Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 20/09/2024 01:11 (GMT +7)
Phát huy vai trò hội thẩm nhân dân trong hoạt động xét xử của toà án
Thứ 5, 22/08/2024 | 08:44:15 [GMT +7] A A
Thời gian qua, đội ngũ hội thẩm nhân dân 2 cấp của tỉnh đã phát huy vai trò quan trọng trong công tác xét xử của tòa án, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, đảm bảo tính công bằng, khách quan của pháp luật.
Theo quy định, tại phiên tòa sơ thẩm, thành phần hội đồng xét xử gồm 1 thẩm phán và 2 hội thẩm nhân dân. Đối với những vụ án có tính chất phức tạp, nghiêm trọng thì hội đồng xét xử có thể gồm 2 thẩm phán và 3 hội thẩm nhân dân. Là những người đại diện cho tiếng nói của nhân dân trong việc giải quyết vụ án, vụ việc, chính vì vậy, trong quá trình tham gia xét xử, các hội thẩm nhân dân luôn thực hiện đúng chức năng, thẩm quyền theo quy định của pháp luật, có quan điểm rõ ràng, độc lập, góp phần cùng với thẩm phán đưa ra phán quyết đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm.
Toàn tỉnh hiện có 14 đoàn hội thẩm nhân dân. Nhiệm kỳ 2021-2026, toàn tỉnh có 267 vị hội thẩm nhân dân (cấp tỉnh 23 người; cấp huyện 244 người), trong đó có 166 người đương chức, 101 người là cán bộ hưu trí, 45 người có trình độ trên đại học, 208 người có trình độ cử nhân, đại học; 62 người có trình độ cử nhân, đại học chuyên ngành luật.
Cơ cấu hội thẩm nhân dân 2 cấp cơ bản bảo đảm tính hợp lý, phù hợp với yêu cầu xét xử các loại án theo chức năng, nhiệm vụ của tòa án, cũng như yêu cầu, đặc điểm, tình hình bảo đảm an ninh trật tự, phát triển kinh tế - xã hội. Cơ cấu hội thẩm TAND đã chú trọng lựa chọn những người thuộc các tổ chức xã hội, các đoàn thể ở địa phương.
Việc lựa chọn, giới thiệu, bầu hội thẩm nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026 của tỉnh đảm bảo số lượng và cơ bản đảm bảo chất lượng, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp cùng sự tham gia, phối hợp tích cực, chủ động, trách nhiệm của Thường trực HĐND, UBND, Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp, góp phần giúp ngành tòa án Quảng Ninh thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ xét xử.
Ngay từ đầu mỗi nhiệm kỳ, lãnh đạo TAND 2 cấp của tỉnh đã phối hợp với Trưởng đoàn Hội thẩm nhân dân xây dựng quy chế phối hợp để thực hiện mối quan hệ công tác trong xét xử; quan tâm bố trí cơ sở vật chất phục vụ công tác nghiên cứu hồ sơ, chế độ bồi dưỡng khi tham gia xét xử; quan tâm tạo điều kiện cho hội thẩm nhân dân tham gia tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ xét xử… Việc trang bị, cung cấp đầy đủ, thường xuyên cập nhật các văn bản tài liệu phục vụ cho hoạt động nghiên cứu của đoàn hội thẩm nhân dân, hội thẩm nhân dân đáp ứng nhu cầu tiếp cận, cập nhật thông tin pháp luật cần thiết nhằm nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ trong công tác xét xử.
Theo đánh giá của tòa án nhân dân tỉnh, với tinh thần trách nhiệm, các hội thẩm nhân dân đều tham gia nghiên cứu hồ sơ vụ án ngay sau khi có quyết định phân công của Chánh án; chủ động bố trí thời gian để tiếp cận, nghiên cứu hồ sơ, nắm vững nội dung vụ án, xác định các loại tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, diễn biến vụ việc, nội dung tình tiết và hệ thống các chứng cứ của vụ án, từ đó có hướng giải quyết vụ án đúng pháp luật. Đối với các vụ án có tính chất phức tạp, đã được hội thẩm nhân dân chủ động nghiên cứu kỹ lưỡng, trao đổi nghiệp vụ với thẩm phán Chủ tọa phiên tòa; thường xuyên học hỏi, nghiên cứu các kiến thức pháp luật để phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật đối với các bị cáo.
Tại phiên tòa, các hội thẩm nhân dân tích cực tham gia xét hỏi để làm rõ tình tiết của vụ án một cách khách quan, toàn diện, đầy đủ nhằm xác định sự thật, nội dung cụ thể của vụ án; chú trọng đến lời khai, phần trả lời của các bị cáo, chứng cứ do các bên đương sự cung cấp; xem xét, lắng nghe, trao đổi với các cơ quan tiến hành tố tụng khác đánh giá về các tài liệu, hồ sơ liên quan vụ án để xem xét, làm căn cứ giúp việc xét xử bảo đảm đúng pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cũng như xác định đúng vai trò, trách nhiệm của các bên đương sự hoặc bị cáo trong vụ án. Đồng thời, thông qua công tác xét xử, hội thẩm nhân dân còn làm tốt công tác giáo dục, phổ biến pháp luật tới bị cáo, nguyên đơn, bị đơn… trong vụ án.
Giai đoạn từ 18/6/2021 đến 15/3/2024, hội thẩm nhân dân 2 cấp đã tham gia xét xử đối với 8.642 vụ án các loại, trong đó có 5.675 vụ án hình sự, 691 vụ án dân sự, 433 vụ án hành chính, 1.749 vụ án hôn nhân gia đình và 94 vụ án khác.
Trong quá trình tham gia xét xử, các hội thẩm nhân dân đều tuyệt đối chấp hành nguyên tắc “thẩm phán, hội thẩm nhân dân tham gia xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”. Không có vụ án nào quan điểm của hội thẩm nhân dân khác quan điểm của thẩm phán dẫn đến phải ghi nhận ý kiến trong biên bản nghị án; không có trường hợp hội thẩm nhân dân vi phạm pháp luật trong quá trình tham gia xét xử vụ án.
Các hội thẩm nhân dân đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, hiểu biết pháp luật, thực hiện có chất lượng việc thẩm vấn cũng như tranh tụng tại phiên tòa, góp phần nâng cao chất lượng công tác xét xử, bảo đảm tính công bằng, dân chủ, khách quan cũng như bảo đảm quyền, nghĩa vụ của những người liên quan theo quy định của pháp luật.
Trần Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()