Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 11:16 (GMT +7)
Thu hút đầu tư vào công nghiệp: Tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động
Thứ 5, 09/12/2021 | 09:02:39 [GMT +7] A A
Năm 2021, mặc dù chịu tác động không nhỏ của đại dịch Covid-19, tuy nhiên trong từng giai đoạn diễn biến của dịch, tỉnh Quảng Ninh đã đề ra những giải pháp quyết liệt, linh hoạt, thích ứng, để không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ các doanh nghiệp. Vì vậy, việc thu hút đầu tư vào các lĩnh vực nói chung và công nghiệp chế biến, chế tạo nói riêng vẫn đạt được những kết quả ấn tượng. Qua đó đã góp phần vào hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 2 con số, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.
Sau khi được tỉnh trao giấy chứng nhận đầu tư ngày 19/9/2021, Dự án công nghệ tấm Silic Jinko Solar 2 với tổng vốn đầu tư 8.382 tỷ đồng (trên 365 triệu USD) của Công ty TNHH Jinko Solar Việt Nam, thuộc Tập đoàn Jinko Solar Hong Kong đã được đẩy nhanh tiến độ xây dựng tại KCN Sông Khoai (TX Quảng Yên).
Đây là dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, nằm trong danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển của Quảng Ninh nói riêng và Việt Nam nói chung. Dự kiến vào cuối tháng 8/2022, dự án này sẽ đi vào sản xuất, cung cấp 1.430 triệu sản phẩm tấm silic/năm, tạo việc làm cho gần 2.200 lao động với mức thu nhập khoảng 11 triệu đồng/người/tháng.
Trước đó, Dự án công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar 1, với quy mô vốn đầu tư hơn 11.499 tỷ đồng (tương đương 498 triệu USD), cũng đã được tỉnh trao giấy chứng nhận đầu tư. Như vậy, tổng vốn đầu tư của 2 dự án mà Công ty Jinko Solar Việt Nam đầu tư tại KCN Sông Khoai lên đến 19.882 tỷ đồng (tương đương 865,6 triệu USD). Ông Hoàng Kim Tinh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Jinko Solar Việt Nam, cho biết: Trước khi triển khai dự án này, chúng tôi đã đi khảo sát rất kỹ tại nhiều tỉnh, thành của Việt Nam và nhận thấy Quảng Ninh hội tụ được đầy đủ các yếu tố thuận lợi. Từ các điều kiện về cơ sở hạ tầng, đến nguồn nhân lực và đặc biệt là sự cam kết hợp tác của địa phương về những yêu cầu rất khắt khe trong dự án, nên đã quyết định chọn Quảng Ninh làm điểm đầu tư.
Điều đặc biệt ở đây là quá trình cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Công nghệ Jinko Solar Việt Nam chỉ 4 ngày làm việc kể từ khi Ban Quản lý KKT tỉnh tiếp nhận hồ sơ đầu tư đầy đủ của dự án, sớm 15 ngày làm việc so với quy định. Kể từ khi tỉnh có ý kiến chấp thuận đến khi cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án chỉ trong 1 ngày làm việc, sớm 4 ngày làm việc so với quy định của thủ tục hành chính.
Theo Ban Quản lý KKT tỉnh, với sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành, địa phương, tính từ đầu năm đến nay, Quảng Ninh đã thu hút 7 dự án đầu tư FDI mới, điều chỉnh tăng vốn cho 6 dự án, với tổng vốn đầu tư đạt trên 1 tỷ USD. Trong đó có những dự án vốn đầu tư lớn, công nghệ hiện đại, mang lại giá trị gia tăng cao.
Đây là kết quả của những nỗ lực nhằm giữ vững địa bàn an toàn trong giai đoạn vừa qua, cũng như thực hiện các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong giai đoạn hiện nay. Bên cạnh đó, Quảng Ninh không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp về thủ tục cấp phép đầu tư mà còn tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất - kinh doanh, cũng như triển khai các dự án đầu tư mới.
Tỉnh đã xây dựng các phương án, kịch bản và áp dụng đồng bộ, linh hoạt tất cả các biện pháp, không để đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên, vật liệu đầu vào, cũng như không để thiếu hụt nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp. Ngoài ra, việc đảm bảo an toàn phòng dịch cho các cơ sở sản xuất trong KCN, KKT là ưu tiên hàng đầu. Đặc biệt là đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Đây cũng là điều kiện đặc biệt quan trọng để các doanh nghiệp duy trì ổn định hoạt động sản xuất với mức tăng cao, góp phần cùng cả tỉnh phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong cả năm 2021.
Từ những nỗ lực trong thu hút đầu tư những năm qua và đặc biệt là trong năm 2021, tại các KCN trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã có 56 doanh nghiệp đang có hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong đó có 31 doanh nghiệp FDI với các ngành nghề chủ yếu là điện - điện tử - cơ khí, dệt may, công nghiệp chế biến, chế tạo khác. Doanh thu của các doanh nghiệp trong các KCN 5 năm gần đây đạt 8 tỷ USD, giá trị xuất khẩu đạt 5,7 tỷ USD, nộp NSNN trên 6.400 tỷ đồng. Sự tăng trưởng của công nghiệp chế biến, chế tạo đã tạo việc làm cho hàng vạn lao động ở địa phương và các tỉnh lân cận.
Chị Nguyễn Thu Trang (khu 8, phường Quang Trung, TP Uông Bí), chia sẻ: Việc tìm kiếm việc làm hiện nay rất khó khăn, tuy nhiên vừa qua tôi đã được nhận vào làm việc tại Phòng Thiết kế sản xuất của Công ty TNHH Yazaki Hải Phòng Việt Nam tại KCN Đông Mai, TX Quảng Yên. Thu nhập hiện tại cũng ổn định.
Công nghiệp hóa là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong sự nghiệp phát triển KT-XH của nước ta, trong đó xây dựng và phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo luôn được ưu tiên hàng đầu. Cùng với việc đầu tư hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ, thuận tiện, hiện nay Quảng Ninh cũng đang hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng các KCN, nhằm tạo ra động lực phát triển mới thu hút mạnh mẽ các nguồn lực và nhà đầu tư, dự án phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo trong những năm tới đây.
Lê Nam
Liên kết website
Ý kiến ()