Tất cả chuyên mục

PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn là Phó Viện trưởng Viện Văn học, Tổng Biên tập Tạp chí Văn học. Ông được biết đến với nhiều công trình nghiên cứu về văn học Việt Nam thời kỳ trung đại và cận - hiện đại. Vùng đất An Bang xưa (Quảng Ninh hiện nay) được ông để tâm nghiên cứu khá nhiều, nhất là về mảng du ký...
Vừa qua, nhân chuyến làm việc của PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn tại Quảng Ninh, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông.
- Thưa PGS, chào mừng ông có thêm một chuyến “du ký” Quảng Ninh. Ông có thể cho biết đôi điều về thể văn du ký viết về Quảng Ninh?
+ Đây là một vấn đề lớn, rộng dài lắm, không thể chỉ nói gọn trong vài câu được. Trên thực tế, không riêng gì ở Quảng Ninh mà trong cả nước, thể tài du ký là một bộ phận văn học còn chưa được chú ý đúng mức. Khi nói đến “thể tài du ký” cần được hiểu nhấn mạnh hơn ở phía đề tài, phía nội dung và cảm hứng nghệ thuật người viết, chứ không phải ở phía thể loại. Thu hút vào địa hạt du ký có các sáng tác bằng thơ, phú, tụng và các bài văn xuôi theo phong cách ký, ký sự, ghi chép, hồi ức về các chuyến đi, các điểm du lịch, các điểm di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, thậm chí có thể liên quan tới nhiều phương diện của xã hội học, dân tộc học khác nữa. Trong đó, các bài thơ đề vịnh Hạ Long cũng là du ký, bởi nó là sản phẩm của những chuyến đi, là những cảm xúc của tác giả sau mỗi chuyến đi.
Từ góc nhìn này sẽ thấy du ký Quảng Ninh từ thế kỷ X đến hết thế kỷ XIX phần lớn là thơ. Còn nếu chỉ xét mảng du ký từ đầu thế kỷ XX thì thấy chủ yếu là văn xuôi. Theo những gì tôi sưu tầm được thì số lượng văn du ký viết về Quảng Ninh chỉ xếp sau Hà Nội, Huế, Sài Gòn. Và nếu cộng gộp hai giai đoạn lại thì số lượng tương đối phong phú. Tất nhiên, do mục đích của đề tài nghiên cứu, tôi chỉ quan tâm đến mảng du ký của người bốn phương viết về vùng đất Quảng Ninh mà chưa đề cập đến người Quảng Ninh viết về vùng đất của mình...
- Vì sao du ký viết về Quảng Ninh lại nhiều như vậy, thưa PGS?
+ Bởi vì Quảng Ninh là vùng đất có nhiều thắng cảnh, nhiều điểm di tích lịch sử, văn hoá nổi tiếng như Vịnh Hạ Long, núi Bài Thơ, chùa Long Tiên, núi Yên Tử, đền Cửa Ông, bãi biển Trà Cổ v.v.. Trong suốt thời trung đại, cha ông ta đã có nhiều bài thơ đề vịnh các miền thắng địa này của Quảng Ninh. Bước sang thế kỷ XX, nhiều tác giả đã có bài viết theo thể tài du ký ghi chép qua các chuyến du lịch Quảng Ninh, phác hoạ được nhiều cảnh quan và thực trạng đời sống kinh tế - xã hội một thời…
- Nhân nói về thơ đề vịnh, tương truyền nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã có 6 bài thơ trong tập “Lưu hương ký” viết về Quảng Ninh. Ông đánh giá như thế nào về những bài thơ này?
+ Về điều này, theo tôi, chúng ta cần phải thẩm định, đánh giá lại; vì những bài thơ này nằm trong tập Lưu hương ký đã được giới nghiên cứu gần đây xác định là văn bản không đáng tin cậy, không phải thơ của Hồ Xuân Hương mà chủ yếu là sao chép lại một số bài thơ của Tàu thôi. Còn chuyện Hồ Xuân Hương lấy Trần Phúc Hiển rồi sống ở Yên Quảng và có phải là người đã làm những bài thơ Nôm được truyền tụng hay không lại cũng chưa rõ, cần tiếp tục xác định thêm…
- Nghĩa là vấn đề Hồ Xuân Hương vẫn chưa rõ, thưa PGS?
+ Đúng thế. Rõ làm sao được khi có tận đến 5 nữ sĩ được coi là Hồ Xuân Hương với lai lịch, tuổi tác, hành trạng rất khác nhau. Các nguồn truyền thuyết cho biết, có thể có một Hồ Xuân Hương đáng bề bậc mẹ của Phạm Đình Hổ (chứ không phải là bạn của Chiêu Hổ); có một Hồ Xuân Hương lấy Tổng Cóc rồi sau lấy ông Phủ Vĩnh Tường; có một Hồ Xuân Hương sinh khoảng 1770-1771 từng là “bạn tình” của Nguyễn Du; rồi có một Hồ Xuân Hương lấy Trần Phúc Hiển là quan Tham hiệp trấn Yên Quảng; lại có một Hồ Xuân Hương khác nữa sống đến tận đến những năm thực dân Pháp xâm lược và qua đời ở Từ Sơn (Bắc Ninh)... Trước kia, có ý kiến cho rằng thơ Nôm truyền tụng của Hồ Xuân Hương không đáng tin cậy, chỉ có Lưu hương ký mới là văn bản chuẩn. Giờ thì ngược lại, giới nghiên cứu viết cái gì về Hồ Xuân Hương lại toàn quay về với mảng thơ Nôm truyền tụng một thời đã từng bị phủ nhận…
- Một trường hợp khác về thơ đề vịnh, tương truyền Trần Nhân Tông cũng có bài “Vịnh núi Con Mèo” ở xã Yên Đức (TX Đông Triều) hiện nay. PGS có quan tâm đến bài thơ này?
+ Trước đây, từ tháng 6-1992, tôi cũng đã có dịp cùng đoàn công tác Viện Văn học đến khảo sát văn bia ở núi Con Mèo (tên chữ là Ngoạ Miêu Sơn), nằm bên sông Kinh Thầy. Trên vách đá có khắc bài thơ chữ Nôm. Dưới bài thơ Nôm này có dòng lạc khoản: “Trần triều Nhân Tôn hoàng đế ngự đề, Trùng Hưng bát niên xuân”, tính ra là mùa xuân năm Nhâm Thìn (1292). Việc văn bản có ghi tên Trần Nhân Tông thì không còn gì phải tranh luận, bàn cãi ai là tác giả nữa. Còn về chuyện đọc “Tông” hay “Tôn”, cách viết kỵ huý hay không kỵ huý, thì không phải là điều quan trọng. Đến tận bây giờ người ta vẫn đọc cả hai cách đều được cả. Vấn đề là bài thơ này được khắc (hoặc khắc lại) vào khoảng giữa thế kỷ XIX. Nếu nói thơ Nôm Đường luật giai đoạn thịnh Trần chưa đạt đến tầm như vậy, vần luật câu chữ chưa chuẩn thì cũng chưa hẳn chính xác bởi giai đoạn đó đã có phú Nôm của Trần Nhân Tông và Huyền Quang rồi…
- Lê Thánh Tông cũng có bài thơ đề vịnh khắc trên vách núi Truyền Đăng. Thưa PSG, vẫn biết mọi so sánh đều là khập khiễng, nhưng nếu lấy bài thơ đó làm tiêu biểu cho một nền thơ, để ra đời một ngày thơ và một giải thơ thì thế nào? Tại sao không phải là trường hợp của Trần Nhân Tông bởi chính ông mới gắn bó và tiêu biểu cho vùng đất này?
+ Cái sự so sánh ấy theo tôi cũng không quan trọng. Đâu có phải cứ nhất thiết gắn bó đến độ nào đó mới được người ta lựa chọn. Cũng không phải cứ sống cả đời ở đâu đó là hơn hẳn những người chỉ đi lướt qua có một đôi lần. Bài thơ trên vách đá của Lê Thánh Tông là thơ đề vịnh nhân một chuyến tuần du (hoàn toàn có thể coi đây là thơ du ký) vào năm Mậu Tý (1468) thực sự quá điển hình và gần như là một tuyên ngôn chống xâm lược, giữ vững quyền độc lập dân tộc: Thiên Nam vạn cổ sơn hà tại (Trời Nam muôn thuở non sông vững). Tư tưởng bài thơ này rõ ràng cao hơn nhiều một bài thơ chỉ vịnh một ngọn núi có hình thù giống con mèo. Xuất phát từ đây để ra đời một ngày thơ và một giải thưởng thơ xứ Quảng là hợp lẽ. Thêm nữa, sự ra đời của Ngày thơ Quảng Ninh cũng là một gợi ý cho sự ra đời của Ngày thơ Việt Nam sau này…
- Đó là những chuyến du ký của các bậc tiền nhân. Thế còn ông, sau nhiều chuyến tìm hiểu Quảng Ninh chắc hẳn ông đã thu hoạch được nhiều điều bổ ích?
+ Tất nhiên là có rồi (cười). Tôi đã dành thời gian sưu tầm tư liệu và đang dự định thực hiện một công trình khảo cứu về du ký Quảng Ninh, trước mắt sẽ khoanh vùng vào mảng du ký từ đầu thế kỷ XX đến năm 1945, tập trung vào một số tác giả như nữ sĩ Nhàn Vân Đình, Trần Trọng Kim, Phạm Quỳnh, Kiếm Hồ Nguyễn Thế Hữu, Vân Đài v.v.. Tôi mong muốn có thêm các nhà nghiên cứu Quảng Ninh cùng tham gia thực hiện công trình này. Sau khi nghiệm thu, tôi tin rằng công trình không bị rơi vào tình trạng “đắp chiếu” mà sẽ được in thành sách. Sau đó, ví dụ khi tái bản, có thể sẽ bổ sung tài liệu, mở rộng phạm vi thời gian, có thể bắt đầu từ thế kỷ thứ X trở đi, như trên tôi đã đề cập...
- Thưa PGS, khi công trình này hoàn thành và được in thành sách thì những giá trị mà nó mang lại cụ thể là gì?
+ Tôi muốn đưa vào công trình này những vấn đề như đội ngũ sáng tác du ký xứ Quảng Ninh gồm những ai, tác phẩm có những gì, tại sao lại phát triển mạnh mẽ vào giai đoạn đầu thế kỷ XX? Rồi chia thành từng chương, từng vấn đề nhỏ nữa để bàn, ví dụ như: Vấn đề cội nguồn truyền thống văn hoá Quảng Ninh? Vấn đề mối quan hệ giữa các dân tộc? Vấn đề ý thức về chủ quyền biển đảo, biên giới? Việc bảo vệ, củng cố an ninh, quốc phòng được nói ra sao? v.v.. Vì vậy, công trình sẽ liên quan đến khá nhiều lĩnh vực. Tất nhiên là có vấn đề của báo chí rồi vì tất cả những bài du ký tôi tìm thấy đều được in trên báo chí đầu thế kỷ XX. Nó còn có ý nghĩa trên các lĩnh vực như văn học, văn hoá, báo chí, du lịch, môi trường sinh thái mà người xưa đã phản ánh, bàn luận, ai cũng đều thấy cả…
- Ông có thể nói cụ thể một vài trường hợp?
+ Ví dụ như tác phẩm Quảng Yên du ký của Nhàn Vân Đình (đăng trên Tạp chí Nam phong, số 168, tháng 1-1932) diễn tả một cách dung dị, gần với cuộc du ngoạn núi sông, thăm thú cảnh vật đất trời. Tác giả kể lại chuyến du ngoạn với tất cả những điều tai nghe mắt thấy, những trải nghiệm và cảm xúc riêng tư qua từng thời khắc, từng chặng đường cụ thể. Những trang du ký về miền đất Hòn Gai - Cẩm Phả - Móng Cái thấp thoáng không khí công nghiệp hoá, in đậm những suy tư trăn trở của người viết về sự đan xen, cạnh tranh Tây - Tàu hỗn tạp một thời.
Hay như những những trang du ký hấp dẫn, sinh động của Kiếm Hồ Nguyễn Thế Hữu qua bài Hành trình chơi núi An Tử (cũng in trên Tạp chí Nam phong, số 105, tháng 5-1926 và số 106, tháng 6-1926). Chúng ta có thể thấy, ngay từ thời đó người viết du ký không chỉ sao chép phong cảnh thiên nhiên, tả cái vẻ hấp dẫn mới lạ của vùng quê biển đảo mà còn truyền vào đó chất thẩm mỹ và nâng cấp thành đạo lý ứng xử, sống hoà hợp với tự nhiên…
- Từ đầu đến giờ chúng ta toàn đề cập đến chuyện người ngoài tỉnh viết về Quảng Ninh và viết trong quá khứ. Còn câu chuyện hiện tại thì thế nào. Ông có quan tâm đến vấn đề này chứ ạ?
+ Người xưa thường nói: “Bậc đức nhân tìm về với núi, kẻ trí giả tìm về với biển”, cả hai kiểu tâm tính ấy hẳn đều được thoả mãn khi chúng ta tìm về xứ Quảng Ninh. Người xưa viết về Quảng Ninh cần lưu tâm đã đành. Vấn đề quan trọng hơn là xem người đương đại viết ra sao nữa. Và thêm nữa, những trang viết du ký hôm nay của bạn bè trong nước và quốc tế càng nối dài thêm thể tài du ký Quảng Ninh vốn đã được khơi nguồn từ hồi đầu thế kỷ. Nếu kể cả loại thơ đề vịnh thì du ký Quảng Ninh còn được khởi nguồn sớm hơn nữa...
Còn phải quan tâm đến những người đang sống ở Quảng Ninh viết về vùng đất này thế nào. Phải có một cái nhìn bao quát và cập nhật thường xuyên. Tôi lấy ví dụ thế này, Quảng Ninh có bao nhiêu hội viên Hội Nhà văn, ai còn ai mất, ai gốc ở đây, ai ở nơi khác đến, ai gắn bó với thể loại nào, ai đang sáng tác và có ai mặn nồng với thể tài du ký…
- Cảm ơn PGS về cuộc trò chuyện bổ ích này!
Phạm Học (thực hiện)
![]() |
Ý kiến ()