Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 11/11/2024 02:21 (GMT +7)
"Phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế- xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới"
Thứ 6, 26/06/2015 | 11:24:00 [GMT +7] A A
Sáng 26/6, Đảng bộ huyện Bình Liêu đã long trọng khai mạc Đại hội đại biểu lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2015- 2020, dự và phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã đề nghị Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc huyện Bình Liêu tập trung công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện phát huy tiềm năng, lợi thế tạo ra những đột phá trong phát triển kinh tế- xã hội, gắn với đảm bảo quốc phòng an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới. Báo Quảng Ninh trân trọng đăng bài phát biểu của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tại Đại hội.
Trong không khí phấn khởi, đổi mới, thi đua lập thành tích hướng về Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của Đảng và kỷ niệm 70 năm ngày Quốc khánh 2-9, hôm nay, Đảng bộ huyện Bình Liêu long trọng tổ chức Đại hội lần thứ 27, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Đây là một sự kiện hết sức quan trọng trong đời sống chính trị của Đảng bộ, quân và dân các dân tộc huyện Bình Liêu, mảnh đất phên dậu, biên cương thiêng liêng của Tổ quốc.
Đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tặng hoa chúc mừng Đại hội. |
Về dự đại hội, thay mặt Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, tôi xin nhiệt liệt chào mừng các vị khách quý và 210 đại biểu, đại diện cho hơn 1.800 đảng viên thuộc 28 tổ chức cơ sở đảng trong toàn đảng bộ tham dự Đại hội. Thông qua các đồng chí, tôi xin gửi tới toàn thể cán bộ, đảng viên, chiến sĩ các lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc huyện Bình Liêu lời chúc tốt đẹp nhất. Chúc các đại biểu, các vị khách quý mạnh khỏe, hạnh phúc. Chúc Đại hội của chúng ta thành công tốt đẹp.
Thực hiện Chỉ thị số 36 của Bộ Chính trị, Kế hoạch số 109 của Tỉnh ủy và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Trong thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung chỉ đạo các cấp ủy đảng trong toàn Đảng bộ tỉnh triển khai đại hội theo tinh thần: Tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; đoàn kết, dân chủ, đổi mới, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân xây dựng Quảng Ninh cơ bản trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại vào năm 2020.
Huyện Bình Liêu là huyện miền núi, biên giới, trên 96% là đồng bào dân tộc thiểu số, địa phương có vị thế trọng yếu về quốc phòng - an ninh. Trong cuộc chiến tranh biên giới, Đảng bộ và chính quyền huyện Bình Liêu đã huy động hàng nghìn người tham gia bảo vệ vững chắc biên giới. Những tấm gương chiến đấu hy sinh anh dũng của các dân tộc trong huyện đã tô đậm thêm trang sử vẻ vang của Đảng bộ, nhân dân huyện Bình Liêu trong sự nghiệp chiến đấu bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, là nguồn lực tinh thần to lớn để các thế hệ tiếp bước lao động, cống hiến bảo vệ và xây dựng quê hương ngày một ấm no, hạnh phúc.
Giai đoạn vừa qua, được sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh Quảng Ninh, cùng với nỗ lực quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Bình Liêu, diện mạo và vị thế của huyện ngày phát triển, năm 2012, hoàn thành việc nâng cấp, mở rộng tuyến đường Quốc lộ 18C từ Tiên Yên đến cửa khẩu Hoành Mô và nhiều công trình hạ tầng giao thông đến các xã đã thúc đẩy mạnh mẽ giao lưu kinh tế, thương mại, kết nối nhanh Bình Liêu với các đô thị trung tâm của tỉnh để phát triển kinh tế xã hội và giao thương biên giới.
Cùng với đó năm 2014 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn với tính chất khu kinh tế đa ngành, trung tâm kinh tế, văn hóa, dịch vụ, du lịch vùng biên giới phía Bắc và định hướng hình thành đô thị tổng hợp loại 4, cửa ngõ giao lưu hoạt động, trung chuyển thương mại quốc tế đã tạo ra những tiềm năng, sức bật mới cho sự phát triển của huyện.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình trong nhiệm kỳ 2010 - 2015 đạt trên 11,7%, cơ cấu cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành dịch vụ.
Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện, an sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm, tỷ lệ hộ nghèo năm 2014 giảm xuống còn 11,16%, năm 2015 phấn đấu giảm xuống còn 8,25%; công tác xóa mù chữ, nâng cao dân trí cho các vùng đồng bào trên địa bàn được quan tâm thực hiện tốt, các giá trị văn hóa được giữ gìn và ngày càng được phát huy.
Công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở có nhiều đổi mới theo hướng hiệu lực, hiệu quả, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được cải thiện.
Huyện đã chủ động phát huy nội lực để phát triển kinh tế - xã hội, nhất là việc đã phát huy những tiềm năng lợi thế từ kinh tế rừng, từ hoạt động của Khu kinh tế cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn để thúc đẩy phát triển các ngành dịch vụ. Qua đó giải quyết được công ăn việc làm, tăng thu nhập nhân dân từ đó thu hút dân cư gắn bó sống tại khu vực biên giới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc biên giới.
Bên cạnh đó, thực hiện nhiều giải pháp phát huy điều kiện tự nhiên và bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn để phát triển văn hóa, du lịch như: Lễ hội Đình Lục Nà, Lễ hội Soóng Cọ của đồng bào Sán Chỉ, Ngày hội "Kiêng gió" của đồng bào dân tộc Dao...
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được đẩy mạnh theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa 11) gắn với thực hiện Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại Đại hội. |
Bình Liêu là một trong những địa phương đã tích cực, chủ động, sáng tạo trong việc triển khai thực hiện Đề án 25 “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế”; nhất là việc thí điểm thành công việc ghép các điểm trưởng lẻ, có ít học sinh; thực hiện thí điểm thành công đưa học sinh lớp 5 từ những điểm trường vùng cao, vùng khó khăn về điểm trường chính theo mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học. Điều đó, đã góp phần nâng cao rõ rệt hiệu lực, hiệu quả của bộ máy Đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể.
Công tác quốc phòng - an ninh, trật tự xã hội được giữ vững; công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được tăng cường, giao lưu biên giới thông qua ký kết giữa các thôn bản hai bên biên giới giữa bên Bình Liêu (Việt Nam) - Phòng Thành (Trung Quốc), góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phồn vinh.
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Bình Liêu lần thứ 26, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc huyện Bình Liêu đã đoàn kết, nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức, đạt được thành tích khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, tạo ra thế và lực để vững vàng thực hiện nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới.
Thay mặt Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, tôi ghi nhận, biểu dương những cố gắng, nỗ lực và thành tích mà Đảng bộ, quân và dân các dân tộc huyện Bình Liêu đã đạt được trong nhiệm kỳ qua.
Đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trò chuyện với các đại biểu dự Đại hội. |
Những kết quả mà Đảng bộ và nhân dân huyện Bình Liêu đạt được trong nhiệm kỳ qua là cơ bản và quan trọng, đồng thời tôi cũng đồng tình với những hạn chế, yếu kém nêu trong dự thảo báo cáo chính trị của Đảng bộ về công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị của huyện.
Tôi hoan nghênh tinh thần thẳng thắn và cầu thị đó và mong các đồng chí đại biểu hãy phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ để thảo luận, phân tích kỹ, làm rõ thêm nguyên nhân chủ quan, khách quan để bổ sung những giải pháp cụ thể, thiết thực có tính khả thi, nhằm nhanh chóng khắc phục những hạn chế, tồn tại để đưa huyện Bình Liêu ngày càng phát triển toàn diện trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, Đại hội cần tiếp tục phát huy dân chủ, dành thời gian thỏa đáng thảo luận, đóng góp ý kiến có chất lượng vào Dự thảo báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 14 và các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 12 để tổng hợp trí tuệ, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, cán bộ, đảng viên tham gia quyết định những vấn đề quan trọng của tỉnh và đất nước.
Các đại biểu dự Đại hội. |
Những năm qua, tỉnh đang tập trung mọi nguồn lực và giải pháp để hoàn thành mục tiêu cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2015; tập trung khai thác những tiềm năng, cơ hội, lợi thế của tỉnh, dồn nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, hạ tầng dịch vụ, xây dựng các khu kinh tế, khu công nghiệp làm động lực phát triển kinh tế - xã hội và lôi kéo các vùng khó khăn, miền núi đi lên.
Bên cạnh đó, Quảng Ninh cũng đang đối mặt nhiều thách thức và các yếu tố mới trước yêu cầu cạnh tranh, hội nhập. Phải tiếp tục thực hiện đổi mới hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển theo hướng bền vững, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, phát triển con người, phát triển nguồn nhân lực, nhất là những vùng miền núi khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tôi đồng tình và đánh giá cao phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu và những giải pháp chủ yếu trong nhiệm kỳ tới của Đảng bộ huyện Bình Liêu đã nêu trong Báo cáo chính trị trình Đại hội, đặc biệt các đồng chí đã thể hiện rõ quan điểm chủ động, phát huy nội lực, bám sát quy hoạch kinh tế xã hội của huyện, định hướng phát triển của tỉnh trong thời gian tới. Tại Đại hội này tôi xin gợi ý và nhấn mạnh thêm một số vấn đề để các đại biểu thảo luận, góp phần làm rõ hơn nhiệm vụ và giải pháp nhằm tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Đại hội đã đề ra.
Thứ nhất, Về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị: Tập trung thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 19 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và cụ thể hóa các nội dung đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt Đề án 25 cho Bình Liêu; trong đó, phấn đấu trong nhiệm kỳ tới cơ bản thực hiện nhất thể hóa chức danh lãnh đạo ở cấp xã theo hướng Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch HĐND hoặc UBND (trong đó, ít nhất 50% là Chủ tịch UBND).
Thực hiện thí điểm nhất thể hóa chức danh Trưởng Ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện; nghiên cứu thực hiện theo lộ trình, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương trong việc nhất thể hóa các chức danh người đứng đầu của cơ quan tham mưu, giúp việc khối Đảng với thủ trưởng cơ quan chính quyền cùng cấp (Trưởng ban Tổ chức đồng thời là Trưởng phòng Nội vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra đồng thời là Chánh Thanh tra,..).
Quan tâm và tập trung làm thật tốt công tác chính trị tư tưởng, phát huy tính chủ động, sáng tạo, vai trò tiền phong gương mẫu, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là trong đội ngũ cán bộ chủ chốt từ huyện đến xã. Tăng cường thực hiện Nghị quyết trung ương 4 (khóa 11) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Đề cao phát triển đảng đối với đội ngũ Trưởng thôn, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn, bản khu phố. Đặc biệt tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch đội ngũ cán bộ từ huyện đến cơ sở; nhất là đội ngũ cán bộ trẻ tuổi, nữ, dân tộc Dao, dân tộc Sán Chỉ, cán bộ chuyên môn quản lý các lĩnh vực phát triển kinh tế lâm nghiệp, nông nghiệp, tiêu thủ công nghiệp.
Thứ hai, Về phát triển kinh tế: Bình Liêu là địa bàn miền núi khó khăn, chưa có nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, do đó cần lựa chọn và tập trung vào những mục tiêu hết sức cụ thể, đó là tạo sự đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế về Khu kinh tế cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn và khai thác có hiệu quả điều kiện tự nhiên như khí hậu trong lành, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, đường biên giới hùng vỹ và bản sắc văn hóa truyền thống độc đáo của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn để phát triển du lịch với các loại hình: du lịch sinh thái, du lịch biên giới, du lịch cộng đồng nhằm tạo ra sản phẩm mới cho ngành du lịch Quảng Ninh, cụ thể là:
Tập trung các giải pháp phát huy những tiềm năng lợi thế của địa phương từ vốn rừng, thương mại biên mậu để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, trong đó phối hợp với Ban quản lý Khu kinh tế, các cơ quan liên quan xây dựng các cơ chế chính sách, giải pháp, huy động nguồn lực để phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn theo Quy hoạch chung xây dựng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, từng bước thu hút đầu tư, hình thành thị trường làm động lực phát triển kinh tế của huyện. Phấn đấu đưa dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện với tốc độ tăng trưởng bình quân trên 18%/năm; phấn đấu tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng bình quân trên 10%/năm.
Cùng với đó, cần tích cực phối hợp triển khai thực hiện hoàn thành việc xây dựng cầu qua cặp cửa khẩu Hoành Mô - Động Trung; đề nghị cấp có thẩm quyền nâng cấp cặp cửa khẩu Hoành Mô - Động Trung là cửa khẩu chính, nâng cấp đường tỉnh 341 kết nối Hoành Mô - Bắc Phong Sinh- Móng Cái để liên kết, trung chuyển hàng hóa tuyến biên giới, thúc đẩy phát triển thương mại, kinh tế biên mậu, dịch vụ, đồng thời tạo điều kiện để phát triển du lịch với các loại hình: du lịch sinh thái, du lịch biên giới, du lịch lễ hội cộng đồng các dân tộc.
Tiếp tục đẩy mạnh việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Phát huy vai trò chủ thể của người dân, tập trung thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để khai thác thế mạnh về trồng rừng, trồng cây hương liệu, dược liệu, trồng rau an toàn, chăn nuôi gia súc, gia cầm...
Đặc biệt, Bình Liêu là địa phương có thế mạnh về phát triển các sản phẩm đặc sản theo hướng sản xuất hàng hóa như: Miến dong, Mật ong, Dầu sở, Dong Riềng... Vì vậy, Huyện cần quan tâm xây dựng thương hiệu sản phẩm gắn với các chương trình, mục tiêu xây dựng nông thôn mới để phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, nâng cao đời sống nhân dân. Mục tiêu đến năm 2020 các xã của huyện cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới, không còn xã đặc biệt khó khăn.
Do đó, Đại hội cần đặt ra các mục tiêu, giải pháp hết sức cụ thể, thực tiễn trên cơ sở bám sát các định hướng, quy hoạch phát triển của tỉnh, ngành và của huyện để ngay từ đầu nhiệm kỳ tập trung triển khai các giải pháp, thu hút, huy động nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2015 - 2020 và những gia đoạn tiếp theo đạt được những kết quả toàn diện hơn.
Thứ ba, Về văn hóa - xã hội: Bình Liêu là địa phương miền núi, biên giới, có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 96% dân số (là địa phương có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao nhất Tỉnh và toàn quốc). Vì vậy, việc quan tâm đầu tư nâng cao đời sống văn hóa - xã hội gắn với xây dựng đời sống nông thôn mới cần phải đặt quyết tâm cao hơn nữa với mục tiêu: Phát triển kinh tế - xã hội phải gắn liền với đảm bảo quốc phòng - an ninh; tăng cường công tác bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn gắn với việc tuyên truyền, vận động xóa bỏ những phong tục, tập quán lạc hậu.
Huyện cần nắm bắt cơ hội trong bối cảnh tỉnh đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, trong đó có việc triển khai Đề án Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng và phát triển toàn diện nguồn nhân lực Quảng Ninh để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Huyện đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội và định hướng phát triển của huyện, phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 65% - 70%.
Tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo gắn với việc triển khai thực hiện Đề án theo Chỉ thị số 25 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; trong đó, quan tâm triển khai thực hiện việc đưa học sinh lớp 4, lớp 5 ở những điểm trường lẻ, vùng cao, vùng khó khăn về những điểm trường vùng thấp, vùng thuận lợi theo mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, tiết kiệm cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên. Tiếp tục quan tâm công tác xóa mù chữ cho đồng bào trên địa bàn theo lộ trình đã đề ra.
Thứ tư, Về quốc phòng - an ninh và công tác đối ngoại: Chủ động, tăng cường, triển khai các giải pháp giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là bảo vệ chủ quyền và biên giới. Làm tốt công tác đảm bảo an ninh nông thôn và vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo gắn với phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 07 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác dân tộc trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững gắn với bảo vệ vững chắc quốc phòng - an ninh tỉnh Quảng Ninh”.
Giải quyết tốt các vấn đề liên quan đến lợi ích của đồng bào dân tộc, miền núi, giao đất rừng cho người dân sinh sống gần rừng để tham gia trồng rừng ổn định cuộc sống, giải quyết kịp thời, có hiệu quả những vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự, không để xảy ra đột xuất, bất ngờ trên tuyến biên giới, tạo môi trường lành mạnh để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và cuộc sống của nhân dân.
Tiếp tục tăng cường công tác đối ngoại và ngoại giao nhân dân với hai địa phương cùng cấp của nước bạn Trung Quốc, nhằm góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, hợp tác, phát triển theo đúng quan điểm, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Tại Đại hội này, chúng ta còn có nhiệm vụ quan trọng là bầu ra Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa 27, nhiệm kỳ 2015 - 2020, bảo đảm tiêu biểu cho trí tuệ, năng lực và phẩm chất, là hạt nhân lãnh đạo thực hiện tốt các mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ 27 đề ra. Tôi đề nghị các đại biểu trong khi nhấn mạnh tiêu chuẩn, cần bảo đảm có sự hài hòa trong cơ cấu của ban chấp hành, nhằm bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng ở cơ sở, các lĩnh vực và các vị trí công tác quan trọng; có tỉ lệ thích hợp các đồng chí trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là dân tộc thiểu số; có sự kết hợp giữa ba độ tuổi nhằm bảo đảm tính liên tục, tính kế thừa của bộ máy lãnh đạo địa phương.
Việc Đại hội trực tiếp bầu Bí thư Huyện ủy là một chủ trương của Đảng ta trong quá trình phát huy dân chủ trong Đảng, phát huy quyền dân chủ trực tiếp của mỗi đại biểu dự đại hội. Vì vậy, tôi đề nghị mỗi đại biểu cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, sáng suốt lựa chọn bầu đồng chí Bí thư Đảng bộ huyện tiêu biểu về trí tuệ, đạo đức, uy tín, năng lực lãnh đạo và sự cống hiến để tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ trong nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Tôi cũng đề nghị Đại hội thảo luận, cân nhắc, lựa chọn những đồng chí tiêu biểu của Đảng bộ huyện, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc huyện Bình Liêu để bầu vào đoàn đại biểu đi dự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 14 góp phần thực hiện thành công Đại hội Đảng bộ tỉnh.
Những năm tới, bên cạnh những thời cơ và vận hội mới, chúng ta cũng tiếp tục đối mặt với những khó khăn và thách thức, đặc biệt đối với Bình Liêu, huyện miền núi khó khăn của tỉnh, điều này càng đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc huyện Bình Liêu phải nỗ lực nhiều hơn nữa, nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo, nắm vững thời cơ, phát huy truyền thống, vượt lên khó khăn thách thức thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Nghị quyết đại hội đề ra.
Với những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua và tinh thần cách mạng của đại hội nhiệm kỳ mới, tôi tin tưởng vào những thắng lợi mới của Đảng bộ, quân và dân các dân tộc huyện Bình Liêu.
Liên kết website
Ý kiến ()