Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 03:26 (GMT +7)
Phát huy giá trị văn hóa, du lịch từ các lễ hội
Chủ nhật, 28/01/2018 | 06:03:19 [GMT +7] A A
Trong thời gian qua, các lễ hội trên địa bàn tỉnh đã được tổ chức quy củ, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, góp phần giáo dục truyền thống và thu hút đông đảo du khách đến với Quảng Ninh.
Rất đông du khách đến lễ hội Yên Tử xuân 2017. |
Theo thống kê của Sở Văn hóa - Thể thao, Quảng Ninh hiện có 363 di sản văn hóa phi vật thể; trong đó có 76 lễ hội dân gian truyền thống, có 4 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (trong đó có 2 di sản là loại hình lễ hội: Lễ hội đền Cửa Ông, Lễ hội Tiên Công).
Các lễ hội thường niên được tổ chức gắn với các khu di tích, tiêu biểu như: Hội xuân Yên Tử, lễ hội chùa Ba Vàng (TP Uông Bí), lễ hội chùa Quỳnh Lâm, chùa Ngọa Vân (TX Đông Triều), lễ hội đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả), lễ hội Tiên Công (TX Quảng Yên), v.v.. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo không có lễ hội cũng tổ chức các nghi lễ dâng hương đầu năm, giỗ tổ, giỗ thành hoàng làng..., thu hút hàng triệu lượt khách thập phương về chiêm bái.
Để phát huy tốt giá trị của lễ hội, công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh đã đi vào nền nếp. An ninh trật tự, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm được đảm bảo. Công tác tổ chức lễ hội đã chú trọng nâng cấp, chỉnh trang cơ sở vật chất, tạo cảnh quan môi trường sạch đẹp và có phương án giải quyết triệt để tình trạng ăn xin, ăn mày, bói toán, xóc quẻ, đổi tiền lẻ, đảm bảo an toàn giao thông; bố trí khu đỗ xe, điểm thu gom rác hợp lý; thực hiện niêm yết giá các dịch vụ, chú trọng đến chất lượng dịch vụ, vệ sinh an toàn thực phẩm; không treo, bày bán thịt động vật hoang dã, vận động du khách thực hiện nếp sống văn minh khi tham gia lễ hội.
Hầu hết các lễ hội đông du khách đều bố trí các lực lượng y tế, thường trực kiểm tra, giám sát và giải quyết các vụ việc liên quan; kiểm tra công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, không để xảy ra những vụ ngộ độc thực phẩm trong mùa lễ hội. Tiền công đức đã được quản lý một cách công khai, minh bạch; sử dụng để tu bổ các công trình và các hoạt động thường xuyên, không dùng cho mục đích khác.
Lễ hội Tiên công là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. |
Theo ông Trần Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao, các địa phương cần kiểm tra theo dõi việc thu phí từ các dịch vụ văn hóa, du lịch, quản lý chặt chẽ việc tổ chức các lễ hội. Đẩy mạnh truyền thông, quảng bá về du lịch cho các lễ hội, có thể phối hợp với các đơn vị truyền thông để bảo trợ thông tin cho các lễ hội lớn như: Lễ hội Yên Tử, Lễ hội hoa Anh đào - Mai vàng Yên Tử ở TP Uông Bí năm 2018.
Bên cạnh việc tăng cường quản lý lễ hội, tỉnh tích cực giữ gìn những giá trị nguyên gốc của lễ hội, thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân, tăng cường tình cảm đoàn kết cộng đồng, hạn chế các hủ tục, mê tín dị đoan. Các linh vật ngoại lai, hiện vật lạ không phù hợp với thuần phong mỹ tục đã không được tiếp nhận nhằm đảm bảo tính nguyên vẹn của di tích và lễ hội.
Bên cạnh đó, một số lễ, lễ hội cũng được phục dựng, bảo tồn, như: Hội hát soóng cọ của người Sán Chỉ, hát then - đàn tính của người Tày, tục hát dân ca và cấp sắc của người Dao Thanh Phán và Dao Thanh Y; lễ đại phan của người Sán Dìu, lễ cầu mùa của người Sán Chỉ, phục dựng lễ hội đình Tràng Y (huyện Đầm Hà). v.v..
Lễ hội ở Quảng Ninh là nơi giao lưu, cộng cảm và trao truyền những đạo lý, tình cảm và khát vọng cao đẹp; là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, củng cố tình yêu quê hương đất nước và lòng tự hào về nguồn cội của mình; tạo ra môi trường văn hóa nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Nghi thức tế trong Lễ hội đền Cửa Ông. Ảnh: Dương Phượng Đại. |
Lễ hội Tiên Công là lễ hội truyền thống, đặc sắc của TX Quảng Yên. Năm 2018, thị xã tổ chức lễ hội đi liền với lễ đón nhận bằng Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Theo ông Nguyễn Văn Hồi, Chủ tịch UBND TX Quảng Yên, thời gian qua, thị xã đã tập trung chỉ đạo công tác chuẩn bị tổ chức, đẩy mạnh tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, trên mạng xã hội, tuyên truyền trực quan bằng các pa-no, áp phích, đưa giá trị truyền thống của chiến thắng Bạch Đằng vào giáo dục lịch sử truyền thống cho thế hệ trẻ, vừa tôn vinh lại vừa phát huy giá trị các di tích trong phát triển kinh tế, xã hội.
Lễ hội truyền thống và lễ hội hiện đại đã góp phần tích cực trong việc quảng bá hình ảnh về văn hóa, vùng đất và con người Quảng Ninh đến với nhân dân và du khách. Vì vậy, tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu về nguồn gốc của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; bảo tồn có chọn lọc những phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc theo xu hướng lành mạnh, tiến bộ, tiết kiệm, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương. Bởi thế, lễ hội đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng, cũng như đang trở thành một động lực phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh.
Ông Trịnh Đăng Thanh, Phó Giám đốc Sở Du lịch, đánh giá: Nguồn thu từ du lịch tăng là tín hiệu vui của du lịch Quảng Ninh trong thời gian vừa qua, đặc biệt là những sản phẩm du lịch văn hóa. Điều này, TP Uông Bí và Công ty CP Phát triển Tùng Lâm đã và đang xây dựng được những sản phẩm độc đáo, tạo ra bước đi tích cực. Các địa phương cần tạo ra sự kết nối trong việc phát huy những giá trị của du lịch văn hóa, du lịch tâm linh đặc sắc, nhất là trong bối cảnh năm nay Quảng Ninh đăng cai Năm Du lịch Quốc gia 2018 - Hạ Long - Quảng Ninh.
Huỳnh Đăng
Ý kiến người trong cuộc:
Ông Phạm Tuấn Đạt, Phó Chủ tịch UBND TP Uông Bí: “Tôn vinh và quảng bá hình ảnh các khu di tích, danh thắng”
Hưởng ứng Năm Du lịch Quốc gia 2018, TP Uông Bí tổ chức nhiều lễ hội, như: Lễ hội Yên Tử, chùa Ba Vàng, Hang Son, hoa Anh đào - Mai vàng Yên Tử. Các lễ hội tổ chức nhằm đón khách đến tham quan di tích, danh thắng, phục vụ nhu cầu thụ hưởng văn hóa của nhân dân, góp phần tôn vinh, phát huy giá trị và quảng bá hình ảnh du lịch địa phương tới du khách trong và ngoài nước. Lễ hội được tổ chức an toàn, vui tươi, lành mạnh theo đúng nghi thức truyền thống, mang đậm bản sắc dân tộc và thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Đặc biệt, năm nay, lần đầu tiên TP Uông Bí tổ chức Lễ hội hoa Anh đào - Mai vàng Yên Tử. Cả lễ hội này và lễ hội Yên Tử đều diễn ra tại Trung tâm Lễ hội và dịch vụ du lịch Yên Tử sắp được khai trương. Lễ hội tiếp tục quảng bá, xây dựng thương hiệu hình ảnh Uông Bí với nhiều tiềm năng thế mạnh về du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và du lịch văn hóa, với con người thân thiện mến khách, tạo ra cơ hội giao lưu hợp tác và xúc tiến đầu tư.
Ông Vi Ngọc Nhất, Phó Phòng VH-TT huyện Bình Liêu: "Thúc đẩy du lịch bền vững từ những giá trị văn hóa, lễ hội"
Bình Liêu được biết đến là miền đất có nhiều thắng cảnh, mang nhiều giá trị văn hóa độc đáo của các dân tộc. Bình Liêu có khoảng 96% là đồng bào các dân tộc thiểu số, như: Tày, Dao, Sán Chỉ, Hoa…, với bề dày và sự đa dạng về văn hóa. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc vẫn được bảo tồn, trong đó các lễ hội trải dài trong năm, tiêu biểu như: Lễ hội đình Lục Nà, hội hát soóng cọ của người Sán Chỉ, lễ hội Kiêng gió của người Dao, v.v.. Đây là tài sản vô giá để Bình Liêu phát triển du lịch cộng đồng, văn hóa, gắn với các lễ hội và các danh thắng, di tích trên địa bàn. Những năm qua, các lễ hội này được bà con các dân tộc bảo tồn, gìn giữ nét đặc sắc. Thời gian tới, mong rằng Bình Liêu tiếp tục nhận được sự quan tâm, đầu tư để phát huy hơn nữa, phát triển bền vững du lịch mang bản sắc riêng.
Ông Tạ Đức Quyết, Giám đốc Công ty TNHH MTV Du lịch Mai Quyền, Vân Đồn: "Doanh nghiệp hưởng lợi từ những giá trị văn hóa, lễ hội"
Là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, Vân Đồn có hệ thống di tích lịch sử đa dạng và một loạt các lễ hội được tổ chức quy mô, kéo dài quanh năm. Trong phạm vi gần gũi với các di tích, lễ hội này, chúng tôi nhận thấy lễ hội là dịp du khách đổ về Vân Đồn rất đông. Thời điểm lễ hội cũng là dịp chúng tôi đón rất nhiều du khách trong các tour du lịch về tham quan, nghỉ ngơi. Đây cũng là điều kiện thuận lợi kích cầu các yếu tố: Dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi, nhu cầu lưu trú... Như vậy, chính các doanh nghiệp cũng được hưởng lợi rất nhiều từ những giá trị văn hóa, lễ hội. Vì vậy, điều chúng tôi mong muốn là các cơ quan quản lý Nhà nước quan tâm bảo tồn và khôi phục đúng giá trị cốt lõi, truyền thống, để biến lễ hội thành nguyên liệu tuyệt vời cho xây dựng và phát triển du lịch.
Ông Lê Trọng Thanh, Phó Giám đốc Công ty CP Phát triển Tùng Lâm: “Bảo tồn và phát huy giá trị của di tích, danh thắng Yên Tử”
Nhằm khai thác các giá trị văn hóa lịch sử của di tích danh thắng Yên Tử, chúng tôi đã xây dựng Trung tâm Lễ hội và dịch vụ du lịch Yên Tử với cung Trúc Lâm, trung tâm lễ hội, vườn thiền, làng hành hương, Tuệ Tĩnh đường, bảo tàng Phật hoàng Trần Nhân Tông. Làng hành hương tái hiện đời sống văn hóa, tinh thần của một ngôi làng thời Trần với nơi diễn ra các hoạt động văn hóa cộng đồng. Khu vực các cửa hàng làng nghề truyền thống là nơi quảng bá, giới thiệu các sản phẩm, quy trình sản xuất để du khách có thể tham gia trải nghiệm cũng như tương tác trực tiếp với các nghệ nhân. Khu vực thuốc đông y, ẩm thực và trình diễn nghệ thuật thư pháp. “Hồn cốt” của làng hành hương không chỉ nằm ở những giá trị văn hóa vật thể mà là những hoạt động diễn ra tại làng, tái hiện vẻ đẹp chân thực và lan tỏa các giá trị văn hóa, tư tưởng, lịch sử của Phật hoàng Trần Nhân Tông và nhà Trần.
Chị Lý Thị Hòa, thôn Chín Gian, xã Bằng Cả, huyện Hoành Bồ: “Du lịch đem lại lợi ích cho dân bản”
Từ khi Khu Bảo tồn văn hóa người Dao Thanh Y xã Bằng Cả đi vào hoạt động, du khách đến với địa phương chúng tôi ngày càng đông, nhất là những ngày tổ chức lễ hội. Nhờ đó, chúng tôi có thể làm dịch vụ du lịch phục vụ du khách để có thêm thu nhập. Bà con người Dao Thanh Y có thể tham gia biểu diễn văn hóa văn nghệ, hát dân ca, trình diễn nghệ thuật may, thêu dân tộc, nấu món ăn dân tộc và mở hàng quán để phục vụ khách du lịch. Bản thân tôi cũng là người Dao Thanh Y nên thấy rất mừng. Nhờ cửa hàng ở ngay địa điểm du lịch này, tôi có thu nhập trang trải cuộc sống. Tôi thấy việc khai thác du lịch từ bản sắc văn hóa dân tộc là rất có ích cho đời sống của bà con nhân dân.
Phạm Học - Tạ Quân (Thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()