Tất cả chuyên mục

Cứ mỗi lần có một nhân vật được truyền thông nhắc đến là cả cộng đồng nổi sóng những hỉ, nộ, ái, ố… Vậy nhưng có bao giờ ta tự hỏi, khi bão tan rồi thì họ ở đâu không?
Không ít người sống trong đời đều muốn được nhiều người biết tới. Tuy nhiên, không phải ai muốn cũng được nên trong khi chờ đợi hoặc mơ mộng tới lượt mình, người ta cứ dồn sự chú ý cũng như hỉ, nộ, ái, ố với người đang được truyền thông nhắc tới.
![]() |
Thế là ta nức nở hâm mộ người lính đương thời Nguyễn Đình Chiến, nhà giáo đương thời Đỗ Việt Khoa, nghẹn ngào trước hoàn cảnh của cô Lượm nơi kinh thành Huế, cậu bé Hào Anh nơi đầm tôm xứ Cà Mau hay cha con anh Hồ Văn Lang, người sống chốn rừng sâu Quảng Ngãi, sôi sục lên với Công Phượng qua Chuyển động 24h. Gần đây nhất, ta từ thương cảm, đồng cảm, chia sẻ, thậm chí ngưỡng mộ đến giận, trách, chỉ trích anh Thanh, chị Đào với câu chuyện tình không cổ tích.
Cứ mỗi lần có một nhân vật được truyền thông nhắc đến là cả cộng đồng nổi sóng những hỉ, nộ, ái, ố và thậm chí xắn tay áo nhảy vào tích cực tham gia đóng góp công sức, tiền bạc để cứu rỗi những mảnh đời ngang trái. Vậy nhưng có bao giờ ta tự hỏi, khi bão tan rồi thì họ ở đâu không?
Người đương thời giờ đã hết thời
Có lẽ thật bàng hoàng khi biết ông Chiến đang lãnh án chung thân về tội lừa đảo thông qua công ty Bắc Hà và tập đoàn Bắc Hà Hongkong. Trong bản án ấy không nhắc tới việc ông từng là khách mời của chương trình Người đương thời nhưng có thể thấy thông tin ấy nhan nhản trên các báo. Mặc dù khéo léo không kết tội vai trò của chương trình trong việc gây dựng uy tín cho ông nhưng rõ ràng sự nổi tiếng của ông như dầu loang trên biển sau khi lên sóng quốc gia với tư thế người lính làm kinh tế giỏi.
Một người đương thời nữa cũng từng là ngôi sao sáng trên khắp các kênh truyền thông cả nước ấy chính là nhà giáo Đỗ Việt Khoa với tư cách người chống lại gian lận trong thi cử. Chẳng ai lạ gì bệnh thành tích cũng như sự yếu kém của nền giáo dục nước nhà nhưng việc làm của thày Khoa tạo cảm hứng cho xã hội về một điều gì đấy trong sáng lắm, phơi phới lắm. Cảm hứng lớn đến độ anh được mời lên chương trình Người đương thời của VTV. Bộ trưởng Bộ Giáo dục khi đó là ông Nguyễn Thiện Nhân đã trực tiếp về thăm hỏi và sau đó ông phát động phong trào Hai không nổi tiếng.
Mọi thứ qua đi và thầy không mang nổi cái bóng quá lớn của chính mình khi từ hình ảnh người chiến sĩ tiên phong chống lại tiêu cực trong giáo dục, thày trở thành một người khang khác. Không khó để biết cái khang khác đấy của thày là gì nhưng rõ ràng là buồn. Buồn đến mức PGS Văn Như Cương cũng đã từ chối nhận thày về trường như đã hứa khi thầy đang trong tâm bão.
Những hoàn cảnh đáng thương thì vẫn đáng thương
Cô Trần Thị Thuỳ Dương, được biết đến với cái tên Lượm, sau khi bị phát hiện là người mạo nhận hay là người bịa ra câu chuyện về mối tình đầu xúc động đã phải đối diện với búa rìu dư luận. Dù cho cô có gửi thư công khai xin lỗi chương trình và cam kết bồi hoàn lại mọi khoản tiền ủng hộ thì sự khinh khi của người đời là bản án cô mãi mãi phải mang theo. Nghe đâu cô đã chuyển nhà vì không chịu nổi áp lực!?
Cậu bé Hào Anh thuở nào thì giờ đây liên tục lên báo vì đuổi mẹ ra khỏi nhà và có dấu hiệu ăn chơi đua đòi. Thật không khó đoán khi ta hiểu em được giáo dục ra sao từ cha mẹ. Thật không khó đoán khi em được kéo từ đầm tôm lên và o bế tại mọi nơi để bù đắp những ngược đãi mà em phải chịu đựng. Tất nhiên, thật không khó đoán khi em ý thức được em là chủ sở hữu của khoản tiền lớn mà cộng đồng đóng góp cưu mang em.
Chuyên gia nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất đã nói: “Xã hội có giúp đỡ nhưng lại không tới nơi tới chốn. Trên thực tế, những đứa trẻ bình thường không được giáo dục cũng dễ ăn chơi sa đọa, ngược đãi cha mẹ huống chi một đứa trẻ không được học hành như Hào Anh”. Phải chăng ta chỉ trợ giúp như một thói quen?
Còn người rừng của chúng ta thì sao? Anh gần như lạc lõng giữa cuộc đời sau mấy mươi năm sống cách biệt với đời sống xã hội. Người viết bài không hiểu môi trường nào sẽ đem lại hạnh phúc cho anh hơn.
Họ vẫn còn cuộc đời phía trước
Công Phượng đang dần thoát ra khỏi tâm bão khi vô tình bị cuốn vào câu chuyện về gian lận tuổi tác. Thậm chí nếu có sự gian lận nào đó thì dù sự thật là cốt lõi của nền thể thao nhưng ta vẫn có thể thông cảm cho anh. Thật mừng anh đã được xác nhận trong sạch.
Nhưng cũng có một sự thật khác khi cất lên tiếng nói thì hai người trong cuộc, anh Thanh ca sĩ hát rong và chị Đào khiếm thị lại chịu sự bẽ bàng. Xã hội vốn đã bị mất niềm tin vào nhiều thứ nên lên án anh chị vì sự gian dối. Thật buồn khi sự nổi tiếng bất đắc dĩ không mang lại điều tốt đẹp gì ngoài luồng chỉ trích của dư luận.
Nhưng xét cho cùng, câu chuyện của anh chị cũng không có gì ghê gớm lắm nếu không muốn nói nó đã nhen lên đâu đó chút yêu thương, thiện tâm trong lòng người. Thế âu cũng là chắt lọc ra được giữa bao nhiêu lờ đờ nước đục một điều gì tử tế. Tôi thấy vui khi họ hàng nhà “vợ” anh vẫn độ lượng với anh dù có vì điều gì đi nữa.
Thật sự khi viết bài này tôi muốn hỏi những người sắp nổi tiếng rằng chúng ta đã sẵn sàng để nổi tiếng chưa? Bằng ấy những người đã từng nổi tiếng khắp cả nước phải đối diện với cơn bão truyền thông như thế liệu có đủ để chúng ta ý thức lại về mục đích dấn thân vào tâm bão của mình. Họ dường như là nạn nhân của chính sự nổi tiếng ấy dù là vô tình được truyền thông đưa lên hay dựng lên.
Đồng thời, hơn lúc nào hết, những người làm báo nên cân nhắc khi khai thác về mảnh đời riêng của ai đấy để làm tấm gương điển hình hoặc để nhận được sự đồng cảm, chia sẻ của toàn xã hội.
Theo VietNamNet
Ý kiến ()