Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 11:19 (GMT +7)
Quảng Ninh nhất định phải sớm trở thành "Tỉnh học tập"
Chủ nhật, 08/08/2021 | 07:05:17 [GMT +7] A A
Những năm qua, phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ở Quảng Ninh luôn có sự quan tâm phối hợp và hỗ trợ tích cực của các tập thể, cá nhân, tổ chức, đoàn thể. Phong trào ngày càng lan tỏa rộng khắp, hình thành hàng trăm mô hình hiệu quả, cách làm sáng tạo.
Tiến tới Đại hội Hội Khuyến học Quảng Ninh lần thứ 3, nhiệm kỳ 2021- 2026, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có cuộc trò chuyện với ông Hoàng Hồng, Phó Chủ tịch Hội về vấn đề này.
-Thưa ông, nhìn lại kết quả của công tác khuyến học trong tỉnh những năm qua, ông tâm đắc với điều gì nhất?
+ Những năm gần đây, thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, các cấp Hội Khuyến học trong tỉnh đã không ngừng nỗ lực, phát huy tối đa khả năng sáng tạo của tổ chức Hội, tạo chuyển biến đáng kể việc thúc đẩy phong trào học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập, góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 29/NQ-TW của BCH Trung ương Đảng về "Đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo".
Công tác tuyên truyền, vận động đã được tiến hành thường xuyên, liên tục dưới nhiều phương thức khác nhau. Rất nhiều tấm gương về học tập được giới thiệu rộng rãi đã truyền cảm hứng, khích lệ mọi người học tập.
Một trong những việc làm đạt kết quả cao nhất là xây dựng phong trào học tập suốt đời. Đề án “Phát động phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020” của Chính phủ đã được triển khai khẩn trương, nghiêm túc với lộ trình thích hợp. TX Đông Triều, TX Quảng Yên, huyện Tiên Yên, Đầm Hà được chọn chỉ đạo điểm trước khi triển khai đại trà từ năm 2016.
Sau chỉ đạo điểm, Hội đã rút kinh nghiệm để triển khai đại trà. Sau 5 năm thực hiện, kết quả năm sau cao hơn năm trước. Đến hết năm 2020, toàn tỉnh đã có 71,4% số gia đình, 62,2% số dòng họ, 81,6% số cộng đồng, 82,9% số đơn vị học tập; vượt tất cả các chỉ tiêu đề ra.
- Kết quả đó đã có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?
+ Kết quả đó góp phần quan trọng vào việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo; tạo nền tảng xã hội để phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, là tiền đề thúc đẩy tiến trình xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh những năm tiếp theo.
- Đầu tiên phải nói đến nguồn vật lực, các địa phương, gia đình, dòng họ đều có những quỹ khuyến học khác nhau. Hiệu quả của nguồn quỹ này được thể hiện thế nào, thưa ông?
+ Bên cạnh quỹ khuyến học do Hội quản lý còn nhiều mô hình khác như quỹ khuyến học khu dân cư, quỹ khuyến học dòng họ, quỹ khuyến học cơ quan, quỹ khuyến học trường học, quỹ khuyến học đơn vị, một số nơi đã có quỹ khuyến học gia đình. Nguồn quỹ hỗ trợ cho các học sinh, sinh viên vượt khó học tốt, học sinh khuyết tật vươn lên.
Nhờ thực hiện phương thức đa dạng hóa, nguồn quỹ khuyến học được duy trì và tăng lên hàng năm, cả trong những lúc khó khăn. Đến cuối năm 2020, tổng số quỹ khuyến học trên địa bàn tỉnh có 70.240.111.000 đồng, vượt mục tiêu 70 tỷ đồng.
Trong 5 năm (2016 - 2020), hội khuyến học các cấp đã vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ 10.516 lượt học sinh nghèo vượt khó, 1.092 lượt học sinh khuyết tật, khen thưởng 4.497 học sinh giỏi phát triển tài năng. Nhờ có sự giúp đỡ này không có em nào phải bỏ học, các học sinh giỏi được ghi nhận, động viên. Điều quan trọng là thông qua phong trào này, xã hội biết đến và quan tâm nhiều hơn những hoàn cảnh khó khăn, khơi dậy phát huy truyền thống “Thương người như thể thương thân” của dân tộc.
Công tác xây dựng, quản lý quỹ khuyến học thời gian qua đã có nhiều cách làm hay, như việc khuyến học đã được đưa vào quy ước, hương ước của thôn, làng, dòng họ...
- Như ông nói thì công tác thi đua khuyến học đã được thực hiện rộng khắp trên địa bàn tỉnh?
+ Đúng vậy. Công tác thi đua được thực hiện bài bản, có đăng ký phấn đấu với mục tiêu cụ thể hàng năm; có sơ kết, tổng kết, đánh giá công bằng, minh bạch, thực sự là động lực thúc đẩy phong trào. Chủ trương của Hội Khuyến học tỉnh chia khối thi đua các huyện, thị xã, thành phố thành hai vùng là đô thị và miền núi, hải đảo đã đem lại sự công bằng, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể từng nơi, đã tạo điều kiện để các đơn vị phấn đấu.
Tổng kết 5 năm triển khai đại trà Quyết định số 281/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; tuyên dương gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập, tổ chức Hội, cán bộ, hội viên khuyến học xuất sắc đã có 313 tập thể, cá nhân được khen thưởng. Các hội nghị tổng kết, tuyên dương khen thưởng nói trên thực sự có tác động mạnh mẽ đối với cộng đồng; thúc đẩy phong trào phát triển mạnh mẽ.
- Trong kết quả chung đó, phải chăng phong trào "Ba đỡ đầu" là nổi bật nhất, thưa ông?
+ Phong trào “Ba đỡ đầu” là đỡ đầu học sinh nghèo vượt khó, đỡ đầu học sinh giỏi thành tài, đỡ đầu học sinh khuyết tật vươn lên. Phong trào “Ba đỡ đầu” được thực hiện thường xuyên, linh hoạt theo hướng đa dạng hóa, được xã hội ngày càng quan tâm và thu được kết quả khả quan, thiết thực góp phần vào việc xã hội hóa giáo dục.
Cùng với hoạt động khuyến học là công tác khuyến tài. Theo đó, Hội đã đồng hành cùng ngành Giáo dục và Đào tạo trong việc động viên, khích lệ những tấm gương dạy tốt, học tốt, kịp thời khen thưởng học sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia hàng năm, khen thưởng những học sinh đạt giải quốc tế; các sáng chế trong các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật; trợ giúp học sinh thi đỗ đại học với kết quả cao nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn.
- Phải chăng nhận thức của đại bộ phận nhân dân đã chuyển biến rõ rệt nhất là đối với vấn đề xã hội hóa giáo dục...?
+ Đạt được kết quả nêu trên là do cộng đồng xã hội tham gia hưởng ứng tích cực thể hiện rõ nhất trong xây dựng các mô hình học tập, xây dựng quỹ khuyến học. Các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đã luôn đồng hành trợ giúp. Đã có sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cấp, các ngành, tổ chức và nhân dân đối với xã hội học tập.
Nhờ đời sống kinh tế được nâng cao và nhận thức thay đổi nên vấn đề trường công trường tư đã bình đẳng hơn trước rất nhiều. Ý thức học tập của cán bộ, công chức, viên chức được nâng lên. Học tập trở thành động lực cho nhiều người, nhiều gia đình, cơ quan, doanh nghiệp, góp phần xóa đói, giảm nghèo, là cơ sở quan trọng phát triển kinh tế - xã hội.
- Mục tiêu của công tác khuyến học của chúng ta cần đặt ra trong 5 năm tới đây cụ thể là gì, thưa ông?
+ Hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập cần tập trung đổi mới, sáng tạo để có những bước đột phá; góp phần hiện thực hóa những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh. Cần duy trì, phát triển với mức cao và bền vững các mô hình học tập với ba trụ cột là xây dựng "Công dân học tập", "Đơn vị học tập", "Cộng đồng học tập cấp xã", hướng tới mục tiêu xây dựng huyện, thị xã, thành phố, tỉnh học tập. Sớm đưa Hạ Long tham gia mạng lưới “Thành phố học tập” của UNESCO. Phát động mạnh mẽ, đạt kết quả cao, thiết thực phong trào toàn dân trong tỉnh học nghề, học ngoại ngữ, tin học.
Quảng Ninh phấn đấu đến năm 2026 có 50% công dân đạt danh hiệu "Công dân học tập", 80% số gia đình, dòng họ được công nhận "Gia đình học tập", "Dòng họ học tập"; 80% các cơ quan, đơn vị cấp huyện, cấp tỉnh đạt danh hiệu "Đơn vị học tập"; 80% số xã, phường, thị trấn được đánh giá, xếp loại "Cộng đồng học tập cấp xã" đạt loại tốt; 20% còn lại đạt loại khá. Quảng Ninh đạt danh hiệu "Tỉnh học tập" trước năm 2025.
Mục tiêu của hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập nhằm góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Đó là trách nhiệm nặng nề nhưng hết sức vẻ vang của những người làm công tác khuyến học và tham gia hoạt động khuyến học.
Vì hạnh phúc của nhân dân, vì sự nghiệp xây dựng Quảng Ninh là tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại, các cấp Hội khuyến học trong tỉnh tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được; khắc phục thiếu sót, hạn chế, tiếp tục phấn đấu cao hơn nữa để giành thành quả tốt hơn nữa. Quảng Ninh nhất định phải sớm trở thành "Tỉnh học tập".
-Cám ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Phạm Học (Thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()