Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 18:44 (GMT +7)
Niềm tin khởi sắc cho kinh tế Việt Nam năm 2022
Thứ 6, 31/12/2021 | 14:31:12 [GMT +7] A A
2021 là một năm nhiều tiếc nuối với nền kinh tế Việt Nam do những tác động bất lợi từ dịch Covid-19, nhưng các chuyên gia kinh tế vẫn cho rằng, bức tranh kinh tế nước ta vẫn còn những điểm sáng để có thể kỳ vọng vào một năm mới, một giai đoạn mới tươi sáng hơn, thành công hơn.
Những dấu ấn 2021…
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương trước thềm năm mới 2022, TS. Nguyễn Đình Cung – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) – cho rằng: Năm 2021 là một năm có nhiều điều nuối tiếc đối với nền kinh tế Việt Nam, bởi có những mục tiêu kinh tế đưa ra từ đầu năm không đạt được do tác động nặng nề của đại dịch Covid-19. Trong đó có mục tiêu tăng trưởng GDP, kết quả tăng trưởng GDP chúng ta đạt được trong năm 2021 2,58%, rất thấp so với mục tiêu đề ra của Quốc hội là 6% và Chính phủ là 6,5% trong cả năm.
Nhưng có lẽ, điều đáng suy ngẫm hơn cả lại không phải là mục tiêu tăng trưởng kinh tế không thể cán đích, mà đó chính là sự mất mát về sinh mạng con người trong đại dịch Covid-19; cùng với đó là sự lo âu, hoang mang của rất nhiều người lao động bị mất việc làm do thời gian giãn cách xã hội kéo dài tại TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phía Nam…
“Đó thực sự là một nốt trầm, một sự tiếc nuối mà trước đó chúng ta không thể tượng tượng ra được” – ông Nguyễn Đình Cung cho biết thêm.
Tuy nhiên, bên cạnh những nột trầm, những điều nuối tiếc ấy, bức tranh kinh tế Việt Nam vẫn có nhiều điều lạc quan đáng để chúng ta hy vọng vào một năm 2022 tươi sáng hơn. Đó là, dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng kim ngạch xuất nhập khẩu vẫn tăng trưởng khá tốt, dự báo cả năm 2021 đạt gần 670 tỷ USD; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2021 ước đạt trên 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam sau gần 2 năm chống chịu với dịch Covid-19 đã bắt đầu có sự thích ứng, nên nhiều doanh nghiệp có sức chống chịu tốt trước điều kiện khó khăn của đại dịch, theo đó không chỉ tồn tại mà còn phát triển và vươn tầm châu lục và thế giới.
Bình luận về những kết quả nổi bật trong hoạt động xuất nhập khẩu và thu hút FDI, TS Nguyễn Bích Lâm – nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê – cho rằng: Kết quả trong thu hút FDI và hoạt động xuất nhập khẩu của nền kinh tế cho thấy, các nhà đầu tư quốc tế đã đặt niềm tin rất lớn vào “mắt xích” Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Cộng đồng quốc tế đánh giá Việt Nam giữ vai trò quan trọng trong thúc đẩy thương mại quốc tế và cam kết mở rộng đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới… điều đó phản ánh, nền kinh tế đang từng bước phục hồi, là cơ sở quan trọng, tạo đà tăng trưởng cao cho các năm tới.
Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đã bắt đầu mở cửa trở lại kể từ sau Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, cùng với đó là các gói hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp được triển khai, những chính sách cải cách mạnh mẽ của Chính phủ về môi trường kinh doanh sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp từ chỗ bị đè nén về nhu cầu sẽ bật dậy để khôi phục sản xuất, kinh doanh, tạo tác động kích thích tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, tiêm chủng vắc-xin đã có độ phủ rộng trên phạm vi cả nước, kinh nghiệm chống dịch của Việt Nam cũng được tích lũy nhiều hơn, hiệu quả hơn, đây cũng là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đang hoạt động tại Việt Nam tự tin mở cửa, yên tâm hoạt động sản xuất, kinh doanh.
… thắp lên hy vọng năm 2022
Nói về động lực tăng trưởng cho năm 2022, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung cho rằng, xuất khẩu, thu hút FDI và sức chống chịu bền bỉ của doanh nghiệp vẫn là động lực cho tăng trưởng kinh tế năm 2022. Trong đó, về thu hút FDI, sau gần 2 năm các nhà đầu tư bị hạn chế di chuyển, hạn chế các hoạt động đầu tư do dịch Covid-19 thì những tháng cuối năm 2021, dòng vốn FDI bắt đầu quay trở lại Việt Nam với rất nhiều các dự án đầu tư lớn được cấp phép. Dự báo, năm 2022, FDI vẫn là điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam.
Về tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu, theo TS. Nguyễn Đình Cung, năm 2022, đà phục hồi kinh tế của thế giới có thể bị chậm lại, tuy nhiên cùng với sự hỗ trợ tích cực từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới Việt Nam đã tham gia, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2022 dự báo sẽ khởi sắc. Tuy vậy, động lực tiềm năng nhất cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 là đầu tư công, nhờ tập trung vào những công trình trọng điểm, công trình lớn, có sự lan tỏa, công trình cơ sở hạ tầng ở những vùng kinh tế trọng điểm, điều đó sẽ tạo đà cho răng trưởng kinh tế năm 2022. Song, để giải ngân đầu tư công đạt hiệu quả tích cực, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung vào những dự án có sẵn, dự án có tính lan tỏa, tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế-xã hội.
Năm 2022 đã tới, đây được đánh giá là một năm vô cùng quan trọng, năm “bản lề” cho tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2025, theo đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần có những giải pháp quan trọng để tạo động lực tăng trưởng. Giải pháp đó nên tập trung vào khu vực doanh nghiệp, giúp họ vực dậy sản xuất, kinh doanh sau giai đoạn khủng hoảng về Covid-19 kéo dài, muốn làm được như vậy cần tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng minh bạch, hiệu quả, đảm bảo quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp thông qua bãi bỏ bớt những danh mục, ngành nghề kinh doanh có điều kiện đang gây khó cho doanh nghiệp, từ đó tạo đột biến mới cho môi trường kinh doanh, thúc đẩy doanh nghiệp tự do kinh doanh, tự do sáng tạo và vươn tầm châu lục.
Những điểm sáng trong bức tranh kinh tế năm 2021 liên quan đến sản xuất, xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài phản ánh nền kinh tế đang từng bước phục hồi, tạo đà năng trưởng cao cho năm 2022. |
Theo congthuong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()