Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 22:53 (GMT +7)
Nỗ lực thực hiện an toàn vệ sinh lao động
Thứ 5, 06/06/2024 | 10:20:46 [GMT +7] A A
Xác định rõ tầm quan trọng của công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong sản xuất, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, cũng như đóng góp cho tăng trưởng xã hội, cấp ủy, chính quyền các cấp của Quảng Ninh đã tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về ATVSLĐ trên địa bàn.
Công tác huấn luyện ATVSLĐ được quan tâm, chú trọng thực hiện. Nội dung, phương pháp huấn luyện đã được đổi mới, phong phú. Việc huấn luyện, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, chỉ huy sản xuất tập trung vào kỹ năng kiểm soát, đánh giá rủi ro, nhận diện các nguy cơ mất an toàn và biện pháp xử lý; huấn luyện cho người lao động tập trung vào thao tác, kỹ năng làm việc, xử lý tình huống, phối hợp trong tổ, nhóm theo phương pháp “cầm tay, chỉ việc”.
Cùng với huấn luyện ATVSLĐ, hoạt động thanh tra, kiểm tra về ATVSLĐ đã được các cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo; các sở, ngành đã phối hợp, tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra theo hướng liên ngành, liên cơ quan nhằm nâng cao hiệu quả, tránh chồng chéo, tạo thuận lợi cho cơ sở; chỉ đạo đề cao ý thức tự kiểm tra một cách thường xuyên của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh để chủ động phát hiện các nguy cơ mất an toàn từ đó có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục kịp thời. Việc thanh tra, kiểm tra tập trung vào các doanh nghiệp, cơ sở có nguy cơ cao về mất ATVSLĐ; kiên quyết đình chỉ, tạm dừng sản xuất đối với các vị trí không đảm bảo điều kiện an toàn.
Đơn cử, trong Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2024, Sở LĐ-TB&XH tăng cường công tác kiểm tra về ATVSLĐ tại các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn. Sở đã xây dựng chương trình, kế hoạch, tổ chức kiểm tra, giám sát tại 5 đơn vị, doanh nghiệp trong việc thực hiện pháp luật lao động, việc triển khai các biện pháp, chương trình hành động cụ thể nhằm đẩy mạnh các hoạt động đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc. Qua kiểm tra, cho thấy các đơn vị đã quan tâm, thực hiện tốt công tác ATVSLĐ, thể hiện qua việc xây dựng kế hoạch, nội quy ATVSLĐ, trang bị phương tiện bảo vệ cho người lao động, kiểm soát môi trường lao động; chủ động đánh giá, rà soát rủi ro, phòng ngừa nguy cơ gây tai nạn lao động; ứng dụng KHKT, trang bị máy móc, thiết bị, vật tư hiện đại… Đối với các tồn tại, hạn chế, Sở ban hành kiến nghị đề nghị khắc phục. Không riêng trong Tháng hành động về ATVSLĐ, năm 2023, Sở LĐ-TB&XH đã tiến hành thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ quy định về an toàn vệ sinh lao động tại 50 đơn vị, doanh nghiệp, trong đó thanh tra 1 doanh nghiệp, chủ trì kiểm tra 30 doanh nghiệp, chủ trì kiểm tra liên ngành 11 doanh nghiệp, phối hợp kiểm tra liên ngành 8 doanh nghiệp. Qua thanh tra, kiểm tra đã yêu cầu các đơn vị thực hiện 323 kiến nghị thực hiện công tác ATVSLĐ; xử phạt vi phạm hành chính 3 doanh nghiệp do vi phạm quy định về ATVSLĐ.
Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức về công tác ATVSLĐ đã được các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú; đổi mới phương pháp tuyên truyền bằng các hình thức trực quan, sinh động; thông qua tổ chức các cuộc thi tìm hiểu theo hình thức sân khấu hóa, thi an toàn vệ sinh giỏi, thi viết, vẽ, sáng tác thơ, làm báo… Các sở, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, địa bàn và đặc thù ngành nghề sản xuất kinh doanh. Các phương tiện thông tin đại chúng đã tích cực xây dựng các bản tin, phóng sự, bài viết về công tác ATVSLĐ để tuyên truyền đến đông đảo nhân dân, người lao động.
Các doanh nghiệp quan tâm, nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật, các biện pháp đảm bảo ATVSLĐ, đầu tư nâng cấp các thiết bị mới, tiên tiến và áp dụng khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, kinh doanh. Phong trào nghiên cứu, sáng tạo trong lao động được các cấp, ngành coi trọng và quan tâm triển khai. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các đơn vị thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã tích cực nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật, lựa chọn áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại nhằm tăng năng suất lao động và nâng cao mức độ đảm bảo an toàn trong sản xuất.
Với nhiều nỗ lực, công tác ATVSLĐ trên địa bàn đạt nhiều chuyển biến tích cực, nhận thức, trách nhiệm của các cấp chính quyền, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người lao động và xã hội về đảm bảo ATVSLĐ được nâng lên. Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chức năng, tình hình tai nạn lao động trên địa bàn tỉnh vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố khó lường, khó kiểm soát; đặc biệt đối với những doanh nghiệp khai khoáng và các nhà thầu thi công công trình xây dựng. Theo thống kê, 5 tháng đầu năm 2024, tại các doanh nghiệp (khu vực có quan hệ lao động) xảy ra 8 vụ tai nạn lao động làm chết 13 người.
Quảng Ninh là tỉnh có nhiều ngành nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ cao về mất an toàn lao động; đặc biệt trong ngành Than, điều kiện sản xuất ngày càng khó khăn (khai thác xuống sâu), trong khai thác lộ thiên, cơ khí, chế biến than cũng có những rủi ro, tai nạn do điều kiện khai thác, mật độ phương tiện, địa hình, rủi ro về điện, giao thông; hay các ngành nghề khác trong lĩnh vực xây dựng, chế biến chế tạo...
Để chủ động phòng ngừa và hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn lao động, các sở, ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh cần tiếp tục chấn chỉnh, tăng cường công tác ATVSLĐ; triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm ATVSLĐ, thực hiện nghiêm việc xây dựng mạng lưới an toàn, vệ sinh viên, tiếp tục cải thiện môi trường làm việc an toàn cho công nhân lao động. Về phía người lao động tuân thủ đầy đủ quy định về ATVSLĐ; thường xuyên cập nhật, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn; xử lý nguy cơ.
Trần Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()