Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 23:04 (GMT +7)
Nông sản, gia vị Việt đứng top đầu nhập nhiều nhất vào Thái Lan
Thứ 4, 24/04/2024 | 15:16:11 [GMT +7] A A
Trong top 100 mặt hàng nhập khẩu nhiều nhất vào Thái Lan năm 2023, thì nhóm hàng trái cây, gia vị của Việt Nam xếp thứ hai về giá trị nhập khẩu, cho thấy tiềm năng thị trường này rất lớn.
Ông Chalermchai Pornsiripiyakool - giám đốc đối ngoại quốc tế kiêm trách nhiệm xã hội doanh nghiệp và phát triển bền vững của Central Retail VN - cho biết như vậy tại hội thảo "Xu hướng tiêu dùng xanh và thông tin xuất khẩu vào thị trường Thái Lan năm 2024" được tổ chức ở TP.HCM ngày 23-4.
Riêng tại hệ thống bán lẻ ở Thái Lan của doanh nghiệp này, ngành hàng nông sản, trái cây tươi và chế biến từ Việt Nam tăng trưởng hai con số, trong khi các mặt hàng cà phê, bột ca cao... tăng đến 100%.
Đi vào cụ thể, đại diện nhà bán lẻ Thái cho biết các mặt hàng được người tiêu dùng ưa thích có cá tra, khoai lang và thanh long, cà phê, các loại gia vị nấu nướng… Đã có một số mặt hàng Việt Nam thành công trên hệ thống siêu thị Thái nhờ có mẫu mã đẹp, thông tin về chất lượng sản phẩm rõ ràng, theo đúng tiêu chuẩn quốc tế.
"Trong đó bao bì có yếu tố quyết định quan trọng. Nhiều sản phẩm Việt Nam có xu hướng đóng gói trong suốt, tức thấy sản phẩm bên trong, nhưng thực tế cho thấy sản phẩm bán chạy lại được đóng gói kín và có hình ảnh đẹp, thông tin rõ", ông Chalermchai Pornsiripiyakool nói.
Tuy vậy, doanh nghiệp Việt vẫn cần nắm bắt xu hướng tiêu dùng mới để mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ xanh bền vững.
Theo đại diện Central Retail VN, hiện hệ thống xác định việc thúc đẩy bảo vệ môi trường là xu hướng bắt buộc tất yếu của cả nền sản xuất, thương mại, vì thế, tập đoàn đã từng bước chuyển đổi việc thu mua các sản phẩm vào siêu thị.
Trong đó, ưu tiên các sản phẩm có quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn xanh, canh tác sạch, giảm thải ô nhiễm môi trường, sử dụng bao bì tái chế, và đồng thời tăng cường các sản phẩm VietGap, hữu cơ…
Siêu thị cũng đã có lộ trình để đạt được các mục tiêu bền vững, trở thành nhà bán lẻ xanh và bền vững. Cùng với đó, khuyến khích khách hàng tái sử dụng túi mua sắm, cung cấp các sản phẩm có lượng khí thải carbon thấp đến sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, bao gồm trang bị các trung tâm thương mại với các tấm mái năng lượng mặt trời.
Theo bà Hồ Thị Quyên, phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC), ngày nay tư duy tiêu dùng đã thay đổi, họ chuyển hướng sang ủng hộ các sản phẩm xanh và thân thiện với môi trường. Để đáp ứng nhu cầu này, các nhà sản xuất, nhà bán lẻ nỗ lực đầu tư chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh hướng đến phát triển xanh, bền vững.
Các nỗ lực này bao gồm: sử dụng năng lượng sạch, nguyên vật liệu thân thiện với môi trường, ủng hộ các hoạt động trách nhiệm xã hội, đầu tư đổi mới dây chuyền sản xuất hiện đại công nghệ cao, sử dụng ít tài nguyên, năng lượng, giảm thiểu chất thải và khí thải… làm cơ sở sản xuất ra các sản phẩm xanh, tuần hoàn.
Theo tuoitre.vn
Liên kết website
Ý kiến ()