Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 16:08 (GMT +7)
Phát huy vai trò chủ thể của nông dân
Thứ 7, 20/08/2022 | 13:58:55 [GMT +7] A A
Đổi mới kinh tế - xã hội trước hết phải bắt đầu từ nhân tố con người. Chỉ khi nền tảng văn hóa của con người sẵn sàng cho sự đổi mới về tư duy thì quá trình thực hiện mới thành công. Trong xây dựng nông thôn thôn mới (NTM), Quảng Ninh đã vận dụng hiệu quả quy luật này và đem đến nhiều thành tựu to lớn trong hơn 10 năm vừa qua. Người nông dân không chỉ thay đổi tư duy trong sản xuất, canh tác, mà còn tạo bước chuyển lớn trong việc tái cơ cấu nông nghiệp.
Trước khi xây dựng NTM, bức tranh nông nghiệp của Quảng Ninh còn nhiều hạn chế. TX Đông Triều từng là địa phương trọng điểm nông nghiệp của tỉnh, phần lớn các diện tích đất đều canh tác lúa và việc liên tục canh tác lúa mỗi năm làm cho đất đai kém màu mỡ. Đồng thời do kéo dài liên tục các vụ lúa trên diện tích rộng khiến năng suất không cao, dịch bệnh trên hoa màu cũng phát triển. Không cách nào khác, người nông dân phải tăng phân bón và thuốc trừ sâu, vì thế không chỉ ảnh hưởng đến môi trường, chất lượng sản phẩm mà chi phí của người nông dân cũng bị đội lên. Mặt khác, mức độ an toàn thực phẩm ảnh hưởng rủi ro cao hơn cho người tiêu dùng... Tình trạng trên đã lặp đi lặp lại qua nhiều năm.
Sự bế tắc về độc canh cây lúa ở Đông Triều cũng như một số loại cây trồng khác ở các địa phương được lấy làm ví dụ điển hình cho tư duy làm nông nghiệp thời kỳ trước. Vậy nên, việc Quảng Ninh triển khai xây dựng NTM đồng loạt ở tất cả các xã trên địa bàn tỉnh, chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm đã dần thay đổi thực trạng độc canh ấy.
Trên quan điểm nhất quán phải bắt đầu từ yếu tố con người, mà chủ thể là người nông dân, Quảng Ninh đã đưa ra các giải pháp đồng bộ và lấy tái cơ cấu nông nghiệp làm trọng tâm. Thay đổi tư duy, nhận thức của người nông dân, thúc đẩy họ chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp. Nghĩa là, nâng cao chất lượng, hiệu quả ở giá trị và lợi nhuận, thay vì chỉ tối đa hóa sản lượng. Đồng thời tổ chức, quy hoạch lại cơ cấu vật nuôi, cây trồng, mùa vụ... hướng người nông dân theo tầm nhìn dài hạn; không chỉ quan tâm tới lợi ích trước mắt, lợi ích bản thân mà cả lợi ích chung của cộng đồng.
Ông Nguyễn Văn Huy, Phó Chủ tịch UBND xã Việt Dân (TX Đông Triều) cho biết: Thời gian qua, Đông Triều đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng quy hoạch vùng trồng na theo quy trình VietGAP, từng bước xây dựng thương hiệu... Nhờ vậy, người nông dân đã chuyển đổi nhận thức, 100% số hộ nông dân trồng na trên địa bàn xã đều sản xuất theo quy trình VietGAP, chất lượng quả na đảm bảo, được thị trường đón nhận, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Đồng hành cùng người nông dân, các địa phương đều chủ động xây dựng vùng sản xuất tập trung; thành lập hợp tác xã, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp... Tuy nhiên, đối với các địa phương có địa hình phức tạp, đông đồng bào dân tộc sinh sống do khó thu hút doanh nghiệp đến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, vậy nên giải pháp hiệu quả nhất là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng các mô hình trên cơ sở các sản phẩm thế mạnh của địa phương và tập tục canh tác của người dân.
Xã Phong Dụ (Tiên Yên) có tỷ lệ bà con dân tộc thiểu số chiếm trên 98%. Trước xây dựng NTM hầu hết các hộ dân canh tác manh mún, nhỏ lẻ cho dù huyện cũng đã hỗ trợ nguồn vốn phát triển sản xuất, giống cây trồng...
Bước vào xây dựng NTM người nông dân trên địa bàn xã đã chuyển biến về ý thức, tư duy trong phát triển kinh tế. Anh Trần Văn Mạn, thôn Khe San, xã Phong Dụ (Tiên Yên) chia sẻ, 5 năm về trước khu đất ruộng này đất thì ít đá thì nhiều, có năm cấy 1 vụ lúa, có năm bỏ hoang. Được cán bộ xã vận động, tôi đã đắp ao nuôi cá. Năm đầu tiên thu gần 100 triệu đồng trừ mọi chi phí, giờ đây cả thôn tôi có hơn chục hộ đã chuyển sang đắp ao nuôi cá nên mọi gia đình rất vui vì có thu nhập cao.
Rõ ràng gốc rễ của tái cơ cấu trong nông nghiệp trước hết là sự thay đổi văn hóa, nhận thức và các giải pháp để giảm rủi ro cho người nông dân. Năm 2017, anh Trương Thế Đô, thôn Đông, xã Dực Yên (Đầm Hà) quyết định chuyển toàn bộ gần 2.000m2 đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây dưa lưới theo hình thức nhà màng. Đây được cho là quyết định táo bạo vì khi đó gia đình anh không chỉ khó khăn về kinh tế, mà kiến thức canh tác còn rất nhiều hạn chế. Nhưng từ chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm, sự nỗ lực của bản thân, đến nay gia đình anh đã tự bỏ tiền mua thêm đất và mở rộng diện tích trồng cây dưa lưới lên hơn 7.000m2 và thành lập hợp tác xã.
Từ những chính sách cụ thể của tỉnh cộng với quyết tâm đổi mới tư duy, nhận thức của người nông dân, ngoài ra, Nghị quyết 06 ngày 17/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, dân tộc, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 sẽ tiếp tục khơi dậy sức mạnh của chủ thể “người nông dân”, góp phần tích cực trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Quảng Ninh thời gian tới. Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh cho biết thêm.
Phạm Hải
Liên kết website
Ý kiến ()