Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 27/11/2024 23:49 (GMT +7)
“Nước mắt” tu hài
Thứ 2, 02/07/2012 | 04:53:16 [GMT +7] A A
[audio(1755)]
Đang đúng vào đợt cao điểm của du lịch hè, nhưng đến Vân Đồn những ngày này, buồn nhiều hơn vui. Ở đâu, chỗ nào người dân cũng hỏi thăm, chia sẻ với nhau chuyện tu hài chết hàng loạt. 650 hộ trong tổng số hơn 700 hộ nuôi ở toàn địa bàn huyện Vân Đồn đã bị trắng tay sau hơn 1 năm dồn cơ nghiệp vào những lồng bè tu hài. Chỉ tính riêng thiệt hại về con giống đã lên tới trên 200 tỷ đồng.
Trước đó, từ cuối tháng 5, Báo Quảng Ninh đã có bài viết “Nhanh chóng xác định nguyên nhân tu hài chết hàng loạt ở Vân Đồn”. Bài báo phản ánh, nhiều hộ nuôi hoang mang, lo lắng bởi chưa đến vụ thu hoạch mà tu hài “đi” rất nhiều; trong khi không rõ nguyên nhân. Đến nay, sau hơn 1 tháng, lý do tu hài chết đã được làm rõ là bởi mắc nội ký sinh trùng Perkinsus Spp thì những thiệt hại chắc chắn không chỉ nằm ở con số 200 tỷ đồng.
Đáng lưu tâm hơn cả là bà con nông dân cũng như doanh nghiệp đang được khuyến cáo tạm thời dừng nuôi tu hài trong thời gian 2 năm. Bởi, theo khuyến cáo của Tổ chức Thú y thế giới, bệnh này có tính chất lây lan rất nhanh, hiện tại chưa có biện pháp chữa trị hữu hiệu. Giải pháp để đảm bảo cải thiện môi trường, nguồn nước triệt để, tránh những tổn thất lớn hơn cho những vụ nuôi sau thì việc dừng 2 năm là cần thiết. Và, trong khoảng thời gian ấy, hơn 700 hộ cũng như các doanh nghiệp đang sống nhờ nghề nuôi tu hài sẽ phải đối mặt với một bài toán mới. Đó là việc chuyển hướng sang một ngành nghề khác với rất nhiều sự “khởi đầu nan” chờ đợi phía trước.
Được biết, năm 2011, số lượng con giống tu hài được thả tăng gấp 3 lần so với năm 2010. Với 60 triệu con giống - đây được xem là năm người dân Vân Đồn có một sự đầu tư lớn chưa từng. Và tất yếu, có rất nhiều giống từ khắp nơi trong cả nước, kể cả từ Trung Quốc được nhập về. Như vậy, đây có thể xem là một trong những mấu chốt để trở lại vấn đề dịch bệnh đang hoành hành ở vùng nuôi tu hài lớn nhất Quảng Ninh.
Hiện, ở khu vực vịnh Lan Hạ, thuộc đảo Cát Bà (TP Hải Phòng) cũng đang xảy ra tình trạng tu hài chết hàng loạt. Như vậy, không chỉ là câu chuyện của cấp địa phương, mà cơ quan chuyên ngành ở trung ương cần nhanh chóng vào cuộc giúp người dân và doanh nghiệp tránh được thiệt hại quá nặng nề như vụ nuôi năm nay.
Không chỉ vậy, việc hỗ trợ các hộ nuôi trong thời điểm này cần phải được triển khai nhanh chóng. Theo đó, cần xem xét mức hỗ trợ, bởi nếu căn cứ Quyết định 3600/QĐ-UBND (ngày 2-12-2010) của UBND tỉnh chỉ có 2,5 đến 4 triệu đồng/ha. Trong khi đó, những thiệt hại của các hộ nuôi tu hài ở Vân Đồn là con số không nhỏ. Do đó, rất cần một chính sách hỗ trợ “mở” để hộ nuôi có thể chèo chống qua cơn “bĩ cực” này.
Ngọc Lê
Liên kết website
Ý kiến ()