Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 23:44 (GMT +7)
Tiên Yên: Nơi kết nối sắc màu các dân tộc vùng Đông Bắc
Thứ 6, 23/07/2021 | 07:22:25 [GMT +7] A A
Với tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 52,14%, giai đoạn tới huyện Tiên Yên đặt mục tiêu sẽ tiếp tục xây dựng địa phương trở thành trung tâm văn hóa, là nơi kết nối sắc màu các dân tộc vùng Đông Bắc, lấy thương mại, dịch vụ, du lịch là khâu đột phá trong phát triển KT-XH.
Nỗ lực bảo tồn văn hóa
Ông Tạ Vĩnh Thắng, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin, Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Văn hóa huyện Tiên Yên, nhận định: Qua 10 năm triển khai thực hiện Quyết định số 1270/QĐ-TTg ngày 27/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020, nhờ sự quan tâm chỉ đạo hướng dẫn từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt là sự phối hợp của những nghệ nhân am hiểu, lưu giữ vốn di sản văn hóa các dân tộc, công tác bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Tiên Yên đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Những lễ hội truyền thống của dân tộc Dao, Tày, Sán Chỉ, Sán Dìu đã được phục dựng thành công. Một số CLB nghệ thuật dân gian, dân tộc được duy trì và phát huy hiệu quả. Các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được quan tâm bảo tồn và gìn giữ.
Từ năm 2011 đến nay, toàn huyện đã thực hiện trang trí hơn 1.800 băng rôn, 350 phướn lớn, các cụm loa truyền thanh cơ sở phát trên 15.000 lượt bài tuyên truyền về bảo tồn di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của huyện. 10 năm qua, Tiên Yên đã tổ chức được 5 hội nghị tập huấn bảo tồn di sản văn hóa cho gần 500 học viên là cán bộ các phòng chuyên môn của huyện, lãnh đạo và công chức văn hóa các xã, thị trấn, trưởng các thôn, bản, khu phố và những người trông coi, bảo vệ di tích, nhằm nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác văn hóa cơ sở trong việc nhận biết các loại hình di sản văn hóa vật thể, phi vật thể.
Huyện Tiên Yên cũng có nhiều di tích cách mạng và hệ thống các công trình kiến trúc Pháp cổ. Trong 42 di tích lịch sử, văn hóa của huyện thì có 16 di tích nằm trong danh mục kiểm kê theo quyết định của UBND tỉnh, 6 di tích lịch sử, văn hóa xếp hạng cấp tỉnh.
Một số di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh tiêu biểu là: Di tích lịch sử Khe Tù; đền Đức ông Hoàng Cần; di chỉ khảo cổ Hòn Ngò; di tích lịch sử Khe Giao… Cùng với đó, huyện còn nỗ lực bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể. Theo thống kê, hiện nay, toàn huyện có 7 loại hình trình diễn nghệ thuật dân gian; 21 loại hình tập quán xã hội; 14 loại hình tri thức dân gian; 4 loại hình thủ công truyền thống; 7 loại hình lễ hội truyền thống.
Phát huy hiệu quả các điểm du lịch tiềm năng
Bên cạnh việc nỗ lực gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống, huyện Tiên Yên cũng chú trọng phát triển du lịch tại địa phương. Cụ thể, huyện đã khai thác hiệu quả các điểm danh thắng sinh thái, như: Thác Pạc Sủi (xã Yên Than), rừng ngập mặn (xã Đồng Rui), hồ Khe Táu (xã Đông Ngũ), hồ Khe Cát (xã Hải Lạng), hệ thống ruộng bậc thang và bản sắc văn hóa truyền thống của người Sán Chỉ.
Theo đó, huyện đã tích cực đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng tới các điểm du lịch tiềm năng. Như: Mở rộng đường vào xã đảo Đồng Rui; xây dựng quy hoạch, GPMB của đền thờ Đức ông Hoàng Cần (xã Hải Lạng); khánh thành công trình cầu, đường bờ sông huyện Tiên Yên…
Tiên Yên cũng tích cực đồng hành, hỗ trợ và khuyến khích người dân đầu tư công nghệ chế biến để tạo ra sản phẩm hàng hóa có thương hiệu. Các sản phẩm OCOP của huyện được du khách thập phương đánh giá cao, như: Gà Tiên Yên, bánh gật gù, kẹo lạc hồng, mật ong, khâu nhục, trứng vịt biển Đồng Rui...
Mặt khác, UBND huyện còn quan tâm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư tại các điểm du lịch trên địa bàn. Điển hình phải kể đến: Công ty CP Flamingo nghiên cứu, lập quy hoạch Quần thể đô thị du lịch, nghỉ dưỡng phía tây cảng Mũi Chùa; Tập đoàn TH True Milk nghiên cứu khảo sát đầu tư du lịch tại huyện Tiên Yên...
Với những nỗ lực trên, ngành du lịch đã ngày càng đóng góp tỷ trọng lớn trong phát triển KT-XH của huyện Tiên Yên. Năm 2020, dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng số khách du lịch đến Tiên Yên vẫn khá ấn tượng, với 45.800 người, doanh thu từ du lịch trên 22 tỷ đồng. Du lịch tạo ra khối lượng việc làm đáng kể cho địa phương, đặc biệt là lao động trực tiếp trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú và dịch vụ ăn uống, giải trí.
Ông Phạm Văn Hoài, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên, cho biết: Để xây dựng địa phương trở thành trung tâm văn hóa, là nơi kết nối sắc màu các dân tộc vùng Đông Bắc, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước từ huyện đến cơ sở đối với công tác di sản văn hóa và danh thắng trên địa bàn. Phát triển du lịch mua sắm, du lịch cộng đồng, giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc trong huyện để thu hút khách du lịch.
Các dịch vụ du lịch sẽ được kiểm soát chặt chẽ về quy mô, vị trí hoạt động, chất lượng, giá cả, sự an toàn, vệ sinh môi trường, đảm bảo đáp ứng nhu cầu của khách du lịch và không làm ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh sống của người dân địa phương…
Lan Anh
Liên kết website
Ý kiến ()