Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 16:47 (GMT +7)
Nỗ lực triển khai sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy đầu tư phát triển kinh tế-xã hội
Thứ 2, 05/02/2024 | 10:52:53 [GMT +7] A A
Sáng 5/2, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì buổi làm việc với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và 19 tập đoàn kinh tế, tổng công ty trực thuộc về triển khai sản xuất, kinh doanh năm 2024 và thúc đẩy đầu tư phát triển kinh tế-xã hội. Cùng chủ trì có các Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái và Trần Hồng Hà.
Phát biểu ý kiến khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, cuộc làm việc này nhằm đánh giá lại năm qua các tập đoàn, tổng công ty nhà nước dưới sự quản lý của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhằm đánh giá những gì đã làm được, chưa làm được, phân tích các nguyên nhân, rút ra các bài học kinh nghiệm để làm tốt hơn trong thời gian tới.
Thủ tướng đánh giá, nhìn chung, năm 2023, đất nước ta đã đạt được kết quả quan trọng, tích cực trên các lĩnh vực, trong đó, tiếp tục giữ vững được độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, công tác đối ngoại thành công rực rỡ; công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ nét. Những điều này này đã góp phần quan trọng củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Đây là mục tiêu cao nhất của Đảng, Nhà nước là nỗ lực chăm lo để nhân dân được ấm no, hạnh phúc.
Thủ tướng khẳng định, trong thành tích chung đó có sự đóng góp quan trọng của các tập đoàn, tổng công ty dưới sự điều hành, quản lý của Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Thủ tướng nêu rõ, nhiệm vụ năm 2024 lớn hơn năm 2023, phải hoàn thành tốt hơn năm 2023. Chính phủ muốn hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn năm 2023 thì từng bộ, ngành phải làm tốt hơn, trong đó có các tập đoàn, tổng công ty, là lực lượng quan trọng đang nắm giữ khối tài sản rất lớn khoảng hơn 4 triệu tỷ đồng. 19 tập đoàn, tổng công ty chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong số hơn 820 doanh nghiệp nhà nước nhưng lại nắm giữ số vốn lớn, đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội.
Khẳng định, chúng ta khẳng định không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, Thủ tướng lưu ý các tập đoàn, tổng công ty cần làm tốt hơn công tác an sinh xã hội; nhấn mạnh lực lượng vật chất quan trọng của Nhà nước chính là các tập đoàn, tổng công ty.
Năm nay, Thủ tướng mong muốn các tập đoàn, tổng công ty tập trung vào đầu tư nhiều hơn nữa. Do đó, đề nghị các đại biểu cần tập trung đóng góp ý kiến, phát huy tối đa trí tuệ tập thể để thảo luận chủ đề này.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng gửi tới các tập đoàn, tổng công ty lời chào trân trọng, lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất.
Theo báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đến hết năm 2023, tổng vốn chủ sở hữu của Công ty mẹ của 19 tập đoàn, tổng công ty ước đạt 0,904 triệu tỷ đồng, tổng tài sản ước đạt 1,616 triệu tỷ đồng; tổng doanh thu đạt 1,136 triệu tỷ đồng, bằng 105,15% so kế hoạch và bằng 96,57% so cùng kỳ năm 2022; lợi nhuận trước thuế đạt 53.256,32 tỷ đồng (không tính EVN), bằng 166,09% so kế hoạch và bằng 110,92% so cùng kỳ năm 2022; nộp ngân sách nhà nước đạt 79.252,01 tỷ đồng, bằng 199,96% so kế hoạch và bằng 120,22% so cùng kỳ năm 2022; trong đó, 15/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về doanh thu; 16/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về lợi nhuận trước thuế (riêng VNA giảm lỗ so với kế hoạch); 16/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về nộp ngân sách nhà nước.
Năm 2023, số vốn đầu tư giải ngân của 19 tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp làm đại diện chủ sở hữu ước đạt 161 nghìn tỷ đồng trên tổng số 208,328 nghìn tỷ đồng, tương đương gần 80% kế hoạch năm; trong đó các doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng có giá trị thực hiện đầu tư cao (hơn 130 nghìn tỷ đồng), đã kịp thời triển khai các dự án khai thác năng lượng, nguồn điện, truyền tải điện, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng theo quy hoạch, chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.
Trong năm 2023, nhiều dự án kết cấu hạ tầng giao thông-vận tải cũng đã được hoàn thành hoặc được tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để triển khai thực hiện như các dự án: xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, Kho cảng nhập LNG Thị Vải công suất 1 triệu tấn (đã hoàn thành và đưa vào vận hành từ ngày 29/10/2023); đầu tư xây dựng các bến container số 3 và số 4 thuộc Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, Thành phần 3 - Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, Xây dựng nhà ga hành khách T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; xây dựng mở rộng nhà ga quốc tế T2 - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài; xây dựng nhà ga T2 - Cảng hàng không quốc tế Phú Bài (đã hoàn thành và đưa vào khai thác từ ngày 28/4/2023); xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên (đã hoàn thành và đưa vào khai thác từ ngày 2/12/2023).
Sau khi nghe Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp báo cáo về tình hình hoạt động năm 2023, kế hoạch hoạt động, triển khai sản xuất kinh doanh 2024 và thúc đẩy đầu tư phát triển kinh tế-xã hội của các doanh nghiệp, Hội nghị đã nghe các doanh nghiệp, bộ, ngành, làm rõ thêm, bổ sung về các vấn đề trọng tâm, các nhiệm vụ, giải pháp cho thời gian tới và nêu các giải pháp cụ thể trong ngắn hạn, trung hạn, dài hạn gắn với trách nhiệm thực hiện của cơ quan, đơn vị cụ thể và thời hạn hoàn thành; đồng thời, xác định lộ trình đề xuất sửa đổi, bổ sung thể chế, cơ chế chính sách và pháp luật liên quan.
Lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương trao đổi, làm rõ thêm những vấn đề đặt ra, nhất là kiến nghị sửa đổi thể chế, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền.
Phát biểu ý kiến kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong thành tựu chung của cả nước, có sự đóng góp của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc, nhất là đóng góp vào tăng trưởng, quản trị doanh nghiệp, an sinh xã hội. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng đánh giá cao, biểu dương và ghi nhận sự đóng góp này.
Thủ tướng nêu rõ, chúng ta không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, trên cơ sở thành quả đạt được, chúng ta cần đánh giá để phát huy, chỉ ra hạn chế, bất cập để rút kinh nghiệm làm tốt hơn thời gian tới.
Thủ tướng lưu ý còn rất nhiều hạn chế, bất cập như: vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách, cần chỉ rõ để khắc phục; đầu tư cho phát triển còn hạn chế, đầu tư công chỉ đạt 80%, trong khi trung bình cả nước đạt 95%; đóng góp cho tăng trưởng GDP chưa tương xứng tài sản, tài chính nắm giữ; hiệu quả đầu tư kinh doanh chưa cao.
Về nguyên nhân, Thủ tướng nêu rõ, tính tích cực, chủ động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của một số lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty chưa được phát huy mạnh mẽ; vướng mắc pháp lý còn nhiều, nhất là về đất đai, đầu tư công, các vấn đề phân cấp, phân quyền; chính sách đối với cán bộ làm doanh nghiệp, quản lý vốn còn bất cập, chưa phù hợp tình hình thực tế; hệ thống quản lý doanh nghiệp chưa thực sự phù hợp kinh tế thị trường, còn nhiều tầng nấc, khâu trung gian gây ách tắc, đòi hỏi phải tiếp tục thực hiện, rút kinh nghiệm; hậu quả của đại dịch Covid-19 vẫn đang còn, như sức khoẻ của doanh nghiệp bị bào mòn trong giai đoạn chống dịch. Điều quan trọng là chúng ta phải tìm giải pháp khắc phục, vươn lên phát triển.
Về nhiệm vụ sắp tới, Thủ tướng nêu rõ, phải xác định thời gian khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, nhất là trong phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế; sứ mệnh của các tập đoàn, tổng công ty phải làm ăn có lãi, đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng vì kinh tế nhà nước là chủ đạo, các đồng chí nắm giữ phần lớn tài sản của nhà nước, do đó phải đóng góp nhiều hơn nữa; yêu cầu kết quả của năm 2024 phải cao hơn năm 2023, không có lý do gì năm sau lại thấp hơn năm trước; những năm qua, các tập đoàn, tổng công ty đã thu được nhiều kinh nghiệm, có điều kiện tốt hơn. Từ đó chúng ta thống nhất cần tư tưởng trong lao động, chỉ đạo, điều hành với tinh thần tự tin, bản lĩnh; phải có tinh thần tiến công, mạnh mẽ, tích cực hơn nữa.
Về quan điểm chung về điều hành, Thủ tướng yêu cầu Ủy ban, các tập đoàn, tổng công ty bám sát tình hình, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn thì phải chủ động, tích cực, bám sát mục tiêu, nhiệm vụ của Đại hội lần thứ XIII của Đảng yêu cầu, của Chính phủ giao, đại hội đảng bộ các cấp đã đề ra để thực hiện hiệu quả; doanh nghiệp nhà nước phải thực hiện theo cơ chế thị trường; phải thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước thành dự án cụ thể trên tinh thần chủ động, tích cực, linh hoạt hơn nữa.
Tập trung tháo gỡ khó khăn về mặt pháp lý, nhất là các Luật liên quan thuế, đất đai, bất động sản...; các Nghị định, Thông tư với tinh thần phân cấp, phân quyền nhiều hơn đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi cho cấp dưới, tăng cường giám sát, kiểm tra; Ủy ban phải tập trung các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn pháp lý; các bộ, ngành được phân công để sửa Luật nào, Nghị định nào thì phải tích cực, chủ động tháo gỡ khó khăn.
Tập trung cho đầu tư phát triển, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công vì tỷ lệ này còn thấp hơn cả nước, đầu tư phải trọng tâm, trọng điểm, tạo việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, góp phần tháo gỡ, thúc đẩy 3 đột phá chiến lược của đất nước là tháo gỡ về thể chế, hạ tầng chiến lược và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đầu tư để làm mới 3 động lực tăng trưởng của đất nước là làm tăng tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh tạo việc làm, sinh kế cho người dân, tăng xuất khẩu; bổ sung các động lực mới như tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức… phù hợp tình hình cả về nguồn vốn và con người.
Tái cấu trúc lại các tập đoàn, tổng công ty theo kế hoạch, nhất là tái cấu trúc về quản trị gồm tổ chức, con người, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tái cấu trúc về tài chính, vốn; tái cấu trúc về các nguyên liệu đầu vào của hàng hóa, các ngành nghề để đầu tư phát triển phù hợp xu hướng. Ủy ban phải tập trung định hướng vấn đề này cho các tập đoàn, tổng công ty.
Phải phân cấp, phân quyền, cắt giảm các thủ tục hành chính; chủ động tích cực, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; phát huy tối đa truyền thống lịch sử phát triển, những mặt tích cực của các tập đoàn, tổng công ty, tạo khí thế mới, động lực mới, thắng lợi mới; phát huy bản lĩnh, tự tin, tính chiến đấu của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, kiên trì, kiên định các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo lớn của Nhà nước; đẩy mạnh chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm; chống tư tưởng trông chờ, ỷ lại; đánh giá các hoạt động, xếp hạng của tập đoàn, tổng công ty là phải đánh giá hiệu quả tổng thể; góp phần nâng cao đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động năm sau phải cao hơn năm trước; làm tốt công tác an sinh xã hội vì đây là truyền thống.
Thủ tướng yêu cầu Ủy ban, các tập đoàn, tổng công ty phải nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; các bộ, ngành, Ủy ban đã có nhiều kinh nghiệm, phải phối hợp chặt chẽ, hiệu quả để giải quyết nhanh chóng, kịp thời các đề xuất của doanh nghiệp với tinh thần tất cả vì lợi ích chung, của quốc gia, dân tộc, vì sự phát triển của các tập đoàn, tổng công ty, không được đùn đẩy trách nhiệm, sợ sai; không gây phiền hà, sách nhiễu cho doanh nghiệp; phải bám sát cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, nhất là về pháp lý.
Trước mắt chúng ta cần tích cực sửa các luật, nghị định, các thông tư, liên quan lĩnh vực giá, môi trường, tài nguyên, đất đai… Các Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách các lĩnh vực được phân công chủ động, tích cực, đôn đốc, chủ động xử lý các vấn đề tập đoàn, tổng công ty đề xuất.
Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chủ động bám sát tình hình, tham mưu trong công tác này; phát huy tinh thần đổi mới vì nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân, doanh nghiệp.
Về các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty, trong đó nòng cốt là EVN tuyệt đối không được để thiếu điện; tăng giá điện phù hợp thị trường, không được giật cục, nhưng không cầu toàn, không nóng vội; tăng tốc hay giảm tốc cũng phải dần đều, bước đi phù hợp chắc chắn, bước nào chắc bước đó. PVN phải bảo đảm đủ dầu, khí theo kế hoạch; TKV phải khai thác than, khoáng sản có kế hoạch lâu dài, bền vững; tăng cường phân cấp, phân quyền, không được để cơ chế xin-cho. Tổng công ty thép Việt Nam phải bảo đảm sản xuất thép, xử lý dứt điểm dự án Tisco 2; Vietnam Airlines phải nỗ lực cắt lỗ, xử lý dứt điểm các vấn đề tồn đọng; Petrolimex không được để thiếu xăng dầu, Bộ Công thương phải cải tiến lại cơ chế quản lý đầu mối kinh doanh xăng dầu theo hướng đơn giản, dễ kiểm tra, giám sát, không để tình trạng như hiện nay quá nhiều đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Thủ tướng lưu ý phải đặt lợi ích của đất nước lên trên hết trong quá trình làm. Theo Thủ tướng, khi xử lý các vấn đề thì cần chính sách sẽ có chính sách, không vì cơ chế, chính sách chưa theo kịp mà làm ảnh hưởng công việc chung.
Thủ tướng lưu ý bố trí con người đúng và trúng, căn cứ vào tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình của Đảng, Nhà nước; làm công khai, minh bạch, dân chủ, khách quan, đúng người đúng việc; Ủy ban và các tập đoàn, tổng công ty phải rút kinh nghiệm để làm tốt hơn.
Thủ tướng yêu cầu hiệu quả kinh doanh, đầu tư, đóng góp ngân sách, an sinh xã hội, chống tiêu cực, tham nhũng năm 2024 phải hiệu quả cao hơn năm 2023…
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()