Từ giữa tháng 9, Covid-19 tưởng như không còn tồn tại ở Đan Mạch. Các trường học và nơi làm việc đều mở cửa. Người dân có thể đến quán bar, hộp đêm, nhà hàng, rạp chiếu phim, phòng gym và địa điểm thi đấu thể thao mà không cần xuất trình bằng chứng tiêm chủng.
Chính quyền cũng không áp đặt quy định giãn cách xã hội hay hạn chế tụ tập đông người, ngay cả trong không gian kín. Khẩu trang hiếm khi được nhìn thấy nơi công cộng, trừ các sân bay. Trong khi đó, trang web của Cơ quan Y tế Đan Mạch phát một video nhạc rap cảm ơn những người đã tiêm vaccine Covid-19 đầy đủ, chiếm 86% dân số trên 12 tuổi.
Tuy nhiên, việc gỡ bỏ các biện pháp hạn chế không đồng nghĩa với đại dịch đã trôi qua. Số ca nhiễm nCoV tại Đan Mạch gia tăng nhanh chóng kể từ khi giới chức dỡ hạn chế, lên mức trung bình 2.600 ca mới mỗi ngày, trong khi con số này trước tháng 9 là 500. Số ca nhiễm trên 100.000 người cũng tăng gấp đôi so với trước khi thả cửa.
Vì vậy, chính phủ Đan Mạch quyết định tái áp đặt yêu cầu xuất trình thẻ xanh Covid-19 tại những địa điểm kín tập trung hơn 200 người và khu vực ngoài trời gồm hơn 2.000 người. Quy định về khẩu trang cũng có thể được áp dụng trở lại khi mùa đông sắp đến.
Chính quyền nhiều quốc gia châu Âu khác cũng hành động tương tự Đan Mạch, trong bối cảnh châu lục này lại trở thành tâm dịch toàn cầu, theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Tính đến giữa tuần trước, số ca nhập viện vì Covid-19 tại châu Âu đã tăng gấp đôi trong vòng 4 tuần.
Động thái tái áp đặt hạn chế khiến người dân tại một số nước trở nên phẫn nộ. Hôm 13/11, hàng nghìn người đã tuần hành trên khắp Italy để phản đối áp dụng thẻ xanh Covid-19, với khoảng 4.000 người tập trung tại Cổng Hòa bình ở thành phố Milan. Một số người biểu tình còn phản đối tiêm chủng.
Biểu tình cũng nổ ra tại Hà Lan ngay sau khi Thủ tướng Mark Rutte ban lệnh phong tỏa một phần kéo dài ít nhất ba tuần, do số ca nhiễm mới lên mức cao chưa từng thấy dù gần 85% dân số đã được tiêm vaccine đầy đủ. Hàng trăm thanh niên đã tập trung tại quảng trường thành phố Leeuwarden và đốt pháo sáng. Cuộc biểu tình tại The Hague thậm chí trở nên bạo lực, dẫn đến ít nhất 5 người bị bắt.
Trong khi đó, kết quả một cuộc khảo sát cho thấy hơn 90% người dân Đan Mạch ủng hộ chính quyền áp dụng các biện pháp chống dịch mới. Suốt thời kỳ đại dịch, những lệnh phong tỏa tạm thời tại Đan Mạch cũng không vấp phải phản ứng dữ dội nào.
Đan Mạch cũng chưa từng phải áp dụng lệnh giới nghiêm. Những hạn chế về tụ tập trong nhà được thực hiện thông qua các khuyến nghị từ cơ quan y tế được người dân ủng hộ rộng rãi, thay vì phải thực thi luật pháp. Sau khi vaccine Covid-19 được cấp phép, người dân Đan Mạch cũng nhanh chóng đi tiêm.
Theo các nhà nghiên cứu người Đan Mạch thuộc HOPE, dự án phân tích cách các nền dân chủ ứng phó Covid-19, chính phủ Đan Mạch ngay từ đầu đại dịch đã giành được lòng tin của người dân, thông qua những cuộc họp báo thường xuyên, được phát sóng trên toàn quốc, với sự tham gia của Thủ tướng Mette Frederiksen và các quan chức chủ chốt khác.
Họ đã đưa ra những thông điệp điều phối dựa trên thông tin thực tế về Covid-19, đồng thời nhấn mạnh nghĩa vụ đạo đức của người Đan Mạch với cộng đồng. "Chúng ta phải sát cánh bên nhau bằng cách duy trì giãn cách xã hội", bà Frederiksen phát biểu tại cuộc họp báo tuyên bố lệnh phong tỏa hồi tháng 3/2020.
Lòng tin và ý thức cộng đồng cao đã giúp các chính sách ứng phó Covid-19 trở nên dễ thực thi hơn. Kết quả là ngay cả thời điểm Covid-19 diễn biến tồi tệ nhất ở Đan Mạch, tình hình vẫn tốt hơn nhiều so với các nước khác. Số người chết vì Covid-19 trên một triệu dân tại Mỹ và Anh lần lượt là 2.303 và 2.126, trong khi con số này tại Đan Mạch là 471. Dù Covid-19 đang trỗi dậy ở châu Âu, Đan Mạch mới ghi nhận 315 người đang điều trị trong bệnh viện.
Nghiên cứu của nhóm chuyên gia Đan Mạch thuộc dự án HOPE cũng cho thấy yếu tố quan trọng đầu tiên giúp nước này ứng phó dịch thành công là lòng tin vào xã hội và chính quyền, cũng như tâm lý sẵn sàng tiêm chủng. 90% người dân cho biết họ có mức độ tin tưởng cao hoặc trung bình vào giới chức y tế. Đan Mạch còn là quốc gia có mức độ phân cực chính trị và lan truyền tin giả thấp. Thêm vào đó, người dân luôn đề cao tinh thần cộng đồng.
Tuy nhiên, không phải tất cả quyết định của chính quyền đều được người dân ủng hộ. Lòng tin của công chúng bị sụt giảm mạnh mẽ nhất hồi tháng 11/2020, khi Thủ tướng Frederiksen ra lệnh tiêu hủy khoảng 17 triệu con chồn trong 1.000 trang trại ở Đan Mạch, nhằm ngăn nCoV lây lan giữa chúng. Trong vòng hai tuần, khoảng 11 triệu con chồn đã bị giết, ảnh hưởng nặng nề đến ngành công nghiệp.
Thực tế, chính phủ không có thẩm quyền pháp lý để ra mệnh lệnh này, khiến sự việc trở thành bê bối. Bộ trưởng Nông nghiệp Đan Mạch từ chức, trong khi chính phủ có khả năng phải bồi thường ba tỷ USD cho các nông dân và ngành chăn nuôi chồn. Thủ tướng Frederiksen cũng sẽ bị chất vấn vào tháng sau.
"Niềm tin vẫn là yếu tố quan trọng để chấm dứt đại dịch, đòi hỏi sự minh bạch, cởi mở và sẵn sàng đối mặt biến cố. Đây cũng có thể là thách thức quan trọng nhất đối với thế giới hậu đại dịch. Do đó, những thành công và sai lầm ở Đan Mạch có thể để lại bài học", các nhà nghiên cứu kết luận.
Ý kiến ()