Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 23:20 (GMT +7)
Phấn đấu hoàn thành xóa nhà tạm, nhà ở dột nát trên địa bàn tỉnh vào dịp Quốc khánh 2/9
Thứ 2, 10/04/2023 | 17:45:54 [GMT +7] A A
Ngày 10/4, Thường trực Tỉnh ủy tổ chức hội nghị giao ban để nghe và cho ý kiến về kế hoạch triển khai thực hiện xóa nhà tạm, nhà ở dột nát trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2023, cùng một số nội dung quan trọng khác. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì.
Theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng, tiêu chí xác định “nhà tạm, dột nát” là loại nhà xây dựng bằng vật liệu tạm thời, dễ cháy, có niên hạn sử dụng dưới 5 năm hoặc không đảm bảo “3 cứng” là nền cứng, khung cứng, mái cứng, thiếu diện tích ở, bếp, nhà vệ sinh theo quy định, không đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Theo báo cáo của Sở Xây dựng, qua rà soát của các địa phương, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 362 nhà thuộc diện tiêu chí nhà tạm, nhà dột nát. Chủ hộ thuộc các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn đa chiều giai đoạn 2021-2025 và các hộ khó khăn khác về nhà ở, chủ yếu là hộ người khuyết tật, neo đơn.
Qua các ý kiến của các sở, ngành, địa phương liên quan, Thường trực Tỉnh ủy nêu rõ: Với phương châm mọi người dân Quảng Ninh đều được hưởng thành quả phát triển, tăng trưởng bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau, trong những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách riêng có về an sinh, phúc lợi xã hội; tập trung vào các chính sách việc làm, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, đào tạo nghề, giáo dục, y tế, xóa đói, giảm nghèo, đền ơn, đáp nghĩa, bảo hiểm và cứu trợ, chăm lo nâng cao đời sống của những người cao tuổi, neo đơn, khuyết tật, mất sức lao động và trẻ mồ côi… Từ đó, đã khuyến khích người nghèo, người dân ở vùng khó khăn phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo và làm giàu, nâng cao khả năng tự bảo đảm an sinh.
Cũng tại Kỳ họp thứ 13 vừa qua, HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết Quy định chuẩn nghèo đa chiều áp dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023 - 2025 đã đánh dấu cột mốc mới của tỉnh trong việc xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh kiểu mẫu văn minh, hiện đại.
Việc triển khai kế hoạch xóa nhà tạm, nhà ở dột nát trên địa bàn tỉnh tiếp tục là chủ trương có ý nghĩa an sinh xã hội rất lớn của tỉnh nhằm cải thiện nhà ở, đảm bảo có nhà ở an toàn ổn định, vừa để cụ thể hóa chủ đề công tác năm 2023 của tỉnh về nâng cao chất lượng đời sống nhân dân vừa góp phần hoàn thiện tiêu chí nhà ở dân cư trong bộ tiêu chí xây dựng NTM ở các xã.
Để thực hiện thành công chủ trương này, tạo được hiệu ứng tích cực trong đời sống xã hội, góp phần không ngừng củng cố sức mạnh đoàn kết, thống nhất trong toàn dân; đồng thời, đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng, Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành chức năng, địa phương tập trung thực hiện nội dung này. Mục tiêu là phấn đấu vào dịp Kỷ niệm 78 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, tỉnh Quảng Ninh sẽ hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà ở dột nát trên địa bàn tỉnh theo các tiêu chí phân loại của Bộ Xây dựng đến thời điểm 30/3/2022. Đối tượng hướng tới là hộ nghèo, hộ cận nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đối tượng bảo trợ xã hội, đối tượng yếu thế và dân tộc thiểu số.
Về nguồn lực, huy động sức mạnh tổng hợp và sự vào cuộc của các cấp, các ngành, cơ quan, địa phương, đơn vị, hệ thống chính trị toàn tỉnh tham gia hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát. Đồng thời, phát huy vai trò, nòng cốt, chủ thể của hộ gia đình được thụ hưởng hỗ trợ. Đặc biệt, phát huy cao nhất vai trò của MTTQ các cấp, trong đó cấp tỉnh giữ vai trò nòng cốt; cấp ủy, chính quyền MTTQ cấp huyện là nơi trực tiếp thực hiện; gắn với trách nhiệm của đồng chí Bí thư, Chủ tịch UBND cấp huyện trong xác định đối tượng, tổ chức triển khai công việc, giám sát kiểm tra, đánh giá mức độ hoàn thành và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện.
Thường trực Tỉnh ủy giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo việc thống nhất mức hỗ trợ đảm bảo tính phù hợp với nhu cầu thực tiễn, cũng như sự hài hòa, hợp lý và tính đặc thù của các địa bàn. Tỉnh sẽ thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh do Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo nhằm đảm bảo sức mạnh trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, huy động nguồn lực tổ chức thành công chủ trương này. Các cơ quan báo chí tăng cường truyền thông để tạo sự đồng thuận cao nhất của các cấp, các ngành, cơ quan, địa phương, đơn vị, hệ thống chính trị toàn tỉnh trong thực hiện nội dung này.
Cùng ngày, Thường trực Tỉnh ủy đã nghe và cho ý kiến dự thảo báo cáo tổng kết 20 năm thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW, ngày 22/01/2002 của Ban Bí thư về củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở và 10 năm thực hiện Thông báo Kết luận số 126-TB/TW, ngày 01/4/2013 của Ban Bí thư khóa IX; tiến độ nghiên cứu, biên soạn Cuốn lịch sử Đảng bộ tỉnh.
Thu Chung
Liên kết website
Ý kiến ()