Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 17:28 (GMT +7)
Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm
Thứ 2, 16/10/2023 | 10:39:25 [GMT +7] A A
Công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn (LĐNT) thời gian qua luôn được tỉnh, các cấp, ngành, địa phương quan tâm. Trong đó chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả của các lớp đào tạo nghề, góp phần chuyển dịch cơ cấu LĐNT, tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo, giảm nghèo bền vững...
Đào tạo sát yêu cầu thực tế
TX Đông Triều xác định mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng tăng trưởng nhanh tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ là yếu tố quan trọng trong quá trình CNH-HĐH trên địa bàn. Bên cạnh từng bước nâng cao tỷ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế, thị xã tập trung chuyển dịch cơ cấu lao động từ lĩnh vực nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ. Để thu hút nông dân tích cực, chủ động tham gia học nghề, thị xã đã khảo sát nhu cầu, mở các lớp dạy nghề gắn với quy hoạch phát triển, thế mạnh của địa phương và nhu cầu về kiến thức KHKT. Trên cơ sở đó, thị xã mở các lớp nghề phù hợp với đặc thù phát triển trên địa bàn, như gốm sứ, nấu ăn, xây dựng…
Sau khi kết thúc các lớp học nghề, hầu hết học viên nghề phi nông nghiệp được các doanh nghiệp tuyển dụng. Chị Hoàng Thị Nguyên, công nhân Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh (TX Đông Triều), cho biết: Qua lớp đào tạo nghề, tôi đã nắm được các kỹ thuật cơ bản sản xuất gốm sứ. Sau khoá học, tôi được địa phương tạo điều kiện giới thiệu vào làm việc tại doanh nghiệp trên địa bàn. Trước đây kinh tế gia đình chủ yếu dựa vào trồng trọt, chăn nuôi, năm được, năm mất, nay với nghề làm gốm, tôi đã có thu nhập ổn định để trang trải thêm cho cuộc sống gia đình…
Theo thống kê của TX Đông Triều, hiện số người sau đào tạo nghề phát huy hiệu quả làm việc trên địa bàn thị xã đạt khoảng 80%. Nhiều LĐNT thuộc hộ nghèo đã có việc làm, thoát nghèo thành công, có thu nhập khá.
Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lực lượng lao động, hằng năm huyện Bình Liêu xây dựng kế hoạch điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của LĐNT tại các xã, thị trấn; chỉ đạo, quán triệt đến Hội Nông dân, Hội LHPN, Đoàn Thanh niên đẩy mạnh công tác tư vấn, hướng dẫn đoàn viên, hội viên nắm nội dung trong công tác đào tạo nghề và tổ chức thực hiện. Ông Ngô Văn Mậu, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện, cho biết: Năm 2023 huyện được giao nhiệm vụ giải quyết việc làm tăng thêm cho 600 lao động. Phòng LĐ-TB&XH phối hợp với các phòng, ban, ngành, đoàn thể và UBND các xã, thị trấn rà soát số lượng lao động chưa qua đào tạo, tìm hiểu về nhu cầu học nghề của người lao động để xây dựng kế hoạch đào tạo nghề phù hợp.
Một số nghề phi nông nghiệp cũng được huyện chú trọng định hướng, khuyến khích người lao động tham gia học và làm việc, như: Lái xe ô tô, may mặc, kỹ thuật chế biến món ăn, nghiệp vụ du lịch, công nghiệp mỏ... Trong đó huyện tập trung đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với phục vụ sản xuất nông nghiệp, nghề truyền thống, nghề mới; quan tâm đến công tác đào tạo nghề gắn với nhu cầu việc làm của các doanh nghiệp. Huyện phối hợp kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh triển khai thông báo, tuyên truyền, vận động các lao động tại địa phương tham gia các đợt tuyển dụng lao động của các đơn vị có nhu cầu. Qua đó tạo việc làm cho nhiều lao động, chất lượng lao động ngày càng tăng. 9 tháng năm 2023 huyện đã phối hợp tuyên truyền, giới thiệu giải quyết việc làm tăng thêm cho 373 lao động, đạt 62,17% kế hoạch.
Từ năm 2010 đến nay huyện Đầm Hà có hơn 2.100 LĐNT được đào tạo nghề, trong đó có 1.736 người có việc làm sau đào tạo. Đặc biệt, các nhóm học viên thuộc diện chính sách, người dân tộc thiểu số, người nghèo, cận nghèo... đã được tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận kiến thức KHKT, kỹ năng nghề, từ đó tự tin phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Chị Phan Thị Tấm (thôn Đông, xã Dực Yên, huyện Đầm Hà) chia sẻ: Được xã quan tâm cho tham gia học lớp dạy nghề nấu ăn, sau khi hoàn thành khóa học, tôi đã tìm được việc trong một nhà hàng trên địa bàn, có thu nhập ổn định.
Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, hiện trên địa bàn tỉnh có 40 cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho LĐNT luôn nhận được sự quan tâm, ủng hộ và hỗ trợ từ Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội. Các chương trình đào tạo thiết thực, luôn được đổi mới về chất lượng, tư duy và phù hợp với nguyện vọng của người học nên đã nhận được những sự hưởng ứng tích cực. Hằng năm 13/13 địa phương của tỉnh xây dựng kế hoạch, giao nhiệm vụ cho các phòng, đơn vị trực thuộc triển khai các chỉ tiêu nhiệm vụ về công tác hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng. Trong đó tập trung đào tạo nghề phi nông nghiệp cho lao động là phụ nữ, LĐNT, người khuyết tật, người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm, ngư dân...
Đảm bảo nguồn lực đáp ứng yêu cầu phát triển
Hiện nay phần lớn người LĐNT đã quan tâm chú trọng đến kỹ năng nghề nghiệp, xác định được tính thiết thực của việc học nghề; cơ quan quản lý nhà nước đã chủ động trong việc xây dựng kế hoạch đào tạo nghề, rà soát danh mục nghề đào tạo theo phương châm “Chỉ đào tạo nghề khi xác định được việc làm và thu nhập sau học nghề”. Công tác đào tạo nghề cho LĐNT được gắn với thế mạnh địa phương, với quy hoạch phát triển sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng NTM. Tình trạng đào tạo nghề chạy theo số lượng, theo chỉ tiêu đã được khắc phục tích cực. Các cơ sở đào tạo nghề chuyển sang đào tạo theo yêu cầu, nhu cầu của doanh nghiệp, theo nhu cầu của người lao động, gắn đào tạo với thực hiện tuyên truyền, tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho LĐNT.
Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến nay toàn tỉnh đã tổ chức đào tạo nghề cho khoảng 40.000 LĐNT, trong đó 38% học nghề nông nghiệp, 62% học nghề phi nông nghiệp. Người dân nhận thức sâu sắc hơn về mục đích học nghề, từ chỗ học theo phong trào, học để nhận tiền hỗ trợ, chuyển sang học để nắm bắt KHKT áp dụng vào sản xuất để có năng suất, thu nhập cao hơn; học để có kiến thức, kỹ năng tìm được việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp, học để giảm nghèo bền vững và thậm chí học để làm giàu.
Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, trên 86% sau học nghề có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn; trên 24% được doanh nghiệp tuyển dụng; 21,4% tổng số hộ nghèo có người tham gia học nghề có việc làm và thoát nghèo, nhiều hộ nghèo trở thành hộ khá, hộ giàu, đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.
Những kết quả trong công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho nông dân đã góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu lao động; tỷ trọng lao động nông, lâm nghiệp, thủy sản trong tổng số lao động toàn tỉnh giảm. Cơ cấu sản xuất nông nghiệp chuyển biến tích cực trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng, miền, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng hiện đại, giá trị gia tăng cao, bền vững.
Công tác đào tạo nghề cũng góp phần quan trọng phát triển các loại hình kinh tế tập thể, hợp tác xã thông qua các hình thức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo ra nhiều công ăn việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân và đóng góp tích cực vào sự thành công trong xây dựng NTM. Nhiều địa phương đã tập trung đào tạo nghề phục vụ phát triển các sản phẩm dịch vụ có lợi thế so sánh với các địa phương khác nhằm tạo ra các sản phẩm có giá trị cao. Qua đó đã góp phần quan trọng trong việc hình thành các hình thức sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, thực tiễn cho thấy công tác đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại, hạn chế. Việc dự báo nhu cầu về các ngành, nghề cần đào tạo trên thị trường gắn với nhu cầu phát triển địa phương, công tác hỗ trợ việc làm và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chưa tốt. Hiệu quả đào tạo nghề cho LĐNT không đồng đều giữa các địa phương. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp mặc dù phát triển nhanh, nhưng số đơn vị không tham gia hoặc tham gia rất ít dạy nghề cho LĐNT. Một số đơn vị không được đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo nghề hoặc đầu tư rất ít, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo nghề cho LĐNT. Chính sách hỗ trợ đào tạo còn thấp và chưa được điều chỉnh kịp thời so với sự biến động của giá cả. Định hướng nghề nghiệp và giải quyết việc làm khi kết thúc khóa học cho người lao động học nghề chưa được quan tâm thỏa đáng; người lao động phát huy được hiệu quả sau đào tạo, phần lớn là tự tạo việc làm...
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong giai đoạn 10 năm tới, nhất là những tác động mạnh mẽ của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, hội nhập quốc tế, sự phát triển KHCN và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Để thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh đặt ra yêu cầu phải đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho nông dân và cư dân để giúp người nông dân chuyển từ sản xuất nông nghiệp truyền thống thành người nông dân hiện đại, có kỹ năng nghề nghiệp phù hợp, vừa hiểu biết về KHKT, đồng thời hiểu biết về kinh tế thị trường, sản xuất theo chuỗi giá trị và các kỹ năng mềm cũng như có ý thức bảo vệ môi trường để phát triển bền vững...
Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 lao động trong ngành dịch vụ chiếm 49,25%; nông, lâm, ngư nghiệp 22,11%; công nghiệp - xây dựng 28,64%. Để nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề cho LĐNT trong tình hình mới, theo ông Vũ Quang Trực, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, đơn vị tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về công tác dạy nghề và giải quyết việc làm cho vùng nông thôn và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đẩy nhanh phát triển sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng sản xuất hàng hoá, tập trung tăng giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp. Đồng thời tuyên truyền thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân và loại hình doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm tạo ra nhiều việc làm cho LĐNT; đổi mới phương pháp đào tạo nghề cho LĐNT, không đào tạo tràn lan, mà phải phù hợp với nhu cầu của từng địa phương; đẩy mạnh liên kết nhà nông, nhà doanh nghiệp và nhà trường để đào tạo nghề, nhằm hướng vào những lao động và doanh nghiệp ở nông thôn có nhu cầu…
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()