Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 18:25 (GMT +7)
Nông thôn mới với hành trình mới
Thứ 4, 03/05/2023 | 08:16:21 [GMT +7] A A
Với cách làm chủ động, sáng tạo, linh hoạt, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM). “Tất cả vì hạnh phúc của nhân dân”, phát huy những kết quả đạt được, tỉnh tiếp tục phát huy tiềm lực trong nhân dân, lấy sức dân để làm lợi cho dân trong xây dựng NTM giai đoạn tiếp theo vì mục tiêu phát triển tam nông giàu đẹp, bền vững, hạnh phúc.
Nông dân giàu có, nông nghiệp bền vững, nông thôn văn minh
Trong hành trình xây dựng NTM ở giai đoạn này, tỉnh xác định mục tiêu xây dựng nông dân và cư dân nông thôn có trình độ, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng cao, làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp; nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả theo mô hình tăng trưởng xanh, đảm bảo môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu; nông thôn phát triển toàn diện, có kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, phát huy bản sắc văn hóa, ANTT được giữ vững.
Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 có 5/7 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao, 58/98 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 367/458 thôn đạt chuẩn NTM, 80% số hộ dân được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung đạt quy chuẩn của Bộ Y tế, thu nhập bình quân của người dân đạt 92,2 triệu đồng/người/năm. Tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh xây dựng NTM kiểu mẫu, NTM thông minh giàu đẹp, văn minh, hiện đại, người nông dân có thu nhập cao, đời sống hạnh phúc.
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, giải pháp tỉnh đặt lên hàng đầu là tập trung triển khai 3 đột phá chiến lược trong xây dựng NTM. Trong đó phát triển hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị và các vùng. Theo đó, tỉnh tiếp tục chú trọng phát triển hạ tầng giao thông kết nối vùng động lực với vùng khó khăn; nâng cao hệ thống thủy lợi; xây dựng và triển khai Đề án cấp nước sạch nông thôn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời ưu tiên nguồn lực nâng cấp cơ sở vật chất các trường học đạt chuẩn, phấn đấu chậm nhất đến 2025 hoàn thành hỗ trợ mỗi huyện xây dựng 1 trường công lập theo tiêu chí chất lượng cao; nâng cấp hệ thống lưới điện nông thôn theo hướng an toàn, tin cậy, ổn định; xây dựng khu xử lý chất thải tập trung ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường, quy mô liên huyện.
Tỉnh sẽ nâng cao chất lượng cơ sở dạy nghề, gắn với chuyển đổi cơ cấu lao động nông thôn theo hướng “ly nông bất ly hương”; nghiên cứu, đề xuất hoàn thành và thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người dạy, người học vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới; đẩy mạnh chuyển đổi số trong dạy học và quản lý giáo dục.
Đáng chú ý, ở giai đoạn này, nâng cao năng lực của Đảng, hiệu quả quản lý, điều hành tổ chức thực hiện của chính quyền cơ sở trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, tiến tới xây dựng NTM văn minh được xác định là một trong 3 đột phá chiến lược. Theo đó tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phân công, phân cấp; xác định rõ trách nhiệm của các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân nhất là người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách trong xây dựng NTM; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vùng nông thôn thực sự trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hiệu quả, hiệu lực.
Tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn; phát triển sản phẩm OCOP theo quy hoạch vùng sản xuất tập trung gắn giữa sản xuất, chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Nhằm phát huy thế mạnh địa phương, thay đổi tư duy sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, tỉnh sẽ thực hiện hiệu quả chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững, bao trùm và đa giá trị. Trọng tâm là phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững, có trọng tâm, trọng điểm, phát huy giá trị truyền thống; phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa, thắng cảnh; nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần, vật chất của nhân dân.
Tạo tiền đề vững chắc
Ở bất cứ giai đoạn nào, mục tiêu “cốt lõi” của chương trình xây dựng NTM đó là vì hạnh phúc của nhân dân. Điều này đã được tỉnh hiện thực hóa ở từng bước đi, từng chính sách, từng cách làm. Để đáp ứng yêu cầu của chương trình xây dựng NTM trong giai đoạn mới, tỉnh tiếp tục ban hành nhiều chính sách đặc thù sử dụng hiệu quả các nguồn lực, giải quyết hiệu quả những vấn đề an sinh xã hội, nâng cao đời sống cho nhân dân; như Nghị quyết số 12/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh quy định về cơ chế quản lý, nguồn lực và nguyên tắc, tiêu chí định mức phân bổ nguồn vốn và nguyên tắc nhà nước, tỷ lệ vốn đối ứng địa phương thực hiện Chương trình tổng thể phát triển bền vững KT-XH, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo gắn với xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025.
Tỉnh ưu tiên bố trí vốn thực hiện các nhiệm vụ quan trọng phù hợp với các mục tiêu phân bổ nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025, ưu tiên nguồn lực cho các xã đặc biệt khó khăn, các xã mới ra khỏi diện đặc biệt khó khăn; địa bàn xã biên giới, xã đảo gắn với thực hiện tiêu chí NTM, ưu tiên các địa bàn còn thiếu hụt cơ sở hạ tầng thiết yếu. Đồng thời hỗ trợ nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt chuẩn nhưng mức đạt chuẩn còn thấp ở các xã đã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; tập trung nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, quan trọng, cần thiết, cấp bách về giáo dục, y tế, văn hóa, thủy lợi, nước sinh hoạt, giao thông chiến lược; hỗ trợ các huyện, xã trong kế hoạch, lộ trình đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu theo Bộ tiêu chí quốc gia giai đoạn 2021-2025, phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực.
Đặc biệt, quyết sách mang tính đột phá quy định chuẩn nghèo đa chiều áp dụng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025 đã được HĐND tỉnh ban hành tại Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND. Theo đó mức chuẩn nghèo của tỉnh cao hơn khoảng 1,4 lần so với mức chuẩn nghèo quy định của Chính phủ. Trong đó khu vực nông thôn là 2,1 triệu đồng, khu vực thành thị là 2,6 triệu đồng/người/tháng. Cùng với tiêu chí thu nhập như trên, quy định chuẩn hộ nghèo thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội trở lên, hộ cận nghèo thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội.
Như vậy, các đối tượng thụ hưởng chính sách giảm nghèo được mở rộng theo hướng tiếp cận gần hơn với mức sống tối thiểu của người dân địa phương. Việc xây dựng chuẩn nghèo riêng của tỉnh giai đoạn 2023-2025 theo hướng mức thu nhập cao hơn quy định tại chuẩn nghèo của Chính phủ, nhằm nâng cao chất lượng đời sống người dân, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo, từ đó thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, đem lại hạnh phúc cho nhân dân, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM.
Nghị quyết đánh dấu giai đoạn phát triển mới của tỉnh trong thực hiện mục tiêu xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại. Đồng thời hiện thực hóa mục tiêu mỗi người dân Quảng Ninh được hưởng thành quả tăng trưởng bao trùm.
Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()