Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 18:37 (GMT +7)
Kỷ niệm Ngày Quốc tế Người khuyết tật 3/12 "Nối vòng tay nhân ái" vì người khuyết tật
Thứ 4, 30/11/2022 | 08:33:53 [GMT +7] A A
Quảng Ninh hiện có gần 22.000 người khuyết tật (NKT). Những năm qua tỉnh luôn phát huy truyền thống, tinh thần tương thân tương ái "Lá lành đùm lá rách" của dân tộc Việt Nam, quan tâm chăm lo cho NKT, giúp họ ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, qua đó góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Nhiều năm nay gia đình bà Ngô Thị Hà (thôn Nà Khau, xã Đồng Tâm, huyện Bình Liêu) là hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ở cái tuổi gần 70, sức yếu, không có việc làm, bà Hà phải lo ăn từng bữa cho mình và 2 con trai là Hoàng Văn Sạch (39 tuổi), Hoàng Thanh Sủi (29 tuổi) là khuyết tật tâm thần nặng và đặc biệt nặng, không có khả năng lao động. Cuộc sống của 3 mẹ con phụ thuộc vào tiền trợ cấp xã hội hằng tháng của Nhà nước, hỗ trợ của nhà hảo tâm, sự cưu mang của bà con trong thôn, xã; ở trong căn nhà vách đất xuống cấp nghiêm trọng, không an toàn. Biết được hoàn cảnh khó khăn của bà Hà, Ngân hàng Nhà nước Quảng Ninh đã vận động các ngân hàng hỗ trợ kinh phí 50 triệu đồng xây nhà mới. Từ số tiền được hỗ trợ trên cùng sự ủng hộ, đóng góp của họ hàng, MTTQ và chính quyền địa phương, cuối tháng 10/2022 ngôi nhà mới khang trang, vững chãi của gia đình bà Hà được xây dựng, dự kiến hoàn thành trước Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Gia đình ông Lê Văn Quý (thôn Đình 1, xã Liên Vị, TX Quảng Yên) là hộ khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn, 3/7 người bị khuyết tật (ông, con dâu, cháu nội). Từ sự hỗ trợ của Hội Bảo trợ NKT&TMC tỉnh, Công ty CP Du thuyền 5 sao Hồng Phong (TX Quảng Yên), địa phương, họ hàng và bà con láng giềng, gia đình ông đã xây được căn nhà mới khang trang, diện tích 110m2, giúp từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên, đóng góp xây dựng quê hương.
Trên đây chỉ là 2 trong số hàng nghìn NKT trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ kinh phí xây nhà ở. Việc quan tâm chăm lo, hỗ trợ cho NKT luôn nhận được sự ủng hộ của các doanh nghiệp, tập thể, cá nhân, nhà hảo tâm. Từ đầu năm 2022 đến nay, toàn tỉnh đã vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ NKT trị giá trên 8,4 tỷ đồng: Tiền, quà, xe lăn, radio, xe đạp, hỗ trợ chi phí học tập… Qua đó giúp NKT vượt lên khó khăn, ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.
Bên cạnh triển khai đúng, đủ, kịp thời các quy định của trung ương, thời gian qua Quảng Ninh đã ban hành nhiều chính sách trợ giúp cho NKT phù hợp với thực tế địa phương. Gần đây HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 21/2021/NQ-HĐND "Quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khó khăn khác trên địa bàn tỉnh". Theo đó, NKT nặng từ 16 tuổi đến dưới 60 tuổi được trợ cấp 675.000 đồng/tháng; NKT nặng từ dưới 16 tuổi và trên 60 tuổi được trợ cấp 900.000 đồng/tháng; NKT đặc biệt nặng từ 16 tuổi đến dưới 60 tuổi được trợ cấp 900.000 đồng/tháng; NKT đặc biệt nặng từ dưới 16 tuổi và trên 60 tuổi được trợ cấp 1.125.000 đồng/tháng. Người nuôi dưỡng là thân nhân NKT đặc biệt nặng hỗ trợ 450.000 đồng/tháng, NKT đặc biệt nặng không còn thân nhân được hỗ trợ 725.000 đồng/tháng. Nữ NKT mang thai và đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi được hưởng thêm 450.000 đồng/tháng. Từ ngày 1/1/2023, mức chuẩn trợ cấp xã hội sinh sống ngoài cộng đồng trên địa bàn tỉnh sẽ được nâng từ 450.000 lên 500.000 đồng. Ðối với người được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội, mức chuẩn trợ cấp xã hội là 500.000 đồng/tháng. Hiện 100% NKT đang hưởng trợ cấp hằng tháng trên địa bàn tỉnh được cấp thẻ BHYT.
Trước đó, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 168/KH-UBND "Thực hiện chương trình trợ giúp người khuyết tật trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030". Kế hoạch đặt ra các mục tiêu, nội dung, giải pháp cụ thể nhằm thực hiện tốt các quy định của Luật NKT nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống, hỗ trợ và tạo điều kiện để NKT tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội, bảo đảm quyền lợi hợp pháp và xây dựng môi trường không rào cản; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành và người dân về công tác bảo vệ, chăm sóc và trợ giúp NKT.
UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 04/KH-UBND "Thực hiện chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ tự kỷ, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030". Kế hoạch nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ của mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội; thực hiện đầy đủ các chính sách trợ giúp xã hội cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí; huy động hiệu quả các nguồn lực để hỗ trợ, thúc đẩy phục hồi, bảo vệ quyền của người tâm thần, trẻ em tự kỷ, người rối nhiễu tâm trí.
Vừa qua UBND tỉnh đã có tờ trình trình HĐND tỉnh xem xét nghiên cứu, ban hành nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 21/2021/NQ-HĐND. Theo tờ trình, nghị quyết sửa đổi sẽ nâng mức trợ cấp xã hội hằng tháng cho đối tượng bảo trợ xã hội thuộc diện hộ nghèo không có khả năng lao động ở khu vực nông thôn tối thiểu 1,5 triệu đồng/người, khu vực thành thị 2 triệu đồng/người; nâng mức chuẩn trợ cấp trong cơ sở trợ giúp xã hội từ 500.000 đồng lên 650.000 đồng/người/tháng; bổ sung đối tượng NKT nặng, NKT đặc biệt nặng đang hưởng trợ cấp hằng tháng thuộc hộ nghèo không có khả năng lao động vào đối tượng hưởng trợ giúp xã hội...
Sự quan tâm hỗ trợ này là nguồn động lực để mỗi NKT vượt qua mặc cảm, vươn lên hòa nhập cộng đồng, cống hiến cho quê hương.
Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()