần Đại Dương, Chính trị viên Đồn Biên phòng Pò Hèn, chia sẻ: Triển khai mô hình trồng tre trên biên giới có ý nghĩa rất lớn. Tre là loài cây trồng quen thuộc, gắn liền với đời sống, tinh thần yêu nước của mỗi người dân Việt Nam. Thông qua trồng tre không chỉ giúp phủ xanh đất trống, đồi trọc, chống sạt lở đất bờ sông biên giới, mà còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, chống biến đổi khí hậu. Cây tre phát triển sẽ tạo thành hàng rào tự nhiên kiên cố, đảm bảo che chắn biên giới và giúp người dân dễ nhận biết đường biên giới, tạo thuận lợi cho công tác quản lý biên giới, ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép, góp phần đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới” theo Chỉ thị số 01/CT-TTg, ngày 9/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
Với ý nghĩa đó, thời gian qua Đồn Biên phòng Pò Hèn đã tập trung làm công tác tuyên truyền, vận động để người dân tích cực tham gia. Bởi hơn ai hết, những người trực tiếp sống và làm việc ở biên giới đều ý thức được việc bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới. Sau này người dân tự trồng thêm tre để giữ đất vườn nhà mình không bị lũ làm xói lở và lấy măng bán. Tre bén rễ, từ từ cắm sâu vào lòng đất, gia cố bờ sông Ka Long sau những đợt lũ tràn về. Dần dần, tre thành hàng, thành lũy và xanh ngát một màu như hiện nay.
Cùng bộ đội chăm sóc những gốc tre mới trồng, anh Đặng Văn Hiển (thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn) phấn khởi cho hay: Gần như ngày nào người dân trong thôn cũng đi thăm, kiểm tra, phát dọn cỏ xung quanh những gốc tre mới trồng, vì ở đây chỉ vài tuần không để ý tới là cỏ mọc um tùm. Mỗi gốc tre mà bộ đội và người dân thôn trồng sẽ góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới; đồng thời giúp bà con yên tâm sinh sống và làm giàu ngay trên quê hương mình.
Ý tưởng trồng tre dọc sông biên giới để chống sạt lở, ổn định được dòng chảy, từ đó dễ dàng hơn trong việc xác định và quản lý đường biên giới... đã được BĐBP tỉnh thực hiện thí điểm ở một số tuyến biên giới từ đầu những năm 2000, được các cấp, ngành, địa phương, đơn vị, và nhân dân các dân tộc trên địa bàn biên phòng rất đồng thuận. Nhờ đó những lũy tre xanh giữ đất biên cương dẫn trải rộng theo từng năm.
Nhận thấy hiệu quả thiết thực của việc trồng tre trên biên giới, đầu năm 2021 BĐBP tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh triển khai Đề án “Trồng tre bảo vệ biên giới” dọc theo toàn bộ chiều dài tuyến biên giới của tỉnh. Theo đó Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức đến đông đảo người dân về mục đích, ý nghĩa của việc trồng tre bảo vệ biên giới; xây dựng ý thức bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.
Từ năm 2021 đến nay đã có hàng vạn gốc tre được trồng dọc tuyến biên giới của tỉnh. Những bãi đất hoang, đồi trọc, những đoạn bờ sông biên giới bị mưa lũ gây sạt lở đã được phủ kín bởi những “thành luỹ xanh”, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, bảo đảm an ninh, quốc phòng khu vực biên giới.
Nguyễn Chiến
Liên kết website
Ý kiến ()