Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 20:21 (GMT +7)
"Ông bầu" bóng đá của các cô gái Sán Chỉ
Chủ nhật, 24/03/2024 | 09:17:19 [GMT +7] A A
Nhiều du khách khi đi trải nghiệm du lịch ở huyện Bình Liêu đều có mong muốn qua xã Húc Động để xem các cô gái Sán Chỉ đá bóng. Ít ai biết, người đưa ra sáng kiến tổ chức các cô gái Sán Chỉ đá bóng là anh Trần A Tám, hiện là công chức hộ tịch của UBND xã Húc Động.
Khoảng chục năm trước đây, hầu như ít người nghe nói đến đá bóng nữ dân tộc thiểu số ở Quảng Ninh. Nhưng đến nay môn thể thao này của chị em rất sôi động, nhất là chị em Sán Chỉ. Tại xã Húc Động, huyện Bình Liêu, mỗi thôn có một đội bóng đá nữ Sán Chỉ. Từ các phong trào đá bóng của chị em Sán Chỉ ở xã Húc Động, mà phong trào này phát triển rộng ra cả huyện Bình Liêu, rồi lan sang các huyện khác của miền Đông.
Người đầu tiên đưa ra sáng kiến tổ chức các cô gái Sán Chỉ đá bóng là anh Trần A Tám, hiện là công chức hộ tịch của UBND xã Húc Động. Thời điểm năm 2017, trận bóng đá nữ Sán Chỉ đầu tiên do anh Tám khởi xướng, khi đó anh Tám là Bí thư Đoàn Thanh niên xã Húc Động.
Anh Tám hầu như lúc nào cũng bận rộn, công việc hàng ngày làm công chức hộ tịch ở xã Húc Động, nhưng hễ rời cơ quan là anh lại quan tâm đến đội bóng. Để cho bóng đá nữ ngày càng phát triển, anh Tám luôn chú trọng đến bồi dưỡng năng khiếu bóng đá cho lớp trẻ, từ khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường. Hiện nay cầu thủ trẻ nhất ở Húc Động là La Thị Lày, 12 tuổi, lớp 7, Trường THCS xã Húc Động. Thời điểm cuối năm và đầu năm mới, nhiều địa phương tổ chức lễ hội và mời đội bóng đá nữ Húc Động tham gia, vậy là anh Tám lại cùng đội bóng lên đường.
Khi du lịch Bình Liêu phát triển, anh Tám nhận thấy các đoàn khách đều tới xã Húc Động tham quan thác Khe Vằn. Các du khách đến ngắm thác, chụp vài ba bức ảnh cho riêng mình rồi đi. Quan sát, anh Tám còn nhận thấy khi du khách đến Bình Liêu rất thích chụp ảnh các cô gái Dao, Tày, Sán Chỉ mặc váy áo truyền thống. Vậy là anh Tám đã nảy ra ý tưởng thành lập các đội bóng đá nữ dân tộc Sán Chỉ và để chị em mặc nguyên váy áo dân tộc mình rồi đá bóng. Anh Tám trình bày ý tưởng đó của mình lên lãnh đạo xã và được chấp nhận.
Trận thi đấu bóng đá của các cô gái Sán Chỉ đầu tiên ra mắt khán giả và du khách là tại Lễ hội đình Lục Nà, xã Lục Hồn năm 2017, không ngờ đã thu hút được rất đông người đến xem. Các bức ảnh, thông tin về các cô gái Sán Chỉ đá bóng được đăng lên các báo trung ương, địa phương, khiến Húc Động trở nên nổi tiếng.
Ngày nay, các trận bóng đá nữ Sán Chỉ được tổ chức thường xuyên, một phần để nâng cao hoạt động thể thao trên địa bàn, thu hút khách du lịch. Đã có nhiều đoàn khách du lịch đến từ Hà Nội, Lâm Đồng, Đắk Lắk... thậm chí cả du khách nước ngoài khi đến Húc Động cũng đã đặt vấn đề được xem đá bóng nữ Sán Chỉ. Từ các cô gái mặc nguyên váy áo đá bóng, cũng giúp cho chị em thêm yêu hơn trang phục dân tộc mình và họ thấy tự hào về điều này.
Công Thành (CTV)
Liên kết website
Ý kiến ()