Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 19:22 (GMT +7)
Nuôi thủy sản trên biển chưa tương xứng tiềm năng
Thứ 2, 01/08/2022 | 10:07:06 [GMT +7] A A
Quảng Ninh có lợi thế phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS). Tuy nhiên, hiện nay nuôi thủy sản trên biển của tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng. Việc quản lý quy hoạch và giao mặt nước cho các tổ chức, cá nhân NTTS còn chậm, gây lãng phí tài nguyên, không cân đối nguồn cung - cầu, sản phẩm bị dồn ứ phải "giải cứu". Đây là nội dung được nhiều cử tri trong tỉnh quan tâm.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 21.000ha, 14.506 ô lồng NTTS; đã hình thành một số vùng NTTS: Vùng nuôi tôm gần 9.700ha, vùng nuôi nhuyễn thể 4.383ha, vùng nuôi cá song 550ha, vùng nuôi ghẹ 36ha, vùng nuôi cua kết hợp cá, tôm, gần 1.855ha...
Để đảm bảo nguồn giống phục vụ nuôi trồng, Quảng Ninh đã thu hút đầu tư, phát triển các cơ sở sản xuất thủy sản. Toàn tỉnh hiện có 19 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống, cung ứng khoảng 1,5 tỷ con giống/năm. Nhờ chú trọng đầu tư NTTS, năng suất, sản lượng, giá trị ngành thủy sản ngày càng tăng cao: Sản lượng từ 117.115 tấn năm 2017 tăng lên 137.200 tấn năm 2020, 150.000 tấn năm 2021.
Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của Sở NN&PTNT, phát triển kinh tế thủy sản hiện chưa phát huy hết tiềm năng, hiệu quả chưa cao. Nguyên nhân là công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch vùng nuôi, công tác giao, cho thuê mặt nước chưa được các địa phương quan tâm đúng mức. Hiện mới có 8/11 địa phương ven biển lập quy hoạch chi tiết nuôi thủy sản mặn, lợ là: Móng Cái, Đầm Hà, Tiên Yên, Vân Đồn, Cô Tô, Uông Bí, Hải Hà, Hạ Long với diện tích khoảng 11.700ha. Mặc dù vậy, các địa phương này mới chỉ quy hoạch chi tiết được một phần mặt biển để làm cơ sở thực hiện giao, cho thuê mặt biển với hoạt động NTTS. Một số địa phương đã thực hiện giao, cho thuê mặt biển như Hạ Long, Vân Đồn mới có 400 cơ sở sử dụng mặt biển có quyết định giao, cho thuê với khoảng 1.300ha.
Những nguyên nhân trên đã dẫn đến tình trạng không ít hộ bất chấp quy định mà NTTS trái phép. Cuối năm 2020, lực lượng chuyên môn khảo sát thực tế vùng NTTS phục vụ kế hoạch chuyển đổi phao xốp sang phao nổi HDPE theo quy định của tỉnh, diện tích NTTS của huyện Vân Đồn hơn 5.000ha đã vượt quá tính toán của địa phương đến năm 2030; TX Quảng Yên có hàng trăm hộ nuôi hàu cửa sông ở khu vực Hoàng Tân, Tân An, khu vực mặt nước giáp Cát Hải (TP Hải Phòng)…, trong khi thị xã không ưu tiên phát triển NTTS và nhiều năm không tổ chức gia hạn hoặc giao, cho thuê mới mặt nước đối với tổ chức, cá nhân, như vậy phần lớn người dân ở đây NTTS tự phát, trái phép.
Từ thực trạng trên cho thấy, về lâu về dài, diện tích mặt nước biển này cần phải được giao, cho thuê cụ thể đối với cá nhân, tổ chức NTTS, qua đó giải quyết dứt điểm tình trạng NTTS tự phát, trái phép, từng bước phát triển ổn định, lâu dài, đảm bảo công tác quản lý nhà nước.
Theo Sở NN&PTNT, để tăng cường công tác quản lý, phát triển bền vững NTTS trên biển trên cơ sở quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng huyện, các địa phương cần phối hợp với ngành Nông nghiệp và các ngành chức năng rà soát, phân vùng chức năng không gian biển, xác định rõ những khu vực có khả năng NTTS theo từng loại nuôi cụ thể; xây dựng phương án giao khu vực biển theo quy định của Nghị định 11/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
Ngành Nông nghiệp phối hợp với các địa phương tăng cường công tác ứng dụng, chuyển giao khoa học trong nuôi trồng, quản lý thức ăn, vật tư, con giống..., thực hiện quan trắc đánh giá môi trường nuôi, đảm bảo an toàn dịch bệnh; xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm, cấp mã vùng nuôi, kỹ thuật nuôi cho từng loại thủy sản, đảm bảo phù hợp với sức tải môi trường.
Hiểu Trân
Liên kết website
Ý kiến ()