Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 08/01/2025 17:16 (GMT +7)
Nông thôn xanh - sạch - đẹp
Thứ 5, 16/02/2023 | 16:54:50 [GMT +7] A A
Trước kia, môi trường nông thôn, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh còn nhiều tồn tại, hạn chế. Tuy nhiên, hiện nay đến bất cứ xã nào của tỉnh, mọi người đều cảm nhận được sự trong lành, đường làng, thôn xóm luôn xanh - sạch - đẹp.
Sau nhiều năm mới có dịp trở lại xã Quảng An (huyện Đầm Hà), ấn tượng với tôi là những con đường khang trang, sạch sẽ; những nếp nhà ở thôn Thìn Thủ, đồ đạc được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp, sân vườn tinh tươm, tạo nên sự thanh bình, trù phú. Bí thư Chi bộ - Trưởng thôn Triệu Sáng cho biết: Để thay đổi nhận thức trong giữ gìn vệ sinh môi trường của bà con; cán bộ, đảng viên trong thôn luôn gương mẫu thực hiện trước. Các hội, đoàn thể hướng dẫn bà con sắp xếp nhà cửa; vận động, hỗ trợ bà con xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, di chuyển chuồng trại chăn nuôi ra xa nhà ở. Xã, thôn thường xuyên kêu gọi người dân, nhất là đoàn viên, thanh niên, phụ nữ, dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, dần tạo được thói quen giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân nơi đây.
Môi trường nông thôn trên địa bàn tỉnh nhiều năm trở lại đây có sự cải thiện đáng kể. Đây là một trong nhưng tiêu chí khó trong xây dựng NTM đối với các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, nhưng đã được tỉnh, các cấp, các ngành, người dân khắc phục.
Trước hết, tỉnh tập trung đầu tư các khu xử lý chất thải tập trung tại các huyện; đầu tư hạ tầng các điểm tập kết, trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt thôn, bản, xã; xây dựng các mô hình xử lý chất thải sinh hoạt quy mô tập trung, quy mô cấp xã, cấp huyện và liên huyện, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường. Tỉnh đầu tư, cải tạo, nâng cấp đồng bộ hệ thống thu gom, thoát nước thải và các công trình xử lý nước thải sinh hoạt tập trung và tại chỗ phù hợp; trong đó phát triển các mô hình xử lý nước thải sinh hoạt quy mô hộ gia đình, cấp thôn.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 3 khu xử lý chất thải cấp vùng đi vào hoạt động; 26 lò đốt rác đang hoạt động, đang thử nghiệm tại 9 địa phương với tổng công suất xử lý theo thiết kế là 31.983kg/h. Ngoài ra còn có 7 lò đốt đang đầu tư; một số địa phương đang xử lý rác thải sinh hoạt bằng phương pháp chôn lấp… Qua đó, cơ bản đảm bảo giải quyết nhu cầu xử lý chất thải rắn sinh hoạt của các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh.
Các ngành, đoàn thể, địa phương tích cực vào cuộc vận động, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho bà con về giữ gìn vệ sinh môi trường trong sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt. Nhiều phong trào vệ sinh môi trường khu vực nông thôn được triển khai, duy trì ở các thôn, bản với sự vào cuộc tích cực của người dân, như: Cuộc vận động “5 không, 3 sạch”; mô hình thu gom rác thải sinh hoạt khu dân cư, thôn xóm do Hội phụ nữ thực hiện; mô hình “Đoạn đường xanh - sạch - đẹp” do Đoàn thanh niên triển khai...
Đến nay, 100% các xã của tỉnh có đội thu gom rác thải sinh hoạt của người dân, tập trung ở các thôn, bản đông dân cư, địa hình đi lại thuận lợi. Với những nơi dân cư không tập trung, địa hình đồi núi..., người dân được hướng dẫn thu gom, phân loại, đốt, chôn rác sinh hoạt. Các trạm y tế tuyến xã đều có hệ thống xử lý nước thải, rác thải y tế được thu gom, mang đi xử lý đúng quy định. Hơn 94% số hộ dân khu vực nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh; các ngành, đoàn thể, địa phương tích cực vận động bà con di chuyển chuồng trại ra xa nơi ở, đảm bảo vệ sinh khu vực chăn nuôi...
Hằng năm, ngành Nông nghiệp tỉnh phối hợp với các xã tuyên truyền, hướng dẫn bà con sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đúng cách; hướng dẫn các thôn, xóm xây dựng bể chứa bao gói thuốc BVTV, nhằm hạn chế tác động của thuốc BVTV đối với môi trường; số bao gói thuốc BVTV được các địa phương, cơ quan chức năng thu gom, tiêu hủy đúng quy định.
Các địa phương tiếp tục tuyên truyền để người dân phân loại rác thải từ hộ gia đình; phát triển, nhân rộng các mô hình phân loại chất thải tại nguồn phát sinh; thu gom, tái chế, tái sử dụng các loại chất thải (phụ phẩm nông nghiệp, chất thải chăn nuôi, bao gói thuốc BVTV sau sử dụng, chất thải nhựa...) theo nguyên lý tuần hoàn; tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa trong hoạt động sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp; xây dựng cộng đồng dân cư không rác thải nhựa. Hiện cả 98 xã của tỉnh đạt tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm theo Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021-2025.
Cùng với đó, tỉnh chú trọng đầu tư các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung cho người dân khu vực nông thôn. Hiện toàn tỉnh có 209 công trình cấp nước nông thôn tập trung; 79,8% số hộ gia đình sử dụng nước sạch đáp ứng QCVN-02:2009/BYT của tỉnh.
Thu Nguyệt
Liên kết website
Ý kiến ()