Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 00:20 (GMT +7)
Phát huy thế mạnh nuôi tôm thương phẩm
Thứ 6, 04/11/2022 | 14:22:31 [GMT +7] A A
Những năm qua, TX Quảng Yên đã dành nhiều nguồn lực phát triển ngành nuôi trồng thủy sản, trong đó có con tôm thương phẩm. Thị xã dành nhiều nguồn lực phát triển con tôm thương phẩm theo hướng thâm canh, siêu thâm canh, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Đến nay, thị xã có 4.021ha nuôi tôm thẻ chân trắng, với khoảng 800 hộ nuôi.
Hộ ông Nguyễn Đức Vang (phường Tân An) là một trong những hộ đi đầu của thị xã trong chuyển đổi mô hình nuôi tôm từ quảng canh cải tiến sang nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh, áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Ông Vang cho biết: Gia đình ông nuôi tôm từ năm 1983. Sau thời gian dài nuôi tôm theo hình thức nuôi quảng canh cải tiến, đến năm 2006, được sự động viên, hỗ trợ của các ngành chức năng ở địa phương, gia đình ông mạnh dạn vay vốn chuyển đổi trên 10ha sang nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh, áp dụng công nghệ tiên tiến cho năng suất cao.
Nhờ áp dụng công nghệ tiên tiến vào nuôi trồng đã giúp tăng năng suất, thu nhập cao gấp nhiều lần. Cụ thể, trước đây 1m2 đầm của gia đình chỉ nuôi thả tối đa khoảng 100 con giống, nay có thể thả được tới 300 con; việc ứng dụng công nghệ vi sinh thay cho các sản phẩm kháng sinh, hóa chất phục vụ nuôi thủy sản... giúp chất lượng, sản lượng tôm tốt hơn qua từng năm. Thu nhập từ con tôm tăng gấp 2-3 lần so với trước, tạo việc làm cho trên 10 lao động thường xuyên.
Những năm gần đây, các doanh nghiệp và người dân nuôi tôm trên địa bàn thị xã ngày càng phát triển chuyển dịch từ phương thức quảng canh cải tiến sang hình thức thâm canh, siêu thâm canh. Các mô hình nuôi tôm thương phẩm công nghệ cao được áp dụng rộng rãi, cho năng suất trung bình hơn 10 tấn/ha/vụ, có những mô hình đạt 25-30 tấn/ha/vụ. Hiện khoảng 50 cơ sở thực hiện nuôi tôm thẻ chân trắng theo hình thức thâm canh, siêu thâm canh, áp dụng công nghệ tiên tiến trên diện tích gần 365ha, đều cho năng suất cao. Để hỗ trợ người nuôi tôm, thị xã hỗ trợ người nuôi về con giống, kỹ thuật, nguồn vốn vay.
Ông Nguyễn Hồng Hưng, Phó Phòng Kinh tế thị xã, chia sẻ: Nuôi trồng thuỷ sản hiện trở thành một trong những lĩnh vực kinh tế quan trọng của thị xã. Tuy nhiên vẫn có những hạn chế còn tồn tại, như diện tích nuôi tôm đều nằm trong vùng quy hoạch, tương lai sẽ chuyển mục đích sử dụng, phục vụ cho các dự án đầu tư chiến lược vào thị xã. Do đó, các hộ nuôi trồng thủy sản chỉ giữ sản xuất theo nguyên hiện trạng, sản xuất cầm chừng; việc đầu tư sửa chữa, nâng cấp, mở rộng quy mô sản xuất hầu như không được thực hiện.
Thị xã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của địa phương tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn hỗ trợ người dân lựa chọn những đối tượng nuôi phù hợp với cơ sở hạ tầng, điều kiện khí hậu thổ nhưỡng; chủ động phòng chống bệnh dịch, phòng chống rét, cảnh báo môi trường; thu hoạch kịp thời phục vụ nhu cầu thị trường trong và ngoài nước... Qua đó, giúp ngành nuôi tôm của địa phương phát triển ổn định, hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch và kịch bản tăng trưởng ngành đề ra. Thời gian tới thị xã phối hợp với cơ quan chuyên môn của Sở NN&PTNT tăng cường quan trắc môi trường, bệnh dịch để cảnh báo, dự báo sớm cho các cơ sở nuôi biện pháp xử lý và phòng ngừa, hạn chế rủi ro trong nuôi trồng thủy sản; chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện thủ tục hành chính về đăng ký đối tượng nuôi chủ lực theo quy định của Luật Thủy sản.
Nguyễn Chiến
Liên kết website
Ý kiến ()