Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 01:22 (GMT +7)
Thành lập Chiến khu Trần Hưng Đạo - Chiến khu Đông Triều 8/6/1945
Thứ 7, 22/07/2023 | 15:00:00 [GMT +7] A A
Vào cuối năm 1944 đầu năm 1945, Xứ uỷ Bắc Kỳ tích cực khôi phục lại các tổ chức Đảng từ cơ sở đến tỉnh, phát triển rộng khắp phong trào Việt Minh trong các tầng lớp nhân dân. Hội nghị Quân sự cách mạng Bắc kỳ tại Hiệp Hoà (Bắc Giang) từ ngày 15 đến 20/4/1945 đã quyết định thành lập 7 chiến khu trong cả nước. Tại vùng Đông Bắc và Duyên hải Bắc bộ, được sự chỉ đạo của Xứ ủy Bắc Kỳ, hai đồng chí Trần Cung và Hải Thanh trực tiếp phụ trách việc chuẩn bị lập chiến khu ở khu vực Chí Linh - Đông Triều.
Theo cuốn Lịch sử Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn tháng 6/1945, ở vùng miền Tây của tỉnh lúc này phong trào cách mạng đã vững vàng trên cả thế và lực, kẻ thù đã lâm vào tình trạng vô cùng khốn quẫn, tình thế cách mạng trực tiếp đã xuất hiện.
Đêm 6/6/1945, Ban lãnh đạo khởi nghĩa họp tại chùa Bắc Mã nhận định: Điều kiện chủ quan và khách quan đã đủ để phát động một cuộc khởi nghĩa ở vùng miền Tây. Ngày 8/6/1945, lực lượng vũ trang cùng với nhân dân sẽ đồng loạt nổi dậy đánh các đồn Đông Triều, Mạo Khê, Tràng Bạch và Chí Linh rồi thành lập chiến khu Trần Hưng Đạo theo nghị quyết của Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ ngày 15/4/1945.
Lệnh khởi nghĩa được nhanh chóng truyền đi khắp vùng. Mọi người vô cùng phấn khởi, náo nức lao vào chuẩn bị và sẵn sàng đứng lên khởi nghĩa. Lực lượng vũ trang sẵn sàng các loại vũ khí. Nhân dân lo liệu lương thực, thực phẩm ủng hộ quân khởi nghĩa. Không khí chuẩn bị khởi nghĩa sôi sục suốt ngày đêm trong các xóm làng.
Cuộc khởi nghĩa vũ trang nổ ra vào đúng ngày giờ đã định. Sáng sớm ngày 8 tháng 6 năm 1945, tiếng súng khởi nghĩa đã nổ đồng loạt trên một tuyến dài 24 km, dọc theo đường số 18.
Tại Đông Triều: Cuộc khởi nghĩa đã diễn ra hết sức nhanh gọn, vì ta gây được nhân mối trong đồn và đa số binh lính ở đây chịu ảnh hưởng của phong trào Việt Minh. Khi quân khởi nghĩa tiến vào đồn, tất cả binh lính đều xin theo cách mạng. Quân ta đã chiếm công đường huyện, nhà dây thép và các công sở khác một cách dễ dàng. Quân khởi nghĩa đi đến đâu nhân dân nổi dậy và cùng quân khởi nghĩa truy quét bọn phản động. Ta đã kêu gọi mọi người đi phá kho thóc để giải quyết nạn đói, động viên được đông đảo quần chúng.
Tại Mạo Khê: Dưới sự chỉ huy của Việt Minh và sự hỗ trợ của quân khởi nghĩa, công nhân mỏ đã nổi dậy khởi nghĩa vũ trang bằng những vũ khí thô sơ như: Cuốc chim, dao dựa, búa... Bọn chủ mỏ thực dân Pháp và bọn chỉ huy người Nhật đã nhanh chóng đầu hàng. Quân khởi nghĩa chiếm toàn bộ vũ khí của bọn lính bảo an, chiếm nhà máy chính, bến cảng, các đầu xe hỏa và các công sở của chính quyền thân Nhật. Chỉ trong vòng 2 giờ, quân khởi nghĩa đã hoàn toàn chiếm được mỏ Mạo Khê giữa khí thế sôi nổi của toàn thể công nhân mỏ và nhân dân trong vùng. Song, lúc này ta chưa có điều kiện để quản lý việc khai thác mỏ để đảm bảo đời sống của công nhân, ta vẫn cho phép bọn chủ mỏ tiếp tục khai thác than dưới sự giám sát của Ủy ban quân sự cách mạng.
Tại Tràng Bạch: Lực lượng vũ trang tập trung phối hợp với tự vệ công nhân mỏ đã táo bạo đóng giả lính Nhật tiến thẳng vào đồn, chiếm sở chỉ huy, kho vũ khí, lô cốt phòng thủ, bắt sống tên trưởng đồn và dồn toàn bộ binh lính địch ra giữa sân đồn, không một tên nào dám chống cự.
Tại Chí Linh: Nhờ thanh thế rất cao của Việt Minh, hầu hết binh lính người Việt ở đây đã ngả theo cách mạng, cán bộ ta đã giương cờ đỏ sao vàng tiến vào đồn. Binh lính trong đồn đã nhất loạt mang vũ khí ra hàng. Chiếm được đồn, cán bộ ta đã cho thu và đốt hết giấy tờ trong huyện lỵ, phá kho thóc của Nhật chia cho dân, tổ chức mít tinh, kêu gọi nhân dân tham gia Mặt trận Việt Minh, đứng lên chống Nhật, cứu nước.
Như vậy, chỉ trong buổi sáng ngày 8/6/1945, quân khởi nghĩa và nhân dân các địa phương trên đã nổi dậy cùng một lúc tiêu diệt 4 đồn và xóa bỏ tất cả bộ máy chính quyền của địch, hoàn toàn làm chủ một vùng rộng lớn, khí thế cách mạng của quần chúng càng dâng cao. Chiều ngày 8/6/1945, một cuộc mít tinh lớn được tổ chức tại làng Hổ Lao (nay là thị xã Đông Triều), ta chính thức tuyên bố thành lập chiến khu Trần Hưng Đạo và lập ra Uỷ ban quân sự cách mạng, gồm các đồng chí Nguyễn Bình, Trần Cung và Hải Thanh.
Chiến khu Trần Hưng Đạo ra đời ở Đông Triều, là nơi có vị trí chiến lược quan trọng và có đầy đủ những điều kiện về quân sự, kinh tế, chính trị, địa lý... của một chiến khu cách mạng, đã thực sự là chỗ dựa chắc chắn và đã cổ vũ mạnh mẽ nhân dân vùng Đông Bắc đứng dậy chống Nhật, chuẩn bị tổng khởi nghĩa.
Phương Loan (Tổng hợp)
Liên kết website
Ý kiến ()