Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 07:29 (GMT +7)
Nơi mùa xuân sớm về gõ cửa
Thứ 5, 20/01/2022 | 09:11:30 [GMT +7] A A
Trong cái lạnh se sắt của những ngày cuối năm, được trải nghiệm cung đường tuần tra của những người lính biên phòng, được đứng lặng trước độ cao của đỉnh cột mốc thiêng liêng, thu vào tầm mắt vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng Đông Bắc, được nghe các anh kể về thời điểm băng tuyết xuất hiện trong những ngày bám chốt… Bất chợt, trong sắc xuân đến sớm từ một chiều biên giới, bắt gặp người lính đứng suy tư trước những nếp nhà bình yên trên bản nhỏ, cất lại cảm xúc rồi lặng lẽ dõi về phía mờ xa, mới thấu hơn những hy sinh thầm lặng, càng thêm yêu tha thiết màu áo xanh.
Hoành Mô khi “đào trổ sắc hoa”
Được thành lập tháng 3/1959, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Hoành Mô được giao nhiệm vụ quản lý bảo vệ đoạn biên giới chính diện dài hơn 43km, với 41 mốc giới/68 cột mốc; chiều sâu địa giới hành chính 5 xã và 1 thị trấn biên giới (gồm các xã: Vô Ngại, Lục Hồn, Đồng Tâm, Hoành Mô, Đồng Văn và thị trấn Bình Liêu) với 95 khu, thôn, bản, 96% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là địa bàn có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao nhất tỉnh Quảng Ninh và cũng vào nhóm cao nhất cả nước.
Trong những năm qua, đơn vị đã tổ chức bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới địa bàn được phân công phụ trách; giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tham gia phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với củng cố quốc phòng, an ninh và đối ngoại ở khu vực biên giới; xây dựng nền Biên phòng toàn dân vững mạnh; thực hiện tốt công tác đối ngoại biên phòng, đối ngoại nhân dân, góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Đặc biệt, từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, đơn vị đã tổ chức triển khai và duy trì 8 chốt phòng, chống dịch, chống xuất nhập cảnh trái phép. Trong năm 2021, đơn vị đã bắt, xử lý 12 vụ/30 đối tượng xuất nhập cảnh trái phép.
Đến với các anh vào những ngày giáp Tết, Thiếu tá Nguyễn Văn Diện, Đội phó Vũ trang, chốt trưởng cụm mốc 1302 giới thiệu với giọng nói hồn hậu đầy tin tưởng có đôi chút trầm lắng: “Thời điểm giáp Tết trước đây, việc xuất, nhập cảnh trái phép khá nhiều. Hiện nay, về cơ bản thì tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội không có những vấn đề phức tạp. Từ khi Trung Quốc rào đường biên giới, lực lượng nước bạn cũng thường xuyên tuần tra kiểm soát nên tương đối ổn định. Về thực hiện nhiệm vụ cũng có những khó khăn, và càng khó khăn hơn trong công tác tuần tra kiểm soát những ngày mùa đông, sương mù dày đặc kéo dài, nhiệt độ thấp. Ở cách bà con dân bản khoảng 8km, các anh em tự động viên nhau vượt qua nỗi nhớ nhà, đặc biệt là những ngày mưa rét, và những anh em lần đầu đón giao thừa xa gia đình... Cũng tâm trạng lắm, nhưng mình quen rồi, vợ con cũng cảm thông, chia sẻ và động viên ngược lại”.
Ở Bình Liêu, mùa xuân lẫn trong hơi thở mùa đông, bởi trên các khu vực đồi núi cao, hoa đào thường nở rộ từ tháng 9 đến tháng 10 Âm lịch, sau đó là đợt hoa đón Tết. Với những người lính, mùa xuân đến sớm từ những cánh đào bung sắc trên đường tuần tra, từ làn khói lam chiều thấp thoáng trên những bản xa, từ nỗi nhớ cồn cào, rạo rực đang dồn lắng lại, gửi về vùng quê ấy – nơi có những người thân yêu vẫn ngày đêm mong ngóng, đợi chờ!
Pò Hèn - nơi ấm tình đồng chí, quân dân
Đứng chân trên địa bàn thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn, TP Móng Cái, Đồn Biên phòng Pò Hèn làm nhiệm vụ phụ trách 12,6km đường biên giới gồm 7 mốc quốc giới/11 cột mốc giáp với nước bạn. Trên 70% cán bộ, chiến sĩ trực 24/24h tại 10 tổ chốt. Những ngày cuối cùng của năm 2021, cũng giống như tất cả các đồn biên phòng ở vùng biên giới khác, các anh đang “tăng tốc” thực hiện những “mục tiêu kép”: Vừa bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới khu vực biên phòng; vừa chống dịch Covid-19; vừa tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vừa chuẩn bị chu đáo cho cán bộ, chiến sĩ đón Tết, vui xuân.
Thượng tá Tạ Viết Phong, Chính trị viên Đồn Biên phòng Pò Hèn, chia sẻ: “Ngoài nhiệm vụ tuần tra bảo vệ biên giới, các anh em còn làm công tác dân vận, giúp dân ổn định cuộc sống, cùng cấp ủy chính quyền địa phương xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, chăm sóc sức khỏe người dân, hướng dẫn nhân dân phát triển sản xuất. Với phương châm hành động “Ðồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc anh em là ruột thịt” và thực hiện bốn cùng “Cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng của đồng bào”, cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đã là những người thân trong mỗi gia đình bà con nơi đây. Đối với những ngày Tết, thường anh em cứ sau 2 năm thì sẽ được ăn Tết cùng gia đình 1 lần. Đơn vị thực hiện duy trì 75% đến 100% quân số trực trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán. Đơn vị luôn có sự gắn bó, anh em biết đoàn kết, nhường nhịn và yêu thương nhau như ruột thịt. Bà con dân bản yêu quý, tin tưởng. Đó cũng chính là động lực để tất cả cùng vững vàng, yên tâm bám chốt, hoàn thành nhiệm vụ”.
Năm 2021, đồn đã tham mưu, giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo (có 3 vườn mẫu), thực hiện mô hình “con nuôi Đồn Biên phòng”, “nâng bước em tới trường”, thực hiện tốt công tác phối hợp với nhân dân. Vào dịp Tết, đơn vị cử cán bộ, chiến sĩ xuống địa bàn ăn Tết với bà con kết hợp nắm tình hình địa bàn; mời cấp ủy, chính quyền địa phương, già làng trưởng bản, các cháu thuộc diện “nâng bước em tới trường”, “con nuôi Đồn Biên phòng” lên đơn vị ăn Tết. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tuần tra biên giới, địa bàn phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội. Chủ trương tổ chức Tết tại đơn vị đảm bảo an toàn, tiết kiệm, phối hợp địa phương thăm, chúc Tết các gia đình chính sách, hộ nghèo khu vực biên giới. Vận động bà con chấp hành chính sách pháp luật, không vượt biên, không tiếp tay buôn lậu, không xuất nhập cảnh trái phép, không buôn bán, tàng trữ và đốt pháo trong dịp Tết. Hằng năm, đơn vị tổ chức nhiều hoạt động vui xuân ý nghĩa: Chương trình “Xuân biên cương ấm lòng dân bản” với các hoạt động gói bánh chưng, mổ lợn, giao lưu văn nghệ, hái hoa dân chủ cùng Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ và bà con nhân dân. Tết rộn ràng các trò chơi dân gian như đánh quay, đẩy gậy, đốt lửa trại… của dân bản với sự tham gia nhiệt tình của cán bộ, chiến sĩ.
Trong tình hình dịch bệnh hiện nay, các hoạt động tập trung đông người bị hạn chế, cán bộ, chiến sĩ sẽ thực thi nhiệm vụ và đón xuân trong trạng thái bình thường mới. Từ Tết năm 2021, có nhiều đồng chí ở tỉnh ngoài đã lâu không về thăm nhà. Trung úy Bùi Bằng Cao Thanh (quê Hải Dương) đang làm nhiệm vụ ở chốt 24 chống dịch tại Đồn Biên phòng Pò Hèn, từ tháng 11/2020 đến tháng 7/2021 mới được về thăm nhà. Năm 33 tuổi mới lấy vợ, lần gần nhất Thanh về nhà con trai đầu lòng còn phải bế bồng, ngày về thăm con đã biết đi biết chạy, biết bi bô chuyện trò. Nhớ con, Thanh nhờ tìm mua đồ chơi, quà Tết gửi về sớm cho con. Thanh giấu lại một chút rưng rưng sau ánh mắt ngời sáng: “Đặc thù biên phòng là thế, nhớ nhà nhớ con là lẽ đương nhiên, nhưng em cũng rất yên tâm ở lại trực Tết. Bố em mất từ khi em học lớp 2, em đã luôn muốn mình là một người đàn ông mạnh mẽ của gia đình, và em tin là con em lớn lên sẽ hiểu, sẽ rất tự hào khi biết bố ở xa vì đang làm nhiệm vụ, đang canh giữ cho sự bình yên của nhân dân”.
Được biết, ở Đồn Biên phòng Pò Hèn, đã thành lệ một tháng một lần, Chi Hội phụ nữ xã Hải Sơn đã xây dựng kế hoạch và thể hiện sự quan tâm, động viên cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ. Mùa hè là những cốc nước cam, hoa quả. Mùa đông là những nồi cháo gà hoặc bát xôi nóng hổi tặng anh em chiến sĩ ở các tổ chốt – là sự thăm hỏi, động viên thật thiết thực và ấm áp. Cùng đó, Chi hội đã liên hệ với một số phường của thành phố Móng Cái tặng nước uống, khẩu trang cho anh em chiến sĩ… Tình quân dân thắm thiết đã tiếp thêm sức mạnh cho cán bộ, chiến sĩ; giúp các anh những ngày trực ở đơn vị được đón Tết trong không khí ấm cúng hơn.
Hậu phương vững chắc
Tại Trạm kiểm soát biên phòng Đầm Hà thuộc đồn Biên phòng Quảng Đức, Trung tá Nguyễn Xuân Trường - đến từ Quận Cầu Giấy, Hà Nội, đã từ rằm tháng Giêng đến nay anh chưa về thăm nhà, Tết này cũng ăn Tết ở đơn vị. Cũng bởi nhiệm vụ, rồi dịch bệnh kéo dài. Khi mẹ già mắc bệnh hiểm nghèo, lúc 2 con nhỏ ốm đau, tất cả đều gửi gắm ở phía “hậu phương”.
Khi được hỏi về điều đó, anh cười xòa: “Thương vợ nhưng mình là người lính, mình đã lựa chọn và vợ mình cũng đã lựa chọn, thôi thì mình gánh việc nước, vợ gánh vác việc nhà. Anh em trên các chốt ở các đồn khó khăn còn vất vả hơn dưới mình nhiều, nhất là khi thời tiết khắc nghiệt cuối đông, đầu xuân. Các chốt trực đều là nhà tôn lạnh, giá buốt lắm. Mình phụ trách các xã ven biển vẫn còn thuận lợi. Còn việc về Tết thì phải luân phiên, anh em về, rồi sẽ đến lượt mình”.
Anh lặng đi vài giây khi nhắc đến những người lính không thể về khi cha, mẹ mất, không thể bên người thân san sẻ những vui buồn, không thể chăm sóc lúc con ốm đau… Anh kể về muôn vàn cách an ủi, sẻ chia của những người đồng chí ngày đêm kề vai sát cánh, họ luôn lấy sự lạc quan để át đi những giây phút yếu mềm thoảng qua. Phải chăng, tình đồng chí đồng đội đã khiến các anh quên đi những thiếu thốn, khó khăn về tinh thần cũng như vật chất? Sự thấu cảm lẫn nhau ấy đã tiếp thêm sức mạnh để các anh trụ vững nơi biên cương, chắc tay súng bảo vệ “phên giậu” của Tổ quốc, trở thành điểm tựa vững chắc của đồng bào các dân tộc khu vực giáp biên. Và hơn thế nữa, là sự sẵn sàng vào hai vai của những người vợ, người mẹ đã giúp các anh yên tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ, bảo vệ sự bình yên nơi biên giới.
Mùa xuân bình yên
Mùa xuân là mùa của sự đoàn viên, sum họp, lá hoa khoe sắc, trời đất giao hòa. Mùa khởi đầu cho những yêu thương, hy vọng, đợi chờ và mong ước. Và mùa xuân của các anh trong thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới thật quá đỗi thiêng liêng, khi thêm một tuổi quân, thêm mỗi ngày bám trụ với từng tấc đất quê hương.
Tình yêu người lính biên phòng gắn với dải đất biên cương, là sự gắn bó của tình đồng chí, đồng đội và tình đồng bào, là sự hy sinh của những niềm vui, hạnh phúc riêng tư. Biên giới đã vào xuân, đến với các đồn biên phòng ngày giáp Tết mới cảm nhận được mùa xuân của những người lính quân hàm xanh, mùa xuân của những hy sinh thầm lặng mà cao cả. Khó khăn còn đó, chúng ta đang sống trong những tháng ngày đối mặt với dịch bệnh, nhưng chúng ta vẫn có những ngày Tết quây quần, đoàn tụ bên gia đình, người thân. Nơi các anh, mùa xuân chưa bao giờ đến muộn - là mùa xuân trong dấu chân người lính in trên những nẻo đường tuần tra, là mùa xuân rộn vang khúc hát về Tổ quốc trong trái tim người chiến sĩ biên cương!
Nguyễn Minh Nguyệt (CTV)
Liên kết website
Ý kiến ()