Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 06:23 (GMT +7)
Nỗ lực hoàn thành toàn diện nhiệm vụ năm 2022
Thứ 7, 09/07/2022 | 08:18:06 [GMT +7] A A
Những ngày này, một sự kiện chính trị quan trọng của tỉnh đã và đang diễn ra tại TP Hạ Long. Đó là kỳ họp thứ 9 - kỳ họp thường lệ giữa năm - của HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.
Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh sẽ xem xét, quyết định một số nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền nhằm tiếp tục cụ thể hóa kịp thời các chủ trương của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh và các nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy thành các nghị quyết của HĐND tỉnh về chủ trương, giải pháp, cơ chế, chính sách nhằm hoàn thành toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2022 và cả giai đoạn 2021-2025...
Trong đó, một số vấn đề trọng tâm nhất của kỳ họp sẽ được các đại biểu HĐND tỉnh xem xét, thảo luận và quyết định là về tình hình kinh tế - xã hội, kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022; về việc lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; về việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2021-2025, phê duyệt chủ trương và phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công...
Có thể nói, bước vào thực hiện nhiệm vụ của năm 2022, Quảng Ninh có những thuận lợi rất cơ bản là trong 2 năm liên tiếp vừa qua đã thực hiện thành công “mục tiêu kép”, giữ vững địa bàn an toàn, ổn định trong trạng thái bình thường mới và phát triển với đà tăng trưởng kinh tế đạt hai con số. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, số ca mắc mới tăng rất nhanh sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Cộng với đó là diễn biến phức tạp trên thế giới từ xung đột giữa Nga - Ukraine kéo theo những khó khăn về thị trường tiêu thụ, xuất nhập khẩu hàng hóa, đứt gãy chuỗi cung ứng lao động; giá xăng dầu, giá nguyên vật liệu và một số loại hàng hóa cơ bản tăng cao, tác động trực tiếp tới hoạt động sản xuất - kinh doanh và đời sống kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng, đã ảnh hưởng lớn đến mọi mặt đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Trong bối cảnh đó, tỉnh đã luôn chủ động, linh hoạt, quyết liệt, nhất quán với những chủ trương, biện pháp đúng đắn, kịp thời, khoa học, sát thực tiễn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; phát huy sức mạnh tổng hợp, vai trò của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. Do vậy, tỉnh đã hoàn toàn chủ động kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, thích ứng linh hoạt, an toàn, vừa chăm lo bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa giữ vững sự ổn định kinh tế - xã hội, phát triển sản xuất - kinh doanh, nhanh chóng phục hồi vững chắc ngành du lịch, với kết quả 6 tháng đầu năm đón được trên 5,5 triệu lượt khách, gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm trước, giúp hồi sinh hàng ngàn doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm cho hàng vạn lao động; tạo tiền đề rất quan trọng để tỉnh đạt mức tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 10,66%, cao hơn cùng kỳ năm trước. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 27.908 tỷ đồng, tăng 21% so cùng kỳ, trong đó thu nội địa đạt 20.710 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ.
Các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, lao động, việc làm, văn hóa, xã hội, thể thao có nhiều tiến bộ, nhiều học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi Olympic và khoa học quốc tế. Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện; mở rộng cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục chất lượng cao và bảo đảm chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo; chủ quyền an ninh biên giới, biển đảo quốc gia được giữ vững, không để xảy ra tình huống bị động, bất ngờ; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển. Hoạt động đối ngoại được chú trọng mở rộng và ngày càng đi vào chiều sâu...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả, thành tựu nổi bật đó, nghiêm túc nhìn lại việc triển khai thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm, tỉnh cũng nhận thấy vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần quan tâm khắc phục. Cụ thể, đó là thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hiệu quả còn thấp; phát triển kinh tế biển, dịch vụ cảng biển, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng chậm so với tiềm năng, lợi thế; tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp còn quá thấp, các khu kinh tế chưa thực sự trở thành hạt nhân, động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; kinh tế ban đêm, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số còn chậm phát triển. Nhiều công trình giao thông động lực, chiến lược đều chậm tiến độ, chưa đạt kế hoạch đề ra. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp ở cả 3 cấp ngân sách...
Do vậy, phát biểu khai mạc kỳ họp, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị các đại biểu thảo luận, đánh giá sâu sắc những nỗ lực, cố gắng chung của các cấp, các ngành, những việc đã làm và kết quả đạt được; đồng thời làm rõ nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, yếu kém, nhất là trong khâu chấp hành, tổ chức thực hiện. Trên cơ sở đó phân tích, dự báo những cơ hội, khó khăn, thách thức, từ đó xác định các giải pháp xác đáng để hoàn thành toàn diện mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2022 đã đề ra. Nâng cao hơn nữa tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, tiếp tục đổi mới, sáng tạo vì lợi ích chung, tự lực, tự cường vươn lên để đưa Quảng Ninh phát triển mạnh mẽ hơn nữa, toàn diện hơn nữa, trở thành một tỉnh tiêu biểu của cả nước về mọi mặt như lời căn dặn và mong muốn của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi về thăm và làm việc với tỉnh Quảng Ninh mới đây...
Thanh Tùng
Liên kết website
Ý kiến ()