Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 13/11/2024 18:26 (GMT +7)
Niềm tin về du lịch nội địa an toàn
Thứ 2, 03/01/2022 | 10:58:30 [GMT +7] A A
Cuối tháng 12/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Chương trình phát động du lịch nội địa với chủ đề “Du lịch an toàn-Trải nghiệm trọn vẹn”. Chương trình thực hiện theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, nhằm góp phần từng bước phục hồi ngành du lịch thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và tạo niềm tin của thị trường về du lịch nội địa an toàn, hấp dẫn.
Hai trọng tâm được ngành du lịch xác định tập trung thực hiện là: hướng dẫn đón và phục vụ khách du lịch an toàn; tổ chức truyền thông, quảng bá và xúc tiến mở lại du lịch nội địa. Theo đó, nhiệm vụ của các sở quản lý du lịch ở địa phương là xây dựng, triển khai kế hoạch, tiêu chí mở lại du lịch nội địa với tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt theo chỉ đạo của Chính phủ. Trước mắt, tập trung các biện pháp thúc đẩy du lịch nội địa gắn với an toàn dịch bệnh, nhất là dịp năm mới 2022 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Bảo đảm an toàn dịch bệnh cho các hoạt động du lịch trên địa bàn theo quy định.
Tổ chức phục hồi du lịch nội địa trên địa bàn; kết nối với các địa phương lân cận và các địa phương khác trong nước để phát triển tuyến, điểm an toàn liên vùng. Có phương án cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp sớm đưa khách du lịch đến địa phương theo các chương trình tour trọn gói. Công khai các chính sách kích cầu, thông tin, điều kiện đón khách du lịch đến địa phương để doanh nghiệp chủ động tổ chức các chương trình du lịch. Tăng cường đào tạo, tập huấn về các quy định, biện pháp bảo đảm an toàn cho khách du lịch; tăng cường công tác quản lý nhà nước để việc mở lại du lịch đạt hiệu quả, bảo đảm an ninh, an toàn.
Các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch phải có kế hoạch và tiêu chí cụ thể bảo đảm an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19. Hưởng ứng, xây dựng các chương trình, gói kích cầu du lịch, đa dạng hóa dịch vụ, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Cung cấp thông tin, thông báo đầy đủ về điều kiện sẵn sàng đón khách, quy định về bảo đảm an toàn, dịch vụ và giá cả khuyến mại, thực hiện đúng cam kết với khách du lịch; đồng thời tích cực xây dựng các sản phẩm, dịch vụ du lịch mới và nâng cao tính chuyên nghiệp trong phục vụ du khách. Sử dụng ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn” và hệ thống đăng ký, khai báo an toàn Covid-19 để kết nối với hệ thống an toàn Covid quốc gia.
Hiệp hội Du lịch Việt Nam và Hiệp hội du lịch các địa phương cần có kế hoạch triển khai chương trình phục hồi du lịch nội địa. Khuyến khích các doanh nghiệp thành viên xây dựng chính sách kích cầu phục vụ khách du lịch, phối hợp với các hãng hàng không, vận tải, các bên cung ứng dịch vụ thành lập liên minh kích cầu du lịch, nâng cao chất lượng sản phẩm. Tổng cục Du lịch đã đề nghị các hãng hàng không, doanh nghiệp vận tải du lịch cùng phối hợp các doanh nghiệp du lịch, điểm đến xây dựng các chương trình du lịch trọn gói, có chất lượng, ưu đãi nhằm kích cầu du lịch nội địa. Thực hiện và tuyên truyền công tác bảo đảm an toàn cho hành khách.
Ngay sau khi Chương trình được phát động, nhiều địa phương đã ký hợp tác liên kết du lịch, điển hình như Hà Nội ký hợp tác với 11 tỉnh, thành phố về xây dựng “hành lang an toàn cho du lịch”; Kiên Giang và Bình Định ký hợp tác phát triển du lịch trong điều kiện bình thường mới; ngành du lịch thành phố Hồ Chí Minh cũng đã tung ra hàng loạt sản phẩm du lịch mới cùng hàng trăm chương trình khuyến mãi, ưu đãi dịp cận Tết Nguyên đán Nhâm Dần... Đây là bước chạy đà cho sự phục hồi của ngành du lịch trong năm 2022.
Hiện tại, Chính phủ đã chỉ đạo tiếp tục thực hiện các gói hỗ trợ, tháo gỡ nhanh chóng những vướng mắc trong quá trình triển khai; triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động ngành du lịch phục hồi và thích ứng tình hình mới; thúc đẩy nhanh quá trình tiêm để tăng độ phủ vaccine trong nước, đặc biệt là tại các khu, điểm du lịch và các thành phố lớn. Bên cạnh chính sách an sinh xã hội của Chính phủ nhằm đào tạo kỹ năng trong bối cảnh mới để thu hút lao động du lịch trở lại làm việc, doanh nghiệp cần xây dựng và công bố các kế hoạch dự phòng, các cam kết, chính sách hỗ trợ, sử dụng lao động, điều kiện làm việc an toàn, bảo đảm sức khỏe cho người lao động khi dịch bệnh diễn biến phức tạp theo từng cấp độ để người lao động yên tâm làm việc.
Với sự vào cuộc mạnh mẽ, chủ động, tích cực của chính quyền các địa phương, ngành du lịch và sự đồng hành của các doanh nghiệp, sự chung tay góp sức của các bộ, ngành liên quan, chắc chắn năm mới 2022 các cơ hội mới sẽ mở ra để ngành du lịch Việt Nam phục hồi mạnh mẽ và lấy lại đà tăng trưởng.
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()