Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 20:44 (GMT +7)
Nỗ lực hoàn thành mục tiêu Nghị quyết 06 trong năm 2024
Thứ 5, 11/04/2024 | 13:32:38 [GMT +7] A A
Sau 3 năm triển khai Nghị quyết 06-NQ/TU (ngày 17/5/2021) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết 06), Quảng Ninh đạt nhiều thành công. Kiên trì thực hiện các mục tiêu, tỉnh tiếp tục ưu tiên nguồn lực, thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững địa bàn đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo với phương châm lấy người dân làm trung tâm, mọi người dân đều được thụ hưởng thành quả phát triển, tăng trưởng bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Thành quả từ sự nỗ lực
Quảng Ninh luôn lấy phát triển con người, bảo đảm và cải thiện dân sinh làm mục đích. Do đó, ngay từ năm 2020 tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng đề án và Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 06. Đây là một trong những nghị quyết đầu tiên của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV, tiếp tục khẳng định quan điểm nhất quán trong chỉ đạo thực hiện các chính sách dân tộc và đầu tư phát triển đối với vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo, gắn với thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền.
Với phương châm lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư và quan điểm NSNN là “vốn mồi” có ý nghĩa quan trọng tạo ra động lực để thu hút các nguồn lực khác, tỉnh tiếp tục tạo đột phá trong việc tập trung, ưu tiên dành nguồn lực rất lớn từ ngân sách, đồng thời huy động tổng thể các nguồn lực xã hội để thực hiện Nghị quyết 06 và các chương trình mục tiêu quốc gia. Trong 3 năm, tỉnh huy động trên 118.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn NSNN khoảng 19.400 tỷ đồng (chiếm khoảng 16%), vốn tín dụng và xã hội hóa khoảng 98.600 tỷ đồng (chiếm 84%).
Như vậy, có thể thấy điểm nổi bật của Quảng Ninh là từ một đồng ngân sách đầu tư, tỉnh đã huy động được hơn 5 đồng ngoài ngân sách để đầu tư phát triển, nâng cao được chất lượng đời sống nhân dân, nhất là vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Đây cũng là kết quả khẳng định nỗ lực vượt bậc của người dân, thay đổi tư duy, loại bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, chủ động tiếp cận nguồn vốn, phát triển sản xuất. Chị Chíu Thị Hoa (thôn Đồng Và, xã Yên Than, huyện Tiên Yên) chia sẻ: Gia đình tôi đã được vay 100 triệu đồng nguồn vốn tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết 06 để phát triển vườn ươm cây giống, chăn nuôi dê, trồng 20ha rừng quế, bạch đàn… Mô hình này đã mang lại cho gia đình 200-300 triệu đồng/năm, xây được nhà cửa khang trang, cuộc sống đủ đầy.
Tính đến hết năm 2023, tỉnh không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của Trung ương; không còn nhà tạm, nhà ở dột nát; không còn xã đặc biệt khó khăn theo tiêu chí mới của Trung ương. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn tỉnh đạt 73,348 triệu đồng, tăng 1,7 lần so với năm 2020, cao hơn khoảng 1,23 lần so với thu nhập bình quân cả nước, cao hơn khoảng 2,8 lần so với mục tiêu chung đến năm 2025 của cả nước về nâng mức thu nhập bình quân của người dân vùng DTTS.
Hiện toàn tỉnh có 99,9% số hộ dân vùng nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% đơn vị xã vùng đồng bào DTTS đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi xuống còn 5,28%. Quảng Ninh cũng là tỉnh đầu tiên trong cả nước kịp thời thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ 100% kinh phí cấp thẻ BHYT cho người dân sinh sống tại các xã, thôn mới ra khỏi vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn đến hết năm 2025, qua đó, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số có BHYT đạt trên 98%.
Ông Lý Tài Thông (thôn Bằng Anh, xã Tân Dân, TP Hạ Long) vui mừng chia sẻ: Nghị quyết 06 đã thực sự đi vào cuộc sống, mức sống của nhân dân được nâng lên. Thôn Bằng Anh không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo, nhiều người xây được nhà ở khang trang, sạch đẹp. Nhiều hộ đã có xe ô tô và có phương tiện sản xuất hàng hóa hiện đại, thu nhập bình quân đạt trên 100 triệu đồng/người/năm.
Hình mẫu để nghiên cứu, nhân rộng
Những thành quả đạt được sau 3 năm triển khai Nghị quyết 06 và các chương trình mục tiêu quốc gia của Quảng Ninh là hết sức căn bản, rõ nét. Đó là minh chứng khách quan, sinh động cho việc cụ thể hóa các mục tiêu, quan điểm, khâu đột phá tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV. Nghị quyết đã sớm đi vào cuộc sống, cụ thể hóa, tạo sự chuyển biến đột phá, hết sức quan trọng về diện mạo nông thôn, miền núi và đời sống nhân dân; tạo nền tảng, cơ sở vững chắc để tỉnh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai, tổ chức thực hiện và hoàn thành thắng lợi toàn bộ các mục tiêu, nhiệm vụ trong cả giai đoạn 2021-2025.
Tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU (ngày 17/5/2021) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Đề án 409 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đánh giá kết quả 3 năm thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 tổ chức ngày 10/4, đồng chí Y Vinh Tơr, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, nhấn mạnh: So sánh với các địa phương tương đồng, Quảng Ninh có thành tích nổi bật nhất, đi đầu trong việc triển khai đầy đủ, hiệu quả các nội dung từ giải quyết cấp bách các nhu cầu, phát triển sản xuất, an sinh xã hội, cho tới thực hiện bình đẳng giới, chăm sóc sức khỏe nhân dân bằng sức mạnh tổng hợp. Những quyết tâm, cách làm và kết quả của Quảng Ninh trong triển khai Nghị quyết 06 là điển hình, hình mẫu để các cơ quan Trung ương, đặc biệt là Ủy ban Dân tộc nghiên cứu, nhân rộng tại các địa phương đặc thù tự cân đối ngân sách như Quảng Ninh trong việc thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đối với địa bàn DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo.
Từ nay đến hết nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, toàn tỉnh kiên trì nỗ lực, quyết tâm, củng cố thành quả xây dựng NTM, nâng cao chất lượng đời sống và hạnh phúc của nhân dân, Quảng Ninh nỗ lực hoàn thành 100% mục tiêu của Nghị quyết 06 và các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh cả giai đoạn 2021-2025 trong năm 2024.
Trong đó, tập trung củng cố, nâng chất các chỉ tiêu đã đạt, hoàn thành các chỉ tiêu chưa đạt, nhất là nâng thu nhập bình quân của người dân vùng nông thôn đạt trên 100 triệu đồng/người/năm; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện 3 đột phá chiến lược; rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách cụ thể hóa; thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao thu nhập cho người dân vùng nông thôn, vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo theo cơ cấu nguồn thu nhập, phù hợp với lợi thế của từng địa bàn.
Đồng thời, cụ thể hóa, thực hiện Nghị quyết 17-NQ/TU (ngày 30/10/2023) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững; giữ vững QP-AN và trật tự xã hội nông thôn; tăng cường xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận lòng dân vững chắc.
Tỉnh Quảng Ninh đã và tiếp tục kiên trì phát triển nông nghiệp sinh thái, xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; thực hiện có hiệu quả 3 khâu đột phá đề ra tại Nghị quyết 06; tổ chức tốt các phong trào thi đua, khơi dậy và phát huy mạnh mẽ truyền thống văn hóa, cách mạng, tinh thần yêu nước, chủ động, sáng tạo và ý chí tự lực, tự cường, vươn lên của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tập trung xây dựng nông dân văn minh từ sản xuất kinh tế, quản trị xã hội, tổ chức đời sống cá nhân, gia đình và cộng đồng; bảo đảm vững chắc QP-AN, giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia; chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo, trong sạch, vững mạnh, nhất là ở cơ sở. Đồng thời, phát huy dân chủ ở cơ sở, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc, thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng".
Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()