Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 18:38 (GMT +7)
Phát huy hiệu quả Chương trình GDPT mới
Thứ 4, 31/08/2022 | 17:29:57 [GMT +7] A A
Sau 2 năm học triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới 2018 (áp dụng với các lớp 1, 2, 6), chất lượng giáo dục của tỉnh có sự chuyển biến tích cực. Theo lộ trình, năm học 2022-2023, chương trình tiếp tục được áp dụng ở các lớp 3, 7, 10. Ngành GD&ĐT tỉnh đã chủ động chuẩn bị về nhân lực, cơ sở vật chất nhằm tiếp tục phát huy hiệu quả của chương trình.
Thực hiện chỉ đạo của Sở GD&ĐT và UBND TP Hạ Long, Phòng GD&ĐT thành phố đã xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình GDPT mới đối với lớp 3 và lớp 7. Các nhà trường trên địa bàn được yêu cầu phải chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về đội ngũ, cơ sở vật chất để tổ chức thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa lớp 3, lớp 7 đảm bảo theo lộ trình.
Theo đó, từ cuối năm học 2021-2022, hiệu trưởng các nhà trường đã linh hoạt bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên hiện có dạy khối lớp 1, 2, 3 bảo đảm đủ tỷ lệ giáo viên/lớp theo quy định, đủ định mức giáo viên dạy môn Tin học, Tiếng Anh (khi được bổ sung biên chế) để triển khai dạy khối lớp 3, lớp 7. Hiệu trưởng chịu trách nhiệm phân công nhiệm vụ giáo viên theo định mức. Phòng GD&ĐT giám sát chặt chẽ việc phân công nhiệm vụ của hiệu trưởng để tư vấn, điều chỉnh, bổ sung, luân chuyển kịp thời.
Công tác tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý nhà trường về thực hiện Chương trình GDPT mới đối với lớp 3, lớp 7 được thực hiện nghiêm túc. Ngay cuối học kỳ II năm học 2021-2022, các trường đã tổ chức cho giáo viên sinh hoạt chuyên môn về chương trình lớp 3, lớp 7; xây dựng kế hoạch bài học theo bộ sách được Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa công bố sử dụng trên địa bàn tỉnh.
Bà Nguyễn Vân Anh, Phó trưởng Phòng GD&ĐT TP Hạ Long, cho biết: Chuẩn bị cho năm học mới nói chung, Chương trình GDPT mới đối với lớp 3 và lớp 7 nói riêng, Phòng đã chỉ đạo các nhà trường cử cán bộ, giáo viên tham gia lớp tập huấn chuyên môn do Sở GD&ĐT tổ chức. Quan điểm là 100% giáo viên và cán bộ quản lý tham gia tập huấn, không riêng các giáo viên bộ môn. Đối với cơ sở vật chất, các nhà trường đã khảo sát, nâng cấp các hạng mục từ phòng, lớp học cho đến các khu luyện tập thể dục, thể thao liên hợp để đáp ứng nhu cầu học tập, rèn luyện của học sinh, góp phần nâng cao chất lượng GD&ĐT.
Bên cạnh những thuận lợi, so với các khu vực thành thị, việc chuẩn bị các điều kiện tổ chức giảng dạy Chương trình GDPT mới tại các cơ sở giáo dục ở vùng cao còn những khó khăn nhất định: Thiếu phòng, lớp học, phòng chức năng; thiếu giáo viên... Tuy nhiên, với sự chủ động, các đơn vị đang nỗ lực để tổ chức thực hiện Chương trình GDPT mới theo đúng tinh thần chỉ đạo.
Bà Hoàng Thị Oanh, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Ba Chẽ, cho biết: Nhiều trường trong huyện vẫn còn thiếu biên chế giáo viên môn Tin học và Ngoại ngữ. Tuy nhiên, trong điều kiện khó khăn chung của ngành, trên cơ sở biên chế hiện có, Phòng đã linh hoạt, phân công, luân chuyển giáo viên hợp lý để tổ chức giảng dạy cho các trường.
Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên triển khai Chương trình GDPT mới áp dụng ở khối lớp 10. Thay vì 13 môn học cố định như trước, Chương trình GDPT mới lớp 10 có 7 môn học bắt buộc và cho phép học sinh quyết định 5/9 môn học tự chọn, tùy theo năng khiếu, sở thích của mình. Môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc là: Ngữ văn, Toán học, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp và nội dung giáo dục địa phương. Môn học tự chọn do học sinh lựa chọn 5 môn từ 3 nhóm môn: Khoa học xã hội, Khoa học tự nhiên, Công nghệ và Nghệ thuật (mỗi nhóm phải chọn ít nhất 1 môn). Căn cứ những thay đổi này, đến nay các đơn vị giáo dục khối THPT đã sẵn sàng triển khai chương trình với quyết tâm đạt kết quả cao.
Hoài Minh
Liên kết website
Ý kiến ()