Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 15:29 (GMT +7)
Quảng Yên chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp
Thứ 7, 24/07/2021 | 08:11:44 [GMT +7] A A
TX Quảng Yên từng là trọng điểm nông nghiệp của tỉnh. Những năm gần đây, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ tại TX Quảng Yên, giúp địa phương này hiện thực hóa định hướng phát triển trở thành cực tăng trưởng mới của Quảng Ninh. Tuy nhiên đi cùng với đó cũng phát sinh tình trạng diện tích đất canh tác nông nghiệp ngày càng thu hẹp. Đây là sức ép lớn đối với sự phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân trên địa bàn TX Quảng Yên, đòi hỏi địa phương này phải có giải pháp, chiến lược phát triển “tam nông” kịp thời và phù hợp.
Quỹ đất sản xuất nông nghiệp giảm
Có thể thấy giai đoạn 2016-2020, để phục vụ các đại dự án công nghiệp, đô thị... Quảng Yên đã GPMB trên 14.700ha đất, trong đó đất nông nghiệp là trên 6.300ha. Tính trung bình trong giai đoạn này, mỗi năm quỹ đất dành cho nông nghiệp của Quảng Yên bị thu hẹp trên dưới 1.000ha. Hiện tổng quỹ đất nông nghiệp của Quảng Yên là trên 18.000ha, trong đó diện tích sản xuất tập trung là 5.000ha trồng lúa, rau màu các loại và chăn nuôi; khoảng 4.000ha diện tích NTTS.
Việc thu hẹp diện tích đất canh tác nói trên ở TX Quảng Yên đã và đang dẫn đến những nhiều hệ lụy cho phát triển nông nghiệp trên địa bàn. Đó là nền sản xuất nông nghiệp manh mún, kém hiệu quả; xuất hiện tình trạng nuôi, trồng trái phép, ngoài quy hoạch; lao động nông nghiệp thì dôi dư, từ đó đời sống một bộ phận nông dân ít được cải thiện, bộ mặt nông thôn chưa phát triển như mong muốn...
Thực tế thời gian qua, tại Quảng Yên đã xuất hiện tình trạng NTTS tự phát tràn lan; nhiều vị trí còn đất canh tác tuy nhiên bị chia cắt bởi các dự án nên thiếu hoặc không đồng bộ về hạ tầng điện, đường, thủy lợi dẫn đến bị bỏ hoang. Con số thống kê của Phòng Kinh tế TX Quảng Yên cho thấy, 6 tháng đầu năm 2021, diện tích đất canh tác bị bỏ hoang trên toàn thị xã là khoảng 200ha.
Riêng về tình trạng lao động nông nghiệp không có việc làm do mất hết đất sản xuất hoặc mất một phần đất sản xuất ngày càng trở thành một áp lực đối với thị xã. Con số này tính đến hết năm 2020 là 4.600 người, trong đó đến 4.500 người có nhu cầu chuyển đổi nghề. Đặc biệt trong số đó rất khó giải quyết đối với số lao động nông thôn ở độ tuổi từ 45 trở lên, vốn không thuộc đối tượng tuyển dụng của các doanh nghiệp.
Cùng với những bất cập trên thì ngay thời điểm này các dự án công nghiệp, đô thị mới hình thành tại Quảng Yên cũng đã lấy đến những mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao mà hiệu quả kinh tế và tính bền vững của nó đã được khẳng định. Điều này, cho thấy những tác động sâu sắc do tình trạng diện tích đất canh tác nông nghiệp bị thu hẹp, nhường chỗ cho các dự án phi nông nghiệp.
Kịp thời có những giải pháp ứng phó
Trước tình trạng thu hẹp diện tích canh tác nông nghiệp, TX Quảng Yên đã kịp thời đưa ra những giải pháp ban đầu. Đó là hỗ trợ và vận động nông dân thay đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp có áp dụng giống mới, hàm lượng khoa học kỹ thuật cao, sản phẩm đặc thù, triển khai biện pháp canh tác xen vụ để nâng cao hệ số sử dụng đất...
Khu vực chân đồi xã Tiền An trước đây chủ yếu trồng cây lâu năm, nay đang dần chuyển đổi thành vùng cây ăn quả. Các vườn na bở, ổi bo, cây có múi đã được hình thành, đạt sản lượng, chất lượng, giá trị cao. Tiêu biểu như: Vườn ổi của chị Lê Thị Đào, thôn chợ Rộc đạt 200 triệu đồng/năm; vườn na bở của chị Vũ Thị Thu Nhung, thôn Vườn Chay đạt 300 triệu đồng/năm; vườn na bở của bà Phạm Thị Ươm, xóm Đanh đạt 350 triệu đồng/năm...
Ông Vũ Ngọc Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tiền An cho biết: Riêng đối với cây na bở, năm 2020 Tiền An có 60ha, tháng 6 năm nay tăng lên 140ha, tiến tới sẽ là trên 200ha vào năm 2022. Hiện xã Tiền An đang đẩy mạnh việc xây dựng nhãn hiệu na bở Tiền An, đăng ký sản phẩm OCOP na bở Tiền An trong danh mục sản phẩm OCOP của tỉnh. Như vậy, quả na bở cùng với cây rau an toàn rồi đây sẽ là nông sản chủ lực của Tiền An.
Tại phường Yên Hải và Phong Hải, để bù đắp cho việc đất canh tác bị thu hẹp, 2 địa phương này đã vận động nông dân nâng cao hệ số sử dụng đất, tiến hành thâm canh giữa cây cao, trung và thấp hoặc trồng một năm 3-4 vụ/diện tích canh tác. Đơn cử như các mô hình trồng xen kẽ cây cau, ổi, đinh lăng và ớt, hay các ô ruộng dưa gang, dưa lê, dưa hấu... Riêng đối với mô hình trồng dưa các loại đã mang lại nguồn thu cho bà con Yên Hải, Phong Hải cao hơn 3-4 lần trồng lúa.
Ở lĩnh vực thủy sản, ghi nhận sự chủ động chuyển dịch của Công ty CP Thủy sản Tân An đã đầu tư công nghệ nuôi tôm 3, 4 giai đoạn trong nhà, năng suất, sản lượng đạt gấp 2,5-4 lần so với nuôi thông thường. Thời gian gần đây, Công ty CP Thủy sản Tân An tiếp tục triển khai mô hình nuôi cá chim vây vàng. Đây là đối tượng nuôi mới, chất lượng sản phẩm tốt, suất đầu tư vừa phải, giá bán ra phù hợp thị trường bình dân.
Từ những nỗ lực trên đã giúp cho nông nghiệp Quảng Yên thời gian qua cải thiện một số chỉ số rất căn bản. Cụ thể, giai đoạn 2015-2020, giá trị tăng thêm của nông nghiệp Quảng Yên đạt 4%, mức khá so với nhiều huyện thị khác; giá trị sản xuất trên một ha diện tích đất canh tác tăng từ 115 triệu đồng lên 133 triệu đồng. Đặc biệt, giá trị sản xuất nông nghiệp Quảng Yên (tính theo giá hiện hành) tăng từ 2.757 tỷ đồng lên 3.825 tỷ đồng. Riêng lĩnh vực thủy sản tăng từ 720 tỷ đồng lên 1.070 tỷ đồng.
Mặc dù nông nghiệp Quảng Yên thời gian qua đã có những chuyển động khá tích cực, tuy nhiên những chuyển động này mới chỉ mang tính ban đầu. Theo xu hướng phát triển, tiến trình công nghiệp hóa, đô thị hóa tại Quảng Yên đang và sẽ ngày càng mạnh mẽ, đồng nghĩa với việc tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp, sâu rộng đến tình hình sản xuất nông nghiệp. Chính bởi vậy, việc dành sự quan tâm, đầu tư đúng hướng, kịp thời cho nông nghiệp chính là một trong những yêu cầu, đòi hỏi cấp bách.
Được biết, hiện nay TX Quảng Yên đã và đang tích cực đẩy mạnh đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, lấy đây là cơ sở để hướng tới các mô hình nông nghiệp hiện đại, công nghệ cao, giá trị lớn, loại hình nông nghiệp đô thị. Cùng với đó là giải quyết các vấn đề về lao động nông nghiệp, về tăng cường đổi mới của các vùng nông thôn... Đây chính là tín hiệu mừng cho nông nghiệp Quảng Yên trong bối cảnh ngày càng thu hẹp diện tích canh tác như hiện nay.
Việt Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()