Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 04:47 (GMT +7)
Nông dân phấn khởi nhờ xuất khẩu dừa tươi sang Trung Quốc tăng mạnh
Thứ 4, 16/10/2024 | 15:05:17 [GMT +7] A A
Chỉ sau gần 2 tháng được xuất khẩu chính ngạch, lượng dừa Việt Nam tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc tăng mạnh với các đơn hàng lên đến hàng nghìn container.
Dừa đang trở thành một trong những cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân tại nhiều tỉnh, thành. Dừa cũng là một trong 6 loại cây được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa vào đề án và phê duyệt đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030. Hiện Việt Nam có 15 tỉnh trồng nhiều dừa với diện tích khoảng 200.000ha dừa, sản lượng đạt 2 triệu tấn.
Theo thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong năm 2023, dừa tươi của Việt Nam xuất khẩu sang 15 nước trên thế giới với sản lượng 30.000 tấn và 320.000 tấn các sản phẩm chế biến từ dừa. Trong đó sản lượng dừa tươi xuất khẩu sang Trung Quốc tăng hơn 30% nhờ nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tươi sạch, đặc biệt là các sản phẩm có giá trị dinh dưỡng cao như dừa, tăng cao tại thị trường Trung Quốc.
Hiện Việt Nam có khoảng 200.000 ha dừa, đứng thứ 7 trong số 93 quốc gia trên toàn thế giới. Khoảng một phần ba diện tích trồng dừa của Việt Nam đạt tiêu chuẩn hữu cơ của Mỹ và châu Âu, chủ yếu tại các tỉnh Duyên hải miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long (Bến Tre, Trà Vinh).
Ông Nguyễn Văn Tám, một nông dân ở huyện Châu Thành, Bến Tre, phấn khởi chia sẻ: “Trước đây, trồng dừa chỉ đủ ăn, nhưng từ khi xuất khẩu mạnh sang Trung Quốc, thu nhập của gia đình tôi đã tăng đáng kể. Mỗi năm, gia đình tôi thu hoạch hơn 10.000 quả dừa, phần lớn được xuất khẩu”.
Tháng 8/2024, dừa tươi Việt Nam được phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội này và tích cực mở rộng thị trường.
Lãnh đạo Hiệp hội Dừa Việt Nam cho biết, nhiều đơn vị lớn đã ký được hợp đồng xuất khẩu 30-50 container, thậm chí có doanh nghiệp ký đơn hàng cung ứng 1.500 container dừa sang Trung Quốc. Điều này cho thấy tiềm năng to lớn của thị trường dừa Việt Nam tại Trung Quốc. Việc mở cửa được thị trường Trung Quốc cho quả dừa tươi là tín hiệu rất tốt không chỉ cho ngành dừa mà còn giúp người dân tăng thu nhập.
Bà Trần Thị Hoa, nông dân trồng dừa ở huyện Cầu Kè Trà Vinh, cũng bày tỏ sự phấn khởi: "Gia đình tôi trước đây trồng dừa chủ yếu bán trong nước, nhưng giờ đây khi có thêm thị trường lớn như Trung Quốc, giá cả cũng tốt hơn”.
Hiệp hội Dừa Việt Nam dự kiến xuất khẩu dừa tươi sang Trung Quốc đạt 250 triệu USD năm nay, chiếm 25% tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành. Năm ngoái, dừa tươi xuất sang thị trường này đạt 606.000 tấn, tăng 120% so với 2018, theo dữ liệu của Hiệp hội trái cây Trung Quốc.
Ngoài dừa tươi, Trung Quốc còn chuộng các sản phẩm chế biến như nước cốt dừa, sữa dừa, dừa sấy và thạch dừa - một topping phổ biến trong đồ uống. Xu hướng tiêu dùng thạch, dầu và nước dừa gia tăng nhờ lợi ích sức khỏe. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, thạch dừa giàu chất xơ, hỗ trợ tiêu hóa và tốt cho tim mạch.
Mặc dù thị trường Trung Quốc mang lại nhiều cơ hội, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các nước khác, đặc biệt là Thái Lan, nơi giá dừa thấp hơn. Để duy trì lợi thế, các doanh nghiệp xuất khẩu cần tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến quy trình chọn lựa, đóng gói và bảo quản, đồng thời tuân thủ nghiêm ngặt các quy định kiểm dịch của Trung Quốc.
Theo ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch Hội đồng quản trị GC Food, Trung Quốc còn là thị trường tiềm năng cho các sản phẩm chế biến từ dừa. Công ty ông đang thử nghiệm các lô hàng nhỏ và có kế hoạch mở rộng thị phần trong những năm tới. GC Food kỳ vọng doanh thu từ thị trường Trung Quốc sẽ chiếm khoảng 15% tổng doanh thu của công ty vào năm 2025.
Việc xuất khẩu dừa tươi sang Trung Quốc không chỉ mở ra hướng đi mới cho ngành dừa mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Nhiều nông dân đã chuyển đổi mô hình sản xuất truyền thống sang các mô hình trồng dừa bền vững, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, để duy trì lợi thế cạnh tranh với các nước như Thái Lan, ngành dừa cần tiếp tục cải thiện quy trình sản xuất, đóng gói và bảo quản sản phẩm nhằm đảm bảo chất lượng và đáp ứng các tiêu chuẩn kiểm dịch của Trung Quốc.
Nhờ xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, ngành dừa Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để mở rộng quy mô và tăng cường sức cạnh tranh. Nếu quá trình xuất khẩu diễn ra thuận lợi, Hiệp hội Dừa dự báo tổng kim ngạch xuất khẩu dừa tươi và các sản phẩm chế biến từ dừa có thể đạt 1,2 tỷ USD trong năm nay.
Dù vậy, để nắm bắt tốt cơ hội và phát triển bền vững, các doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng hơn nữa vào chất lượng sản phẩm và sự tuân thủ quy định của các thị trường xuất khẩu. Điều này sẽ giúp ngành dừa Việt Nam khẳng định vị thế vững chắc trên trường quốc tế và mang lại lợi ích to lớn cho nông dân.
Theo Báo Công Thương
Liên kết website
Ý kiến ()