Nhập cư và biên giới
Karoline Leavitt, sẽ là phát ngôn viên Nhà Trắng tương lai, nhấn mạnh lời hứa của ông Trump về ký sắc lệnh hành pháp "để bảo vệ biên giới phía nam". "Chúng tôi biết rằng ngay ngày đầu tiên, ông ấy sẽ tiến hành đợt trục xuất hàng loạt người nhập cư bất hợp pháp lớn nhất trong lịch sử Mỹ", cô cho hay.
Trong tuần đầu tiên sau khi tái đắc cử, ông Trump đã ưu tiên chọn lựa các vị trí lãnh đạo giám sát vấn đề nhập cư. Tổng thống đắc cử đã bổ nhiệm cựu quyền giám đốc Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) Tom Homan làm quan chức phụ trách các vấn đề biên giới, an ninh hàng hải, hàng không và chịu trách nhiệm về các nỗ lực trục xuất.
Ông chọn Thống đốc Nam Dakota Kristi Noem làm Bộ trưởng An ninh Nội địa và bổ nhiệm cố vấn cấp cao Steven Miller làm phó chánh văn phòng Nhà Trắng phụ trách chính sách. Miller là người đã định hình một số chính sách hạn chế cứng rắn nhằm đối phó vấn đề nhập cư bất hợp pháp trong chính quyền Trump đầu tiên.
Bất kỳ chương trình trục xuất hàng loạt nào cũng có thể gặp phải những khó khăn về mặt hậu cần cùng hàng loạt thách thức pháp lý từ các nhà hoạt động về nhập cư, nhân quyền.
Ông Trump có thể tái thực hiện chính sách "Ở lại Mexico", yêu cầu những người xin tị nạn phải chờ tại Mexico trong khi đơn yêu cầu của họ được xử lý. Dưới thời ông, khoảng 70.000 người xin tị nạn đã bị trả về Mexico để chờ đợi.
Tổng thống Joe Biden gọi chương trình này là "vô nhân đạo" và cố gắng chấm dứt nó vào ngày đầu tiên nhậm chức, song phải đối mặt với những thách thức pháp lý. Năm 2022, Tòa án Tối cao mới cho phép ông chặn chương trình.
Một lời hứa khác mà Tổng thống đắc cử hứa sẽ thực hiện trong ngày đầu nhậm chức là chấm dứt quyền công dân theo nơi sinh, nguyên tắc đã tồn tại 150 năm qua, quy định rằng bất kỳ ai sinh ra trên đất Mỹ đều là công dân Mỹ.
Không rõ ông Trump định thực hiện chính sách này như thế nào. Quyền công dân theo nơi sinh được đảm bảo trong Hiến pháp Mỹ, đồng nghĩa thay đổi nó là điều vô cùng khó khăn. Ông sẽ cần các bang đồng ý tổ chức một hội nghị toàn quốc hoặc có 2/3 số phiếu ủng hộ đề xuất thay đổi tại quốc hội. Sau đó, yêu cầu còn phải được 3/4 cơ quan lập pháp bang chấp thuận, nhưng đảng Cộng hòa chỉ kiểm soát hơn một nửa.
Ân xá
Ông Trump từ lâu đã ám chỉ rằng việc ân xá cho những người bị kết tội trong vụ bạo loạn Đồi Capitol năm 2021 sẽ là ưu tiên hàng đầu.
Tổng thống Mỹ có thẩm quyền ân xá hoặc giảm án cho những người bị kết tội liên bang. Các công tố viên cũng có thể quyết định hủy bỏ các vụ án đang chờ xử lý tùy thuộc vào người mà ông Trump chọn để ân xá. Điều chưa rõ ràng là ai có thể được hưởng ân xá từ ông.
"Tôi dự định ân xá cho nhiều người trong số họ. Nhưng tôi không thể ân xá cho toàn bộ, bởi một số người có lẽ đã mất kiểm soát thực sự", Tổng thống đắc cử từng nói với CNN.
Leavitt cho hay ông Trump sẽ quyết định "trên cơ sở từng trường hợp cụ thể khi trở lại Nhà Trắng".
Hơn 1.500 người đã bị bắt liên quan đến cuộc bạo loạn Đồi Capitol. Theo số liệu liên bang, hơn 750 người bị kết án vì các tội danh từ xâm phạm trái phép đến tấn công cảnh sát và âm mưu kích động nổi loạn.
Thỏa thuận khí hậu Paris
Trong chiến dịch tranh cử năm 2016, ông Trump đã đưa việc rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris lên hàng đầu trong chương trình nghị sự. 6 tháng sau khi ông nhậm chức, Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận mang tính bước ngoặt này.
Tổng thống Joe Biden tuyên bố đưa Mỹ trở lại thỏa thuận là một trong những ưu tiên hàng đầu của ông khi chạy đua vào Nhà Trắng năm 2020. Ngay ngày đầu tiên nhậm chức, ông đã ký lá thư yêu cầu Mỹ được tái gia nhập.
Vậy ông Trump sẽ phản ứng thế nào trong nhiệm kỳ thứ hai? Truyền thông Mỹ đưa tin nhóm của ông đang chuẩn bị lệnh rút Mỹ khỏi thỏa thuận một lần nữa ngay trong ngày đầu tiên nắm quyền.
Việc rời khỏi thỏa thuận có nghĩa Mỹ không còn phải tuân thủ các mục tiêu cắt giảm phát thải carbon đã đề ra. Ông Trump từng nói ông muốn ưu tiên ngành sản xuất dầu và khí đốt của Mỹ, trái ngược với mục tiêu mà thỏa thuận khí hậu Paris theo đuổi. Tổng thống đắc cử cũng hứa sẽ nhanh chóng đẩy nhanh quy trình cấp phép và khai thác dầu đá phiến.
"Chúng ta sẽ khoan, khoan, khoan", ông nhiều lần nói.
Chiến sự Ukraine
Xuyên suốt chiến dịch tranh cử, ông Trump không ít lần tuyên bố ông có thể chấm dứt xung đột Nga - Ukraine "trong một ngày". Ông cũng nhiều lần chỉ trích việc chính phủ Mỹ tiếp tục hỗ trợ Ukraine, coi đây là việc làm lãng phí tài nguyên.
Tổng thống đắc cử vẫn chưa đưa ra thông tin cụ thể về cách ông định thúc đẩy đôi bên đàm phán chấm dứt chiến sự. Kể từ khi tái đắc cử, ông đã nói chuyện với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong một cuộc gọi kéo dài "khoảng nửa giờ", với sự góp mặt của tỷ phú Elon Musk. Ông Trump hồi đầu tháng này họp với Tổng thống Zelensky tại Pháp, nhân dịp đến Paris dự lễ mở lại Nhà thờ Đức Bà.
Truyền thông Mỹ hồi tháng 11 đưa tin Tổng thống đắc cử đã gọi điện cho Tổng thống Vladimir Putin, cảnh báo lãnh đạo Nga không nên leo thang xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, Điện Kremlin phủ nhận thông tin này.
Thương mại và kinh tế
Kinh tế là vấn đề mà ông Trump đặc biệt nhấn mạnh trong chiến dịch tranh cử. Ông cam kết sẽ chấm dứt lạm phát ngay khi ông nhậm chức. "Chúng tôi sẽ giải quyết mọi thứ, từ khả năng chi trả cho ôtô đến chi phí nhà ở, bảo hiểm hay vấn đề về chuỗi cung ứng", ông tuyên bố. "Tôi sẽ chỉ đạo nội các của mình rằng tôi mong đợi có kết quả trong vòng 100 ngày đầu tiên, hoặc sớm hơn thế nhiều".
Tổng thống đắc cử cho hay ngay trong ngày đầu tiên, ông sẽ ký sắc lệnh hành pháp chỉ đạo các bộ trưởng nội các và người đứng đầu các cơ quan liên bang "sử dụng mọi công cụ và thẩm quyền để đánh bại lạm phát và hạ giá tiêu dùng".
Kế hoạch của ông bao gồm việc áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là những mặt hàng đến từ Trung Quốc, với lý do rằng những loại thuế này sẽ giúp duy trì việc làm trong ngành sản xuất Mỹ.
Tổng thống đắc cử từng gợi ý đánh thuế ít nhất 10% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu, áp thuế 60% với hàng hóa từ Trung Quốc. Hiện chưa rõ ông Trump liệu có thực sự làm vậy không.
Ông Trump cũng đã cảnh báo sẽ nhắm vào Mexico và Canada. "Vào ngày 20/1, tôi sẽ ký tất cả giấy tờ cần thiết để áp mức thuế 25% với Mexico và Canada, áp dụng với toàn bộ sản phẩm họ xuất khẩu sang Mỹ. Đây là một phần trong loạt sắc lệnh hành pháp đầu tiên", Tổng thống đắc cử Donald Trump đăng trên Truth Social ngày 25/11/2024.
Ông Trump khẳng định mức thuế trên sẽ duy trì tới khi Mexico, Canada siết chặt kiểm soát ma túy, nhất là fentanyl (thuốc giảm đau tổng hợp gây nghiện), và kiểm soát dòng người di cư đang vượt biên trái phép.
Canada những tuần vừa qua đã nỗ lực tiếp cận ông Trump về vấn đề thuế. Thủ tướng Justin Trudeau cuối tháng 11/2024 đến Mar-a-Lago gặp ông Trump. Tuần trước, Ngoại trưởng Canada Melanie Joly cùng Bộ trưởng Tài chính Dominic LeBlanc đến Florida họp cùng các thành viên trong chính quyền sắp nhậm chức của Tổng thống đắc cử.
Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum cảnh báo thuế sẽ gây ra các biện pháp trả đũa qua lại, đe dọa cơ hội làm ăn của cả hai phía. Bà đã có cuộc điện đàm với ông Trump, nhắc đến tình trạng nhập cư bất hợp pháp và nạn buôn bán fentanyl vào Mỹ.
Những mức thuế quan này có thể không cần được quốc hội chấp thuận. Ông Trump từng áp dụng chính sách đánh thuế trong nhiệm kỳ đầu tiên, trích dẫn Mục 232 Đạo luật Mở rộng Thương mại năm 1962, trao quyền cho tổng thống áp thuế đối với hàng hóa có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.
Ý kiến ()