Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 08:06 (GMT +7)
Nòng cốt của các phong trào thi đua
Chủ nhật, 06/03/2022 | 07:37:33 [GMT +7] A A
Trong những năm qua, Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” triển khai trên cả nước nói chung, Quảng Ninh nói riêng đã thu được những kết quả to lớn, góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội, làm phong phú đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Kết quả ấy có vai trò không nhỏ của chị em phụ nữ - nòng cốt của các phong trào thi đua.
Không chỉ là người “giữ lửa” trong mỗi gia đình, trong cuộc sống hiện đại ngày nay, phụ nữ ngày càng tham gia sâu rộng vào tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội, từ quản lý, điều hành, nghiên cứu khoa học, lao động sản xuất… Đối với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” tại các địa phương, chị em phụ nữ cũng luôn tiên phong trong nhiều lĩnh vực. Để gìn giữ và không ngừng phát huy những nét đẹp văn hóa ứng xử trong gia đình, hội phụ nữ các cấp đã triển khai nhiều phong trào thi đua như “Xây dựng gia đình văn hóa”, “Gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”…
Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động vào năm 2010 trên phạm vi toàn quốc đã và vẫn đang có ý nghĩa thiết thực, phát huy vai trò của phụ nữ trong việc tuyên truyền, vận động hội viên tham gia các phong trào ở địa phương. Với 8 tiêu chí cụ thể, “5 không” là: Không đói nghèo, không vi phạm pháp luật và mắc tệ nạn xã hội, không có bạo lực gia đình, không sinh con thứ 3 trở lên, không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học; “3 sạch” là: Sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ, Cuộc vận động đã làm thay đổi nhiều nếp nghĩ, cách làm, chuyển biến nhận thức của nhiều gia đình, khu dân cư, nhất là các huyện vùng cao, vùng nông thôn có nhiều đồng bào dân tộc cư trú của tỉnh như: Ba Chẽ, Bình Liêu, Đầm Hà…
Cùng với đó, chị em phụ nữ các địa phương trong tỉnh cũng đi đầu trong các phong trào thi đua, cuộc vận động giữ gìn vệ sinh môi trường như “Ngày chủ nhật xanh”, di dời chuồng trại ra xa nơi ở, vẽ tranh tường, trồng hoa đường làng, đoạn đường phụ nữ quản lý, “nói không với rác thải, túi nilon”… Nhiều chi hội phụ nữ cơ sở đã tổ chức các hoạt động đầy ý nghĩa như phong trào “Biến rác thành tiền” bằng cách thu gom phế thải, chai nhựa, túi nilon… bán lấy tiền “bỏ lợn” để hỗ trợ hội viên nghèo, đối tượng có hoàn cảnh khó khăn.
Cũng trong xây dựng đời sống văn hoá, không thể không nói tới vai trò và đóng góp rất lớn của chị em phụ nữ trong các phong trào văn hoá, văn nghệ ở địa phương. Nhất là trong bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc.
Tại Bình Liêu, Ba Chẽ, Đầm Hà… rất nhiều câu lạc bộ dạy hát then, đàn tính, thêu trang phục đã ra đời mà nòng cốt là các nghệ nhân nữ đã miệt mài sưu tầm, truyền dạy cho lớp trẻ những làn điệu dân ca, tinh hoa văn hoá của dân tộc.
Tại các địa phương: Cẩm Phả, Hạ Long, Quảng Yên, Uông Bí… chị em phụ nữ cũng là nòng cốt của các câu lạc bộ văn hoá nghệ thuật, thể thao, đội văn nghệ quần chúng, năng nổ, nhiệt tình hoạt động, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hoá, tinh thần ở các khu dân cư và phong trào văn hoá, văn nghệ của địa phương.
Nghị quyết Đại hội Đại biểu phụ nữ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2021-2026, đã đề ra các chỉ tiêu cụ thể. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Gia đình 5 không, 3 sạch”, “Phân loại, xử lý rác thải tại gia đình” gắn với duy trì hiệu quả mô hình “Biến rác thành tiền”. Vận động, hỗ trợ 90% hội phụ nữ cấp xã thành lập một loại hình văn hóa, thể thao do phụ nữ làm nòng cốt và duy trì hoạt động thường xuyên. Các nhiệm vụ trọng tâm như: Hỗ trợ phụ nữ phát triển, hội nhập và vun đắp giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam; tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh và vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới; phát huy vai trò nòng cốt của phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư.
Trần Minh
Liên kết website
Ý kiến ()