Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 02:34 (GMT +7)
Phát huy tinh thần đoàn kết giúp nhau giảm nghèo
Thứ 5, 06/06/2024 | 06:12:00 [GMT +7] A A
Một trong những chỉ tiêu được Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 27/11/2023 của BCH Đảng bộ tỉnh về phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 đặt ra là: Toàn tỉnh không còn hộ nghèo và giảm 50% hộ cận nghèo theo quy định chuẩn nghèo đa chiều áp dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023-2025. Hiện nay, các cấp, ngành, đoàn thể, địa phương tiếp tục thực hiện đa dạng giải pháp để đạt mục tiêu đề ra.
Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND được HĐND tỉnh thông qua ngày 30/3/2023 quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2023-2025 về tiêu chí thu nhập tại khu vực thành thị là 2,6 triệu đồng/người/tháng, ở khu vực nông thôn là 2,1 triệu đồng/người/tháng. Đây là mức chuẩn nghèo cao hơn khoảng 1,4 lần so với quy định của Chính phủ hiện nay. Theo chuẩn nghèo của tỉnh, đến hết năm 2023, Quảng Ninh còn 246 hộ nghèo, chiếm 0,064% và 3.063 hộ cận nghèo, chiếm 0,797% tổng số hộ dân toàn tỉnh.
Để đạt mục tiêu không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo mà tỉnh đề ra, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục phối hợp với các ngành thành viên BCĐ tỉnh tuyên truyền, vận động nhân dân đoàn kết, tích cực giúp nhau giảm nghèo bền vững, gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới và phát động phong trào thi đua lao động sản xuất phát triển kinh tế - xã hội.
Hiện nay, phần lớn hộ nghèo, cận nghèo theo tiêu chí của tỉnh tập trung ở khu vực nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS... Bởi vậy, các cấp, ngành, địa phương tiếp tục vận động người dân thay đổi tư duy, nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế hộ gia đình; trong lĩnh vực nông nghiệp chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa theo quy hoạch; mạnh dạn áp dụng chuyển đổi, ứng dụng công nghệ vào sản xuất.
Đến nay, tỉnh có hơn 1.095ha nông nghiệp hữu cơ được chứng nhận VietGAP với 94 cơ sở, trên 90ha vùng trồng trọt hữu cơ, 14 vùng trồng cây ăn quả, 38 hộ chăn nuôi được chứng nhận VietGAP, 428 cơ sở áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến (GMP, SSOP, HACCP...). Trên địa bàn tỉnh còn có 46 vùng trồng đủ điều kiện cấp mã số vùng trồng sẵn sàng xuất khẩu; 7 cơ sở đóng gói, trong đó có 5 cơ sở đóng gói quả tươi và 9 công ty xuất khẩu thủy sản đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Tỉnh cũng duy trì 16 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn có xác nhận với 59 loại sản phẩm…
Các địa phương cùng tích cực vận động người dân thành lập các tổ hợp tác để cùng nhau phát triển sản xuất. Trong quý I/2024, Quảng Ninh thành lập mới 55 HTX. Hiện toàn tỉnh có gần 600 HTX, trong đó phần lớn là HTX hoạt động chủ yếu ở lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản. Nhờ đó việc tiêu thụ hàng hóa do bà con sản xuất cũng dễ dàng, thuận tiện hơn.
Ủy ban MTTQ tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở LĐ-TB&XH và các ngành thành viên vận động nhân dân tích cực tham gia các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo, gia đình khó khăn trên địa bàn tỉnh. Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, tổng số quà tặng và trợ cấp cho các đối tượng trên địa bàn tỉnh là 342.531 suất quà, với tổng số tiền 186,16 tỷ đồng.
Các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội phối hợp cùng các địa phương trong việc vận động nguồn lực tiếp tục xóa bỏ hoàn toàn tình trạng nhà tạm, nhà ở dột nát mới phát sinh cho các đối tượng là người nghèo, cận nghèo và đối tượng bảo trợ. Giai đoạn 2021-2023, bằng các nguồn lực, trong đó phần lớn là nguồn xã hội hóa, toàn tỉnh đã xây mới, sửa chữa 782 nhà ở cho người nghèo, cận nghèo và đối tượng bảo trợ.
Các sở, ngành, đoàn thể trong tỉnh tích cực hưởng ứng và triển khai các chương trình hỗ trợ hội viên, người dân giảm nghèo bền vững với nhiều mô hình phong phú. Tiêu biểu như Hội LHPN tỉnh đã xây dựng được 22 mô hình thuộc lĩnh vực kinh tế, với 492 tổ/nhóm/16.087 thành viên tham gia; nhận giúp đỡ 400 hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo; phối hợp với các đồn biên phòng hỗ trợ phụ nữ vùng đồng bào DTTS, vùng giáp biên... LĐLĐ tỉnh tổ chức hiệu quả các hoạt động thăm hỏi, tặng quà, trợ cấp cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn, bị tai nạn lao động; ủng hộ xây dựng “Mái ấm Công đoàn"… Bộ CHQS tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào “Quân đội chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau"…
Cùng với đó, các địa phương cũng chú trọng công tác giải quyết việc làm cho người lao động. Trong quý I/2024, toàn tỉnh tạo việc làm tăng thêm cho hơn 7.000 lượt lao động, đạt 23,3% kế hoạch năm.
Phong trào thi đua thoát nghèo được tổ chức rộng rãi tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, nhận được sự ủng hộ của nhân dân. Nhiều hộ dân đã phát triển sản xuất thành các gia trại, trang trại, đầu tư mua sắm máy móc, trang thiết bị có giá trị phục vụ sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm trên đơn vị canh tác, sản xuất giúp thu nhập của người dân ngày càng tăng lên. Đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 239 trang trại theo tiêu chí tại Thông tư 02/2020/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT. Thu nhập bình quân khu vực nông thôn năm 2023 của tỉnh đạt 73,9 triệu đồng/người.
Thu Nguyệt
Liên kết website
Ý kiến ()