Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 13/11/2024 16:25 (GMT +7)
Nỗ lực đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
Thứ 2, 01/04/2024 | 10:46:22 [GMT +7] A A
Ngành Y tế Quảng Ninh với vai trò chủ chốt trong công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) đã và đang nỗ lực làm tốt công tác này thông qua kiểm tra, giám sát, kiểm soát, xử lý vi phạm về ATTP có trọng tâm, trọng điểm, góp phần vào công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo đảm ATTP trên địa bàn.
Theo phân cấp, ngành Y tế Quảng Ninh quản lý 10.794 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, bao gồm các loại hình: Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể, sản xuất nước uống đóng chai, nước đá dùng liền, cơ sở kinh doanh thực phẩm chức năng... Phần lớn các cơ sở thực phẩm có quy mô nhỏ lẻ, cá thể hộ gia đình, thực phẩm được sử dụng từ nhiều nguồn cung cấp đa dạng, phong phú các loại thực phẩm trong tỉnh, ngoài tỉnh và thực phẩm nhập khẩu. Cùng với đó, lực lượng cán bộ quản lý ATTP còn hạn chế nên việc kiểm soát ATTP luôn gặp nhiều khó khăn.
Bằng nhiều giải pháp đồng bộ, kịp thời, ngành Y tế đã thực hiện có hiệu quả công tác bảo đảm ATTP; làm tốt công tác trao đổi thông tin, tuyên truyền; phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành, địa phương, các tổ chức hội, đoàn thể; kiểm tra, giám sát, kiểm soát, xử lý vi phạm về ATTP được thực hiện thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm.
Để tổ chức triển khai thực hiện tốt công tác ATTP theo chức năng nhiệm vụ. Ngành Y tế đã tích cực, chủ động triển khai thực hiện các chỉ đạo của Trung ương, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, kế hoạch chiến lược của ngành Y tế trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân về an toàn thực phẩm, đặc biệt là Luật An toàn thực phẩm. Ngành cũng phối hợp với các cơ quan, đơn vị quản lý chuyên ngành về ATTP lĩnh vực Nông nghiệp và lĩnh vực Công Thương để rà soát, đánh giá hệ thống các văn bản hiện hành của tỉnh liên quan đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo về ATTP, trên cơ sở đó đề xuất điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với điều kiện thực tiễn và các quy định pháp luật. Giai đoạn 2021-2023 ngành Y tế đã ban hành trên 3.000 văn bản triển khai thực hiện công tác bảo đảm ATTP thuộc phạm vi ngành quản lý trên địa bàn tỉnh
Để kiểm soát mối nguy ô nhiễm thực phẩm; phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, ngành Y tế luôn quan tâm thực hiện giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm từ sản xuất đến tiêu dùng thực phẩm; tập trung giám sát các sản phẩm thực phẩm được sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu thụ tại các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, các cơ sở dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể, trường học, khu công nghiệp, khu du lịch, các sự kiện, hội nghị, lễ hội... để kịp thời có biện pháp xử lý, cảnh báo cho người tiêu dùng và ngăn chặn không để thực phẩm không đảm bảo chất lượng lưu thông trên thị trường.
Các mẫu thực phẩm được lấy ngẫu nhiên trên tất cả các nhóm thực phẩm và từ nhiều loại hình cơ sở, từ đó đưa ra kết quả đánh giá khách quan và toàn diện. Giai đoạn 2021-2023, ngành Y tế đã giám sát 58.472 mẫu sản phẩm thực phẩm và dụng cụ chứa đựng thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích trên toàn tỉnh. Mẫu thực phẩm các loại gồm: Thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung, rau các loại, thịt các loại, cá, tôm, xúc xích, trà sữa, nem rán, thịt gà, dụng cụ chứa đựng thực phẩm... Test nhanh tại chỗ 56.544 mẫu và gửi 1.916 mẫu kiểm nghiệm một số chỉ tiêu về ATTP tại Viện Kiểm nghiệm ATVSTP quốc gia và tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Kết quả phát hiện 1.410 mẫu test nhanh không đạt yêu cầu theo quy định và 25 mẫu định lượng có chỉ tiêu kiểm nghiệm vượt quá giới hạn cho phép theo quy định hiện hành hoặc chứa chất cấm. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã chuyển hồ sơ giám sát sang thanh tra để xử lý theo quy định và kịp thời cảnh báo đến người tiêu dùng.
Có thể thấy, ngành Y tế Quảng Ninh đã và đang nỗ lực làm tốt công tác này, góp phần bảo vệ, nâng cao chất lượng sống cho nhân dân.
Hoài Minh
Liên kết website
Ý kiến ()