Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 00:24 (GMT +7)
Phát huy vai trò tổ chức Hội LHPN trong công tác giám sát, đề xuất các vấn đề liên quan đến phụ nữ và trẻ em
Thứ 6, 25/02/2022 | 14:00:00 [GMT +7] A A
Giám sát, phản biện xã hội, đề xuất các vấn đề liên quan đến phụ nữ và trẻ em là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Quảng Ninh thực hiện theo Quyết định 217-QÐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; là điểm nhấn nổi bật trong chương trình hành động thực hiện khâu đột phá "Nâng cao hiệu quả thực chất công tác giám sát, phản biện xã hội, tham mưu đề xuất chính sách góp phần giải quyết các vấn đề thiết thân của phụ nữ" theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII, nhiệm kỳ 2017-2022.
Từ cách làm đến kết quả ...
Hội LHPN tỉnh là tổ chức chính trị - xã hội, đại diện quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ. Phụ nữ Quảng Ninh chiếm khoảng 49,1% dân số và 46,6% lực lượng lao động toàn tỉnh. Tổ chức Hội LHPN phát triển từ tỉnh, 13 địa phương cấp huyện và 3 đơn vị trực thuộc tỉnh (Công an tỉnh, BCH Bộ đội Biên phòng, BCH Quân sự tỉnh), 195 cơ sở Hội trực thuộc huyện (trong đó 177 xã, phường, thị trấn) và 1.609 chi hội, 4.339 tổ phụ nữ trên cả tỉnh. Cán bộ Hội nhiệt tình, trách nhiệm và có kinh nghiệm trong các hoạt động phát triển cộng đồng. Mạng lưới hội viên phụ nữ rộng lớn là lực lượng mạnh mẽ góp phần không nhỏ trong xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa phương.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021, Hội LHPN tỉnh đã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện giải pháp nâng cao hiệu quả thực chất công tác giám sát, phản biện xã hội, thực hiện tốt chức năng đại diện của tổ chức Hội trong điều kiện thực hiện thí điểm mô hình Cơ quan chuyên trách tham mưu giúp việc chung khối MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh.
Ban Chấp hành Hội LHPN tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 178/KH-HPN ngày 12/4/2018 thực hiện hai khâu đột phá "Nâng cao chất lượng thực chất hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Hội LHPN các cấp nhiệm kỳ 2016-2021"; hằng năm, cụ thể hóa trong chương trình công tác trọng tâm của BCH, BTV và định hướng, hướng dẫn thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và phản biện trong các cấp Hội; bám sát thực tiễn cơ sở để đánh giá, nhận định tình hình, chủ động phát hiện, lựa chọn, đề xuất, đăng ký với Tỉnh ủy, Cơ quan Khối MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh nội dung giám sát hằng năm đảm bảo 2 yếu tố: tính đặc thù của tổ chức giới và tính thời sự liên quan đến vấn đề "nóng" của địa phương.
Cụ thể hóa khâu đột phá này thông qua việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, tăng cường sự kết phối hợp của các địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ giám sát theo chương trình của Tỉnh ủy giao; tăng cường công tác tập huấn, đào tạo bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ, phương pháp cho cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát; đẩy mạnh phối hợp giám sát nắm bắt tình hình của hội viên và nhân dân thông qua “Diễn đàn lắng nghe ý kiến hội viên phụ nữ”; định kỳ sơ kết và tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm gắn với biểu dương khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong công tác kiểm tra, giam sát, phản biện của các cấp Hội trong giai đoạn 2016-2020 để đề ra nhiệm vụ cho thời gian tới. Qua đó, hoạt động giám sát của các cấp Hội ngày càng thực chất, có chiều sâu hơn, phát huy vai trò trong việc đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho phụ nữ, nâng cao vị thế của tổ chức Hội LHPN các cấp.
5 năm qua, các cấp Hội LHPN của tỉnh đã thực hiện 996 hoạt động giám sát, riêng cấp tỉnh đã chủ trì giám sát 11 chương trình, phối hợp giám sát 32 chương trình về công tác cán bộ nữ trước kỳ Đại hội Đảng các cấp; thực hiện Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND trước kỳ bầu cử; Luật BHXH, BHYT; thực hiện chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số; thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; Nghị định 56/2012/NĐ-CP của Chính phủ; thực hiện pháp luật lao động đối với lao động nữ tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tại các đơn vị dịch vụ công thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải; an toàn thực phẩm trong các trường học có bữa ăn, bếp ăn bán trú; công tác vệ sinh môi trường; các Nghị quyết do HĐND tỉnh ban hành có liên quan đến phụ nữ, trẻ em; tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; giám sát Trung tâm hành chính công cấp tỉnh, huyện và bộ phận tiếp nhận - trả kết quả tại cơ sở,...
Đặc biệt, việc giám sát, phản biện vụ việc đơn thư khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài liên quan đến phụ nữ theo chỉ đạo của tỉnh có nhiều tiến bộ - đây là nội dung mới so với nhiệm kỳ trước. Riêng cấp tỉnh, sau giám sát đã kiến nghị 31 nội dung với Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các ngành chức năng, cấp ủy, UBND các địa phương. Nhiều nội dung kiến nghị đã được UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo các địa phương, được các cấp, các ngành, đơn vị tiếp thu, khắc phục kịp thời; 19 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại 4 phường thuộc Đông Triều và Cẩm Phả đã được hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ để thụ hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước và của tỉnh; 08 vụ việc đơn thư khiếu kiện kéo dài có liên quan đến phụ nữ, trẻ em, kiến nghị tỉnh, các ngành chức năng bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho phụ nữ, trẻ em,...
Một số kinh nghiệm và đề xuất
Thông qua hoạt động giám sát, Hội LHPN tỉnh rút ra một số kinh nghiệm. Đó là bám sát chỉ đạo, định hướng của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Tỉnh ủy để cụ thể hóa và vận dụng trong chỉ đạo, điều hành, phát huy tính chủ động của tổ chức Hội trong tham mưu lựa chọn, đề xuất nội dung chuyên đề giám sát để được Tỉnh ủy phê duyệt trong Chương trình thanh tra, kiểm tra, giám sát chung của tỉnh hằng năm, trong đó chuyên đề giám sát do Hội chủ trì phải gắn nhiệm vụ đặc thù của tổ chức và nhiệm vụ chung của tỉnh, Cơ quan Khối tỉnh theo mô hình thí điểm đặc thù của Quảng Ninh (về môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, vụ việc đơn thư kéo dài về bồi thường giải phóng mặt bằng cho phụ nữ, chính sách liên quan đến tổ chức Hội,...).
Cách thức tổ chức thực hiện phải sáng tạo, linh hoạt phù hợp yêu cầu thực tiễn, ngoài các hình thức giám sát thường xuyên, giám sát chuyên đề, tổ chức giám sát đột xuất, thường xuyên, không báo trước - cách làm này mang lại hiệu quả cao trong giám sát, phản ánh thực chất nhất về thực trạng, vấn đề phát hiện tại thời điểm giám sát, từ đó có phản ánh, kiến nghị và đề xuất đúng, trúng, hiệu quả. Phương pháp giám sát có sự linh hoạt theo thời điểm, kết hợp giám sát trực tiếp tại đơn vị được giám sát hoặc giám sát qua báo cáo, các tài liệu minh chứng của các đơn vị gửi về.
Hướng về cơ sở và sâu sát cơ sở, thường xuyên nắm chắc tình hình phụ nữ và nhân dân để có nhiều kênh thông tin phản ánh làm căn cứ giám sát đột xuất, không báo trước. Ví dụ từ việc tiếp cận phản ánh từ người dân về vấn đề ảnh hưởng môi trường của các doanh nghiệp khai thác đá trên địa bàn, thành lập tổ giám sát đột xuất các đơn vị đang khai thác, bắt đầu từ việc xuống địa bàn tiếp xúc với người dân, chụp ảnh, ghi hình hiện trạng, thu thập ý kiến bằng việc ghi âm; từ đó phát hiện vấn đề khách quan, trung thực về vấn đề giám sát từ thông tin của nhân dân, có kiến nghị với tỉnh rà soát toàn bộ doanh nghiệp khai thác đá trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm công tác bảo vệ môi trường, chấm dứt hoạt động đối với các doanh nghiệp không thực hiện cam kết BVMT,...
Tăng cường hoạt động "giám sát lại" - Giám sát thực hiện các kiến nghị sau giám sát để theo đến cùng các vấn đề đã kiến nghị từ các chuyên đề giám sát trước, với phương châm: Hội đồng hành, luôn bám, nắm, cập nhật và tổ chức các đợt giám sát lại các kiến nghị, qua đó đánh giá việc tiếp thu, mức độ tiếp thu, giải quyết của các đơn vị được giám sát, các đơn vị nhận đã kiến nghị và việc khắc phục của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Quan tâm xây dựng và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu có chuyên môn sâu, hiểu biết về chính sách pháp luật, có kinh nghiệm thực tiễn, có kỹ năng, bản lĩnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; cán bộ vừa phải nghiên cứu nhiệm vụ của tổ chức Hội vừa phải nghiên cứu chức năng, nhiệm vụ của tổ chức khác; chủ động trong phối hợp tham mưu nhiệm vụ chung và đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ công tác Hội; vừa độc lập, vừa gắn kết, phối hợp chặt chẽ với MTTQ, các tổ chức CT-XH, các ngành trong quá trình thực hiện.
Thời gian tới, nhằm phát huy hơn nữa vai trò của tổ chức Hội LHPN và nâng cao hiệu quả thực chất hoạt động giám sát, phản biện, nhất là các vấn đề liên quan đến phụ nữ và trẻ em, Hội LHPN Quảng Ninh đề xuất 5 nội dung cần quan tâm.
Đó là tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt, triển khai và vận dụng sáng tạo Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị trong các cấp Hội, theo đó, Trung ương Hội PNVN và các tỉnh, thành, đơn vị trực thuộc Trung ương thường xuyên tổ chức hội thảo, chuyên đề, tập huấn về công tác giám sát, phản biện, tham gia xây dựng đảng, chính quyền; tăng cường học tập trao đổi kinh nghiệm về cách làm hay giữa các địa phương, đơn vị; đồng thời biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện.
Nâng cao chất lượng, kết quả thực chất của công tác giám sát, phản biện xã hội của tổ chức Hội bằng những hoạt động cụ thể, hướng tới những nhóm đối tượng cụ thể để có đủ thông tin dữ liệu làm cơ sở để phối hợp xây dựng và đề xuất chính sách phù hợp đối với phụ nữ, trẻ em.
Tăng cường hoạt động giám sát đột xuất, thường xuyên, không báo trước; kịp thời phát hiện vấn đề và có kiến nghị với các cấp, các ngành, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho phụ nữ, trẻ em. Quan tâm đến hoạt động "giám sát lại" các kiến nghị, đề xuất ở các kỳ giám sát trước, qua đó rà soát đảm bảo các kiến nghị giám sát được quan tâm, tiếp thu, giải quyết kịp thời.
Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trực tiếp tham mưu nhiệm vụ giám sát, phản biện; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ trực tiếp theo dõi, phụ trách công tác giám sát, phản biện xã hội, công tác tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.
Chủ động đề xuất cấp ủy phê duyệt nội dung giám sát hằng năm vào Chương trình giám sát chung của tỉnh; cấp ủy, UBND các cấp ban hành quy định, cơ chế tiếp thu các kiến nghị sau giám sát của MTTQ và các tổ chức chính trị- xã hội.
Nguyễn Thị Vinh, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Quảng Ninh
Liên kết website
Ý kiến ()