Tất cả chuyên mục

Núi Bài Thơ (TP Hạ Long) nổi tiếng vì có lưu bút đề thơ của những bậc vua, chúa, thi nhân. Trong đó, bài thơ đầu tiên - cũng là bài thơ nổi tiếng nhất là của vua Lê Thánh Tông, đề năm 1468.
Về góc độ sử liệu, bài thơ này đã được chép trong các bản sách chữ Hán: Toàn Việt thi lục, Châu cơ thắng chưởng (thời Lê) và Đại Nam nhất thống chí (thời Nguyễn). Tuy vậy, những bản chữ Hán này, theo GS. Nguyễn Huệ Chi (Viện Văn học) thì “3 văn bản sao chép bài thơ trong nhiều thời điểm, có bản chép toàn văn, có bản chép mỗi lời đề từ”. Có lẽ nhà nghiên cứu Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến (1875-1941) là người đã đến chân núi Truyền Đăng đọc, ghi và dịch, công bố bài thơ bằng chữ quốc ngữ sớm nhất. Năm 1924, trên Tạp chí Nam Phong (số 168) ông đã chép toàn bộ nội dung bài thơ trong bài viết “Chơi Vịnh Hạ Long”. Năm 1983, giáo sư Hoàng Xuân Hãn trong công trình “Hồ Xuân Hương với Vịnh Hạ Long” đã chép lại chữ Hán và phiên âm, dịch nghĩa bài thơ của vua Lê Thánh Tông, phần chữ Hán đó dựa vào cuốn chữ Hán “Thiên tải nhàn đàm” in năm 1810 của Đàm Nghĩa Am.
Tại Quảng Ninh, vào năm 1990 có nhiều nhà nghiên cứu đã lên núi đọc bài thơ và cũng khắc phục văn bản bài thơ. Trên Báo Hạ Long số 39, ngày 1-11-1990, nhà báo Hào Minh có bài “Thử phục hồi lại nguyên tác bài thơ của vua Lê Thánh Tông”. Ngày 1-12-1990, cũng trên Báo Hạ Long, nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Dân viết tiếp bài “Thử phục hồi lại nguyên tác bài thơ của vua Lê Thánh Tông”. Sau đó, có công trình tuyển “Thơ chữ Hán Lê Thánh Tông” do Viện Nghiên cứu Hán Nôm chủ trì, Mai Xuân Hải chủ biên.
![]() |
![]() |
Nguyên văn chữ Hán ông Lê Anh Tuấn khôi phục bài thơ của vua Lê Thánh Tông khắc trên núi Bài Thơ. |
Nhưng có lẽ, bài thơ khắc trên núi Truyền Đăng của vua Lê Thánh Tông được ghi chép và nghiên cứu kỹ lưỡng nhất là vào năm 1992 khi UBND tỉnh Quảng Ninh, UBND TX Hồng Gai phối hợp với Viện Văn học tổ chức Hội thảo khoa học về “Cụm di tích lịch sử văn hoá Núi Bài Thơ”. Những tham luận Hội thảo đã in thành sách “Núi Bài Thơ - lịch sử và danh thắng”. Tại đây, trong bài viết “Khôi phục lại văn bản bài ngự chế của Lê Thánh Tông trên núi Bài Thơ”, giáo sư Nguyễn Huệ Chi đã dựa vào bản rập bài thơ trên vách núi và những tài liệu chữ Hán để công bố bản khôi phục bài thơ một cách đầy đủ theo cách của nhà khoa học.
Dù đã có nhiều nhà khoa học và nhiều bài viết khôi phục nguyên tác bài thơ của Lê Thánh Tông được công bố, song ông Vũ Anh Tuấn vẫn thấy chưa hài lòng và ông đã dành trọn thời gian cuối cuộc đời để đi tìm một bản nguyên tác bài thơ mà ông cho là chuẩn nhất. Ông Vũ Anh Tuấn sinh năm 1929, năm nay đã gần 90, song ông vẫn minh mẫn và tâm huyết với bài thơ này. Trong căn hộ của ông ở Làng quốc tế Thăng Long (Hà Nội), những ngày đầu thu, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Anh Tuấn về bài thơ này.
- Duyên cớ nào mà ông đến với bài thơ và hành trình theo đuổi bản gốc bài thơ như thế nào”?
+ Năm 1990, tôi đi công tác Quảng Ninh, trên đường về có ghé vào Hội Văn học nghệ thuật Quảng Ninh, được anh Hoàng Thuận, Tổng Biên tập Báo Hạ Long tặng 2 tờ báo viết về bài thơ này. Một bài của nhà báo Hào Minh và một của nhà giáo Nguyễn Thanh Dân. Tôi đọc thấy tuy là 1 bài thơ khắc trên núi mà 2 người viết khác nhau. Vốn biết một chút chữ Hán, tôi bắt đầu để tâm và tìm hiểu về bài thơ này. Tôi đã thu thập được 7 bài chữ Hán và 10 bài thơ dịch quốc ngữ. Sau đó, dựa vào những tài liệu và suy luận khoa học, tôi đề xuất ra 1 bản chữ Hán theo đúng nguyên tác và có dịch thơ. Năm 2012, tôi in thành cuốn sách “Đâu là nguyên tác chuẩn xác Bài thơ Lê Thánh Tông khắc trên vách núi Truyền Đăng Quảng Ninh?” do NXB Văn học ấn hành. Năm 2013, cuốn sách được tái bản lần thứ nhất.
- Những câu chữ nào ông cho rằng hiện nay các văn bản bài thơ được nghiên cứu, giới thiệu có những chữ chưa đúng so với nguyên tác?
+ Tôi phát hiện ra, trong Châu cơ thắng thưởng (tức là những vần thơ đẹp như ngọc lãm khi thưởng lãm nơi danh thắng) có 4 chữ viết sai so với văn bản. Đó là chữ Kỳ có bộ mộc (棊) chép thành chữ Kỳ có bộ thạch (碁) (dù 2 chữ có nghĩa như nhau), chữ Thần Bắc (辰) là ngôi sao Bắc Đẩu thì chép thành chữ Thần (宸) nghĩa là cung vua, cung cấm. Chữ Tức không có bộ hỏa (息) nghĩa là đã tắt ngấm từ lâu, người chép lại thay bằng chữ Tức có bộ hỏa (熄) nghĩa là lửa mới tắt, vẫn còn đốm tàn. Và còn sai hai vị trí: Thiên Nam thành Nam Thiên; hà sơn thành sơn hà. Sách Toàn Việt thi lục sai tới 18 chữ. Các bản sau này chủ yếu dựa vào Toàn Việt thi lục mà chép lại. Có bản chép nhiều, có bản chép ít cho nên sai cho đến bây giờ.
Chúng ta biết rằng, Toàn Việt thi lục bắt đầu từ năm 1757 và hoàn thành năm 1758, tức ra đời sau gần 300 năm bài thơ khắc trên vách đá của vua Lê Thánh Tông. Sách do nhà bác học Lê Quý Đôn chủ trì, nhưng chủ yếu do Dương Đức Nham biên soạn và Lê Đức Học hiệu đính. Do những điều kiện khó khăn về đi lại, nguồn tư liệu chuẩn xác mà sách này đã chép sai nhiều chữ trong bài thơ của vua Lê Thánh Tông. Trong phần lạc khoản, chữ Lục sư chép thành Lục quân, Duyệt võ chép thành Duyệt binh, trú lục sư chép thành trú sư; ma thạch nhất luật vân bị bỏ mất chữ vân ở cuối. Nãi phiếm hải bất dương ba bị bỏ chữ Nãi phiếm. Phần thơ, trong chữ Triều bách xuyên thì chữ Triều có bộ chấm thủy (潮) là con nước, thủy triều, bị nhầm thành chữ Triều (朝) nghĩa là chầu vào. Riêng bản chép trong sách Đại Nam nhất thống chí của nhà Nguyễn in năm 1882 thì ít sai hơn cả. Chỉ nhầm Lục sư thành Lục quân, Trú lục sư bỏ mất chữ lục, tự ý thêm chữ Đề thơ và bỏ chữ Vân.
Bản của Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến in trên Tạp chí Nam Phong 1924, bản chữ Hán phục chế của GS Nguyễn Huệ Chi năm 1992, Bản chữ Hán in trong “Thơ chữ Hán Lê Thánh Tông” của Viện Nghiên cứu Hán Nôm 1994, bản chữ Hán khắc bia đá dưới chân núi Bài Thơ 1993 cũng đều có những nhầm lẫn tương tự.
- Cơ sở văn bản nào quan trọng nhất để ông đối chiếu, so sánh và nghiên cứu, suy luận trong quá trình tìm một văn bản chuẩn xác của bài thơ?
+ Tôi dựa vào bản rập bài thơ khắc trên vách đá năm 1992 của Sở Văn hoá Thông tin Quảng Ninh. Đây chính là cơ sở quan trọng nhất khi tìm hiểu về nguyên tác bài thơ. Tôi cũng lấy băn khoăn có nhiều nhà nghiên cứu có bản rập này nhưng khi khôi phục nguyên tác bài thơ thì vẫn mắc lỗi. Ngay từ năm 1992, tôi bắt đầu viết đăng trên Báo Hạ Long và nhiều báo khác. Sau đó, tôi đã nhiều lần viết thư cho lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và nhiều cơ quan chuyên môn để đề nghị quan tâm và triệt để giải quyết văn bản bài thơ của vua Lê Thánh Tông.
- Theo ông, khi khôi phục bản gốc chữ Hán và dịch, cần nhấn mạnh điều gì?
+ Thiên Nam vạn cổ hà sơn tại/Chính thị tu văn yển vũ niên. Hai câu này khi dịch, phải chú ý chữ Thiên Nam. Thiên Nam là biệt hiệu của đức vua Lê Thánh Tông. Ngài có biệt hiệu là Thiên Nam. Đó là danh từ riêng phải giữ nguyên. Nhiều người dịch “trời Nam” là không đúng. Lê Thánh Tông viết bài thơ này lúc đó mới 26 tuổi. Ngài ngầm khẳng định, giang sơn này là của triều đình, Thiên Nam được giao quản lý để núi sông này mãi còn.
- Theo ông, trong những bản chữ Hán hiện có, bản nào được coi là gần nguyên tác hơn cả?
+ Đó là bản do Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Phạm Minh Chính dâng trình trước Đại hội Liên hoan Thơ châu Á - Thái Bình Dương lần thứ I tổ chức tại TP Hạ Long ngày 2-2-2012. Bản này được thạc sĩ Á châu học Vương Thị Tri Túc đề xuất. Bản chữ Hán này đã cơ bản khắc phục được những lỗi mà các nhà nghiên cứu trước mắc phải. Bài thơ chuẩn xác gồm phần văn xuôi lạc khoản có 49 chữ, nói về thời gian sự việc, địa điểm và tác giả; phần thơ có 8 câu, mỗi câu 7 chữ, tổng cộng 56 chữ.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Nguyễn Văn Học (CTV, thực hiện)
Nguyên văn chữ Hán ông Vũ Anh Tuấn khôi phục bài thơ của vua Lê Thánh Tông khắc trên núi Truyền Đăng: Cự tẩm uông dương triều bách xuyên Dịch nghĩa: Trăm dòng triều cuộn biển mênh mông (Vũ Anh Tuấn, phiên âm, dịch nghĩa) |
Ý kiến ()