Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 07:45 (GMT +7)
Phần 4: Việc ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân
Thứ 2, 01/03/2021 | 14:38:20 [GMT +7] A A
Câu 112. Thế nào là người được giới thiệu ứng cử và thế nào là người tự ứng cử?
Trả lời:
Người được giới thiệu ứng cử là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan lực lượng vũ trang hoặc người lao động tiêu biểu, xuất sắc đang công tác tại các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị vũ trang nhân dân hoặc thành viên tiêu biểu của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, người của thôn, tổ dân phố bảo đảm đủ tiêu chuẩn, điều kiện ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và được các cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc thôn, tổ dân phố (đối với ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã) lựa chọn theo thủ tục nhất định để giới thiệu ra ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân và đã hoàn thành việc nộp hồ sơ ứng cử theo đúng quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
Người tự ứng cử là người tự thấy mình có đủ tiêu chuẩn, điều kiện ứng cử đại biểu Quốc hội hay đủ tiêu chuẩn, điều kiện ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, có nguyện vọng ứng cử đại biểu Quốc hội hoặc ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân và đã hoàn thành việc nộp hồ sơ ứng cử theo đúng quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
Câu 113. Người ứng cử phải đáp ứng các tiêu chuẩn nào?
Trả lời:
Người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phải đáp ứng các tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân quy định tại Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Theo các quy định mới được sửa đổi, bổ sung của 02 đạo luật nói trên thì đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phải có các tiêu chuẩn sau đây:
- Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
- Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam.
- Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
- Có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.
- Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm.
- Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội, hoạt động của Hội đồng nhân dân.
Người tự ứng cử, người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân của địa phương nào thì phải là người đang cư trú hoặc công tác thường xuyên ở địa phương đó.
Ngoài ra, đối với người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội đang công tác tại cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước ngoài việc đảm bảo các tiêu chuẩn chung còn phải là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tiêu biểu, xuất sắc; có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng, có năng lực phân tích, hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật, có chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn phù hợp với vị trí dự kiến, thể hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, không vi phạm quy định về những điều đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức không được làm.
Đối với người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đang công tác tại cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước nói chung phải là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tiêu biểu; có tư tưởng chính trị vững vàng; có năng lực xây dựng chính sách và khả năng tổ chức hoạt động giám sát, có chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn phù hợp với vị trí dự kiến; thể hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, không vi phạm quy định về những điều đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức không được làm.
Không giới thiệu và đưa vào danh sách ứng cử người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực; có tư tưởng cục bộ, bảo thủ, trì trệ; đang bị thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm; người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra vụ, việc tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết; những người vi phạm Quy định số 126-QĐ/TW ngày 28 tháng 02 năm 2018 của Bộ Chính trị hoặc có vấn đề về chính trị chưa được kết luận. Kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng, những người chạy chức, chạy quyền tham gia Quốc hội, Hội đồng nhân dân.
Ngoài các tiêu chuẩn chung nói trên, người được giới thiệu ứng cử để làm làm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách còn cần đáp ứng thêm một số tiêu chuẩn cao hơn về trình độ chuyên môn, vị trí công tác đang đảm nhiệm, về tình hình sức khỏe và độ tuổi ứng cử, tái cử (nêu cụ thể tại Hướng dẫn số 36-HD/BTCTW ngày 20 tháng 01 năm 2021).
Câu 114. Người nào không được ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân?
Trả lời:
Những người không được ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân gồm có:
- Người chưa đủ 21 tuổi.
- Người đang bị tước quyền ứng cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người đang chấp hành hình phạt tù, người bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự.
- Người đang bị khởi tố bị can.
- Người đang chấp hành bản án, quyết định hình sự của Tòa án.
- Người đã chấp hành xong bản án, quyết định hình sự của Tòa án nhưng chưa được xóa án tích.
- Người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
Câu 115. Thế nào là “có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam”?
Trả lời:
Luật số 47/2019/QH14 và Luật số 65/2020/QH14 đã bổ sung vào quy định về tiêu chuẩn đối với đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân nội dung: “Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam”. Theo đó, căn cứ vào Luật Quốc tịch Việt Nam, người có quốc tịch Việt Nam là công dân Việt Nam được xác định theo các căn cứ quy định tại Chương II của Luật này. Người có 01 quốc tịch là quốc tịch Việt Nam phải là người không đồng thời có quốc tịch của một quốc gia khác. Về nguyên tắc, người đang có quốc tịch nước ngoài, người có nguyện vọng và đang thực hiện thủ tục xin gia nhập quốc tịch của quốc gia khác đều không đủ điều kiện để ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
Thực tế, đây không phải là quy định hoàn toàn mới mà là nội dung đã được thể hiện nhất quán trong Hiến pháp cũng như trong các quy định và thực tiễn công tác bầu cử từ trước đến nay. Việc quy định rõ thành một tiêu chuẩn cụ thể trong các luật nói trên là nhằm khẳng định rõ hơn quan điểm của Đảng, Nhà nước và tạo sự minh bạch, rõ ràng trong áp dụng pháp luật.
Do đó, trong phần khai về quốc tịch trong đơn ứng cử và các tài liệu khác trong hồ sơ ứng cử, Hội đồng bầu cử quốc gia đã hướng dẫn người ứng cử cần ghi rõ: “Chỉ có 01 quốc tịch là quốc tịch Việt Nam và không trong thời gian thực hiện thủ tục xin gia nhập quốc tịch quốc gia khác”. Người ứng cử phải cam đoan về các nội dung mình đã khai. Nếu phát hiện thông tin không đúng sự thật, không như nội dung đã kê khai thì người ứng cử phải hoàn toàn chịu trách nhiệm và tùy theo nội dung, mức độ vi phạm mà có thể bị loại khỏi danh sách người ứng cử; nếu đã trúng cử thì sẽ không được công nhận tư cách đại biểu hoặc bị bãi nhiệm đại biểu.
Câu 116. Một người có thể đồng thời ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân ở nhiều cấp khác nhau được không?
Trả lời:
Công dân chỉ được nộp hồ sơ ứng cử làm đại biểu Hội đồng nhân dân tối đa ở 02 cấp trong cùng một nhiệm kỳ; nếu đã nộp hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội thì chỉ được nộp thêm hồ sơ ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở 01 cấp nữa.
Trường hợp người ứng cử vi phạm quy định nói trên (ví dụ như nộp đơn ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cả ở cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã) thì sẽ bị coi là có vi phạm nghiêm trọng pháp luật về bầu cử và bị xóa tên trong Danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, Danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở tất cả các cấp mà người đó đã nộp hồ sơ ứng cử; nếu sau khi có kết quả bầu cử mới bị phát hiện thì không được công nhận tư cách đại biểu ở tất cả các cấp mà người đó đã trúng cử.
Câu 117. Người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân có thể là thành viên của các tổ chức phụ trách bầu cử được không?
Trả lời:
Người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân không được làm thành viên Ban bầu cử hoặc Tổ bầu cử ở đơn vị bầu cử hay khu vực bỏ phiếu nơi mình có tên trong Danh sách chính thức những người ứng cử; nếu đã là thành viên của Ban bầu cử hoặc Tổ bầu cử ở đơn vị mình ứng cử thì người ứng cử phải rút ra khỏi danh sách thành viên của tổ chức phụ trách bầu cử đó kể từ ngày được ghi tên vào Danh sách chính thức những người ứng cử theo từng đơn vị bầu cử.
Câu 118. Hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân gồm những gì?
Trả lời:
Hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân gồm có:
- Đơn ứng cử.
- Sơ yếu lý lịch có đóng dấu giáp lai và xác nhận của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người ứng cử công tác hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người ứng cử cư trú.
- Tiểu sử tóm tắt.
- Mỗi bộ hồ sơ ứng cử của người ứng cử gửi kèm theo 03 ảnh chân dung màu, nền trắng, cỡ 4cm x 6cm (không kể ảnh dán trên Sơ yếu lý lịch và Tiểu sử tóm tắt). Ảnh chân dung của người ứng cử là ảnh được chụp trong thời gian 06 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ ứng cử. Trong Sơ yếu lý lịch, Tiểu sử tóm tắt, ảnh của người ứng cử phải được dán đúng vị trí quy định và được đóng dấu giáp lai của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người ứng cử công tác hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người ứng cử cư trú.
- Bản kê khai tài sản, thu nhập theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
Người ứng cử thực hiện việc kê khai các nội dung đầy đủ, chính xác theo hướng dẫn trong các mẫu văn bản thuộc hồ sơ ứng cử ban hành kèm theo Nghị quyết số 41/NQ-HĐBC của Hội đồng bầu cử quốc gia.
Việc kê khai có thể thực hiện bằng cách viết tay hoặc đánh máy nhưng phải bảo đảm đúng theo các mẫu văn bản thuộc hồ sơ ứng cử do Hội đồng bầu cử quốc gia ban hành. Người ứng cử ký vào từng trang văn bản của hồ sơ ứng cử.
Câu 119. Người ứng cử có phải nộp giấy khám sức khỏe để chứng minh mình đáp ứng tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân hay không?
Trả lời:
Theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân dân thì trong hồ sơ ứng cử không bao gồm giấy khám sức khỏe. Trong hướng dẫn của Hội đồng bầu cử quốc gia ở các mẫu Sơ yếu lý lịch và Tiểu sử tóm tắt của người ứng cử (các mẫu số 02, 03/HĐBC-QH và 07, 08/HĐBC-HĐND) đều có các mục kê khai thể hiện cụ thể các nội dung liên quan đến tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân (trong đó có mục “Tình trạng sức khỏe”) để người ứng cử tự kê khai và cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về những nội dung mình đã kê khai trong hồ sơ ứng cử. Do đó, khi nộp hồ sơ ứng cử, người ứng cử (gồm người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử) không phải nộp kèm theo giấy khám sức khỏe.
Hướng dẫn số 36-HD/BTCTW ngày 20 tháng 01 năm 2021 của Ban Tổ chức trung ương có nêu yêu cầu về tiêu chuẩn sức khỏe là để áp dụng riêng đối với các trường hợp được giới thiệu ứng cử để làm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách.
Theo đó, người được giới thiệu ứng cử phải được cơ quan y tế có thẩm quyền chứng nhận đủ sức khỏe trong thời gian không quá 06 tháng tính đến tháng 5 năm 2021, cụ thể là đối với cán bộ ở các cơ quan trung ương do Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ trung ương hướng dẫn, xác định cơ sở y tế để khám sức khỏe; đối với cán bộ ở địa phương do Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh ủy, thành ủy hướng dẫn, xác định cơ sở y tế để khám sức khỏe. Kết quả khám sức khỏe này sẽ làm căn cứ cho các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế sử dụng trong quá trình xem xét, lựa chọn nhân sự, giới thiệu người của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân để hoạt động chuyên trách tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân trong nhiệm kỳ 2021-2026.
Khi đã được cơ quan, tổ chức, đơn vị thống nhất giới thiệu ra ứng cử thì người được giới thiệu ứng cử thực hiện việc lập và nộp hồ sơ với các thành phần tài liệu theo đúng quy định tại Điều 35 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân và Nghị quyết số 41/NQ-HĐBCQG của Hội đồng bầu cử quốc gia.
Câu 120. Thời hạn và việc nộp hồ sơ ứng cử được thực hiện như thế nào?
Trả lời:
Chậm nhất là ngày 14 tháng 3 năm 2021 (70 ngày trước ngày bầu cử), người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân (bao gồm cả người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử) phải hoàn thành việc nộp hồ sơ ứng cử.
Việc nộp hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026 được thực hiện như sau:
- Người được tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước ở trung ương giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội nộp 02 bộ hồ sơ ứng cử tại Hội đồng bầu cử quốc gia (qua Tổ giúp việc Tiểu ban Nhân sự của Hội đồng bầu cử quốc gia, địa chỉ: Nhà Quốc hội, số 01 đường Độc Lập, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội).
- Người được cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội và người tự ứng cử đại biểu Quốc hội nộp 02 bộ hồ sơ ứng cử tại Ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi mình cư trú hoặc công tác thường xuyên.
- Người ứng cử được cơ quan, tổ chức, đơn vị, thôn, tổ dân phố giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân và người tự ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân nộp 01 bộ hồ sơ ứng cử tại Ủy ban bầu cử ở đơn vị hành chính mà mình ứng cử.
Ủy ban bầu cử các cấp có trách nhiệm thông báo công khai về địa điểm và thời gian tiếp nhận hồ sơ ứng cử trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương.
Trường hợp người ứng cử không tự mình đến nộp hồ sơ ứng cử được thì có thể ủy quyền cho người đại diện cơ quan, tổ chức, đơn vị của người ứng cử đến nộp hồ sơ cho mình; người đại diện phải có giấy giới thiệu của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó.
Thời hạn nhận hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và hồ sơ ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026 là trong giờ hành chính các ngày trong tuần, bắt đầu từ ngày 22 tháng 02 năm 2021 và kết thúc vào 17 giờ 00 ngày 14 tháng 3 năm 2021. Riêng thứ Bảy, ngày 13 tháng 3 năm 2021 và Chủ nhật, ngày 14 tháng 3 năm 2021, Tiểu ban Nhân sự của Hội đồng bầu cử quốc gia và Ủy ban bầu cử các cấp cử người trực để nhận hồ sơ ứng cử.
Người được phân công tiếp nhận hồ sơ ứng cử có trách nhiệm nhận, kiểm tra kỹ hồ sơ; nếu các tài liệu trong hồ sơ đã đầy đủ, ghi đủ thông tin theo đúng yêu cầu trong mẫu và hướng dẫn của Hội đồng bầu cử quốc gia thì điền thông tin vào Sổ tiếp nhận và Giấy biên nhận; ký và giao Giấy biên nhận cho người nộp hồ sơ ứng cử.
Câu 121. Việc tiếp nhận hồ sơ ứng cử được thực hiện như thế nào?
Trả lời:
1. Đối với hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội:
Hội đồng bầu cử quốc gia có trách nhiệm tổ chức việc tiếp nhận hồ sơ ứng cử của người được tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước ở trung ương giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội.
Ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ ứng cử của người được tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế ở địa phương giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử đại biểu Quốc hội.
Sau khi nhận và xem xét hồ sơ của những người ứng cử, nếu thấy hợp lệ theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân thì Hội đồng bầu cử quốc gia chuyển danh sách trích ngang lý lịch, bản sao tiểu sử tóm tắt và bản kê khai tài sản, thu nhập của người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội đến Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chuyển 01 bộ hồ sơ ứng cử của người được giới thiệu ứng cử, người tự ứng cử đại biểu Quốc hội tại địa phương đến Hội đồng bầu cử quốc gia và chuyển danh sách trích ngang lý lịch, bản sao tiểu sử tóm tắt, bản kê khai tài sản, thu nhập của người được giới thiệu ứng cử, người tự ứng cử tại địa phương đến Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh để đưa vào danh sách hiệp thương.
2. Đối với hồ sơ ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân:
Ủy ban bầu cử ở cấp nào thì có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ ứng cử của người được tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế và thôn, tổ dân phố (đối với cấp xã) giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở cấp đó.
Sau khi nhận và xem xét hồ sơ của những người tự ứng cử, người được cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân, nếu thấy hợp lệ theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân thì Ủy ban bầu cử chuyển danh sách trích ngang lý lịch, bản sao tiểu sử tóm tắt và bản kê khai tài sản, thu nhập của những người ứng cử đến Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp để đưa vào danh sách hiệp thương.
Câu 122. Việc lập và công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội được thực hiện như thế nào?
Trả lời:
Chậm nhất là ngày 23 tháng 4 năm 2021 (30 ngày trước ngày bầu cử), Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải gửi biên bản Hội nghị hiệp thương lần thứ ba kèm theo Danh sách những người đủ tiêu chuẩn được Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội đến Hội đồng bầu cử quốc gia; Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh gửi biên bản Hội nghị hiệp thương lần thứ ba và danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội tại địa phương đến Ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Căn cứ vào danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội được Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giới thiệu, Hội đồng bầu cử quốc gia gửi đến Ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương danh sách và 01 bộ hồ sơ của người do cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương giới thiệu ứng cử được dự kiến về ứng cử tại địa phương để Ủy ban bầu cử dự kiến danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội theo đơn vị bầu cử trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và gửi danh sách này đến Hội đồng bầu cử quốc gia để xem xét, quyết định việc lập Danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội theo từng đơn vị bầu cử.
Trên cơ sở danh sách giới thiệu của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và dự kiến bố trí người ứng cử đại biểu Quốc hội theo từng đơn vị bầu cử do các địa phương gửi đến, Hội đồng bầu cử quốc gia lập và công bố Danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội theo từng đơn vị bầu cử trong cả nước chậm nhất là ngày 27 tháng 4 năm 2021 (25 ngày trước ngày bầu cử).
Ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải công bố danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội ở địa phương mình theo quyết định của Hội đồng bầu cử quốc gia chậm nhất là ngày 03 tháng 5 năm 2021 (20 ngày trước ngày bầu cử); đồng thời, các Tổ bầu cử có trách nhiệm niêm yết ngay Danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội ở khu vực bỏ phiếu mà mình phụ trách kèm theo tiểu sử tóm tắt của từng người để cử tri nắm được thông tin.
Câu 123. Việc lập và công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân được thực hiện như thế nào?
Trả lời:
Chậm nhất là ngày 23 tháng 4 năm 2021 (30 ngày trước ngày bầu cử), Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã gửi biên bản Hội nghị hiệp thương lần thứ ba và danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở cấp mình đến Ủy ban bầu cử cùng cấp.
Trên cơ sở danh sách giới thiệu của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban bầu cử ở từng đơn vị hành chính lập và công bố Danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở cấp mình theo từng đơn vị bầu cử chậm nhất là ngày 27 tháng 4 năm 2021 (25 ngày trước ngày bầu cử).
Trên cơ sở quyết định của các Ủy ban bầu cử, Tổ bầu cử có trách nhiệm niêm yết ngay Danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở khu vực bỏ phiếu mà mình phụ trách kèm theo tiểu sử tóm tắt của từng người chậm nhất là ngày 03 tháng 5 năm 2021 (20 ngày trước ngày bầu cử) để cử tri nắm được thông tin.
Như vậy, trên cơ sở danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân do Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tổ chức hiệp thương gửi đến, Ủy ban bầu cử các cấp phải lập và công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân theo từng đơn vị bầu cử. Khi chuyển danh sách cho Ủy ban bầu cử, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phải bảo đảm những người trong danh sách đã đủ điều kiện, tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân, làm cơ sở cho Ủy ban bầu cử lập danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân. Ủy ban bầu cử không có thẩm quyền loại bớt người đã có tên trong danh sách hoặc bổ sung người không có tên trong danh sách do Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chuyển đến, trừ trường hợp phát hiện ra người ứng cử thuộc đối tượng bị xóa tên do không đủ tiêu chuẩn, điều kiện ứng cử đại biểu hoặc trường hợp người ứng cử chết hay vì lý do khác không thể tiếp tục ứng cử được nữa.
Câu 124. Yêu cầu đối với việc lập Danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân được quy định như thế nào?
Trả lời:
Danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phải ghi rõ họ, tên, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, quốc tịch, dân tộc, tôn giáo, quê quán, nơi ở hiện nay, trình độ, nghề nghiệp, chức vụ, nơi công tác của người ứng cử và một số thông tin bổ sung khác (như ngày vào Đảng, là đại biểu Quốc hội hay đại biểu Hội đồng nhân dân các khóa nào chưa…). Danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân theo từng đơn vị bầu cử được xếp theo vần chữ cái A, B, C...
Tổ chức phụ trách bầu cử cần ghi đúng họ và tên đã khai trong hồ sơ của người ứng cử. Trường hợp họ và tên khai sinh của người ứng cử khác với họ và tên thường dùng hoặc người ứng cử có chức vị, pháp danh, pháp hiệu theo tôn giáo thì tại phần ghi họ và tên người ứng cử trong danh sách người ứng cử, họ và tên khai sinh được viết trước, họ và tên thường dùng hoặc chức vị, pháp danh theo tôn giáo viết sau và được đặt trong dấu ngoặc đơn; không cần ghi bí danh hoặc các tên gọi khác chỉ sử dụng trong phạm vi hẹp hoặc đã lâu không còn sử dụng.
Ví dụ: Người ứng cử có tên thường dùng là Nguyễn Văn, tên khai sinh là Nguyễn Văn A thì tên ghi trong danh sách người ứng cử là: Ông NGUYỄN VĂN A (NGUYỄN VĂN); hoặc người ứng cử là chức sắc tôn giáo có tên khai sinh là Nguyễn Văn A, chức vị và pháp danh trong tôn giáo là Hòa thượng Thích Thanh A hoặc Linh mục Nguyễn Văn A thì ghi tên người ứng cử là Ông NGUYỄN VĂN A (HÒA THƯỢNG THÍCH THANH A) hoặc Ông NGUYỄN VĂN A (LINH MỤC NGUYỄN VĂN A). Trong các trường hợp này, việc ghi họ, tên người ứng cử trên danh sách người ứng cử hoặc trên phiếu bầu cử có thể viết liên tục trong một dòng hoặc thể hiện thành hai dòng liền nhau nhưng phải có cùng kiểu chữ, cỡ chữ như họ và tên của những người ứng cử khác trong cùng danh sách.
Trường hợp họ và tên của những người ứng cử có phần tên giống nhau thì căn cứ vào phần họ để xác định thứ tự; trường hợp phần họ cũng giống nhau thì căn cứ vào phần tên đệm. Trường hợp trùng hoàn toàn cả họ, tên và tên đệm thì xếp theo ngày tháng năm sinh; người nào có ngày tháng năm sinh sớm hơn thì được xếp trước. Tuy nhiên, các Ủy ban bầu cử cần lưu ý không bố trí, sắp xếp 02 người ứng cử có họ và tên trùng nhau trong Danh sách những người ứng cử ở cùng một đơn vị bầu cử để tránh gây nhầm lẫn cho cử tri.
Người ứng cử đại biểu Quốc hội chỉ được ghi tên vào Danh sách chính thức những người ứng cử ở một đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội. Người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở đơn vị hành chính nào thì cũng chỉ được ghi tên vào Danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở một đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở cấp tương ứng trên địa bàn đơn vị hành chính đó.
Câu 125. Số người ứng cử trong Danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân ở mỗi đơn vị bầu cử phải đáp ứng yêu cầu nào?
Trả lời:
Số người trong Danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội ở mỗi đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội phải nhiều hơn số đại biểu Quốc hội được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử đó ít nhất là 02 người.
Số người trong Danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở mỗi đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở từng cấp phải nhiều hơn số lượng đại biểu được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử đó; nếu đơn vị bầu cử được bầu 03 đại biểu thì số người trong danh sách ứng cử phải nhiều hơn số lượng đại biểu được bầu ít nhất là 02 người; nếu đơn vị bầu cử được bầu 04 hoặc 05 đại biểu thì số người trong danh sách ứng cử phải nhiều hơn số lượng đại biểu được bầu ít nhất là 03 người. Trường hợp đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân được ấn định bầu 01 hoặc 02 đại biểu thì số người ứng cử chỉ cần nhiều hơn số đại biểu được bầu ít nhất là 01 người.
Hội đồng bầu cử quốc gia sẽ xem xét, quyết định trong trường hợp khuyết người ứng cử đại biểu Quốc hội ở đơn vị bầu cử vì lý do bất khả kháng và hướng dẫn để Ủy ban bầu cử các cấp xem xét, quyết định đối với trường hợp khuyết người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở đơn vị bầu cử vì lý do bất khả kháng.
Câu 126. Việc xử lý trường hợp khuyết người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân vì lý do bất khả kháng được thực hiện như thế nào?
Trả lời:
Đối với cuộc bầu cử năm 2016, Hội đồng bầu cử quốc gia đã có hướng dẫn như sau:
• Trường hợp khuyết người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân vì lý do bất khả kháng được hiểu là sau khi Ủy ban bầu cử công bố Danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở đơn vị bầu cử mà người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân vì lý do bất khả kháng (chết, bị xóa tên khỏi danh sách chính thức những người ứng cử…) không thể tiếp tục ứng cử theo quy định của pháp luật dẫn đến số lượng người ứng cử tại đơn vị bầu cử ít hơn so với số đã được công bố.
• Nếu khuyết người ứng cử trong thời gian từ sau khi Ủy ban bầu cử công bố Danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở đơn vị bầu cử đến trước khi Danh sách này được niêm yết, thì Ủy ban bầu cử sau khi thống nhất với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp quyết định theo một trong các hình thức sau đây, đồng thời báo cáo Ủy ban bầu cử cấp trên trực tiếp; đối với đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thì báo cáo để Hội đồng bầu cử quốc gia:
- Quyết định giữ nguyên danh sách chính thức những người ứng cử còn lại khi số dư người ứng cử vẫn đảm bảo theo quy định của pháp luật.
- Quyết định bổ sung người có số phiếu tín nhiệm cao nhất và đạt trên 50% tổng số phiếu tín nhiệm trong số những người còn lại trong danh sách những người ứng cử được xem xét tại Hội nghị hiệp thương lần thứ ba vào Danh sách chính thức những người ứng cử khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:
+ Số dư người ứng cử ở đơn vị bầu cử không đảm bảo theo quy định của pháp luật.
+ Trong danh sách hiệp thương lần thứ ba còn có người ứng cử đạt trên 50% tổng số phiếu tín nhiệm trở lên.
+ Thời gian để bổ sung phải còn từ 02 ngày trở lên tính đến trước ngày niêm yết Danh sách chính thức những người ứng cử.
- Quyết định giảm số đại biểu Hội đồng nhân dân được bầu ở đơn vị bầu cử để đảm bảo số dư theo quy định của pháp luật nếu không đáp ứng được một trong các điều kiện nói trên.
• Nếu khuyết người ứng cử trong thời gian từ sau khi Danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân đã được niêm yết cho đến ngày bầu cử, thì Ủy ban bầu cử sau khi thống nhất với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp quyết định theo một trong các hình thức sau đây:
- Quyết định giữ Danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân còn lại khi số người ứng cử vẫn nhiều hơn số đại biểu được bầu tại đơn vị bầu cử đó (ít nhất là 01 người).
- Quyết định giảm số đại biểu Hội đồng nhân dân được bầu ở đơn vị bầu cử để đảm bảo số người ứng cử phải nhiều hơn số đại biểu được bầu tại đơn vị bầu cử đó ít nhất là 01 người.
- Quyết định của Ủy ban bầu cử phải được báo cáo ngay đến Ủy ban bầu cử ở cấp trên trực tiếp (đối với trường hợp khuyết người ứng cử tại đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã) hoặc đến Hội đồng bầu cử quốc gia (đối với trường hợp khuyết người ứng cử tại đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh).
Câu 127. Các khiếu nại, tố cáo về người ứng cử và các khiếu nại, kiến nghị về những sai sót trong việc lập danh sách những người ứng cử được thực hiện như thế nào?
Trả lời:
Công dân có quyền tố cáo về người ứng cử, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về những sai sót trong việc lập danh sách những người ứng cử. Việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị được thực hiện như sau:
- Khiếu nại, tố cáo, kiến nghị liên quan đến người ứng cử đại biểu Quốc hội, việc lập danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội được gửi đến Ban bầu cử đại biểu Quốc hội, Ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc Hội đồng bầu cử quốc gia. Trường hợp người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị không đồng ý với kết quả giải quyết của Ban bầu cử, Ủy ban bầu cử thì có quyền khiếu nại đến Hội đồng bầu cử quốc gia. Quyết định của Hội đồng bầu cử quốc gia là quyết định cuối cùng.
- Khiếu nại, tố cáo, kiến nghị liên quan đến người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân, việc lập danh sách những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở cấp nào thì được gửi tới Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở cấp đó. Trường hợp người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị không đồng ý với kết quả giải quyết của Ban bầu cử thì có quyền khiếu nại đến Ủy ban bầu cử ở cấp tương ứng. Quyết định của Ủy ban bầu cử là quyết định cuối cùng.
- Ban bầu cử, Ủy ban bầu cử, Hội đồng bầu cử quốc gia phải ghi vào sổ và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị nhận được theo thẩm quyền.
- Không xem xét, giải quyết đối với những đơn tố cáo không có họ, tên người tố cáo hoặc mạo danh người khác để tố cáo.
Câu 128. Việc thay đổi, đính chính hồ sơ ứng cử có thể được thực hiện như thế nào?
Trả lời:
Trường hợp từ sau khi nộp hồ sơ ứng cử đến trước khi công bố Danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân mà người ứng cử có sự thay đổi một số thông tin trong hồ sơ ứng cử đã nộp như nơi ở, nghề nghiệp hoặc trình độ, các hình thức khen thưởng… mà không ảnh hưởng đến tiêu chuẩn, điều kiện ứng cử, thì Hội đồng bầu cử quốc gia hoặc Ủy ban bầu cử nơi đã nhận hồ sơ ứng cử hướng dẫn người ứng cử làm văn bản gửi Ủy ban bầu cử đề nghị đính chính, ghi rõ những thay đổi trong hồ sơ và cam đoan việc đính chính là đúng sự thật, nếu sai thì người ứng cử phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật. Đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội đã nộp hồ sơ ứng cử tại Ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì sau khi nhận được văn bản đề nghị đính chính của người ứng cử, Ủy ban bầu cử cần báo cáo ngay bằng văn bản đến Hội đồng bầu cử quốc gia về việc đính chính hồ sơ của người ứng cử kèm theo văn bản, tài liệu đính chính mà người ứng cử đại biểu đã nộp trước đó để thực hiện việc đính chính.
Trường hợp sau khi Danh sách chính thức những người ứng cử theo từng đơn vị bầu cử đã được công bố và niêm yết thì không thực hiện việc đính chính và in lại danh sách và tiểu sử tóm tắt những người ứng cử để thay thế cho nội dung đã công bố, niêm yết nữa, song Ủy ban bầu cử cần cập nhật thông tin vào danh sách khi công bố kết quả bầu cử; trường hợp nội dung đính chính liên quan đến người ứng cử đại biểu Quốc hội thì cần cần báo cáo bằng văn bản đến Hội đồng bầu cử quốc gia để thống nhất trong việc cập nhật và công bố thông tin.
Câu 129. Thời hạn tạm ngừng việc xem xét khiếu nại, tố cáo đối với người ứng cử được quy định như thế nào?
Trả lời:
Trong thời hạn 10 ngày trước ngày bầu cử (tức là từ ngày 13 tháng 5 năm 2021 trở đi), Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban bầu cử, Ban bầu cử ngừng việc xem xét, giải quyết mọi khiếu nại, tố cáo về người ứng cử và việc lập danh sách những người ứng cử.
Trong trường hợp những khiếu nại, tố cáo đã rõ ràng, có đủ cơ sở kết luận người ứng cử không đáp ứng đủ tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân thì Hội đồng bầu cử quốc gia (đối với bầu cử đại biểu Quốc hội) hoặc Ủy ban bầu cử ở cấp tương ứng (đối với bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân) quyết định xóa tên người đó trong danh sách chính thức những người ứng cử trước ngày bầu cử và thông báo cho cử tri biết.
Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban bầu cử ở cấp tỉnh, Ủy ban bầu cử ở cấp huyện, Ủy ban bầu cử ở cấp xã chuyển toàn bộ hồ sơ về khiếu nại, tố cáo chưa được giải quyết đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV (đối với bầu cử đại biểu Quốc hội) hoặc Thường trực Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021 – 2026 ở cấp tương ứng (đối với bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân) để tiếp tục xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
Câu 130. Các trường hợp nào bị xóa tên trong Danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân?
Trả lời:
Người có tên trong Danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội đã được Hội đồng bầu cử quốc gia công bố mà đến thời điểm bắt đầu bỏ phiếu bị khởi tố bị can, bị bắt, giữ vì phạm tội quả tang, bị mất năng lực hành vi dân sự, chết hoặc vi phạm nghiêm trọng pháp luật về bầu cử thì Hội đồng bầu cử quốc gia xóa tên người đó trong Danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội.
Người có tên trong Danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân đã được Ủy ban bầu cử công bố mà đến thời điểm bắt đầu bỏ phiếu bị khởi tố bị can, bị bắt, giữ vì phạm tội quả tang, bị mất năng lực hành vi dân sự, chết hoặc vi phạm nghiêm trọng pháp luật về bầu cử thì Ủy ban bầu cử, sau khi thống nhất ý kiến với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp, quyết định xóa tên người đó trong Danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở cấp mình.
Theo cuốn sách “Hỏi - Đáp về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026”
Liên kết website
Ý kiến ()