Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 10/09/2024 15:34 (GMT +7)
Phát huy giá trị Cây di sản ở Rừng quốc gia Yên Tử
Thứ 7, 06/04/2024 | 07:50:14 [GMT +7] A A
Năm 2016, 144 cây lớn thuộc Rừng quốc gia Yên Tử (102 cây xích tùng, 21 cây mai vàng, 10 cây thông nhựa, 9 cây đại) được công nhận là Cây di sản Việt Nam. Đây cũng là những Cây di sản đầu tiên trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Rừng quốc gia Yên Tử gắn với Di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử, gắn với đức vua hóa Phật Trần Nhân Tông và dòng thiền Trúc Lâm nhập thế do ngài sáng lập. Nơi đây không chỉ có hệ thống di sản chùa, tháp dày đặc, giá trị lớn, mang đậm dấu ấn văn hoá đời Trần, mà còn rất nhiều những cây mai vàng, cây tùng, cây đại trăm năm tuổi, những cây thông nhựa khổng lồ, cây gỗ lớn cổ thụ…
Được biết Cây di sản được xét theo những tiêu chí cụ thể, với các tiêu chí chung là cây to, hùng vĩ, có hình dáng đặc sắc, đang trong tình trạng khoẻ mạnh, có tuổi đời lớn; ưu tiên các loại cây đặc hữu, nguy cấp, quý hiếm, cây có giá trị đặc biệt về thẩm mỹ, hoặc văn hoá, hoặc lịch sử, hoặc giá trị đặc biệt về khoa học; cây tổ, hoặc cây mẹ có thể cung cấp vật liệu để nhân giống, hoặc lai tạo…
Đối với 144 Cây di sản ở Rừng quốc gia Yên Tử không đơn thuần là cây cổ thụ, mà là những cây được coi là nhân chứng lịch sử, nhân chứng văn hoá, được cộng đồng công nhận và tôn vinh. Những cây này được ví như lớp trầm tích của thời gian mà đến nay còn nhìn thấy được, mang trong mình những giá trị riêng có, trở thành phần quan trọng của khối di sản đồ sộ Yên Tử. Có lẽ chính vì vậy, 144 cây thuộc Rừng quốc gia Yên Tử đã được công nhận Cây di sản từ khá sớm.
Theo ông Lê Văn Thảo, Phó Trưởng Ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử, xác định rất rõ giá trị của rừng Yên Tử, đặc biệt là giá trị của các Cây di sản trong rừng Yên Tử, hằng năm đơn vị rất chú trọng triển khai phương án quản lý rừng bền vững, chủ trì hoạt động tuần tra bảo vệ, bố trí nhân lực, vật lực sẵn có và phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện các đợt cao điểm tuần tra bảo vệ rừng. Cùng với đó, Ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử đặc biệt xây dựng, triển khai phương án bảo vệ các Cây di sản, triển khai các dự án làm giàu rừng, nuôi, trồng bổ sung và bảo tồn các loài cây, con đặc hữu, bản địa của rừng. Từ những hoạt động này, nhiều năm qua Rừng quốc gia Yên Tử không xảy ra hiện tượng bị xâm lấn, xâm hại; các Cây di sản được bảo vệ và phát triển rất tốt.
Có thể thấy các Cây di sản ở rừng Yên Tử được bảo vệ và phát triển đã góp phần quan trọng trong việc bảo tồn tại chỗ đa dạng loài cây và nguồn gen thực vật tiêu biểu, giáo dục thế hệ trẻ về tình yêu thiên nhiên, nâng cao ý thức tôn trọng tự nhiên, nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường của cộng đồng. Các Cây di sản ở rừng Yên Tử cũng góp phần quảng bá sự phong phú đa dạng và giá trị khoa học của hệ thực vật Việt Nam, tạo không gian xanh, làm tăng giá trị các công trình văn hoá, kiến trúc, lịch sử, trở thành cầu nối giữa quá khứ và hiện tại.
Hiện nay rừng Yên Tử góp phần tạo nên một vùng di tích, danh thắng Yên Tử linh thiêng và hùng vĩ, tạo nên một nét riêng, có sức hấp dẫn lạ kỳ, có ưu thế nổi trội để mời gọi, chào đón triệu triệu du khách mỗi năm.
Ông Lê Trọng Thanh, Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển Tùng Lâm, cho biết: Rừng Yên Tử nói chung và những Cây di sản Yên Tử nói riêng là vành đai bảo vệ di tích Yên Tử, là phần quan trọng của khối di sản Yên Tử, chứa trong mình những loài thực vật mang tính biểu tượng văn hoá. Hiện Công ty CP Phát triển Tùng Lâm đang triển khai nhiều hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản Yên Tử trong lòng vốn quý của rừng Yên Tử nói trên.
Được biết hiện nay Ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử đang tiếp tục rà soát và đề nghị công nhận Cây di sản đối với nhiều cá thể cây lớn khác trong rừng Yên Tử. Trưởng Ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử Lê Tiến Dũng cho biết: Rừng quốc gia Yên Tử với diện tích 2.783ha là điển hình của hệ sinh thái động, thực vật rừng phong phú, đa dạng, trong đó có 20 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam, 6 loại thuộc nhóm bảo vệ nghiêm ngặt, có những loại thực vật đặc hữu quý hiếm như lim xanh, gụ lâu, sến mật, sú rừng, xích tùng, thông nhựa, mai vàng, đại cổ thụ... Đây là dư địa lớn để chúng tôi có thêm những cây lớn đủ tiêu chí xét công nhận là Cây di sản Việt Nam.
Có thể thấy, rừng Yên Tử nói chung, các Cây di sản ở rừng Yên Tử nói riêng đang nhận được sự quan tâm, đầu tư xứng đáng, thúc đẩy tiến trình trồng, chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng, nhân lên những cánh rừng xanh bền vững. Đây là cơ sở để rừng Yên Tử phát huy giá trị đa dụng của mình, bao gồm cả giá trị về kinh tế, xã hội và nhân văn, là động lực của sự phát triển bền vững, tăng trưởng, giá trị cao của Quảng Ninh.
Việt Hoa
- Uông Bí: Gặp mặt doanh nghiệp xuân 2024
- Đồng chí Đặng Xuân Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy dự sinh hoạt chi bộ tại TP Uông Bí
- Phổ biến kiến thức quốc phòng, an ninh cho đối tượng tăng, ni, phật tử trên địa bàn TP Uông Bí
- TP Uông Bí: Thả hơn 7.000 con cá giống xuống hồ Yên Trung
- Uông Bí: Sự khởi đầu thuận lợi
- Mùa giải thành công của TP Uông Bí
- Gia tăng giá trị du lịch từ Cây di sản
- Bảo vệ và phát huy giá trị Cây di sản Việt Nam
- Yên Tử trước cơ hội trở thành di sản thế giới
Liên kết website
Ý kiến ()