Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 00:07 (GMT +7)
Phát huy thế mạnh du lịch miền núi, biên giới, hải đảo
Thứ 2, 02/10/2023 | 13:36:46 [GMT +7] A A
Thời gian qua, các địa phương trong tỉnh, nhất là khu vực miền núi, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chú trọng thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với phát triển du lịch nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh mỗi vùng, miền.
Bình Liêu được thiên nhiên ưu đãi với khí hậu ôn hòa, mát mẻ; phong cảnh miền núi, biên giới tươi đẹp và có nhiều danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử, như: thác Khe Vằn, đình Lục Nà, cây đa lịch sử Lục Hồn, núi Cao Ba Lanh, núi Cao Xiêm, thác Khe Tiền, thác Sông Moóc A cùng nhiều lễ hội truyền thống… Cộng đồng các dân tộc Bình Liêu có sự giao thoa và ảnh hưởng nhau về phong tục, tập quán, sinh hoạt - điều đó đã tạo bề dày văn hóa phong phú, đa dạng, mang đậm bản sắc riêng... Để phát huy hiệu quả thế mạnh địa phương, huyện Bình Liêu tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch, công bố quy hoạch, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến đầu tư cho lĩnh vực du lịch… Bên cạnh nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư vào địa bàn, người dân địa phương cũng đổi mới tư duy, chủ động phát triển dịch vụ, du lịch...Đa dạng các sản phẩm du lịch huyện Bình Liêu đã trở thành điểm đến yêu thích của nhiều du khách. Hiện huyện đang tập trung triển khai Kế hoạch tổng thể thực hiện Đề án ''Phát triển du lịch bền vững gắn với giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội huyện Bình Liêu đến năm 2030”; tổ chức triển khai xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa người Sán Chỉ tại bản Lục Ngù, xã Húc Động và Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa người Dao tại bản Sông Moóc, xã Đồng Văn. Đồng thời, chuẩn bị các hoạt động phát triển du lịch mùa thu, đông và các điều kiện cần thiết cho chuỗi hoạt động của Tuần Văn hóa – Du lịch, Hội mùa vàng năm 2023... Huyện phấn đấu đến năm 2030, thu hút trên 800.000 lượt, trong đó khách lưu trú đạt trên 350.000 lượt...
Tại TP Móng Cái, cùng với phát triển mạnh kinh tế biên mậu, thành phố cũng tăng cường các giải pháp bảo tồn, tôn tạo, phát huy hiệu quả giá trị các di tích lịch sử văn hóa, tâm linh nhằm thu hút du khách, như: Đền Xã Tắc, chùa Linh Sơn, chùa Vạn Linh Khánh, chùa đá Xuân Lan, đình Trà Cổ, đình Vạn Ninh, đình Dân Tiến. Cùng với những lễ hội dân gian truyền thống, gần đây thành phố có thêm những lễ hội văn hoá mang màu sắc hiện đại thu hút đông du khách, như: Lễ hội Móng Cái chào hè, Lễ hội Hoa sim biên giới, Hội chợ quê tại phố đi bộ Trần Phú... Dịp Quốc khánh 2/9 vừa qua, tại TP Móng Cái đã diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Thu Đông 2023. Hội chợ được tổ chức hấp dẫn, đa dạng với 200 gian hàng, giới thiệu, quảng bá 1.150 sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu, đặc sản vùng miền và sản phẩm OCOP của các tỉnh, thành phố cả nước. Trong đó, 70 gian hàng của 13 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Quảng Ninh và trên 130 gian hàng của 36 tỉnh, thành phố, tổ chức xúc tiến thương mại, hiệp hội ngành hàng trên cả nước.
Anh Ngô Quốc Thịnh (du khách đến từ tỉnh Thanh Hoá) cho biết: Trước đây, đi du lịch Quảng Ninh thì chúng tôi thường chỉ ở Hạ Long. Nhưng gần đây, đường sá đi lại thuận tiện, nhất là có tuyến cao tốc nên việc di chuyển đến các địa phương rất thuận lợi. Kỳ nghỉ này, gia đình tôi chạy cao tốc thẳng Móng Cái du lịch và còn mua được nhiều sản phẩm độc đáo tại Hội chợ OCOP; được xem triển lãm các mô hình, ấn phẩm, hiện vật giới thiệu thành tựu của Móng Cái và các danh thắng của Quảng Ninh…Du lịch biển đảo cũng đang là thế mạnh thu hút đông du khách đến với Quảng Ninh. Cùng với nhiều địa phương, huyện Cô Tô cũng đang hướng tới du lịch không mùa vụ. Nhiều đơn vị kinh doanh du lịch mạnh dạn xây dựng nhiều loại hình, điểm du lịch mới. Đặc biệt, gần đây, trên địa bàn Cô Tô đã có một số đơn vị du lịch chuyên nghiệp triển khai tour du lịch lặn biển, khám phá hệ sinh thái biển tại các điểm Vụng Tròn, hòn Chim, hòn Ông Tích thuộc xã Thanh Lân. Các tour lặn biển dù mới được đưa vào khai thác, song đã tạo được sức hút đối với rất nhiều du khách đến Cô Tô... Ngoài ra, huyện còn duy trì tổ chức lễ thượng cờ bên tượng đài Bác Hồ vào sáng thứ 7 hằng tuần để khách du lịch tham gia. Đây là những hoạt động góp phần hút du khách đến với Cô Tô - vùng đảo tiền tiêu của Tổ quốc.
Để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương, hiện nhiều địa phương miền núi, biên giới của tỉnh chủ động đưa ra nhiều giải pháp phát triển mạnh lĩnh vực du lịch, dịch vụ gắn với duy trì và phát huy bản sắc văn hóa của mỗi vùng miền, trong đó chú trọng xây dựng các sản phẩm OCOP, tạo thương hiệu riêng cho mỗi địa phương. Đến nay, toàn tỉnh có 336/569 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên của 219 cơ sở sản xuất kinh doanh, trong đó vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo có 76 sản phẩm tham gia chu trình của 76 cơ sở, với 62 sản phẩm đạt từ 3 sao; 14 sản phẩm đạt 4 sao. Từ năm 2021 đến nay, Sở Công Thương tổ chức 41 chương trình xúc tiến thương mại; tổ chức và tham gia 14 chương trình hội chợ, hội nghị trong và ngoài tỉnh; hỗ trợ cung cấp thông tin về 70 chương trình xúc tiến thương mại ngoài tỉnh đến các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất. Đồng thời, tiếp tục duy trì tốt hoạt động của 47 chợ nông thôn trên địa bàn tỉnh. Ban Dân tộc tỉnh còn phối hợp với Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Uỷ ban Dân tộc) tiếp tục tham mưu thực hiện thí điểm dự án “Trung tâm kết nối giao thương thương mại, du lịch và quảng cá sản vật vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”. Ngoài ra, Sở KH&CN tiếp tục triển khai 25 nhiệm vụ KH&CN liên quan đến sản xuất, chế biến, tiêu thụ, nâng cao năng suất lao động, giá trị gia tăng của các sản phẩm vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo.
Nguyễn Huế
Liên kết website
Ý kiến ()