Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 23:31 (GMT +7)
Phải chăng đã đến lúc các hãng nên ngừng nâng cấp smartphone hàng năm mà tập trung vào phần mềm?
Thứ 4, 09/02/2022 | 07:27:02 [GMT +7] A A
Ra mắt smartphone hàng năm đã lỗi thời, phần mềm là ưu tiên hàng đầu của tương lai?
Khi nhìn vào dòng Galaxy S22, ngoại trừ phiên bản Ultra, thì ta có thể thấy rằng chúng trông rất giống với dòng Galaxy S21, và những chiếc điện thoại đó cũng không thay đổi nhiều so với thế hệ Galaxy S20.
Theo nhận xét từ tay bút Robert Triggs của Android Authority, các mẫu điện thoại mới vẫn có một loạt cải tiến rất đáng hoan nghênh, từ sạc nhanh hơn đến nâng cấp camera, nhưng thời đại của những sự đổi mới mạnh mẽ và các thiết bị thay đổi cuộc chơi có vẻ đã qua đi. Ngoại trừ smartphone màn hình gập, không nhiều hãng có thể đem đến sự mới lạ trên thị trường.
Không chỉ Samsung, iPhone của Apple hầu như không thay đổi trong nhiều năm qua và các sản phẩm của OnePlus, Xiaomi, đều có nét tương đồng. Nhìn chung, smartphone flagship đã đi theo theo cùng một công thức: một bộ xử lý và màn hình tốt, tính năng sạc nhanh và ba camera. Chúng được các nhà sản xuất bám vào để nâng cấp hàng năm, thay vì đánh cược tạo ra một cuộc cách mạng.
Suy cho cùng, đó là những điều bạn sẽ thấy ở một thị trường đã vào giai đoạn trưởng thành như smartphone.
Triggs cho rằng đây càng là lý do để các nhà sản xuất bắt đầu coi trọng phần mềm hơn, đặc biệt là khi phần mềm ngày càng trở thành yếu tố khác biệt chính. Chúng ta hiện đang ở giai đoạn mà các thương hiệu phải nhìn xa hơn những thứ cơ bản như bảo mật dài hạn và cập nhật hệ điều hành, họ cần bắt đầu nghĩ về smartphone như một thứ để cung cấp “phần mềm dạng dịch vụ” (SaaS).
Ngày nay, chúng ta mua điện thoại mới với kỳ vọng nhận được hai hoặc ba bản cập nhật hệ điều hành chính và các bản vá bảo mật hàng tháng hoặc nửa năm. Một nhà sản xuất tốt có thể mang những tính năng từ smartphone mới lên sản phẩm cũ hơn thông qua cập nhật hệ điều hành, nhưng điều này có thể mất đến vài tháng, và thậm chí sau đó, các tính năng mới nhất có thể bị cắt giảm hoặc bị lược bỏ khỏi điện thoại cũ.
Theo tình hình hiện tại, bạn chủ yếu mua phần cứng và nhận được lời hứa về các bản cập nhật trong tương lai, nhưng không thể chắc chắn phần mềm tương lai này sẽ như thế nào. Nó có thể chứa các tính năng mới thú vị nhưng cũng có thể chỉ là bản nâng cấp hệ điều hành tối thiểu.
Phần mềm dạng dịch vụ thì khác, bạn sẽ mua giấy phép phần mềm cung cấp quyền truy cập vào tất cả các bản cập nhật, miễn là giấy phép còn hoạt động. SaaS thường được kết hợp với phần mềm dựa trên web hoặc hệ điều hành, như Photoshop hoặc Office.
Nó sẽ hoạt động hơi khác đối với điện thoại, nhưng không quá khó để hình dung. Việc chuyển sang phương pháp tiếp cận dựa trên dịch vụ thay vì phần cứng đối với smartphpne sẽ tập trung vào sự phát triển và đổi mới trải nghiệm người dùng hàng ngày.
Dù đó là công cụ dịch ngôn ngữ, bộ lọc và tính năng camera, dịch vụ thanh toán di động, nâng cấp quyền riêng tư hay giao diện người dùng, những đổi mới trong các lĩnh vực này ảnh hưởng rất nhiều đến trải nghiệm người dùng, nhưng có thể được triển khai vào hầu hết mọi thời điểm qua phần mềm.
Tất nhiên, một số tính năng sẽ cần dựa trên phần cứng mới, nhưng những tính năng này ngày nay là không nhiều. Nếu có thể, các nhà sản xuất không nên giữ tính năng cho các sản phẩm mới nếu không cần thiết. Thay vào đó, họ nên phát triển và triển khai liên tục để cải thiện trải nghiệm cho cả khách hàng mới và khách hàng hiện tại.
Ví dụ: Google đã tung tính năng Magic Eraser của Pixel 6 cho Pixel 5 một cách kịp thời nhưng không phải nhà sản xuất nào cũng linh hoạt như vậy. Các chức năng bàn phím nâng cao của Samsung và ứng dụng camera được cải tiến có lẽ không cần phải đợi để xuất hiện cùng lúc với bản cập nhật One UI 4.0 lớn. Việc coi phần mềm như một dịch vụ sẽ khiến Samsung áp dụng cách tiếp cận như Google để phát hành tính năng.
Nhờ phần cứng điện thoại đang ổn định hơn nhiều so với nửa thập kỷ trước, việc cung cấp hỗ trợ lâu dài và hỗ trợ các tính năng mới cho các thiết bị cũ là điều được cần quan tâm hơn bao giờ hết.
Theo Android Authority, các chipset của Qualcomm và các hãng khác, hiện thường xuyên được hỗ trợ trong 4 năm trở lên, đảm bảo rằng các thiết bị không lỗi thời ở cấp độ phần cứng. Ngày nay, phần cứng của smartphone là đủ để sử dụng trong nhiều năm và chỉ cần nâng cấp khi nó thật sự cũ và hoạt động kém.
Smartphone nên trở thành dịch vụ, với các bản nâng cấp ứng dụng và tính năng thường xuyên được tung ra trong suốt cả năm. Bạn có thể nhận thấy rằng một số thương hiệu đã áp dụng mô hình cập nhật này cho smartphone cũ của họ - cụ thể là Apple và Google.
Lấy ví dụ về smartphone đã hoạt động trên mô hình SaaS, Triggs chọn ngay Apple. Apple tung ra bản nâng cấp iOS hàng năm cho các iPhone đã rất cũ. Tuy giải pháp của Apple không phải là hoàn hảo. Các thiết bị cũ hơn không nhất thiết phải nhận được tất cả các tính năng iOS mới nhất, nhưng ít nhất người dùng không có cảm giác đột ngột bị bỏ rơi như trên Android.
Điều quan trọng là điện thoại cũ được bảo mật và trải nghiệm cốt lõi tiếp tục được cải thiện qua từng năm. Apple cũng là một ví dụ tuyệt vời cho SaaS do hệ sinh thái mở rộng của nó, bao gồm Apple Pay, News, Music, v.v. Chúng giúp các khách hàng dùng iPhone cũ vẫn thấy chiếc máy của mình hữu dụng.
Hiện tại, không nhà sản xuất Android nào có hệ sinh thái rộng như Apple, nhưng SaaS cho thấy một cơ hội để đi theo hướng đó.
Google là nhà sản xuất gần nhất cung cấp một mô hình như vậy. Họ có Drive, Music, Photos, Pay,... và một hệ sinh thái sản phẩm mở rộng bao gồm TV, laptop và nhà thông minh. Google đã chấp nhận cung cấp các bản cập nhật ứng dụng và tính năng thông qua cả cửa hàng ứng dụng và các cách cập nhật truyền thống, cũng như có “feature drop” - các bản update tính năng lớn dành cho người dùng Pixel - để mang lại những thay đổi đáng chú ý hơn cho người dùng.
Google cũng đã ít tập trung hơn vào các thông số kỹ thuật, họ hướng các lần ra mắt Pixel của mình về mặt trải nghiệm người dùng hơn là các con số. Dù vậy, công ty đã không mang tất cả các tính năng mới nhất của mình lên các điện thoại cũ hơn. Tuy nhiên, với việc sử dụng bộ xử lý tùy chỉnh Tensor làm một phần quan trọng của điện thoại, sẽ rất thú vị để chờ xem công ty xử lý việc hỗ trợ các tính năng trong tương lai như thế nào.
Có những dấu hiệu cho thấy các thương hiệu khác đang dần đi theo hướng này. Honor có chiến lược 1 + 8 + N, Xiaomi đã phân nhánh thành một loạt các phân khúc sản phẩm và Samsung đang làm tốt hơn trong việc hỗ trợ phần mềm lâu dài. Nhưng chưa có thương hiệu nào tạo thành một hệ sinh thái chủ yếu hướng đến phần mềm thay vì dựa trên phần cứng.
Nhiều OEM vẫn cố tập trung vào cuộc chơi thông số phần cứng, đưa ra những con số so sánh sức mạnh với nhau. Tuy nhiên, những cải tiến này ngày càng ít có khả năng thay đổi trải nghiệm smartphone cốt lõi. Triggs nhận xét rằng đã đến lúc từ bỏ chu kỳ ra mắt phần cứng hàng năm và đón nhận thế giới phần mềm dạng dịch vụ.
Theo genk.vn
Liên kết website
Ý kiến ()