Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 15/01/2025 11:37 (GMT +7)
Olympic Paris 2024 đầy 'sạn', ban tổ chức bị chỉ trích
Chủ nhật, 28/07/2024 | 20:34:25 [GMT +7] A A
Gọi nhầm tên đoàn thể thao Hàn Quốc, treo ngược cờ Olympic, màn trình diễn tái hiện bức họa nổi tiếng cùng nhiều chi tiết khác khiến nhiều người phẫn nộ.
Loạt sự cố và khoảnh khắc tranh cãi tại Olympic Paris 2024 đang khiến kỳ Thế vận hội này bị chỉ trích dữ dội trên mạng xã hội. Tờ Express của Anh dẫn lời Tiến sĩ Luka Vicinic, một giảng viên ở London, cho biết: "Thành thật mà nói, đây là lễ khai mạc Thế vận hội Olympic tồi tệ nhất mà tôi có thể nhớ được".
Từ lựa chọn vận động viên gây bức xúc của Ủy ban Olympic Hà Lan đến những lựa chọn tổ chức gây tranh cãi của nước chủ nhà và màn khai mạc trái chiều, dưới đây là những yếu tố khiến Olympic năm nay hứng phải nhiều chỉ trích.
VĐV có tiền án hiếp dâm trẻ em
Theo The Guardian, sự phẫn nộ của công chúng với Olympic đang ngày càng tăng cao trước sự hiện diện của VĐV bóng chuyền bãi biển Steven Van de Velde thuộc đoàn Hà Lan. Van de Velde từng bị kết tội cưỡng hiếp một bé gái 12 tuổi người Anh vào năm 2016 và thụ án tổng cộng 13 tháng.
Đáp lại chỉ trích, IOC cho biết việc lựa chọn vận động viên cho Thế vận hội là trách nhiệm của từng ủy ban các quốc gia.
Trong khi đó, Ủy ban Olympic Hà Lan cho biết họ đã đưa ra “các biện pháp cụ thể” để đảm bảo một môi trường thể thao an toàn cho tất cả những người tham gia Olympic trước sự có mặt của Van de Velde. Theo yêu cầu của vận động viên này, anh sẽ không lưu trú tại làng Olympic và sẽ không xuất hiện trên bất kỳ phương tiện truyền thông nào.
Phong trào Brave Movement của những nạn nhân sống sót sau bạo lực tình dục trẻ em cho biết họ chưa được Ủy ban Olympic Hà Lan tham khảo ý kiến. Trong một bức thư ngỏ, họ cho biết nạn nhân bị Van de Velde cưỡng hiếp sẽ phải đối mặt với "hậu quả suốt đời", đồng thời nói thêm rằng "vẫn còn thời gian" để Van de Velde rút lui hoặc Ủy ban Olympic Hà Lan rút lui. "Chúng tôi tin rằng đó là hành động duy nhất phù hợp", họ cho hay.
Khâu tổ chức chưa hoàn hảo
Thay vì lắp đặt hệ thống điều hòa để giữ cho nơi ở thoải mái cho hàng nghìn vận động viên ở làng Olympic, ban tổ chức năm nay đã lên kế hoạch sử dụng hệ thống địa nhiệt dẫn nước mát dưới sàn nhà nhằm tránh nóng. Nhưng lời đảm bảo của họ rằng hệ thống đó sẽ giúp nhiệt độ trong nhà mát hơn ngoài trời khoảng 11 độ C không tạo được nhiều sự tin tưởng trong mùa hè nóng bức năm nay.
Kế hoạch này đã gây ra mối lo ngại từ nhiều quốc gia, nhất là Mỹ, rằng các VĐV sẽ không được nghỉ ngơi và phục hồi đầy đủ. Matt Carroll, thành viên Ủy ban Olympic Australia bình luận: "Chúng tôi không đi dã ngoại".
Trước thềm Thế vận hội, các quan chức Pháp vẫn giữ vững quan điểm rằng điều hòa là không cần thiết và không thể chấp nhận được vì tác động của việc tiêu thụ năng lượng đến khí hậu. "Tôi rất tôn trọng sự thoải mái của các vận động viên, nhưng tôi nghĩ nhiều hơn đến sự sống còn của nhân loại", Thị trưởng Paris Anne Hidalgo nói với một đài phát thanh Pháp vào năm ngoái.
Với nhiệt độ cao tại Pháp vào tháng 7 và tháng 8 năm nay, các đoàn Mỹ, Canada, Australia, Nhật Bản và một số quốc gia phát triển khác đã quyết định cung cấp điều hòa di động cho VĐV. Điều này làm dấy lên vấn đề công bằng trong thi đấu khi một số quốc gia khác không đủ điều kiện cung cấp điều hòa để VĐV được nghỉ ngơi thoải mái nhất.
Tác động đối với khí hậu vẫn sẽ không đáng kể, khi hàng nghìn điều hòa di động vẫn được mang đến Pháp hè này. Tờ Los Angeles Times đánh giá động thái này của nước chủ nhà đến từ ý định tốt nhưng xét cho cùng lại là ý tưởng tồi.
Không chỉ làng VĐV không được trang bị điều hòa mà ngay cả xe buýt chở VĐV cũng vậy. Theo Yonhap, 6 VĐV bơi Hàn Quốc đã phải rời làng Olympic để di chuyển đến một khách sạn gần nơi thi đấu vì họ không muốn di chuyển quãng đường xa trên những chiếc xe buýt nóng nực. Làng Olympic nằm cách địa điểm thi đấu của các VĐV này tới 12 km.
Ngoài ra, nhiều VĐV cũng phàn nàn về chất lượng và số lượng đồ ăn được cung cấp tại làng Olympic năm nay. Thịt gà và trứng khan hiếm. Do đó, một số vận động viên đã phải mang đồ ăn đóng gói đến Làng để ăn trưa và ăn tối, theo tờ Times of London.
Đoàn thể thao Anh cũng đã phải cử thêm đầu bếp đến Paris để cung cấp các bữa ăn phù hợp cho đội. Chưa kể, việc nhà tổ chức Olympic Paris nỗ lực cung cấp thực phẩm có nguồn gốc thực vật, thuần chay trong nỗ lực giảm lượng khí thải carbon không được nhiều VĐV đồng tình.
Một vận động viên người Anh nói với tờ Times rằng tình hình thực phẩm rất kém so với Olympic Tokyo.
Lễ khai mạc gây tranh cãi
Ngoài khâu tổ chức gây tranh cãi, một số khoảnh khắc trong lễ khai mạc Olympic cũng khiến khán giả thất vọng, thậm chí IOC phải lên tiếng xin lỗi..
Khi các VĐV Hàn Quốc đi dọc theo Sông Seine trong lễ diễu hành khai mạc, ban tổ chức giới thiệu đây là đoàn thể thao Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên - tên chính thức của Triều Tiên. Biển tên ở mạn thuyền của đoàn Hàn Quốc trên Sông Seine vẫn ghi thông tin chính xác.
Sau khi người dẫn chương trình mắc lỗi bằng cả tiếng Pháp và tiếng Anh, Ủy ban Olympic đã đăng trên mạng xã hội X: "Chúng tôi xin lỗi sâu sắc vì lỗi đã xảy ra khi giới thiệu đội tuyển Hàn Quốc trong buổi lễ khai mạc được phát sóng".
Mark Adams, người phát ngôn của IOC nói thêm trong một tuyên bố: "Đã xảy ra lỗi vận hành. Chúng tôi chỉ có thể xin lỗi, rằng trong một buổi tối có quá nhiều sự kiện diễn ra, đã xảy ra sự cố như vậy".
Chưa hết, một khoảnh khắc nhầm lẫn khác tiếp tục gây tranh cãi khi ban tổ chức treo ngược cờ Olympic. Lá cờ Olympic phải hiển thị ba vòng tròn màu xanh lam, đen và đỏ ở trên và hai vòng tròn vàng, xanh lá cây ở dưới. Tuy nhiên, lá cờ khi kéo lên đã bị xoay ngược.
Trên X, nhiều người xem cho rằng đây chỉ là lỗi vô tình, trong khi số khác nhận định khoảnh khắc này "đáng xấu hổ".
Tuy nhiên, chi tiết gây nhiều tranh cãi nhất trong lễ khai mạc phải kể đến màn trình diễn của các drag queen (nghệ sĩ nam ăn mặc, trang điểm giả nữ một cách cường điệu), tái hiện bức họa "Bữa ăn tối cuối cùng" của Leonardo da Vinci.
Người sáng lập Tesla, Elon Musk, đã lên tiếng chỉ trích màn trình diễn: "Điều này cực kỳ thiếu tôn trọng đối với những người theo đạo Cơ đốc".
Jenna Ellis, cựu luật sư cho chiến dịch tranh cử năm 2020 của ông Donald Trump, tuyên bố trên nền tảng X: "Trong cảnh này của lễ khai mạc Olympic, bức tranh nổi tiếng Bữa ăn tối cuối cùng đã được tái hiện, nhưng Chúa Jesus được thay thế bằng một người phụ nữ béo phì, trong khi những nhân vật đồng tính và chuyển giới (có cả một đứa trẻ tham gia!) tái hiện các tông đồ của cô ấy".
Thomas Jolly, giám đốc nghệ thuật của lễ khai mạc, đã lên tiếng bảo vệ màn trình diễn tại cuộc họp báo 1 ngày sau sự kiện. Jolly cho biết anh không biết về những lời chỉ trích và muốn thể hiện "sự hòa nhập".
Theo vtcnews.vn
Liên kết website
Ý kiến ()