Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 07/01/2025 06:30 (GMT +7)
Phát huy truyền thống vững bước phát triển
Thứ 3, 04/01/2022 | 16:52:49 [GMT +7] A A
Đi lên từ gian khó, qua 25 năm xây dựng, phát triển, hội nhập, tỉnh Bình Phước đã đạt nhiều thành tựu rất quan trọng, toàn diện. Đặc biệt, nhiều lĩnh vực mang tính đột phá, có bước phát triển nhanh, vượt bậc. Đây là nền tảng quan trọng cho những bước tiếp theo của một Bình Phước giàu khát vọng phát triển ở tầm cao mới, trở thành địa phương giữ vai trò động lực, tác động đến sự phát triển toàn vùng Đông Nam bộ và cả nước.
Giàu ý chí và khát vọng phát triển
Bình Phước ngày nay đã được kế thừa những điều quý giá từ tỉnh Sông Bé trong suốt chặng đường phát triển 25 năm qua. Đó là một vùng đất yên bình, giàu tiềm năng sẵn có với thiên thời, địa lợi, nhân hòa; là lòng tự hào về truyền thống cách mạng, là tình yêu quê hương, đất nước; là khát khao cháy bỏng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, nhân dân ngày càng ấm no, tự do, hạnh phúc; là sự kiên cường, dũng cảm, bản lĩnh; sự đoàn kết, thống nhất ý chí, hành động trong Đảng và nhân dân.
Kế thừa truyền thống tốt đẹp đó, Bình Phước đã bứt phá đi lên từ trái tim và khối óc, giàu khát vọng phát triển. Khó có thể kể hết khó khăn của những năm đầu mới tái lập. Bao bộn bề gian khó cả về điều kiện kinh tế và đời sống xã hội của một tỉnh biên giới, vùng sâu, vùng xa, có đông đồng bào dân tộc thiểu số; nông - lâm nghiệp chiếm hơn 70%; cơ sở vật chất kỹ thuật còn nghèo nàn, kết cấu hạ tầng thấp kém; GDP bình quân đầu người thấp nhất cả nước (2,6 triệu đồng/người/năm 1997). Trình độ dân trí thấp, tỷ lệ mù chữ và hộ nghèo cao… Có thể nói, Bình Phước năm đầu tái lập có điểm xuất phát thấp về nhiều mặt, nhiều lĩnh vực; nhắc đến Bình Phước là nhắc đến một tỉnh nghèo, tỉnh nông nghiệp…
Bứt phá đi lên
Vượt qua khó khăn, thử thách, sau chặng đường 25 năm tái lập, Bình Phước đã có sự phát triển vượt bậc, đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện. Trong quá trình phát triển, UBND tỉnh các nhiệm kỳ luôn bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và nghị quyết của HĐND tỉnh, tập trung chỉ đạo, điều hành chủ động, linh hoạt, quyết tâm thực hiện các chỉ tiêu đã đề ra.
Sau 25 năm tái lập tỉnh, cơ cấu thu ngân sách địa phương có nhiều chuyển biến tích cực, nguồn thu từ hoạt động sản xuất - kinh doanh và thương mại - dịch vụ thuộc khu vực ngoài quốc doanh đang chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu tổng thu ngân sách nhà nước. Mặc dù trong bối cảnh khó khăn chung bởi tác động của đại dịch Covid-19, kết quả thu ngân sách năm 2021 là 13.500 tỷ đồng, bằng 178% chỉ tiêu Trung ương giao và bằng 104% chỉ tiêu điều chỉnh của HĐND tỉnh giao, và đặc biệt tăng gấp 79 lần so với thời điểm mới tái lập tỉnh (năm 1997 chỉ đạt 172 tỷ đồng). Điều này chứng tỏ Bình Phước đang hướng đến mục tiêu tăng thu bền vững và phấn đấu tự cân đối ngân sách trong thời gian sớm nhất của nhiệm kỳ 2021-2025.
Năm đầu tái lập tỉnh, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 2,6 triệu đồng, đến năm 2021 đạt gần 76 triệu đồng, tăng hơn 29 lần. Đây là kết quả tốt đẹp từ sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, các tổ chức, cá nhân trong việc quan tâm chăm lo đời sống nhân dân, đặc biệt là người dân ở vùng biên giới, dân tộc thiểu số.
Nằm trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Phước đã phát huy tiềm năng, thế mạnh để tăng tốc vươn lên. Từ chỗ toàn tỉnh không có khu công nghiệp nhưng bằng chính sách ưu đãi thông thoáng, môi trường sạch, thuận lợi cho các nhà đầu tư, đến nay Bình Phước đã có 15 khu công nghiệp (trong đó có 2 khu công nghiệp nằm trong khu kinh tế cửa khẩu) với tổng diện tích 6.061 ha. Tỷ lệ lấp đầy 71,5%, có 8 khu công nghiệp đạt tỷ lệ lấp đầy trên 90%. Bình Phước đang là điểm đến của các nhà đầu tư uy tín trên thế giới (C.P. Thái Lan; Hayat Thổ Nhĩ Kỳ; Sung Ju - Samsung, Japfa…) và trong nước (Becamex IDC, Minh Hưng - Sikico…).
Nhờ bứt phá về hạ tầng, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, có sự đồng hành sát sao của lãnh đạo tỉnh, những năm gần đây, Bình Phước là điểm đến của các nhà đầu tư lớn trên thế giới. Làn sóng đầu tư vào tỉnh liên tục tăng mạnh, năm sau cao hơn năm trước. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 346 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký 3 tỷ 579,761 triệu USD. Thu hút đầu tư trong nước cũng tăng hằng năm, đến nay toàn tỉnh có 1.190 dự án với số vốn hơn 104.124 tỷ đồng.
Với phương châm “lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”, tỉnh đã tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trên tất cả lĩnh vực. Kết quả đạt được là rất phấn khởi khi có 3 lĩnh vực Bình Phước vươn lên đứng đầu cả nước vào năm 2021, đó là: 100% dịch vụ công trực tuyến được kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia, thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính về đất đai, chứng thực điện tử.
Việc chuyển đổi cơ cấu ngành trồng trọt được tỉnh quan tâm, ưu tiên tập trung trồng các loại cây công nghiệp lâu năm chủ lực của tỉnh và có giá trị kinh tế cao như: cao su, điều, cà phê, hồ tiêu, ca cao, cây ăn quả. Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch được chú trọng đầu tư và bước đầu có kết quả khả quan, góp phần chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đặc biệt, một số sản phẩm như: Hạt điều Bình Phước, hồ tiêu Lộc Ninh, nhãn tiêu da bò Thanh Lương, vùng chăn nuôi bò, dê ứng dụng công nghệ cao Bình Long, Bù Đốp, đã được cấp bằng bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý... Các mô hình hợp tác kinh tế và hợp tác xã kiểu mới gắn với chuỗi sản xuất - chế biến đem lại hiệu quả và thu nhập cao hơn cho người nông dân.
Hiện trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều cơ sở chăn nuôi lớn theo hình thức công nghiệp, hiện đại, liên kết theo chuỗi, khép kín từ chế biến thức ăn, sản xuất con giống đến chăn nuôi, giết mổ và tiêu thụ. Một số công ty, tập đoàn lớn đã đầu tư mạnh vào lĩnh vực chăn nuôi tại tỉnh, tạo ra khối lượng sản phẩm cung cấp thị trường trong nước và xuất khẩu sang các nước châu Âu và Nhật Bản... góp phần đưa giá trị sản xuất ngành chăn nuôi lên 20% trong tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp.
Những ai đã từng đến và đi qua Bình Phước những năm đầu tái lập tỉnh sẽ có sự so sánh ấn tượng về kết cấu hạ tầng, nhất là về hạ tầng giao thông qua 25 năm tái lập. Với những bước đi mang tính đột phá, hạ tầng giao thông đã được lãnh đạo tỉnh trong các nhiệm kỳ đặc biệt quan tâm, chú trọng, linh hoạt thực hiện phù hợp với điều kiện Bình Phước, hạ tầng giao thông đi trước một bước. Qua đó đã tạo được hệ thống giao thông thuận lợi, kết nối giữa Tây nguyên với các tỉnh: Bình Dương, Tây Ninh, TP. Hồ Chí Minh và kết nối TP. Hồ Chí Minh đến các nước Campuchia, Lào, Thái Lan qua Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư và giữa các địa phương trong tỉnh, tạo động lực phát triển kinh tế.
Song song với phát triển kinh tế, Bình Phước cũng chú trọng đến việc xây dựng, hoàn thiện các thiết chế văn hóa và giải quyết tốt các vấn đề xã hội. Từng được coi là địa phương có nhiều hạn chế về giáo dục - đào tạo những năm đầu tái lập, đến nay Bình Phước đã vươn lên, là một trong những tỉnh có thương hiệu về giáo dục, đào tạo nhân tài cho đất nước. Bình quân mỗi năm, tỉnh giảm 1,3% hộ nghèo (riêng năm 2021, dù tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng toàn tỉnh vẫn giảm được 2.000 hộ nghèo). Đến nay, các huyện, thị xã, thành phố đã cơ bản giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở và vấn đề tranh chấp đất đai trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các chính sách về tôn giáo, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được thực hiện tốt. Quốc phòng - an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Mối quan hệ đối ngoại rộng mở, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.
Mục tiêu và hướng đi ngày càng sáng rõ
Không trải qua gian khó, thử thách thì không biết trân quý những thành tựu đạt được. Chặng đường 25 năm qua mang lại cho Bình Phước rất nhiều thứ vô cùng giá trị. Cái lớn nhất đó là sự ổn định về chính trị, quốc phòng, an ninh tạo nền tảng vững chắc cho sự bứt phá về phát triển kinh tế, sự đổi thay tích cực về đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Bình Phước đã xác định tầm nhìn, mục tiêu sáng rõ, có khát vọng và nỗ lực vươn lên; với sự đồng lòng, quyết tâm trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thì chắc chắn sẽ thành công. Động lực căn bản và mạnh mẽ nhất không gì khác hơn chính là: trách nhiệm cao cả và tình cảm đặc biệt với “Đất và Người Bình Phước”, là sự vinh dự, tự hào của các thế hệ cán bộ được rèn luyện qua thử thách, nhất là đội ngũ cán bộ đương nhiệm hiện tại và tương lai. Tất cả vì sự bình yên, no ấm, mạnh khỏe và hạnh phúc của nhân dân.
Bài học rút ra qua 25 năm tái lập tỉnh, trước nhất đó sự đoàn kết, đoàn kết thật sự, đoàn kết trong Đảng, trong dân, mối quan hệ gắn kết giữa Đảng và nhân dân, huy động được sự đồng thuận trong xã hội tất cả vì sự nghiệp phát triển chung, vì cuộc sống nhân dân. Thứ hai là phải có tầm nhìn, tư duy đổi mới, mạnh dạn chọn lựa những bước đi phù hợp trong từng giai đoạn; có trọng tâm, trọng điểm, phải khoa học, phải thực tiễn và phải có khả năng dự báo tốt để có các giải pháp tương ứng, biến nguy thành cơ hội và vận hội hướng đến thành công. Thứ ba là phải xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp bằng hình ảnh thực tiễn sống động: Một Bình Phước anh hùng trong kháng chiến; tự tin, bản lĩnh có chí tiến thủ trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, tạo niềm tin và sự ủng hộ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành và bạn bè quốc tế. Thứ tư là tiếp tục chủ động thực hiện mục tiêu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về trí - thể - mỹ, bản lĩnh dám nghĩ, biết làm, dám chịu trách nhiệm, đủ năng lực nhận nhiệm vụ và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Bằng sự đoàn kết, bản lĩnh, sự chung sức, chung lòng của các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân toàn tỉnh, đến năm 2025, Bình Phước sẽ cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp phát triển nhanh và bền vững, có quy mô kinh tế khá trong vùng Đông Nam bộ. Đến năm 2030, trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, là điểm đến hấp dẫn, một trong những động lực phát triển của vùng Đông Nam bộ. Đến năm 2045, trở thành tỉnh phát triển, giàu mạnh, văn minh.
Theo Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền
Liên kết website
Ý kiến ()