Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 09:08 (GMT +7)
Tự hào trí tuệ lao động Vùng mỏ
Thứ 4, 25/01/2023 | 13:27:08 [GMT +7] A A
Trên quê hương Vùng mỏ - chiếc nôi của phong trào công nhân cả nước đã sản sinh ra những người con ưu tú. Họ là những cán bộ, công nhân, viên chức lao động đã và đang dành tất cả tâm huyết, trí tuệ, cống hiến cho Đất mỏ anh hùng.
Lao động là sáng tạo
Anh Phạm Thành Công, Trưởng Phòng Kỹ thuật công nghệ mỏ, Công ty CP Than Hà Lầm - TKV, đã gần 20 năm làm mỏ. Với rất nhiều sáng kiến độc đáo nảy sinh trong quá trình làm việc trong lòng đất, anh đã được nhận Bằng khen của UBND tỉnh, Bằng Lao động sáng tạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam, Huy hiệu Thợ mỏ vẻ vang.
Giá trị làm lợi 33,6 tỷ đồng là kết quả mang lại của sáng kiến “Nghiên cứu, chỉ đạo lập biện pháp và chỉ đạo thi công khấu vượt phay lò chợ cơ giới hóa 7-3.1 vỉa 7 công suất 1,2 triệu tấn/năm đảm bảo an toàn, hoàn thành kế hoạch sản lượng TKV giao” của anh Phạm Thành Công gần đây. Đây là sáng kiến có giá trị làm lợi “khủng” nhất ngành Than đăng ký tham gia chương trình “75.000 sáng kiến - vượt khó - phát triển” do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động.
Theo anh Công, sáng kiến này xuất phát từ thực trạng điều kiện địa chất khu vực phức tạp, quá trình khai thác gặp nhiều khó khăn ảnh hưởng tới tiến độ, năng suất, sản lượng khai thác. Lò chợ phải khoan nổ mìn, cắt đá nên tiến độ chậm, sản lượng thấp, tốn nhiều chi phí cắt đá và hao tổn sức lực của người thợ nên chỉ đạt trung bình 40.000-45.000 tấn/tháng, trong khi kế hoạch là 70.000 tấn/tháng, sản lượng dự kiến hết năm chỉ đạt 738.000 tấn than.
Sau khi nghiên cứu tài liệu địa chất trong khu vực và phía trước lò chợ cơ giới hóa 7-3.1 khu I vỉa 7, anh Công đã đề xuất giải pháp đào cải tạo lò thông gió lò chợ 7-3.1 phần nóc bốc cao hơn 1,5-2m với lò thông gió cũ, kết hợp điều chỉnh dốc độ khấu lò chợ theo hướng dốc, theo phương để lò chợ dẫm lên lớp đá phay trong lòng chợ, đưa lò chợ về trạng thái giảm cắt đá để tăng năng suất lao động. Đồng thời kết hợp với trắc địa, địa chất cập nhật dốc độ và điều kiện địa chất hàng tuần để chỉ đạo công trường đang khai thác lò chợ khấu vượt lớp địa chất toàn đá ấy.
Sáng kiến này đã được lãnh đạo công ty đánh giá cao về tính thực tiễn, đặc biệt có thể áp dụng đối với các lò chợ cơ giới hóa trong công ty cũng như trong Tập đoàn khi lò chợ gặp phay phá, cắt đá. Đây cũng là giải pháp lần đầu áp dụng để khấu lò chợ cơ giới hóa khống chế độ dốc theo phương tại công ty cũng như trong toàn TKV. Nhờ đó, sản lượng than tăng dần, đạt 858.000 tấn than.
Sau tất cả những thành công, khi được hỏi về bí quyết của mình, anh Công chỉ cười: "Đó là bởi tình yêu với mỏ".
Nhắc đến Gốm Đất Việt, ai cũng biết đây là cái nôi của các phong trào sáng kiến, sáng tạo với những trí tuệ lao động tiêu biểu của Vùng mỏ. Trong chương trình "1 triệu sáng kiến, nỗ lực vượt khó sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19" do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động, CBCNLĐ công ty đã có nhiều sáng kiến tham gia với giá trị làm lợi hàng tỷ đồng.
Tiêu biểu như sáng kiến “Sáng chế hệ thống nạp khay ngói mộc đơn động vào kệ ngói tự động” có giá trị làm lợi trên 1 tỷ đồng/năm của anh Vũ Lương Hưng, Phó Quản đốc Phân xưởng Cơ điện, Công ty CP Gạch ngói Đất Việt.
Trong thực tế, rất nhiều mô hình sản xuất sản phẩm có dạng tấm như ngói, gạch hoặc các cấu kiện xây dựng tương tự được thực hiện theo cách thức thủ công có sử dụng một số máy bán tự động. Công nhân phải bốc khay ngói mộc từ máy ngói 13PV lên kệ đơn, thao tác bốc khay ngói mộc rất nhiều sức, một ngày một công nhân bốc phôi đạt khối lượng 30 tấn/công. Việc người lao động bốc khay ngói mộc thủ công không mang dáng dấp công nghiệp, không hiện đại hóa, không giải phóng sức lao động của công nhân.
Với kinh nghiệm, kiến thức của bản thân và sự hỗ trợ của đồng nghiệp, anh Vũ Lương Hưng đưa ra giải pháp hệ thống nạp khay ngói đơn động vào kệ ngói tự động theo sáng chế đã giúp đảm bảo được chất lượng nạp khay ngói có ngói mộc ổn định với công suất nâng cao; hoàn toàn tương thích và phù hợp khi triển khai kết nối với các hệ thống, thiết bị sẵn có.
Ngoài việc được thưởng lớn, sáng kiến của anh Hưng cũng được công khai trên “Bảng vàng” sáng kiến của công ty, khẳng định sự trân trọng trí tuệ, sức sáng tạo của mỗi lao động tại Công ty CP Gạch ngói Đất Việt, đồng thời là một trong 10 sáng kiến của công ty đang được đề nghị tặng Bằng Lao động sáng tạo và đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ cấp Bằng độc quyền về giải pháp hữu ích.
Mang đến những mùa xuân
Những năm qua, Quảng Ninh nói riêng đang phải gồng mình chống lại ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Khẳng định vai trò của mình, đội ngũ CBCNVCLĐ Vùng mỏ đã phát huy tâm sức, trí tuệ để cùng quê hương vượt qua gian khó.
Đã có rất nhiều sáng kiến, giải pháp của CBCNVCLĐ ra đời từ những khó khăn để góp phần xây dựng đơn vị, doanh nghiệp, quê hương phát triển; để mang đến những mùa xuân của tương lai và hy vọng. Đặc biệt từ chương trình “75.000 sáng kiến - vượt khó - phát triển”; chương trình "1 triệu sáng kiến, nỗ lực vượt khó sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19" do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động, tỉnh Quảng Ninh đã có hơn 10.000 sáng kiến đăng ký tham gia và luôn đứng trong top 15 tỉnh, thành phố đầu tiên có nhiều sáng kiến đăng ký nhất của cả nước. Các sáng kiến đều có ý nghĩa về kinh tế, xã hội với tổng giá trị làm lợi hàng chục tỷ đồng.
Các chương trình, phong trào thi đua phát huy trí tuệ lao động Vùng mỏ đã thực sự tạo nên bầu không khí thi đua sôi nổi, thiết thực và hiệu quả. Các sáng kiến, giải pháp cải tiến kỹ thuật đưa vào sản xuất, quản lý đã góp phần tăng năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, giảm nhân lực, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao mức độ an toàn và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về đẩy mạnh cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa và cách mạng công nghiệp 4.0, mang lại hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh. Qua đó, khơi dậy tinh thần tận tâm cống hiến, phát huy trí tuệ lao động của đội ngũ CBCNVCLĐ Vùng mỏ trong hành trình làm nên những mùa xuân tươi đẹp.
Thanh Hằng
Liên kết website
Ý kiến ()