Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 07:45 (GMT +7)
Phát huy vai trò của người uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở tỉnh Quảng Ninh Bài 2: Tạo điều kiện để người có uy tín thực sự là lực lượng nòng cốt trong cộng đồng
Thứ 4, 29/05/2024 | 09:41:05 [GMT +7] A A
Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 Hội nghị lần thứ Bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về công tác dân tộc đã nêu rõ: “Có chính sách động viên, bồi dưỡng, hướng dẫn và phát huy vai trò của những người có uy tín trong đồng bào dân tộc trong việc thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ở các địa bàn dân cư vùng dân tộc và miền núi”. Điều đó cho thấy người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đã phát huy, khẳng định vai trò là lực lượng nòng cốt, là cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân, vận động đồng bào các dân tộc chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Họ được coi là lực lượng quần chúng đặc biệt, là điểm tựa của đồng bào dân tộc thiểu số.
Để đảm bảo xây dựng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh phát triển bền vững trên mọi lĩnh vực, với phương châm không để ai bị bỏ lại phía sau, Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Quảng Ninh xây dựng Đề án tổng thể phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng- an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh, trình Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 về Phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng- an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết ra đời là chủ trương của cấp ủy Đảng trên địa bàn tỉnh đã rất phù hợp lòng dân trong thời đại mới, thể hiện ý chí quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị ở tỉnh trong việc đưa vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo phát triển nhanh, bền vững, tiến sát với vùng đô thị ở trình độ phát triển và mức hưởng thụ các chỉ số hạnh phúc của người dân.
Tỉnh Quảng Ninh đã ưu tiên dành cơ chế, nguồn lực tập trung cho việc phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Do đó, diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có nhiều đổi mới, cơ sở hạ tầng các xã đồng bào khó khăn, xã vùng khó khăn từng bước được đầu tư, cải thiện, các chính sách an sinh xã hội được bảo đảm, chương trình giảm nghèo đạt nhiều kết quả tích cực; đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao; nếp sống văn hóa được duy trì, nhiều phong tục tập quán tốt đẹp được giữ vững; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, chủ quyền an ninh biên giới được bảo vệ vững chắc.
Nhận thức rõ điều đó, thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh ban hành các văn bản hướng dẫn các sở, ngành, địa phương định kỳ và hàng năm tổ chức bình chọn xét, công nhận người có uy tín được thực hiện đúng theo quy trình ở 4 cấp. Mười năm qua, trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Ninh đã có 6.525 lượt người có uy tín được UBND tỉnh công nhận.
Bên cạnh đó, người có uy tín trên địa bàn tỉnh luôn nhận được quan tâm thăm hỏi, tặng quà dịp tết, hỗ trợ vật chất và động viên tinh thần, đã tổ chức các cuộc thăm hỏi, tặng quà, động viên người có uy tín nhân dịp Tết Nguyên đán, những khi gặp khó khăn, hoạn nạn. Thường xuyên cấp phát định kỳ 2 loại báo: Báo Quảng Ninh và Báo Dân tộc và Phát triển cho người có uy tín trên địa bàn tỉnh. Tổ chức các hội nghị phổ biến, cung cấp thông tin, với hàng nghìn lượt người có uy tín mỗi năm tham gia. Bên cạnh đó, định kì tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, an ninh - quốc phòng, kỹ năng tuyên truyền, vận động và tặng các bằng khen và giấy khen cho người có uy tín.
Công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin, kiến thức cho người có uy tín luôn được các cơ quan, đơn vị, địa phương đặc biệt quan tâm để không ngừng phát huy vai trò của người có uy tín. Hệ thống các phương tiện thông tin đại chúng phát huy vai trò tuyên truyền rộng rãi các chế độ, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để đội ngũ người có uy tín được cập nhật thường xuyên, có kiến thức, thông tin để tuyên truyền, vận động nhân dân trong cộng đồng thôn, bản thực hiện tốt các quy định của Đảng và Nhà nước. Thường xuyên truyền thông các gương người tốt, việc tốt trong đồng bào các dân tộc vùng miền núi, biên giới, hải đảo để tạo sức lan tỏa, nhân rộng điển hình trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh. Hằng năm tỉnh đều tổ chức Hội nghị biểu dương người có uy tín tiêu biểu trong cộng đồng dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Nhiều tấm gương người có uy tín: Nói - dân tin, làm - dân theo
Trong việc vận động phát triển kinh tế - xã hội, người có uy tín ở các địa phương đã gương mẫu đi đầu thực hiện các mô hình sản xuất, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn vay, giống cây trồng, vật nuôi được nhà nước hỗ trợ, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao, phát triển các mô hình làm kinh tế, không những làm giàu cho gia đình mà còn hỗ trợ, giúp đỡ nhiều hộ thoát nghèo thông qua việc hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật, giúp nhiều hộ thoát nghèo vươn lên làm giàu. Tích cực vận động nhân dân phát triển các mô hình kinh tế, tổ chức lại sản xuất, cải tạo vườn đồi, nhận đất rừng, tăng diện tích cây trồng, tham gia triển khai thực hiện chương trình “Chung tay vì cộng đồng - Bò giống giúp người nghèo biên giới”, hỗ trợ xi măng giúp đồng bào vùng biên giới Việt - Trung cải thiện nhà ở các công trình phụ trợ tại các huyện Hải Hà, Bình Liêu, Ba Chẽ, thành phố Móng Cái... Tiêu biểu như: Ông Chíu Sồi Thoòng - người có uy tín thôn Tàu Tiên, xã Đồn Đạc; bà Chíu Thị Hai - người có uy tín thôn Nà Làng, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ đi đầu trong xây dựng mô hình phát triển kinh tế, đặc biệt là mô hình trồng Thanh long ruột đỏ, Ba kích tím, Tre Mai... đem lại hiệu quả kinh tế cao; ông Trương Văn Hà - người có uy tín thôn Đồng Vang, xã Sơn Dương, huyện Hoành Bồ (nay là thành phố Hạ Long) tích cực phát triển kinh tế làm giàu cho gia đình bằng mô hình nuôi lợn rừng, nuôi cá; ông Tằng Văn An - người có uy tín thôn 1, xã Tiến Tới, huyện Hải Hà là tấm gương sáng xây dựng mô hình nuôi bò; ông Lý Đức Bảo - người có uy tín thôn Hợp Thành, xã Phong Dụ thực hiện hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phát triển kinh tế; ông Mạ Dì Nồng - người có uy tín thôn Bản Chuồng, xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu triển khai hiệu quả các mô hình chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình và nhiều điển hình tiêu biểu khác.
Người có uy tín của tỉnh đã phát huy tốt vai trò nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi tích cực hưởng ứng, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; trong việc vận động bà con hiến đất và bản thân tự nguyện hiến đất để xây dựng đường giao thông nông thôn, kênh mương thủy lợi, nhà văn hóa và các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tiêu biểu như: Ông Hồ Sìu Phúc, dân tộc Dao, thôn Nà Thống, xã Quảng An, huyện Đầm Hà vận động 9 hộ hiến 4.000m2 đất để làm đường, rãnh thoát nước, kênh mương tưới tiêu thực xây dựng nông thôn mới, vận động 2 gia đình ông Chìu Tắc Sằn và ông Lý Mộc Sáng tự nguyện hiến 1.000m2, thu dọn cây trồng để làm đường đi lại giữa hai thôn Nà Thống và Làng Ngang; ông Đàm Văn Sáng - người có uy tín thôn Phá Lạn, xã Thanh Lâm, huyện Ba Chẽ vận động nhân dân tích cực xây dựng nông thôn mới, gia đình đã hiến 200m2 đất để xây dựng tuyến đường nội thôn; ông Đặng Đức Thắng - người có uy tín thôn 3, xã Quảng Thịnh, huyện Hải Hà tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất, hoa màu tham gia thực hiện tiêu chí đưa thôn 3 ra khỏi diện đặc biệt khó khăn và hưởng ứng phong trào thi đua “Phấn đấu đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135, giai đoạn 2017 - 2020”; ông Triệu Sinh Kim - người có uy tín thôn Khe Ốn, xã Thanh Lâm, huyện Ba Chẽ vận động nhân dân hiến cây, hiến đất xây dựng nông thôn mới ở tuyến đường vào thôn Làng Mới; ông Triệu Văn Sáng - người có uy tín thôn Thìn Thủ, xã Quảng An, huyện Đầm Hà tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất, hoa màu tham gia thực hiện tiêu chí đưa các thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn.
Chăm lo xây dựng và phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số
Hiện nay, xu thế toàn cầu hóa, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ và thông tin đem lại nhiều cơ hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và người có uy tín nói riêng trong hoạt động giao lưu kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội... giữa các vùng, miền. Đồng thời, cũng đặt ra nhiều thách thức, tác động chi phối, ảnh hưởng từ bên ngoài đến tư tưởng, tình cảm, tâm lý dân tộc, các hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội... ảnh hưởng đến sự ổn định, phát triển của vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, người có uy tín nói riêng. Ở các vùng cao, biên giới của tỉnh các thế lực thù địch đang tìm mọi thủ đoạn để lợi dụng vấn đề dân tộc nhằm can thiệp, thực hiện âm mưu chia rẽ dân tộc, nhất là chia rẽ các dân tộc thiểu số với người Kinh, chia rẽ nhân dân các dân tộc với Đảng, Nhà nước; phá vỡ sự ổn định chính trị - xã hội và khối đại đoàn kết dân tộc.
Trong tình hình hiện nay, để phát huy vai trò, ảnh hưởng của đội ngũ người có uy tín thực sự là những người tiêu biểu, gương mẫu, là điểm tựa cho mọi điểm tựa khác trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị của tỉnh cần quan tâm xây dựng, thực hiện đồng bộ và quyết liệt một số giải pháp sau:
Thứ nhất, cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của người có uy tín và công tác vận động, phát huy vai trò của người có uy tín phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các cơ quan, ban, ngành trong tỉnh cần thường xuyên đổi mới nội dung, đa dạng, linh hoạt hình thức tuyên truyền phù hợp với đặc điểm tâm lý, môi trường hoạt động, điều kiện hoàn cảnh khác nhau của người có uy tín để huy động tốt nhất sự tham gia của họ vào các hoạt động của địa phương. Đồng thời nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, tạo sự đồng thuận trong nhận thức của cả hệ thống chính trị về vị trí, vai trò của người có uy tín trong đồng bào. Trên cơ sở thống nhất nhận thức để thống nhất trong phối hợp thực hiện hiệu quả công tác vận động, phát huy vai trò của người có uy tín phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự ở địa phương.
Hai là, công tác vận động, phát huy vai trò của người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số phải đặt dưới sự chỉ đạo thống nhất của cấp ủy, chính quyền các cấp, có sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành chức năng, trong đó cơ quan công an, dân tộc, dân vận, mặt trận làm nòng cốt.
Người có uy tín trong dân tộc thiểu số thuộc nhiều thành phần xã hội khác nhau, có người là già làng, trưởng bản, có người là cán bộ, trí thức; nhiều người có chức sắc trong lĩnh vực tôn giáo, tín ngưỡng... do đó mỗi người có thế mạnh riêng trong vận động quần chúng dân tộc thiểu số, trong phát triển kinh tế - xã hội, trong xóa đói, giảm nghèo, trong cảm hóa, giáo dục phần tử xấu, tiêu cực, chậm tiến trong xã hội... Do vậy, mỗi địa phương trong tỉnh, mỗi dân tộc và tùy theo yêu cầu cụ thể, các cấp, các ngành cần sử dụng linh hoạt các hình thức vận động, phát huy vai trò của người có uy tín trên các lĩnh vực của đời sống xã hội gắn với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của địa phương.
Thực tiễn cho thấy, nơi nào cấp ủy, chính quyền, đoàn thể quan tâm chỉ đạo, chăm lo thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người có uy tín thì nơi đó phát huy tốt vai trò tích cực của người có uy tín tham gia các hoạt động, góp phần đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống một cách thiết thực, hiệu quả. Do vậy, để phát huy vai trò của người có uy tín, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh cần tăng cường lãnh đạo, quản lý của chính quyền, huy động sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể các cấp trong thực hiện chính sách và công tác vận động, phát huy vai trò người có uy tín. Nâng cao hiệu quả phối hợp của các cơ quan chức năng có liên quan trong quản lý và tổ chức thực hiện chính sách và công tác vận động, phát huy vai trò của người có uy tín. Thường xuyên đổi mới nội dung, đa dạng, linh hoạt hình thức vận động phù hợp với đặc điểm tâm lý, môi trường hoạt động, điều kiện hoàn cảnh khác nhau của người có uy tín để huy động tốt nhất sự tham gia của họ vào các hoạt động của địa phương.
Ba là, thường xuyên quan tâm và thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách cho người có uy tín, như cập nhật thông tin, tập huấn, bồi dưỡng trang bị kiến thức; thăm hỏi, gặp gỡ, tiếp đón, tặng quà nhân các ngày lễ, tết; hỗ trợ vật chất khi ốm đau, gặp khó khăn, hoạn nạn; tham quan học tập kinh nghiệm; biểu dương khen thưởng người có uy tín tiêu biểu... bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, kịp thời, đúng người, đúng chế độ nhằm động viên người có uy tín tham gia hoạt động, phát huy vai trò của họ với cộng đồng. Tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện chính sách đối với người có uy tín.
Bốn là, chăm lo xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ ở cơ sở, nhất là cán bộ người dân tộc thiểu số nói chung, đội ngũ cán bộ làm công tác vận động người có uy tín nói riêng. Đội ngũ cán bộ làm công tác vận động người có uy tín có vai trò, vị trí hết sức cần thiết, có ảnh hưởng lớn tới hiệu quả công tác này, họ là những người thực sự có năng lực nắm bắt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kết nối Đảng và Nhà nước với người dân mật thiết hơn thông qua đội ngũ người có uy tín; có kiến thức, am hiểu về dân tộc thiểu số, phong tục, tập quán, có kiến thức về chính sách dân tộc, có kinh nghiệm và có tinh thần hy sinh, chịu đựng gian khổ, gần gũi với đồng bào dân tộc thiểu số, được người dân tin tưởng... là điều kiện rất quan trọng trong công tác vận động người có uy tín.
Bên cạnh đó, cần tăng cường cập nhật thông tin, tập huấn, bồi dưỡng trang bị kiến thức cho người có uy tín. Theo đó, các cơ quan, ban, ngành chức năng cần có kế hoạch truyền tải thông tin kịp thời, đầy đủ, có định hướng; tăng cường điều kiện để người có uy tín hoạt động. Đồng thời không ngừng trao đổi, định hướng để người có uy tín luôn nhận thức rõ vai trò của mình, thường xuyên đổi mới, nâng cao nhận thức theo sự vận động của xã hội để kịp thời thích ứng, phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò của mình với cộng đồng. Để người có uy tín thực sự là nhịp cầu gắn kết giữa ý Đảng và lòng dân.
Thực tiễn cách mạng nước ta đã khẳng định người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở bất kỳ giai đoạn nào cũng luôn có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng. Do vậy, để phát huy vai trò của lực lượng quần chúng đặc biệt này, cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh cần quan tâm chăm lo xây dựng đội ngũ người có uy tín thực sự là những người tiêu biểu, gương mẫu, là điểm tựa gắn kết giữa các dân tộc, là cầu nối giữa ý Đảng và lòng dân, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau... Sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt”.
Trần Quang Hoàng (CTV)
Liên kết website
Ý kiến ()