Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 07:23 (GMT +7)
“Phải giúp bà con, làng xóm cùng giàu lên”
Thứ 6, 13/10/2023 | 15:45:00 [GMT +7] A A
Là người đi đầu khôi phục và bảo tồn giống trà hoa vàng quý, bản địa của Ba Chẽ, ông Nịnh Văn Trắng (người Sán Chỉ), Giám đốc Công ty CP Kinh doanh Lâm sản Đạp Thanh cũng là doanh nhân tiêu biểu của quê hương Ba Chẽ. Với bản lĩnh và trí tuệ, không chỉ làm giàu từ rừng trên chính mảnh đất quê hương, ông còn giúp nhiều bà con vươn lên thoát nghèo và có được cuộc sống sung túc.
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), phóng viên Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh đã có cuộc trò chuyện về hành trình làm giàu cho bản thân và quê hương của ông. - Thưa ông, từ đâu mà ông quyết tâm gắn bó với cây trà hoa vàng bản địa của Ba Chẽ? Quá trình khôi phục giống trà quý này, ông có gặp khó khăn gì không? + Nhiều năm trước đây, thương lái Trung Quốc tìm mua trà hoa vàng, từ cây, hoa đến lá, với giá rất cao. Bà con thấy có người mua, được giá thì đổ xô vào rừng khai thác. Cây trà hoa vàng khi đó bị khai thác đến mức gần như cạn kiệt. Nhận thấy một giống cây quý như vậy mà mình lại bán hết đi thì thật uổng phí, năm 2009, tôi và gia đình đã thu gom trà hoa vàng của bà con mang về trồng trên đất đồi nhà mình, quyết tâm phải bảo vệ cây trà hoa vàng. |
Lúc mới bắt đầu trồng thì rất khó khăn: Kỹ thuật không có, nước không có, điện không có. Sau này, chúng tôi phải vay tiền ngân hàng và anh em để đầu tư mua máy nổ, bơm nước lên đồi để cung cấp nước tưới cho cây. Tôi cũng tiến hành đổi ruộng của nhà để lấy bãi hoang của bà con láng giềng, lấy đất trồng trà. Dần dần từng bước chúng tôi mở rộng diện tích trồng ra, từ 3.000 cây thử nghiệm ban đầu, bây giờ diện tích trồng trà của Công ty CP Kinh doanh Lâm sản Đạp Thanh đã mở rộng ra 7ha, trong đó có 3ha trồng tập trung. Về kỹ thuật, ban đầu chúng tôi cứ áp dụng nguyên tập quán canh tác, phương pháp trồng truyền thống, chỉ chú trọng tưới nước và chăm bón cho cây nhưng không hiệu quả! Sau đó, tôi phải sang các địa phương lân cận, thậm chí ra nước ngoài để học kỹ thuật. Tôi nghiệm ra rằng, để trồng thành công cây trà hoa vàng thì mình phải đảm bảo được 2 yếu tố: Thứ nhất là nước, tưới ẩm và thứ hai là phải tạo bóng râm cho cây sinh trưởng. |
- Khi chọn trồng và bảo tồn cây trà hoa vàng, có ai đồng hành với ông không?
+ Giai đoạn đầu chỉ có một mình tôi trồng. Lúc đó tôi vừa làm vừa lo vì trồng rồi không biết bán đi đâu. May mắn là khi tôi trồng thành công cây trà hoa vàng thì tỉnh Quảng Ninh lại có chương trình OCOP - mỗi xã, phường một sản phẩm, tôi đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn của tỉnh và huyện để quảng bá sản phẩm. Nhờ đó hàng tiêu thụ ra thị trường rất tốt. Chúng tôi tham gia các hội chợ do tỉnh tổ chức, từ đó nhiều người biết đến cây trà hoa vàng Ba Chẽ hơn. Có được số điện thoại liên hệ của chúng tôi rồi, khách hàng gọi điện và đặt mua trà rất nhiều. Hội chợ OCOP tỉnh Quảng Ninh năm 2014 đến giờ tôi vẫn nhớ, người mua đông đến nỗi chúng tôi bán qua trưa. Thậm chí 9 giờ tối, đóng gian hàng nghỉ ngơi rồi, khách vẫn kéo bạt ra để mua hàng.
Sau này đi xúc tiến, chúng tôi chủ yếu kết nối với người mua, bạn hàng mới, tập trung giới thiệu sản phẩm cho khách vì khi họ đã biết, đã hiểu về sản phẩm rồi, tin tưởng rồi, họ sẽ gọi điện và đặt mua trực tiếp với số lượng nhiều. Mỗi lần đi xúc tiến về, chúng tôi nhận được rất nhiều cuộc gọi đặt hàng.
Từ sự đón nhận của người tiêu dùng, tôi nhận ra rằng: À! Hóa ra mình trồng cây này không phải là lỗi thời, con đường mình đã chọn là đúng đắn. Tiếp đó, chúng tôi lại được nhà nước hỗ trợ làm xưởng sơ chế hoa và một vườn ươm cây giống để cung cấp cho bà con. Tôi cam kết với bà con cứ trồng được ra bao nhiêu trà hoa vàng thì tôi bao tiêu hết. Thế nên bà con yên tâm và tin tưởng lắm!
Hiện nay, riêng xã Đạp Thanh đã có năm đến sáu chục hộ gia đình trồng cây trà hoa vàng với tổng diện tích trên 20ha. Từ Đạp Thanh, cây trà hoa vàng được trồng mở rộng ra toàn huyện. Nhờ trồng trà hoa vàng, nhiều gia đình đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Tùy vào diện tích trồng, nhà nào ít thì một năm thu bảy đến tám chục triệu đồng, nhà nào nhiều thì thu hàng trăm triệu đồng.
- Bây giờ khi nhiều người gọi ông là "ông Trắng trà hoa vàng", ông cảm thấy thế nào?
+ Tôi vui lắm! Đó là sự ghi nhận của bà con với công sức của mình bỏ ra. Tôi cũng cảm thấy rất vinh dự! Cây trà hoa vàng không chỉ giúp gia đình tôi giàu lên mà còn giúp bà con, làng xóm cùng giàu lên. Cây trà hoa vàng cũng góp phần làm đổi thay diện mạo của xã Đạp Thanh và quê hương Ba Chẽ của tôi. Nhiều nhà trước đây nghèo lắm nhưng nhờ trồng cây trà hoa vàng đã xây được nhà to, đẹp, mua được ô tô, cho con cái học hành đầy đủ. Cây trà hoa vàng đã tạo ra công ăn việc làm ổn định cho bà con. Mỗi năm tổng kết, bà con ngồi lại với nhau, xem năm qua đã thu được bao nhiêu trà, bán được bao nhiêu tiền, tôi cảm thấy rất vui.
- Dự định của Công ty trong tương lai là gì?
+ Tôi sẽ cùng bà con tiếp tục mở rộng diện tích trồng trà hoa vàng, tiến tới xin cấp chứng nhận hữu cơ 100% cho cây trà hoa vàng. Chúng tôi cũng sẽ mở rộng các kênh phân phối bán hàng, không chỉ thông qua các kênh truyền thống mà đẩy mạnh tiêu thụ qua các sàn thương mại điện tử để đưa sản phẩm trà hoa vàng đến được với nhiều người tiêu dùng hơn. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng hướng tới xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp tham quan vườn trà hoa vàng, tìm hiểu về quy trình chế biến trà hoa vàng, gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương để từ đó nâng cao giá trị kinh tế từ cây trà hoa vàng.
- Là một doanh nhân đi lên từ lam lũ và nghèo khó, ông tâm niệm điều gì?
+ Tôi vẫn nhớ thời điểm tôi nói với gia đình sẽ mang đất ruộng đổi lấy đất bãi hoang của hàng xóm để trồng trà hoa vàng, khi đó bố, mẹ tôi cản lắm, bảo là “Đổi ruộng đi rồi lấy gì mà ăn?”... Nhưng tôi vẫn quyết làm! Và thật may mắn là mình đã thành công. Bây giờ xây được nhà to, đất trồng trà hoa vàng mang lại nhiều lợi nhuận hơn trồng lúa, mua được xe... Mẹ tôi vui và mãn nguyện lắm! Chỉ tiếc là bố tôi không kịp nhìn thấy tôi thành công.
Gần 20 năm thành lập Công ty CP Kinh doanh Lâm sản Đạp Thanh, điều tôi tâm niệm là làm một doanh nhân phải “dám nghĩ, dám làm”, mình phải dám thay đổi, chấp nhận thử thách thì mới thành công được. Điều quan trọng nữa là khi mình làm giàu, mình phải giúp bà con, làng xóm cùng giàu lên, có như thế thì cái giàu lên của mình mới bền vững, mới có giá trị.
- Cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn và chúc ông cùng Công ty CP Kinh doanh Lâm sản Đạp Thanh ngày càng thành công!
Đào Linh (thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()