Tất cả chuyên mục

Rừng phòng hộ hồ Yên Lập có vai trò hết sức quan trọng trong việc gìn giữ nguồn sinh thuỷ cho hồ Yên Lập nhằm đảm bảo cung cấp nước sản xuất và sinh hoạt cho người dân các địa phương: Quảng Yên, Hoành Bồ, Hạ Long và Uông Bí. Do địa hình sông suối phức tạp, bên trên là rừng tự nhiên, rừng trồng phòng hộ, dưới lòng đất là tài nguyên khoáng sản than, dân cư sinh sống và sản xuất xen kẽ với rừng nên nhiều năm qua, các hoạt động chặt phá rừng, vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ rừng, nhất là hoạt động khai thác than trái phép tại đây diễn ra phức tạp khiến cho công tác bảo vệ rừng phòng hộ hồ Yên Lập gặp nhiều khó khăn.
Rừng phòng hộ hồ Yên Lập có tổng diện tích tự nhiên là 13.812,4ha, diện tích đất có rừng chiếm tới 11.985,4ha, trong đó rừng tự nhiên 8.698,7ha, rừng trồng 2.437,6ha. Ông Mai Đức Thọ, Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ hồ Yên Lập cho biết: Nhiều năm trước đây, việc lấn chiếm đất rừng trái phép để trồng cây lấy gỗ, cây ăn quả trong lưu vực lòng hồ hết sức phức tạp; việc đào bới lấn chiếm đất rừng, chặt phá rừng phòng hộ diễn ra tại nhiều địa điểm dưới nhiều hình thức khác nhau. Song với sự nỗ lực vào cuộc tích cực của Ban Quản lý rừng phòng hộ hồ Yên Lập, huyện Hoành Bồ và các ngành liên quan, công tác bảo vệ rừng thời gian gần đây có nhiều chuyển biến tích cực. Cơ bản không còn tình trạng lấn chiếm đất rừng; hoạt động chặt phá rừng được kịp thời phát hiện, ngăn chặn. Tuy nhiên, do tình trạng bên trên là rừng, dưới đất là tài nguyên than nên tình trạng khai thác than trái phép diễn biến phức tạp đã gây nhiều khó khăn cho công tác bảo vệ rừng.
![]() |
Trong rừng phòng hộ hồ Yên Lập, nhiều điểm khai thác than trái phép ngang nhiên hoạt động. |
Để ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng, khai thác than trái phép tại lưu vực lòng hồ Yên Lập, Ban Quản lý rừng phòng hộ hồ Yên lập đã phối hợp với huyện Hoành Bồ và các đơn vị ngành Than tại đây tăng cường các hoạt động tuần tra, kiểm soát, phát hiện ngăn chặn kịp thời các hiện tượng chặt gỗ rừng, đào than trái phép và vi phạm các quy định phòng cháy chữa cháy rừng. Tính riêng năm 2011, Ban Quản lý rừng phòng hộ hồ Yên Lập đã phối hợp với địa phương và ngành chức năng kiểm tra, phát hiện và đánh sập 295 lượt các điểm lò than trái phép, thu hồi nhiều máy móc thiết bị, phá huỷ 21 lán trại trái phép; xử lý 59 vụ vi phạm, tịch thu 80 tấn than; 35m3 gỗ tròn các loại; phá huỷ 27 thuyền nan hoạt động trái phép trong lòng hồ. Theo ông Nguyễn Văn Khuyên, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ hồ Yên Lập thì tình hình khai thác than trái phép tại lưu vực lòng hồ Yên Lập gần đây đã cơ bản ổn định. Hiện nay, do vấn đề tiêu thụ than khó khăn nên các đối tượng chỉ đào bới mang tính chất thăm dò? Tuy nhiên, theo báo cáo của Ban Quản lý thì 6 tháng đầu năm nay, Ban Quản lý đã phối hợp xử lý 18 vụ vi phạm, tịch thu 21,9m3 gỗ tròn các loại; phá huỷ 7 lán trại; gần 200 lượt các điểm lò khai thác than trái phép; 31 thuyền nan hoạt động trái phép tại lòng hồ…
Mặc dù ngành chức năng và địa phương đã quyết liệt trong việc ngăn chặn, xử lý các hoạt động khai thác than trái phép tại đây song một thực tế là các điểm khai thác than trái phép tại lưu vực lòng hồ Yên Lập cứ bị đánh sập hôm trước thì hôm sau các đối tượng lại tiếp tục khai thác. Tại khu vực ranh giới mỏ của Xí nghiệp Than Hoành Bồ và Công ty Than Đồng Vông nằm trên địa bàn xã Tân Dân (Hoành Bồ), nhiều điểm khai thác than trái phép vẫn ngang nhiên hoạt động với những moong than rộng và sâu. Theo đó, nhiều cây rừng đã bị đốn hạ. Tại đây, dấu tích của việc khai thác than trái phép còn lộ rõ là các lò than bị đánh sập, vùi lấp sơ sài; con đường dài hàng km rộng gần 4m với vết bánh của các phương tiện khai thác, vận chuyển cỡ lớn vẫn còn nguyên. Đất rừng bị cày xới, cây rừng bị chặt phá không thương tiếc. Theo một cán bộ của Ban Quản lý rừng phòng hộ hồ Yên Lập, những điểm khai thác than trái phép tại khu 6, khe Mực; tiểu khu 62, Cút Kít, Hạ My trên địa bàn xã Tân Dân; tiểu khu 9B, xã Quảng La, giáp với phường Minh Thành (Quảng Yên) đã tồn tại từ rất lâu, chưa được xử lý triệt để, dứt điểm. Nhất là điểm khai thác trái phép tại tiểu khu 9B, xa Quảng La, bình quân mỗi tháng lực lượng chức năng và huyện Hoành Bồ xử lý từ 5 - 7 lần, song hoạt động khai thác than trái phép lại tiếp diễn ngay sau đó.
Từ nay đến cuối năm, thời tiết bước vào thời điểm hanh khô, thuận lợi cho các hoạt động khai thác than trái phép, Ban Quản lý rừng phòng hộ hồ Yên Lập, ngành chức năng và các địa phương: Hoành Bồ, Quảng Yên, Hạ Long cần kiên quyết hơn nữa trong việc kiểm tra, xử lý các hoạt động khai thác than trái phép, vận chuyển than, lâm sản, lấn chiếm đất rừng; phòng cháy chữa cháy rừng để bảo vệ màu xanh cho rừng phòng hộ hồ Yên Lập.
Hữu Việt
Ý kiến ()