Tất cả chuyên mục

Tháng 7-2008, nhà khảo cổ học trẻ tuổi Nguyễn Văn Anh, Viện Khảo cổ học Việt Nam đã đưa ra một loạt các bằng chứng thuyết phục chứng minh Ngoạ Vân am, nơi đức vua Trần Nhân Tông viên tịch là thuộc xã An Sinh, huyện Đông Triều.
Điều này đã phủ nhận những khẳng định trước đây về vị trí am Ngoạ Vân nói trên nằm trong Khu Di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử. Tại Hội thảo “Đông Triều với lịch sử nhà Trần” được tổ chức vào cuối tháng 10 vừa qua, những nhận định này của Nguyễn Văn Anh đã nhận được sự đồng thuận của hầu hết các nhà nghiên cứu tham gia hội thảo.
Để tiến hành công trình nghiên cứu này Nguyễn Văn Anh đã điều tra nghiên cứu khảo cổ học ở cả hai địa điểm được coi là có nhiều cơ sở liên quan đến việc đức vua Trần Nhân Tông viên tịch, là Khu Di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử, thuộc xã Thượng Yên Công (Uông Bí) và Khu Di tích Ngoạ Vân - Hồ Thiên, thuộc 2 xã Bình Khê và An Sinh (Đông Triều). Kết quả tại Khu Di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử, khu vực được cho là Ngoạ Vân đều được hình thành vào thời Lê - Nguyễn. Trong khi đó tại Khu vực Di tích Ngoạ Vân - Hồ Thiên, ngoài di tích chùa Hồ Thiên, đã phát hiện thêm hàng loạt các cụm di tích kiến trúc, trong đó tồn tại dấu vết vật chất thời Trần. Trước kết quả này đoàn khảo cổ của Nguyễn Văn Anh đã quyết định dành toàn bộ thời gian hơn 2 tháng còn lại của hành trình để tiến hành khai quật các điểm di tích khu vực này.
Khu vực Ngoạ Vân có 6 điểm mang dấu vết kiến trúc đời Trần. Tại điểm nằm trên đường vào chùa Ngoạ Vân ngày nay đã tìm thấy dấu vết kề xếp nền móng bằng đá và các loại hình vật liệu kiến trúc thời Trần và thời Lê Trung Hưng. Cách đó 20m về phía Tây Bắc, ngoài các vết kè xếp nền móng kiến trúc theo khuôn mẫu thời Trần còn có rất nhiều gạch ngói và một số tảng kê chân cột của thời Lê Trung Hưng và thời Trần. Điểm trung tâm Ngoạ Vân là nơi có mật độ di vật đậm đặc nhất, bao gồm hệ thống kè bó nền móng, nhiều mặt nền được kè xếp bằng đá và tạo thành nhiều cấp, phía sau cắt sâu vào sườn núi tạo thành bức tường vững chắc. Phía tây khu đất này còn tìm thấy một kiến trúc bằng đá, mở 3 cửa vòm, phần mái đã mất chỉ còn 4 bức tường, các mặt còn lại trổ các cửa nhỏ. Nhiều cột có khắc nổi bức hoành phi, câu đối, riêng cửa chính khắc hoành phi đề 3 chữ ''Ngoạ Vân tự''. Di vật thời Trần được tìm thấy ở đây chủ yếu là các loại vật liệu xây dựng, các tảng kê chân cột và đồ gốm sứ. Vật liệu kiến trúc gồm có các loại gạch, ngói đặc trưng thời Trần như ngói múi lá, ngói cánh sen, gạch bìa. Sau khi nghiên cứu, phân loại chi tiết các loại hình vật liệu kiến trúc ở đây, Nguyễn Văn Anh bước đầu xác định chúng thuộc cả hai giai đoạn Trần sớm và Trần muộn. Với các loại hình di vật này cho thấy dưới thời Trần đã từng tồn tại những kiến trúc có quy mô lớn ở đây. Điều đó cũng đồng nghĩa đây có thể là khu vực trung tâm của Ngoạ Vân thời Trần. Ngoài những di vật mang đặc trưng của thời Trần, nhiều di vật thời sau như thời Lê còn có nhiều dấu hiệu khẳng định dấu tích Ngoạ Vân, đáng chú ý là một số viên gạch, ngói khắc chữ Vân Phong, một tên gọi khác của khu núi có am Ngoạ Vân. Tại điểm khu vực chùa Ngoạ Vân hiện nay, di tích và di vật còn lại khá phong phú và đa dạng. Dấu vết kiến trúc tìm thấy gồm các kè xếp nền móng, các công trình kiến trúc và đặc biệt là 2 toà tháp. Tháp thứ nhất có tên Đoan Nghiêm tháp, là tháp mộ của thiền sư Đức Hưng. Tháp có cấu trúc mặt bằng, hình vuông, một tầng bệ, hai tầng thân và phần chóp tháp. Tháp thứ hai có cấu trúc tương tự tháp thứ nhất chính giữa tầng thứ 2 chạm nổi 3 chữ ''Phật Hoàng tháp'', trong lòng tháp đặt một bài vị bằng đá xanh, trên ghi 25 chữ Hán, đại ý Nam mô a di đà Phật, bài vị thờ Điều ngự vương phật Đầu đà Tĩnh tuệ giác hoàng, tổ thứ nhất phái Trúc Lâm, vua thứ 3 triều Trần, Hoàng đế Nhân Tông. Trước mặt tháp có một tấm bia đá hình chữ nhật, được dựng vào năm Minh Mệnh thứ 21, ghi nhận đây là tháp mộ vua Trần Nhân Tông. Bên cạnh bia đá còn một tượng voi khá nguyên vẹn, một tượng ngựa đã bị đập vỡ phần đầu. Di vật tìm thấy tại điểm chùa Ngoạ Vân hiện nay thuộc nhiều loại khác nhau, trong đó đáng chú ý nhất là tấm bia và 3 bệ tượng bằng đá xanh. Bia đá khắc chữ ''Trùng tu Ngoạ Vân tự được dựng vào ngày tốt tháng 12 năm Vĩnh Thuận thứ 3'', mặt trước ghi chép việc trùng tu chùa Ngoạ Vân dưới thời Lê, mặt sau ghi chép về việc công đức và những quy định của nhà Lê về việc trông coi và bảo vệ di tích Ngoạ Vân và khu lăng mộ các vua Trần tại An Sinh. Những di vật ở khu vực này phù hợp với những ghi chép trong sách ''Trần triều thánh tổ các xứ địa đồ'', một cuốn sách cổ ghi chép về lăng mộ các vua Trần ở Đông Triều.
Những tên gọi như Ngoạ Vân, Vân Phong được ghi lại trong các di vật, trong đó quan trọng là trong các bia đá và chữ khắc trên vật liệu kiến trúc được tìm thấy trong đợt khai quật phù hợp với những ghi chép trong sử liệu. Điều này cho thấy Nguyễn Văn Anh đã không chỉ có đầy đủ bằng chứng về địa danh Ngoạ Vân từ thời Lê cho đến nay, mà còn chứng minh sự gắn kết của đức vua Trần Nhân Tông với di tích này. Với tháp Phật Hoàng, bài vị thờ ngài trong tháp, tấm bia thời Nguyễn được vua Minh Mạng cho dựng để ghi nhớ vị trí tháp mộ Trần Nhân Tông đã khẳng định rõ Ngoạ Vân thời Lê - Nguyễn, có vị trí địa lý ''chùa Ngọa Vân, xã An Sinh, huyện Đông Triều, phủ Kinh Môn, đạo Hải Dương...'' (nay là xã An Sinh, huyện Đông Triều) chính là nơi mà Trúc Lâm đại sĩ đã từng tu luyện và hoá Phật.
Như vậy có thể nói, công trình nghiên cứu của Nguyễn Văn Anh đã khẳng định vị trí của Ngoạ Vân nằm trên dãy núi Yên Tử, thuộc địa bàn hai xã An Sinh và Bình Khê (Đông Triều), góp phần chấm dứt tình trạng tranh cãi về nơi vua Trần Nhân Tông viên tịch kéo dài đã nhiều năm nay.
Điều này cũng đặt ra vấn đề cần phải khẩn trương tiến hành các biện pháp bảo tồn tôn tạo di tích Ngoạ Vân sao cho đúng với vị trí, ý nghĩa của nó.
Ý kiến ()